Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Chia sẻ về giới trẻ
NHÂN DỊP ÐẠI HỘI GIỚI TRẺ CÔNG GIÁO TOÀN CẦU TẠI MANILA, PHI LUẬT TÂN,
TỪ 10 ÐẾN 15 THÁNG 1 NĂM 1995

Hiện nay đa số giáo dân tôi thuộc thành phần trẻ. Chẳng bao lâu nữa, tương lai Hội Thánh địa phương và Quê Hương này sẽ được chuyển giao cho họ. Cần hiểu biết họ, để đồng hành với họ. Bởi vì chúng ta có trách nhiệm với Quê Hương và Hội Thánh.

Hiểu biết của tôi rất giới hạn. Chia sẻ những hiểu biết bé nhỏ này thiết tưởng cũng là đợi chờ những hiểu biết khác.

 Hiểu biết từ đời thường

Sống giữa các người trẻ tại mảnh đất đồng bằng miền Nam này, tôi có cảm tưởng như sống giữa một thế giới của các giọng ca điệu múa. Tuổi trẻ mà!

Họ ca tụng cuộc sống, với thiên nhiên mộc mạc là sông rạch, ruộng rẫy, cây trái, với những con người chất phác như người mẹ hiền lành, người cha tần tảo, những xóm giềng tình nghĩa đậm đà. Quê Hương là gốc rễ nghèo. Tình Quê Hương mang bề dày cuộc sống tổ tiên gắn bó với non sông bằng nghĩa tình và phấn đấu.

Họ nâng niu những cử chỉ và việc làm bé nhỏ bảo vệ và phát triển cuộc sống thôn làng. Những cử chỉ và những việc làm này không dựa trên lý sự tính toán cho bằng phát xuất từ tấm lòng hồn nhiên.

Họ không coi những bậc vĩ nhân siêu phàm là những thần tượng, là mô hình của họ. Thần tượng và mô hình của họ là: những con người dễ thương, đủ vững vàng để họ tựa nương, đủ mong manh để họ có thể bắt chước, đủ đa dạng để họ không bị ràng buộc vào một khuôn cứng nhắc. Thần tượng và mô hình của họ là những con người bình dị, nhưng có tinh thần văn hoá, có nhân cách, biết dung chứa những giá trị thực, biết chắt chiu mọi vốn liếng, từ kiến thức, kinh nghiệm, đến đồng tiền bát gạo, có một ý chí miệt mài, biết tìm những viên ngọc ẩn tàng trong các khối đá đời thường.

Phần đông, người trẻ hôm nay coi cảm nghiệm như một trường đào tạo. Ðọc các sách báo của các cây bút trẻ và qua tiếp xúc với các người trí thức trẻ, tôi thấy có nhiều người trẻ có một ngân hàng cảm nghiệm khá phong phú. Họ tích luỹ được nhiều vốn sống, với hy vọng tự thiết kế bản thân, tự mình tìm cho mình một lối sống riêng, không rập khuôn, không vay mượn.

Trong giới trẻ, họ chấp nhận nhau một cách dễ dàng thoải mái. Họ không xếp loại nhau theo các phạm trù cũ kỹ của chính trị, tôn giáo và xã hội. Ðối với đa số người trẻ hôm nay, quá khích là quá lỗi thời. Họ thích đồng tình, đồng ý, nhưng không thích đồng nhất, đồng phục, đồng loạt. Họ thích tự do của họ được kính trọng, cũng như họ kính trọng sự tự do của người khác. Họ thích một cuộc sống thoáng mát với những liên hệ chân thành, không gò bó, không câu nệ, không mặc cảm.

Nơi nhiều bạn trẻ, hạnh phúc của họ vẫn mang vẻ một hạnh phúc tự vệ. Bởi vì họ nghĩ rằng, môi trường họ đang sống vẫn còn nhiều cái đáng sợ. Sợ cái khắt khe của dư luận. Sợ cái nghiêm nhặt của tôn giáo. Sợ cái rình rập của một số con mắt hẹp hòi.

