Suy nghĩ từ một khẩu hiệu tại Manila
Khẩu hiệu của đại hội là rất quan trọng, nhất là khi đại hội có tầm cỡ lớn, nhưng chỉ mang một khẩu hiệu duy nhất.
Khẩu hiệu duy nhất của đại hội giới trẻ Công giáo toàn cầu tại Manila, Phi Luật Tân từ ngày 10 đến 15 tháng 1/1995 là “Như Cha đã sai Thầy đi thế nào, Thầy cũng sai chúng con đi như vậy” (Ga 20,21).
Khẩu hiệu trên đây là Lời Chúa. Ðây là một lời hô hào gởi đến giới trẻ Công giáo toàn cầu. Ðây cũng là một sứ điệp gởi đến Giáo Hội Phi Luật Tân nhân dịp mừng kỷ niệm 400 năm thành lập tổng giáo phận Manila và một số giáo phận khác được tổ chức trọng thể ngày 14 tháng 1/1995. Ðây cũng là một nhắc nhở gởi đến hội nghị liên hiệp các Hội đồng Giám mục Á châu diễn ra tại Manila từ ngày 10 đến 19/1/1995.
Chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã chọn khẩu hiệu này. Vì thế, cần hiểu ý Ngài về sứ mạng được sai đi. Tôi đã tìm hiểu ý Ngài nhiều nhất trong thông điệp của Ngài tựa đề: “Sứ mạng sai đi của Ðấng Cứu thế” (7/12/1990). Xin tóm tắt như sau:
Ðược sai đi để làm gì?
Ðức Kitô được Ðức Chúa Cha sai đến trần gian để công bố và thiết lập Nước Trời. Nước Trời có những đặc điểm riêng và những đòi hỏi riêng. Nó nhằm giải cứu con người khỏi mọi nỗi khổ cực của đói nghèo, bệnh tật, dốt nát, bất công, áp bức. Những giải cứu đó phải dẫn đến sự giải cứu khác sâu xa hơn, đó là giải cứu khỏi tội lỗi, để sống đạo đức, đặc biệt là sống đức ái. Qua những giải cứu này, con người được mời gọi đón nhận ơn trở về, ơn đức tin và sự sống mới. Tin vào Thiên Chúa giàu tình thương xót và sống sự sống người con Thiên Chúa. Ai càng trở về với Thiên Chúa trong sự tha thiết cầu nguyện và thực thi thánh ý Chúa Cha, người đó càng làm cho Nước Trời trong con người họ được phát triển, nhờ đó họ được cứu rỗi (Sứ mạng được sai đi của Ðấng Cứu thế, số 13).
Một Nước Trời như thế được dành cho mọi người. Ðể nhấn mạnh điều đó, Ðức Kitô đã sống gần gũi những kẻ nghèo, những kẻ khốn cùng. Người cho họ một kinh nghiệm được giải cứu, được Chúa yêu thương. Người chữa bệnh, trừ quỷ và tha thứ. Người đổi mới các quan hệ giữa con người với con người, và giữa con người với Thiên Chúa bằng cách tập trung các luật đạo vào một luật căn bản Mến Chúa yêu người. Sau cùng, để đi tới cùng con đường tình yêu, Người đã tự nguyện hiến dâng chính mạng sống mình. Nhưng rồi Người đã phục sinh, thắng vượt mọi quyền lực sự ác, chứng tỏ sức mạnh vô cùng của Thiên Chúa tình yêu. Nước Trời được hiện diện và được giới thiệu trong Ðức Kitô. Từ đó, những ai góp phần xây dựng Nước Trời cần gắn bó với Người, để có thể thành công.
Chính vì vậy, các tông đồ xưa, những kẻ được sai đi, khi rao giảng và thiết lập Nước Trời, đã luôn luôn nhấn mạnh đến biến cố Ðức Kitô. Một Nước Trời theo quan điểm các tông đồ, sẽ không phải chỉ là những giá trị căn bản của một lý tưởng hạnh phúc, mà còn phải là một sự gắn bó với Ðức Kitô, một Ðấng hữu hình là hình ảnh Thiên Chúa vô hình (Sứ mạng được sai đi của Ðấng Cứu thế, số 14-17).
