Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Sau Thượng Hội đồng Giám mục Á châu,
những chọn lựa ưu tiên

Thượng Hội Ðồng (THÐ) các Giám mục Á Châu là một biến cố lịch sử. Số người tham dự chỉ vài trăm. Thời gian họp tương đối dài. Chương trình làm việc khá nặng, nhiều khi gây mệt mỏi. Thế nhưng, khi rời THÐ về nước, tôi cảm thấy nhớ nhung. Tôi nhớ cách riêng mấy loại người. Có những đấng như những đền thờ. Có những vị như toà nhà thư viện. Có những người như là vườn hoa. Có những bản lĩnh như những bức tường thành kiên cố. Có những bóng dáng như làn gió nhẹ. Ðặc biệt tôi nhớ bầu khí THÐ: Một bầu khí đạo đức, tình nghĩa, trí thức, hiệp thông, lắng nghe và suy tìm.

Tôi coi đây là dịp thuận lợi để tôi tự đào tạo thêm chính mình. Trong THÐ, chẳng ai dạy ai phải thế này thế nọ, chẳng bài nào khẳng định điều đó là đúng, điều kia là sai. Mỗi người phải tự suy nghĩ, tự khám phá, tự chọn lấy cho mình những gì mình thấy hữu ích cho mục vụ và truyền giáo của mình.

Tôi đã cố gắng tiếp thu nhiều điều mới. Tôi cũng đã hứng thú rút ra nhiều điều hay từ những gì mình đã nghe đã thấy. Ở đây tôi chỉ xin chia sẻ một số lựa chọn ưu tiên của tôi theo cái nhìn riêng tư. Những lựa chọn này có thể là những khởi đầu thích hợp.

 Khiêm nhường

Lựa chọn đầu tiên của tôi là sống khiêm nhường. Công giáo tại Á Châu là một thực tại rất bé nhỏ. Trong tổng số 3.456.280.000 người, chỉ có 101.210.000 là công giáo, tức khoảng 3%. Trừ Phi Luật Tân, còn tất cả các nước Á Châu đều coi Giáo hội Công giáo trong nước của mình là cộng đoàn nhỏ. Nhiều nghị phụ cho biết tình trạng bé nhỏ của Giáo hội địa phương các ngài là một sự kiện đáng buồn. Bởi vì trước đây các Giáo hội ấy đâu có bé nhỏ. Nhưng do các diễn biến chính trị, xã hội và văn hoá, đạo Công giáo tại đó dần dần hầu như bị bó buộc phải trở thành thiểu số yếu. Trước tình hình này, các Giáo hội tự thấy mình phải khiêm tốn. Chính nhờ khiêm tốn mà được chấp nhận và tồn tại.

Cũng với tinh thần khiêm tốn, nhiều nghị phụ đã công khai khen ngợi những giá trị thiêng liêng của nhiều tôn giáo truyền thống, như Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Hồi giáo, Ấn giáo. Cái nhìn kính trọng đó kèm theo những thông tin về sự tăng trưởng khác thường hiện nay của Phật giáo và Hồi giáo tại chính các nước Thiên Chúa giáo lâu đời ở Châu Âu khiến chúng tôi càng khiêm tốn hơn.

Trước tình thế đó, nhiều vấn đề đã được đặt ra, như hội nhập văn hoá, đối thoại, cải cách phụng vụ, đổi mới giáo lý, tăng cường hệ thống thông tin. Tất nhiên đó là những vấn đề phải suy nghĩ và đào sâu. Nhưng nhiều đại biểu nghĩ rằng: cho dù những vấn đề đó có được giải quyết tốt, thì sẽ không vì thế mà đạo tự động tiến triển về lượng và phẩm. Bằng chứng là Công giáo tại nhiều nước Âu Châu, dù có đầy đủ những điều kiện đó, cũng đang trở thành thiểu số.

Với nhận thức ấy, các nghị phụ đã khiêm nhường sám hối, coi việc tái Phúc Âm hoá chính bản thân mình và cộng đoàn của mình là đòi hỏi chính đáng.

