Gợi ý cho những định hướng đầu năm
Một trong những việc cần làm trong những ngày đầu năm của mọi thành phần Dân Chúa là chọn những định hướng mục vụ cho thời gian tới.
Công việc đó thường diễn tiến như sau:
1. Ðề ra những định hướng mục vụ theo nhu cầu của tình hình mới.
2. Chọn một vài định hướng ưu tiên.
3. Tìm cách thực hiện những định hướng ưu tiên đã được chọn.
Một diễn tiến như trên sẽ dựa trên những hiểu biết về tình hình cụ thể. Tình hình gồm những chuyển biến mới trong nội bộ Giáo Hội và những chuyển biến mới ngoài Giáo Hội về các mặt xã hội, kinh tế, văn hoá, chính trị và các tôn giáo ngoài Công giáo.
Nắm bắt tình hình với những phân tích khảo sát, tìm hiểu nhận xét, đánh giá và dự báo là công việc không được coi thường trong mục vụ, nhất là trong chọn lựa và thực hiện định hướng mục vụ.
Ðịnh hướng mục vụ chung hiện nay là đổi mới theo Công đồng Vatican II và tân-Phúc-Âm-hoá theo Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II.
Về phía Công đồng và về phía Toà Thánh, những định hướng chung đó đã được trình bày và khích lệ trong rất nhiều tài liệu chính thức. Về phía các Giáo Hội tại mỗi nước, những định hướng chung đó sẽ được áp dụng, không phải một cách sáng tạo với sự nghiên cứu kỹ càng hoàn cảnh địa phương và thời điểm.
Chúng ta cũng làm như thế. Một công việc không đơn giản chút nào. Ðể góp phần vào việc làm đó, tôi xin đưa ra một số gợi ý rút ra từ những nghiên cứu tình hình đó đây. Hy vọng những gợi ý cho các Giáo Hội địa phương khác cũng báo cho chúng ta về những hướng đi mục vụ chúng ta nên chọn cho chính Giáo Hội chúng ta lúc này.
* Cuốn "Les pouvoirsdans l'Eglise, Etude du gouvernement d'une Eglise locale: l'Eglise de Québec", NXB Paulines, 1993, 522 trang, là một công trình nghiên cứu về tình hình giáo phận Québec. Tác giả là linh mục Giiles Routhier, giáo sư thần học tại Ðại học Laval, Canada.
Sau khi đã khảo sát tỉ mỉ các tài liệu, các sinh hoạt, các điều hành giáo đoàn và những kết quả mục vụ của giáo phận Québec, từ sau Công đồng Vatican II đến nay, tác giả đã đưa ra những nhận xét có tính cách gợi ý sau đây:
1. Một Giáo Hội địa phương cần phải là Giáo Hội của địa phương mà mình mang tên. Nó cần tìm ra những hình thức cơ chế và cách diễn tả đức tin có khả năng được chấp nhận vào văn hoá của xã hội địa phương mình. Những người của Giáo Hội địa phương cần có những liên hệ tốt với xã hội địa phương, nhất là với giới trí thức địa phương, cần có những hiểu biết các vấn đề của địa phương, và cần có những tham gia vào việc xây dựng xã hội địa phương.
2. Một Giáo Hội địa phương cần phải là Giáo Hội của thời đại mà địa phương đang vươn tới. Những người của Giáo Hội địa phương cần có khả năng đối thoại về các giá trị mới của thời đại mới.
3. Một Giáo Hội địa phương cần phải là Giáo Hội của Tin Mừng. Nó cần có thiện chí và khả năng cống hiến ơn thánh cứu độ, làm cho con người và cuộc sống nên tốt hơn, và làm cho những mối tương quan xã hội được công bình bác ái hơn.
4. Một Giáo Hội địa phương cần phải là Giáo Hội của hiệp thông. Nó cần có những liên hệ nhận lãnh và cho đi với Toà Thánh và với các Giáo Hội tại các địa phương.
Một Giáo Hội địa phương như thế không nên đợi chờ và thực hiện những định hướng mục vụ làm sẵn do trên truyền xuống hay do thói quen truyền lại, nhưng phải nghiên cứu và phải biết sáng tạo.
* Cuốn "L'Eglise catholique en France, Approches sociologiques" NXB Desclée de Brouwer, 1994, 220 trang. Tác giả là linh mục Julien Potel, một nhà xã hội học.
Sau khi xem xét các mặt khác nhau của tình hình Giáo Hội Pháp, ngài đã đưa ra năm chiều kích của đức tin như sau:
- Tin là tham dự các nghi thức, lễ lạy tôn giáo.
- Tin là chấp nhận hệ thống chân lý Hội Thánh dạy.
- Tin là cộng tác với các nhân sự của cơ chế Hội Thánh.
- Tin là đi vào những mầu nhiệm Ðức Kitô.
- Tin là sống trung thực với những gì đạo dạy nhất là trong đời thường.