Ngoài ra, kẻ được sai đi còn phải để ý đến vai trò của Hội Thánh. Bởi vì Hội Thánh được Ðức Kitô thiết lập như dấu chỉ và dụng cụ xây dựng Nước Trời. Hội Thánh giúp cho con người ăn năn trở lại, đón nhận sự sống mới. Hội Thánh thiết lập các cộng đoàn đức tin và đức ái, để phục vụ con người. Hội Thánh chia sẻ các giá trị Phúc Âm cho mọi người, bằng việc dấn thân cho các công việc công lý và hoà bình, cho các hoạt động giáo dục và từ thiện. Hội Thánh cầu nguyện và huấn luyện con người về đức tin, để họ biết đón nhận ơn Chúa. Tóm lại, Hội Thánh được Chúa ban cho những phương tiện để cứu độ và thánh hoá, nhằm xây dựng và mở rộng Nước Trời (Sứ mạng được sai đi của Ðấng Cứu thế, số 17-20).
Những điều Ðức Thánh Cha dạy trên đây cho thấy: Kẻ được sai đi có nhiệm vụ rao giảng và góp phần xây dựng Nước Trời trong Ðức Kitô, nhờ Ðức Kitô và với Hội Thánh của Ðức Kitô.
Trong chiều hướng đó, đại hội giới trẻ Công giáo toàn cầu đã được tổ chức tại Manila Phi Luật Tân, từ ngày 10 đến 15 tháng 1/1995.
Giới trẻ Công giáo được sai đi
Từ sân bay Aquino cho đến các đường phố Manila, tôi thấy khẩu hiệu Lời Chúa có mặt khắp nơi. Ðâu đâu cũng đọc được chỉ nguyên một lời “Như Cha đã sai Thầy đi thế nào, Thầy cũng sai các con đi như vậy”. Khẩu hiệu này còn được nhìn thấy trên ác cáo sơ mi đủ màu sắc, và trên các loại ảnh đeo ảnh giấy. Ði chỗ nào cũng gặp những thanh niên nam nữ đeo hoặc gắn trước ngực loại ảnh đó.
Họ đông vô kể, chia thành nhiều nhóm, họ ở nhiều nơi, sinh hoạt tại nhiều điểm. Rất ít khi họp đại qui mô. Sinh hoạt chính của họ là học hỏi giáo lý, trao đổi và tham dự thánh lễ, thời gian rảnh họ đi tham quan.
Một buổi tối nọ, tôi đang đứng giữa đám đông xem một nhóm giới trẻ Phi Luật Tân biểu diễn văn nghệ ca múa, thì một nhóm ba cô tới chào tôi. Họ tự giới thiệu họ là người Pháp. Sau vài phút làm quen, họ cho biết cảm tưởng của họ sau mấy ngày sống tại đây. Cái đã khiến họ phải suy nghĩ, đó là những gì đã gây ấn tượng. Ấn tượng đã không đến từ những bài giáo lý và những thánh lễ, nhưng đã đến từ những con người, những cảnh sống, những thái độ đối xử. Còn nhiều nghèo khổ quá. Còn nhiều cảnh chênh lệch quá lớn giữa giàu và nghèo. Nhưng lại có rất nhiều thái độ đơn sơ, chân thành, hiếu khách của người dân thường. Tiếp đó, họ chia sẻ kinh nghiệm tu đức của họ. Họ nói một cách hăng say, nét mặt hân hoan, mắt sáng rực.
Tiếp xúc với họ, tôi có cảm tưởng họ đúng là những kẻ được sai đi. Nhưng để trở thành kẻ sai đi có tinh thần tông đồ tha thiết với Nước Trời như vậy, họ đã phải được đào tạo rất kỹ lưỡng. Không phải ai cũng biết rung cảm trước những cảnh khổ đau của con người. Không phải ai cũng nghe được những tâm tình rên xiết của con người trong cảnh cô đơn cùng cực. Không phải ai cũng nhận ra được tiếng Chúa sai đi phát ra từ chính những thực tại cuộc sống bên cạnh mình.