Riêng tôi nghĩ rằng: mình bé nhỏ thì hãy sống tinh thần khiêm nhường bé nhỏ. Thánh nữ Têrêsa thành Lisieux, quan thầy các nơi truyền giáo, đã nêu lên con đường thơ ấu thiêng liêng. Khi sống tình yêu một cách chân thành, đơn sơ, khiêm tốn, người môn đệ Ðức Kitô sẽ giảm nhẹ được tính cách nặng nề của cơ chế tôn giáo, để cởi mở, hợp tác và hiệp thông, làm cho bộ mặt Hội Thánh trở thành đáng yêu, dễ được chấp nhận.

 Khôn ngoan

Lựa chọn thứ hai của tôi là sống khôn ngoan.

Khi nghe các phát biểu trong THÐ, tôi nhận thấy rải rác nhiều phản ánh về các loại khôn ngoan. Ðáng kể nhất là khôn ngoan triết học, khôn ngoan thần học, khôn ngoan thần bí và khôn ngoan ứng xử. Ở đây chỉ xin cắt nghĩa đôi chút.

Khôn ngoan triết học được tỏ lộ qua những nhận định thông minh sâu sắc về con người, về thế giới và về thời cuộc. Khôn ngoan triết học nhắm vào sự thực. Truy tìm sự thực. Nói đúng sự thực. Suy nghĩ đúng sự thực. Phê phán đúng sự thực. Ðối tượng là con người và thế giới.

Khôn ngoan thần học không phải là có được một hệ thống tư tưởng đúng đắn về đức tin, nhưng là nhìn con người đúng là một tạo vật mang hình ảnh Thiên Chúa. Từ đó sẽ hiểu con người theo cái nhìn của Thiên Chúa là Cha. Sự hiểu biết như vậy đòi phải có chiêm niệm.

Khôn ngoan thần bí gồm những thứ cảm nghiệm thiêng liêng về Tám Mối phúc, về mầu nhiệm thánh giá, về sự từ bỏ chính mình,v.v.

Khôn ngoan ứng xử là sự khéo léo trong tiếp xúc, xử sự.

Tôi thấy bốn loại khôn ngoan trên đây đã giữ một vai trò quan trọng trong mọi chặng đường lịch sử của các Giáo hội địa phương. Nhất là khi mình chỉ là thiểu số, và thời cơ lại rất hiếm hoi. Xin đưa ra một thí dụ xa xa. Tại THÐ, trong các buổi họp toàn thể, mỗi nghị phụ chỉ được phát biểu một lần. Thời gian phát biểu không được quá 8 phút. Phải gói ghém vào 8 phút đó những gì đáng nói nhất. Thành công nhiều hay ít cũng tuỳ sự khôn ngoan của người phát biểu. Bản lĩnh người phát biểu có thể được nhìn nhận chỉ qua 8 phút đó.

Tôi nghĩ rằng nơi mỗi người, thái độ sống của mình nói chung và từng việc làm của mình nói riêng cũng là những thứ phát biểu. Nếu những phát biểu đó có nhiều tình tiết khôn ngoan, thì lý tưởng phục vụ vẫn có thể thực hiện được, không cách này thì cách khác.

 Yêu thương và phục vụ

Lựa chọn thứ ba của tôi là sống yêu thương và phục vụ.

Trong một tháng tham dự THÐ, qua các bài tham luận và tiếp xúc, tôi nhận thấy các nhạy cảm đã rất khác nhau. Thí dụ các đại diện thuộc các Giáo hội vùng Vịnh đã rất nhạy cảm với tình trạng khổ đau của Irak bị cấm vận. Các đại diện thuộc các Giáo hội Trung Ðông đã rất nhạy bén trước thái độ của Israel đối với Palestine và khối Ảrập. Các Giám mục các Giáo hội Ðông Phương rất nhạy cảm trước một hiện tượng mà các ngài coi là tập trung quyền bính của Toà Thánh. Các Giám mục thuộc các nước Phật giáo, Hồi giáo rất nhạy cảm trước đòi hỏi phải quan tâm nhiều tới người nghèo, và chiều kích thiêng liêng của cuộc sống.