Họ khát vọng những giá trị đạo đức giản đơn. Nhưng đồng thời họ biểu lộ nhiều lo âu khắc khoải. Ðôi khi họ không che giấu những nghi ngờ đối với nhiều loại hình thức đạo đức xưa và hiện nay. Họ đánh giá tốt xấu theo cảm nghiệm nhiều hơn theo lý luận, theo ý kiến nhóm họ nhiều hơn theo ý kiến quyền trên, theo tiêu chuẩn thực tế hơn theo tiêu chuẩn lý thuyết. Nguyên tắc hướng dẫn đời họ, tuy vẫn trung thành với truyền thống, nhưng mang tính chất thực dụng với nhiều sáng tạo, với nhiều xông pha đi vào những giá trị mới.

Những giá trị mới, như giàu sang, của cải, giải trí, nghệ thuật, du lịch, tình bạn, tình yêu, thăng tiến xã hội, đang là những dòng thác lôi cuốn tâm lý người trẻ. Ði tìm và thưởng thức những giá trị mới đó, mà vẫn giữ được quân bình đạo đức, đó là một thách đố lớn. Phải biết phân định sáng suốt. Phải biết phấn đấu can đảm để thực hiện điều mình đã phân định. Không ít người trẻ đã thành công và thành nhân. Nhưng khá nhiều người trẻ đang để mình trôi dạt.

Họ thích hình ảnh của truyền hình, chiếu bóng, vidéo, và âm thanh của nhạc. Một phần vì nhu cầu mở rộng tầm nhìn, mở rộng phạm vi thưởng thức, và cũng để diễn tả những gì mình không đủ khả năng diễn tả. Một phần cũng vì nhu cầu khép kín, trốn tránh sự tĩnh lặng, không muốn nghe người khác, đôi khi cũng không muốn nghe cõi thẳm sâu lòng mình.

Trên đường lập thân, nhiều người trẻ hôm nay giống như những chiếc xe nhỏ trên mấy con đường vùng này. Ðường hẹp và xấu. Các xe nhỏ thường phải nối đuôi đàng sau những xe lớn như xe bồn, xe đông lạnh, xe tải, xe đò. Các xe lớn này vừa to, vừa chậm, vừa lấn đường. Nhưng tới những khúc đường thuận tiện, chỉ trong vài phút, các xe nhỏ đã lách qua, vượt lên, vụt phóng. Bị nhiều áp lực của cuộc sống, người trẻ hôm nay thường hay nắm bắt cơ hội. Họ nhắm những lợi ích gần, để tiến tới những lợi ích xa. Họ sợ thua kém, hụt hẫng, nếu cứ mãi tà tà chờ đợi. Ðừng vội khen họ. Và cũng đừng vội chê họ. Họ chỉ là những người ham sống, và muốn nâng cấp cuộc sống. Và để cuộc sống của họ có ý nghĩa, họ có những niềm tin thuộc tín ngưỡng.

 Hiểu biết từ những sinh hoạt tôn giáo

Trong phạm vi tôn giáo, khi đồng hành với các bạn trẻ trên con đường đức tin, tôi thấy tôi đón nhận họ là điều cần, nhưng tôi được họ đón nhận là điều cần hơn. Họ dễ đón nhận những người hoạt động tôn giáo có khả năng làm họ vừa mến, vừa kính, vừa phục. Ðể được thế, một điều họ muốn thấy, đó là khi rao giảng Phúc Âm cho họ, người hoạt động tôn giáo phải rao giảng Phúc Âm cho chính mình trước đã. Ðối với giới trẻ, một Hội Thánh khiêm nhường sám hối, luôn trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người, là hình ảnh đáng mến phục nhất. Một Hội Thánh như thế là một Hội Thánh nghèo quyền lực, nghèo tham vọng thống trị, nghèo tự phụ tự mãn, nhưng giàu đạo đức và ân sủng, biết chuyên chăm cải đổi tâm hồn con người nên lương thiện, bác ái, công bình, hiền từ, theo gương Ðức Kitô. Một Hội Thánh như thế là một Hội Thánh luôn biết tái-Phúc-Âm-hoá chính mình, luôn cố gắng tái-đào-tạo mình bằng tu đức Phúc Âm và sức mạnh Chúa Thánh Linh.

Giảng dạy cho giới trẻ, tôi thấy mình không phải là kẻ cho đi, cho bằng kẻ được lãnh nhận. Tôi nhận được rất nhiều cái mới của Thiên Chúa hôm nay.