Một lần khác, cũng giữa đám đông, tôi thoáng nhìn thấy hai anh thanh niên có cái gì là lạ. Ăn mặc khó nghèo, thái độ khiêm tốn, nét mặt rực sáng. Tôi đoán hai anh này không phải loại thường. Tôi bước lại gần, chào thăm. Ðúng. Hai anh này thuộc cùng một cộng đoàn tu hội mới. Một anh người Mỹ, một anh người Bỉ. Ðược hỏi thăm, họ cho biết họ tình nguyện đến Phi Luật Tân từ vài năm nay. Sống giữa xóm nghèo sống như người nghèo, làm những việc thường kiếm đồng lương như người nghèo, để cảm thông với giới nghèo. Họ không nói nhiều về họ. Họ cũng chẳng phê phán trách móc ai. Nhìn họ và nghe họ chia sẻ, tôi cảm thấy lòng mình vui, như được gặp Ðức Kitô trong họ, một Ðức Kitô hiền lành, khiêm nhường, nhân ái, mà Ðức Thánh Cha đã tả trong thông điệp “Sứ mạng được sai đi của Ðấng Cứu thế”. Tôi nhìn thấy Nước Trời lung linh trong mắt họ, và tôi cảm thấy hương vị Nước Trời từ họ chia sẻ sang tâm hồn tôi.
Một buổi sáng, tôi đang đi tìm mấy người quen giữa đám đông, thì một phụ nữ sà tới. Cô tự giới thiệu cô là nhà báo, người Canada. Tôi phỏng vấn cô nhiều hơn là bị cô phỏng vấn. Sau cùng, cô dẫn tôi tới gặp lại người thanh niên đang đứng đàng xa. Qua trao đổi, tôi được biết họ là thành phần của một cộng đoàn tu đức. Họ cho biết họ đã qua nhiều khoá thần học, Kinh Thánh, nhiều tháng tĩnh tâm, nhiều kỳ thử thách giữa các người nghèo, người khác đạo, và người vô tín ngưỡng. Họ còn trẻ, nhưng có nhiều kinh nghiệm về sứ mạng của kẻ được sai đi loan báo và xây dựng Nước Trời.
Tiếp xúc với đoàn giới trẻ Việt Nam, tôi cảm thấy một bầu khí tâm tình ấm áp lạ lùng. Hơn hai chục em đến từ Hoa Kỳ. Cũng hơn hai chục đến từ Úc. Gần một chục đến từ Ðài Loan. Gần một trăm đến từ mấy trại tỵ nạn tại Phi Luật Tân. Các em rất hồn nhiên, dễ thương, ngoan hiền. Tâm sự của các em có vui, có buồn, có thất vọng và có hy vọng. Làm sao cuộc đời có được tình thương bao bọc, con người biết nâng đỡ nhau, biết chấp nhận nhau? Làm sao giữa những sóng gió cuộc đời, mình biết phó thác và cậy trông? Làm sao khi thấy cảnh gia đình mình đổ vỡ, mình vẫn tin vào Ðức Kitô như một điểm tựa? Làm sao khi thấy nhiều gương xấu về công bình bác ái trong các giới Công giáo, mình vẫn giữ được niềm tin và lòng kính trọng đối với Hội Thánh?
Nghe những khắc khoải của các em, tôi có cảm tưởng các em là những kẻ được Chúa sai đến với chúng tôi, để cho chúng tôi thấy được một cách cụ thể những gì cần phải quan tâm hơn trong việc xây dựng Nước Trời hôm nay. Ngay một việc các em tỏ bày tâm tình thao thức một cách chân thành với tinh thần khiêm tốn yêu thương cũng đã là một đóng góp đáng kể trong việc xây dựng Nước Trời.