Theo tác giả, rất ít người có đủ năm chiều kích kể trên. Hơn nữa, rất nhiều người có đạo chỉ mang tên thánh, còn trên thực tế họ không có một đức tin mang chiều kích thánh nào cả. Và đó là băn khoăn lớn của Giáo Hội Pháp hiện nay. Ðể giúp hiểu nguyên nhân cơn khủng hoảng, tác giả cho thấy Giáo Hội Pháp cần nhận thức là mình đang đứng trước những thực tế sau đây:
1. Xã hội đang phát triển với sự tự lập của mình, không cần đến Giáo Hội.
2. Nhiều tôn giáo ngoài Công giáo và nhiều giáo phái đang phát triển với những giá trị riêng của họ, có nhiều sức lôi cuốn.
3. Nhiều loại "hướng dẫn viên tinh thần" không phải là giáo sĩ Công giáo đã xuất hiện và đang hoạt động, được quần chúng tín nhiệm.
4. Có nhiều cộng đoàn Công giáo đã gây được ảnh hưởng tốt, nhờ có khả năng đối phó với những thách đố của thời đại, với nền văn hoá mới và những đối với thiết thân về đời sống hôm nay.
* Cuốn "Vraie et fausse réforme dans l'Eglise", NXB Cerf, 1950, 648 trang. Tác giả là Yves M.J. Congar, O.P., đã được phong Hồng Y.
Ðây là một công trình nghiên cứu rất công phu về lịch sử các cuộc cải cách liên quan đến Giáo Hội Công giáo.
Ðể giúp chọn định hướng mục vụ và tìm cách thực hiện định hướng mục vụ với mục đích đổi mới, tôi chỉ tóm tắt bốn điều kiện do tác giả nêu lên:
1. Trong đổi mới, phải ưu tiên cho đức ÁI và cho mục vụ. Một đổi mới nào chỉ lo sao cho hợp lý, sao cho ăn khớp với một hệ thống quan điểm mình coi là đúng, sẽ là một đổi mới không tốt. Trái lại, một đổi mới tốt phải phát xuất từ đức Ái, từ khát vọng nên thánh, từ nhu cầu mục vụ: muốn Chúa được nhiều người mến tin hơn và người ta được yêu thương nhau hơn.
2. Trong đổi mới, phải cố gắng duy trì tinh thần hiệp thông. Lịch sử cho thấy nhiều cuộc đổi mới sinh hiệu quả tốt đã xuất phát không từ trung ương và từ những cấp cao của Hội Thánh, mà từ những địa phương xa, bé nhỏ, như những cộng đoàn cơ bản hiện nay tại nhiều Giáo Hội Phi châu, Á châu và Nam Mỹ, và từ những nhân vật khiêm tốn như anh Charles de Foucauld, chị Chiara, mẹ Têrêsa Calcutta. Sở dĩ những đổi mới ấy đã gây được nhiều ảnh hưởng Phúc Âm sâu rộng, là vì đã có nhiều cảm thông của giáo quyền dành cho những người khởi xướng, và những người này giữ được sự hiệp thông tích cực với giáo quyền và các thành phần của Hội Thánh.
3. Trong đổi mới, phải quan tâm trở về nguồn là trở về với Ðức Kitô. Một sự trở về với Ðức Kitô như vậy sẽ bắt đầu bằng việc đổi mới chính bản thân mình theo mô hình Ðức Kitô là tình yêu cứu độ. Vì thế, mọi đổi mới nào do động lực không phải là tình yêu Ðức Kitô, và dùng phương tiện không phù hợp với tình yêu Ðức Kitô đều là những đổi mới không tốt.
4. Trong đổi mới, phải biết kiên trì. Ðổi mới nào cũng cần có thời gian. Nhất là đổi mới não trạng, đổi mới cách nhìn, và đổi mới cách đánh giá. Rồi từ sự biết đúng đến sự làm đúng cũng cần có thời gian. "Tinh thần thì nhanh lẹ, nhưng xác thịt thì nặng nề". Vì thế, vội kết án, vội xét đoán, vội loại trừ, là những điều không nên có trong những chương trình đổi mời.
Ðể chuẩn bị cho tuần tĩnh tâm sắp tới, mỗi người chúng ta nên dựa theo những gợi ý trên đây cùng với những nhận xét riêng của mình về tình hình Việt Nam nói chung và của địa phương nói riêng, để tự mình đề ra cho mình những định hướng mục vụ, tiếp đó là sắp xếp chọn lựa định hướng ưu tiên, rồi tìm cách thực hiện định hướng ưu tiên mình chọn lựa.
Có làm như thế, chúng ta mới thấy rõ được nhiệt tâm khả năng và phương cách đáp ứng của chúng ta trước lời mời gọi đổi mới của Hội Thánh.
Cộng đoàn được trao phó cho chúng ta sẽ tiến hay lùi, một phần do sự chúng ta biết đáp ứng lời gọi tha thiết đó.
Long Xuyên, tháng 1/1996