Tôi thấy Chúa đi vào tâm hồn người trẻ, không luôn luôn qua những cửa tôi mở sẵn cho Người. Bởi vì rất nhiều trường hợp, Chúa đi vào đời họ, qua những cửa bất ngờ. Khi tôi gặp được họ, tôi thấy Chúa đã hiện diện và hoạt động nơi họ từ rất lâu rồi. Tôi phải rất tế nhị, kẻo, thay vì cộng tác với Người, tôi lại áp đặt những hình ảnh, quan niệm và đường lối của tôi, khiến Người trở thành một bóng mờ trong đời họ.

Tôi thấy nơi Chúa gọi họ và chờ đợi họ, không phải là những nhà thờ, mà còn chính là cuộc sống của họ, chính tấm lòng của họ, chính gia đình, bạn bè họ, chính nền văn hoá dân tộc và địa phương của họ, chính lịch sử Ðất Nước của họ. Chúa hiện diện ở những chỗ đó. Chúa gọi họ từ những điểm đó và có thể từ nhiều điểm khác.

Vì thế, trên đường cùng họ đi về Nước Trời, tôi và Hội Thánh của tôi không phải là những kẻ đồng hành duy nhất và cuối cùng của họ. Nhất là khi tôi đã biết đức tin là ơn Chúa ban, chứ không phải là kết quả tất nhiên của những hoạt động tôn giáo của tôi.

Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã gọi con người là con đường của Thiên Chúa. Tôi thấy cách gọi đó càng rất đúng, khi nhìn vào các người trẻ Công giáo Việt Nam hôm nay tại địa phương này.

Không phải là họ đoạn tuyệt với quá khứ, cũng không phải là họ ít lo cho tương lai, nhưng người trẻ bây giờ sống hết mình với hiện tại, bằng rất nhiều quảng đại bao dung đối với Hội Thánh, gia đình, bạn bè, xã hội, và bằng rất nhiều khát vọng vươn lên phía trước, bén nhạy đối với mọi mời gọi thăng tiến bản thân.

Ðối với họ, sống đức tin là biết gặp gỡ Chúa, là biết chờ đón những cái tốt, cái đẹp, cái hay của từng ngày, từng giờ. Sống đức tin là biết tổ chức mảnh không gian và thời gian của mình sao cho đẹp và thân mật với Chúa và với con người. Sống đức tin là biết đổi mới môi trường xã hội, chính trị, kinh tế của mình thành một môi trường tươi mát, chan hoà tình người. Sống đức tin là xây dựng những liên hệ tốt, là có tinh thần liên đới sâu rộng vị tha. Sống đức tin là đưa vào mọi chi tiết cuộc sống một ý nghĩa vượt trên chính cuộc sống.

Ðối với người trẻ, cái bức xúc nhất là cuộc sống. Một đức tin tách rời cuộc sống sẽ không phải là một đức tin nhập thể, và do đó sẽ không có sức hấp dẫn.

Theo thói quen xưa, đã một thời, tôi tập trung cố gắng vào việc xây dựng những liên hệ của con người với Chúa. Nhưng nay, nhờ một số kinh nghiệm học được nơi giới trẻ, tôi không quên để ý đến việc khám phá những cách Chúa đang hiện diện nơi con người hôm nay, và những con đường Chúa đang sáng tạo để đến với con người Châu Á nói chung, và đến với con người Việt Nam nói riêng tại mảnh đất quê hương này.

Có những dấu chỉ cho thấy tại địa phương này đang hình thành một thứ văn hoá của giới trẻ Công giáo Việt Nam. Sẽ là một văn hoá có nhiều công bình bác ái Phúc Âm, có nhiều bản sắc dân tộc, có chiều kích đối thoại rộng rãi với các giá trị của các tín ngưỡng truyền thống, và có sự cởi mở trước luồng gió tu đức trẻ trung mà Chúa Thánh Thần đang khơi dậy khắp nơi trong Hội Thánh hoàn cầu.

ù

Với tất cả những hiểu biết trên đây, tôi ước mong Hội Thánh Việt Nam của tôi sẽ được trẻ trung hoá, theo ý nghĩa tốt đẹp nhất của từ trẻ trung. Một sức sống trẻ trung, một ngoại hình trẻ trung, một cái nhìn trẻ trung, một tình bác ái trẻ trung, và một đức tin trẻ trung. Bởi vì Thiên Chúa mãi mãi trẻ trung.

Nhân dịp Ðại Hội Giới Trẻ Công Giáo toàn cầu tại Manila, Phi Luật Tân từ 10-15/01/1995