Những nhạy cảm khác nhau trên đây khiến tôi suy nghĩ nhiều về sự phải làm chứng cho Ðức Kitô và giới thiệu Hội Thánh Công giáo bằng yêu thương và phục vụ.

Nếu chọn cách làm chứng và giới thiệu này, thì phải rèn cái tâm, để nó biết nhạy cảm. Từ những người xung quanh đến Dân Tộc mình, chỗ nào cũng có những đợi chờ. Họ đợi chờ được yêu thương và được phục vụ. Một mình lý trí không thấy rõ được những đợi chờ đó. Nhưng những trái tim nhạy cảm sẽ cảm thấy được. Họ cảm thấy, họ cảm nhận và họ cảm thương. Nội dung yêu thương và phục vụ là quan trọng. Nhưng cách yêu thương và phục vụ còn quan trọng hơn. Nhiều khi biết đón nhận cũng là một cách yêu thương và phục vụ.

Trong tổ làm việc của tôi, có một giáo dân, ông hiện là giáo sư nổi tiếng thuộc các trường đại học của Liban. Ngồi cạnh tôi, ông tâm sự về khả năng nhạy cảm của người giáo dân trước các hiện tượng văn hoá, chính trị và kinh tế trong xã hội. Nhờ khả năng nhạy cảm đó, người giáo dân có thể góp một phần đáng kể vào sự làm chứng cho Ðức Kitô và giới thiệu Hội Thánh. Theo ông, các giám mục, linh mục, tu sĩ, nếu không đi sâu vào tu đức và thực tế, sẽ dễ nhạy cảm về các vấn đề thuộc cơ cấu: cơ cấu Hội Thánh, cơ cấu giáo phận, giáo xứ, nhà dòng. Ðôi khi vì thế mà các ngài có thể trở thành lạnh lùng xơ cứng, ít nhạy cảm trước các thực tại của cuộc sống dân thường. Nhận xét của ông đãù khiến tôi nghĩ ngợi.

ù

Thượng Hội Ðồng đã được bế mạc bằng một thánh lễ trọng thể. Khi Ðức Thánh Cha và đoàn đồng tế tiến vào nhà thờ, ca đoàn đã hát bài Ðức Kitô trối xưa: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Sau thánh lễ là bữa tiệc được tổ chức ngay tại toà nhà chúng tôi trọ. Trong bữa tiệc, tôi tình cờ gặp Ðức Hồng Y Ratzinger, Bộ Trưởng Bộ Ðức Tin. Tôi nói với ngài rằng: “Nếu con không lầm, thì trong cuốn sách mới nhất của Ðức Hồng Y, ngài đã nói đại khái là ngài không hy vọng nhiều ở các Thượng Hội Ðồng. Nhưng ngài đặt nhiều hy vọng ở các người thánh. Người thánh có rất nhiều khả năng đổi mới Hội Thánh, nhiều khi hơn các THÐ. Ðúng thế không?” Ðức Hồng Y Ratzinger thưa: “Ðúng, tôi có ý nghĩ đó.” Tôi lại hỏi thêm: “Thưa Ðức Hồng Y, con nhớ là ở trong cuốn sách mới xuất bản của Ðức Hồng Y, ngài Bộ Trưởng Bộ Ðức Tin đã quả quyết là: Ðức ái phải được đặt lên hàng ưu tiên trong đời sống đạo. Hãy sống yêu thương như Ðức Kitô đã dạy và đã làm gương. Ðó là điều hết sức quan trọng. Ðúng thế không?” Ðức Hồng Y Bộ Trưởng Bộ Ðức Tin thưa: “Ðúng như vậy”.

Bâng khuâng, tôi nhìn THÐ như một khoảnh khắc của tình yêu. Một tình yêu nồng nàn bao giờ cũng biết sáng tạo, vượt qua mọi ranh giới và vươn lên vĩnh cửu, khi tình yêu ấy xuất phát từ Thánh Thần Tình Yêu.

Long Xuyên, tháng 6/1998