Nhìn chung, qua đại hội giới trẻ vừa qua, tôi thấy giới trẻ Công giáo hiện nay có nhiều thiện chí, nhiều nhiệt tình. Họ muốn được sai đi. Họ sẵn sàng được sai đi xây dựng Nước Trời. Ðối với phần đông giới trẻ Công giáo hiện nay, Nước Trời được nhìn như một cuộc sống hạnh phúc phần xác và phần hồn. Họ muốn dấu chỉ của Nước Trời phải được nhận thấy trong cuộc sống. Họ muốn cái tốt, cái đẹp của Nước Trời cũng phải được thực hiện ngay trong cuộc sống cá nhân gia đình và xã hội. Nhưng cuộc sống hôm nay là cuộc sống của thời đại kinh tế thị trường, kinh tế cạnh tranh. Trong đó đồng tiền là vua. Ðồng tiền sai khiến, đồng tiền biến đổi lòng người, gia đình, xã hội, đôi lúc đến cả tôn giáo. Ðồng tiền là yếu tố rất quan trọng làm nên hạnh phúc: Trong một tình hình như vậy, sống đạo đức thì phải thế nào, nên theo mô hình nào? Cái khó xem ra không phải là đức tin, nếu hiểu đức tin là chấp nhận những tín điều Hội Thánh dạy tin. Bởi vì họ rất sẵn sàng tin tất cả những tín điều Hội Thánh dạy. Nhưng cái khó là ở phạm vi luân lý. Nhiều điều Hội Thánh coi là tội, nhưng nhiều người trẻ lại không coi là tội. Họ nghĩ khác. Họ sống khác. Nhiều điều Hội Thánh coi là đạo đức, nhưng nhiều người trẻ lại không coi là đạo đức. Họ không phản đối nhưng họ đi theo con đường riêng của họ.
Họ rất tha thiết với Ðức Kitô và Hội Thánh của Người, nhưng họ mong muốn được nhìn thấy dung mạo dễ thương, thánh thiện của Hội Thánh, và dung mạo tình yêu giàu tình thương xót của Ðức Kitô. Tức là họ có một sự không hài lòng nào đó trong việc những người có trách nhiệm đã trình bày và giới thiệu Ðức Kitô và Hội Thánh trên lý thuyết và trên thực tế.
Qua đại hội giới trẻ lần này, tôi thấy việc sai giới trẻ đi xây dựng Nước Trời là việc phải thực hiện. Nhưng trước khi họ được sai đi, họ cần được huấn luyện kỹ và sâu, theo những chỉ dẫn mà Ðức Thánh Cha đã nêu lên trong thông điệp “Sứ mạng sai đi của Ðấng Cứu thế”.
Phải quan tâm nhiều hơn đến việc đào tạo những thành phần nòng cốt cho giới trẻ. Phải biết sai họ đi đúng nơi đúng lúc. Ðó là những điều tôi học được ở đại hội giới trẻ Công giáo toàn cầu tại Manila.
Giáo Hội Phi Luật Tân và các Giáo Hội Á Châu cũng được sai đi
Trong bầu khí trẻ trung tưng bừng của đại hội giới trẻ, Giáo Hội Phi Luật Tân đã mừng kỷ niệm 400 năm thành lập tổng giáo phận Manila và một số giáo phận của họ. Thánh lễ mừng kỷ niệm sáng 14/1/1995 là một biến cố lớn. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II chủ tế. Ðồng tế với Ngài là mấy chục Ðức Hồng Y, mấy trăm Ðức Giám Mục, mấy ngàn linh mục, và gần 4 triệu giáo dân. Ðặc biệt là sự có mặt của đại biểu các Hội đồng Giám mục toàn Á Châu đang tham dự đại hội FABC (Federation of Asian Bishops Conferences). Thánh lễ đã được diễn tiến một cách trọng thể, trang nghiêm, sốt sắng. Vì lý do an ninh và nhất là để bảo vệ Ðức Thánh Cha, nhiều biện pháp đã được thực hiện, kể cả biện pháp khám xét. Ngay chính các linh mục, giám mục cũng bị kiểm tra rất kỹ. Khám trước khi vào phòng mặc áo lễ. Khám từ phòng mặc áo lễ đi ra. Khám khi tiến về lễ đài. Những biện pháp an ninh chặt chẽ trên đây đã một phần nào nhắc nhở cho tôi hiểu: Việc sai đi rao giảng và xây dựng Nước Trời tại Á châu, ngay cả trong Phi Luật Tân, là việc không đơn giản, dễ dàng.
