Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Truyền giáo là "Ra khơi"

CGvDT: Trải dài trên địa bàn sông nước ba tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ vùng đồng bằng sông Cửu Long với khoảng 84 giáo xứ và hàng chục giáo điểm trong đó không ít trong số này thuộc vùng sâu vùng xa, thưa ÐGM, phải chăng giáo phận Long xuyên đã và đang mang đậm màu sắc của một vùng truyền giáo?

ÐGM Bùi Tuần: Trong môi trường như thế, quả thực việc truyền giáo vẫn được coi là một hoạt động ưu tiên tại Long Xuyên với sự tham gia của giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Nhiều người đã thực sự "ra khơi". Tại đây, phương thức truyền giáo linh nghiệm nhất là tiếp xúc cá nhân trong tình nghĩa, công tác bác ái và sách báo Công giáo. Và một yếu tố hết sức quan trọng là tinh thần cầu nguyện, bác ái, khó nghèo, khiêm tốn.

CGvDT: Với những con người ra khơi và hành trang như thế, ÐGM đã có thể hài lòng về những nhà truyền giáo của mình chưa?

ÐGM Bùi Tuần: Theo tôi, truyền giáo là một trong ba kết quả tốt về mục vụ của giáo phận Long Xuyên hiện nay. Kết quả trong công cuộc này rất đa dạng. Nhiều người hiểu Công giáo hơn trước, nhiều người bắt đầu có thiện cảm với Công giáo, nhiều người quan tâm đến đạo đức hơn và cũng có nhiều người tự nguyện xin theo Ðức Kitô. Truyền giáo là khám phá và là nguồn sinh lực, do vậy, một tác dụng hỗ tương phát sinh là chính những người truyền giáo nhờ "ra khơi" nên cũng đã được thêm Phúc Âm hoá.

CGvDT: Thưa ÐGM, ngoài khía cạnh truyền giáo, hai khía cạnh mục vụ khác được những kết quả tốt là những khía cạnh nào?

ÐGM Bùi Tuần: Hai khía cạnh còn lại là tâm tình tiến tới Năm Thánh 2000 và sự thăng tiến rõ nét trong lĩnh vực giáo dục. Tiến tới Năm Thánh 2000, chúng tôi nhấn mạnh một số nét chính như Sám hối, tăng cường đón nhận sự sống siêu nhiên từ Chúa Ba Ngôi, tái Phúc Âm hoá chính mình bằng sự siêng năng suy gẫm Lời Chúa, cùng với Ðức Kitô đi vào đời, hành hương nhỏ tới các điểm nghèo.

CGvDT: Ðây phải chăng là những gì bàng bạc?

ÐGM Bùi Tuần: Không hẳn như thế. Chỉ cần chăm chú đôi chút, người ta cũng có thể nhận ra rằng nhiều người, nhiều cộng đoàn đã thực hành đúng và tích cực những hướng Năm Thánh trên đây - đó là những phát triển chiều sâu về lòng đạo đôi khi không thể diễn tả cụ thể bằng những số liệu. Riêng trong lãnh vực giáo dục, người ta có thể nhận biết rõ hơn như bên cạnh nhà thờ thường có phòng đọc sách báo, mở lưu xá tại thị thành cho học sinh vùng sâu vùng xa có chỗ trọ học, mở trường dân lập, yểm trợ học bổng cho học sinh nghèo, giúp phương tiện để đi học. Nói chung, số tiền dành cho công việc giáo dục là khá lớn. Và kết quả rất đáng mừng. Số sinh viên Công giáo theo các đại học tăng nhiều. Có những họ đạo nghèo năm nay có được mấy chục em lên đại học. Nhờ trình độ học thức cao, khả năng phấn đấu tốt và đạo đức khả quan, giới trẻ Công giáo của giáo phận đã có mặt tại nhiều lĩnh vực xã hội, để phục vụ đồng bào, xã hội.

CGvDT: Thưa ÐGM, tại giáo phận Long Xuyên, ngoài những kết quả tốt đẹp được ghi nhận trên đây, trong đời sống rộng lớn của Giáo Hội và xã hội, giáo phận có ưu tư thêm về điều gì không?

ÐGM Bùi Tuần: Còn có nhiều điều nhưng tôi thấy có ba chuyển biến đáng quan tâm. Ðiều đáng kể đầu tiên là sự phân hoá giàu nghèo trong giáo phận gây ra do nền kinh tế tự do và cạnh tranh. Có những họ đạo giàu và có những họ đạo nghèo. Ngay trong một họ đạo, cũng có cảnh giàu cảnh nghèo rõ rệt và khoảng cách giữa hai bên thường rất lớn. Mặt khác, để thăng tiến cuộc đời, nhiều gia đình bỏ quê lên thị thành. Do vậy, mục vụ giáo xứ lúc này đang quan tâm nhiều đến bổn phận sống liên đới.

CGvDT: Bên cạnh sự phân hoá, ÐGM còn nhận ra điều gì?

ÐGM Bùi Tuần: Một điều đáng quan tâm khác đó là đời sống văn minh vật chất hưởng thụ. Qua chính sách mở cửa, văn minh vật chất từ trong và từ ngoài tràn vào nông thôn lẫn thành thị mau hơn văn minh tinh thần. Khuynh hướng hưởng thụ, vụ lợi, thực dụng đua nhau nẩy nở. Chủ nghĩa cá nhân vùng lên dưới nhiều hình thức. Ðâu đâu cũng có vẻ tự hào với nền văn minh vật chất tiêu thụ và hưởng thụ. Kể cả các nhà tu, tuy với ý thức cảnh giác. Tại một ít nơi, tệ nạn xã hội đã phát sinh, lòng đạo cũng đã trở nên vụ lợi, theo một thứ lương tâm dễ dãi. Ðể giữ cho tinh thần Phúc Âm khỏi biến chất, mục vụ đang nhằm vào việc đào tạo "những tấm men". Báo chí Công giáo tháng 9/1998 cho biết Ba Lan với 95% Công giáo, trước đây rất sùng đạo nay chỉ còn 30% giữ đạo. Ái Nhĩ Lan cũng là một nước trước đây nổi tiếng tốt đạo, nay phải đóng cửa năm chủng viện vì số người đi tu ngày càng giảm. Những thông tin đó cảnh báo rằng văn minh vật chất hưởng thụ là rất mạnh. Ðể có thể sống tốt đạo thời nay, cần phải chú ý đến việc đào tạo chiều sâu.

CGvDT: Thưa ÐGM, việc đào tạo chiều sâu cần phải có thời gian, bề dày và một số điều kiện thích hợp và tương ứng, đâu là những điều kiện thích hợp?

ÐGM Bùi Tuần: Trên toàn quốc từ ít tháng nay đã phát động mạnh mẽ phong trào trở về với văn hoá truyền thống Việt Nam. Theo tôi, đây cũng là một trong ba chuyển biến đáng quan tâm. Trước phong trào này, theo ý kiến của nhiều người trong lĩnh vực văn hoá, xã hội và chính trị thì văn hoá truyền thống Việt Nam gồm văn hoá truyền thống dân tộc cộng với văn hoá truyền thống Phật giáo. Ý kiến đó ngày càng được khẳng định trên lý thuyết và trên thực hành. Trước sự kiện này, mục vụ trong giáo phận đang quy chiếu vào Thượng Hội Ðồng Giám mục Á châu, các nghiên cứu thần học của khu vực Ðông Nam Á và của địa phương để có một sự hội nhập văn hoá, vừa khôn khéo với thực tế và vừa hợp với giáo huấn của Toà Thánh.

Long Xuyên, tháng 10/1998