Theo cuốn ATLAS des religions dans le monde, 1994, và tạp chí Peuples du monde, số đặc biệt về Á châu 271, tháng 4/1994, thì Á châu hiện nay là một khối mạnh khổng lồ, nắm quá nửa dân số thế giới, kinh tế đang lên, có khả năng trở thành trung tâm của lịch sử thế kỷ 21, làm cho các nước lớn Âu Mỹ lo ngại. Ba tôn giáo lớn coi như phủ trùm Á châu đó là Hindu của Ấn Ðộ, Islam trên Indonesia, Pakistan, Bangladesh. Phật giáo với nhiều hình thức, trên một mảng dài từ Sri Lanka qua Trung Quốc đến Nhật. Mỗi tôn giáo đều có nền văn hoá riêng. Ðạo Công giáo mạnh nhất là ở Phi Luật Tân với 87% của 61 triệu tổng dân số. Còn tính chung, đạo Công giáo Á châu chỉ vào khoảng 2%.
Tìm hiểu lý do tại sao đạo Công giáo đã không phát triển được nhiều hơn tại Á châu, tôi thấy lý do sau đây đã được cha Raymond Rossignol, Bề trên cả các cha thừa sai Paris, nêu là là đáng kể nhất: “Các tín hữu của các tôn giáo mạnh tại Á châu, có cảm nghĩ rằng tôn giáo của họ là tốt hơn hết, nên thường không cảm thấy cần phải tìm những con đường cứu độ nơi Thiên Chúa giáo” (Peuples du monde, số 271, trang 19). Thực thế, nếu xét về mặt thăng tiến con người và xã hội, thì Nhật Bản, Ðài Loan, Singapore, Ðại Hàn, với những tôn giáo truyền thống của họ, đã coi như thành công lớn, vượt hơn cả Phi Luật Tân Công giáo. Ngay hiện nay, xét về mức độ tăng triển kinh tế hằng năm, Phi Luật Tân vẫn chỉ có 1%, bị xếp vào loại các nước phát triển chậm nhất. Nếu xét về mặt trí thức, thì Ðài Loan hiện nay có số người tiến sĩ đông nhất thế giới. Nếu xét về đạo đức, thì nhiều nước Á châu với tôn giáo truyền thống của mình vẫn giữ được nề nếp tương đối tốt đẹp, công bình xã hội, nhân nghĩa lễ trí tín. Ðang khi đó, Phi Luật Tân, vẫn chưa làm chứng được tính ưu việt về đạo đức. Mặc dù Giáo Hội trên đất nước này được kể là có nhiều phương tiện truyền giáo rất đáng kể. Như hệ thống phát thanh riêng, nhiều đại học, trung học, tiểu học, nhiều bệnh viện, nhiều cơ sở từ thiện, nhiều trung tâm huấn luyện, nhiều nhân sự chuyên việc truyền giáo, nhiều giáo phận giàu, nhiều đường lối mục vụ cởi mở dấn thân vào văn hoá, chính trị và xã hội.
Ðó là một thách đố lớn, thách đố này không đơn giản. Nhưng cần phải nêu lên, nếu muốn đáp ứng một cách tích cực khẩu hiệu “Như Cha đã sai Thầy đi thế nào, Thầy cũng sai các con đi như thế” (Ga 20,21).
ù
Một đại hội mà thành ra ba đại hội. Một khẩu hiệu nhưng suy nghĩ mãi không cùng. Tôi xin dừng lại ở đây, để nhìn về Ðức Kitô chịu đóng đinh trên thánh giá. Cây thánh giá dài dựng bên góc bàn thờ trên lễ đài. Ðang khi Ðức Thánh Cha được cả một rừng người hoan hô nhiệt liệt, trước lễ, trong lễ và sau lễ, thì Ðức Kitô vẫn rũ đầu xuống. Tôi thấy Người vẫn cô đơn, bị bỏ quên, như một bóng mờ.
Long Xuyên, ngày 19/1/1995