Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Ðầu Xuân, tâm sự về đổi mới

Những ngày đầu xuân xa xưa, khi tôi còn rất trẻ, tôi có ước mơ đổi mới thế giới. Những ngày xuân gần đây, khi tôi đã đứng tuổi, tôi có ước mơ đổi mới Quê Hương và Hội Thánh tại quê hương. Nhưng ngày xuân này, khi tôi khởi sự già, tôi chỉ ước mơ đổi mới chính mình.

Tất nhiên đổi mới nói đây là đổi mới tâm hồn. Sẽ chẳng có gì lạ cả, bởi vì đổi mới tâm hồn, mà tôi nhắm tới, là phát huy thêm nơi tôi những khả năng “người” mà ai cũng có.

Trước hết là khả năng hiện diện với chính mình.

Có nghĩa là biết đi vào nội tâm, để nhận ra ý nghĩa đời mình, kiểm tra hướng đi mình chọn, cân đo trách nhiệm mình gánh. Biết phản tỉnh, để suy nghĩ chính những suy nghĩ của mình, từ quan niệm đến phán đoán, từ phân tích đến tổng hợp, từ những hiểu biết rời rạc đến những hiểu biết có hệ thống, để rồi từ đó vận dụng cho những sáng tạo trong các lĩnh vực. Sao cho danh xứng với thực, thuật hợp với luật, hành đúng với tri.

Phát triển khả năng suy nghĩ là một đòi hỏi bức thiết. Con người sẽ xuống cấp, nếu lười suy nghĩ, nếu không thể tự mình suy nghĩ, nếu suy nghĩ của mình chỉ là những từ ngữ vay mượn của người khác. Sẽ là một thảm hoạ cho chính mình, khi cảm thấy trống vắng những lúc phải đối diện với chính mình. Sẽ là một sự nghèo nàn đáng ngại, khi không nếm được và không rút tỉa được những tinh tuý ẩn đàng sau vô số những điều mình thấy, mình nghe, mình đọc.

Phát huy khả năng hiện diện với chính mình là điều phải làm và có thể làm trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tiếp đến là khả năng hiện diện với thiên nhiên và xã hội.

Thiên nhiên và xã hội là những toàn khối lớn, con người chỉ là một thành phần nhỏ. Phải kể là đạo đức, khi nhận thức được những liên đới qua lại giữa mình với xã hội và thiên nhiên, khi biết ngạc nhiên trước những giá trị mới của nhân loại, khi biết rung cảm với những biến chuyển của xã hội, khi biết có trách nhiệm trong việc bảo vệ và làm đẹp môi trường.

Có thể nói vận mệnh của mình nằm trong vận mệnh của xã hội và thiên nhiên. Bởi vì tất cả đều liên hệ với nhau, tương tác sang nhau, bồi đắp cho nhau, chuyển hoá lẫn nhau, thấm nhập vào nhau. Nếu mình cố gắng hiện diện như một ngọn đèn công lý, tình thương và sự thực, thì bóng tối sự ác sẽ giảm bớt, ánh sáng sự lành sẽ lan ra. Nhiều người đã chứng minh họ có khả năng hiện diện như thế. Hơn nữa, họ đã chứng minh khả năng hiện diện đó đã luôn luôn được phát triển. Ðó là những mẫu gương mời gọi tôi.

Rồi đến khả năng hiện diện với những người khác.

Tất nhiên hiện diện nói đây phải là loại được xây dựng bằng những kính trọng, những cảm thông, những phục vụ, những yêu thương, những tha thứ. Ðây là chuyện của lý trí, nhưng nhất là của con tim.

Phải coi chừng, đừng để trái tim mình trở nên cằn cỗi, xơ cứng, chai đá, lạnh lùng trước những vui buồn của những người xung quanh. Phải coi chừng, đừng để trái tim mình trở thành quá chật hẹp, chỉ đủ chỗ cho chiếc bàn thờ tôn vinh cái tôi ích kỷ.

Kiên nhẫn, bao dung, cảm thông, thương xót và yêu thương là những mầm non có sẵn trong trái tim. Nhưng phải chăm sóc. Nhờ gẫm suy, chiêm niệm và tập luyện, nhiều người đã phát triển thành công những mầm non đó.

Trong cuốn “Ðức Ðạt-lai-lạt-ma nói về Ðức Chúa Giêsu” (1996), vị lãnh đạo tối cao của Phật giáo Tây Tạng đã suy gẫm lời Chúa Giêsu dạy: “Con hãy yêu thương kẻ thù của con” (Mt 5,38-48). Ngài đã chia sẻ tiến trình suy gẫm của ngài, để đi sâu vào Lời Chúa. Rồi ngài kết luận: Phát huy được tình thương đối với kẻ thù như Lời Chúa dạy chính là một lễ vật mà Chúa ưa thích hơn cả sự cầu nguyện.

Phát huy khả năng hiện diện với những người khác bằng bác ái, đó là dấu chỉ chắc chắn nhất của những ai thuộc về Ðức Kitô. Và đó cũng là bảo đảm chắc chắn nhất cho phần rỗi, bởi vì trong ngày phán xét, Chúa sẽ căn cứ vào bác ái để phân loại người lành kẻ dữ. Thế thì phải phát huy hơn nữa, phát huy không ngừng khả năng đó.

Sau cùng là khả năng hiện diện với Thiên Chúa.

Thường xuyên tôi đi tìm Chúa, thường xuyên tôi gọi tên Ngài. Tôi đã nhận ra Ngài trong những người hiền lành, khiêm nhường, xây dựng hoà bình và gieo rắc yêu thương. Tôi đã nhận ra Ngài trong những người thao thức cho sự phát triển niềm tin và hy vọng. Tôi đã nhận ra Ngài trong những người hướng cộng đoàn của mình về tương lai, không phải bằng những áp đặt, và những hứa hẹn, mà bằng đời sống đạo đức, bằng sức mạnh nội tâm, để họ tự mình sáng tạo, tự mình vươn lên. Tôi đã nhận ra Ngài trong những người biết xây dựng đoàn kết với sự kính trọng những khác biệt. Tôi đã nhận ra Ngài trong những người biết khai thác những tài năng của mình, những thời giờ của mình, cho công ích. Tôi đã nhận ra Ngài nơi những người biết nhìn thấy trước những thời cơ và những nguy cơ, biết hành động trước cho Nước Trời, như người canh thức trung tín và khôn ngoan. Tôi đã nhận ra Ngài trong những người nghèo khổ khiêm hạ cần cù. Tôi đã nhận ra Ngài khi tôi tưởng nhớ đến các bậc tổ tiên và các đấng sinh thành. Tôi đã gặp được Ngài, và cảm nghiệm được lòng nhân hậu của Ngài trong những tình huống thời sự phức tạp nhất. Cả trong khổ đau cũng có một con đường dẫn tới Ngài, và lúc đó khổ đau không là thất bại, mà là thánh giá báo hiệu phục sinh.

Nhất là tôi đã gặp được Ngài và cảm nghiệm được thấm thía về Ngài, khi tôi chân thành sám hối và chân thành tìm về với Phúc Âm.

Dù với những kinh nghiệm trên đây, tôi nghĩ rằng khả năng hiện diện với Chúa là một kho tàng tôi chưa biết hết, chưa khai thác hết. Cần phát huy thêm.

ù

Ngày xuân, tôi nhìn vào bốn khả năng hiện diện của tôi. Và tôi thấy phát huy bốn khả năng này là một nhu cầu của ơn gọi làm người, chứ chưa nói là nhu cầu của ơn gọi làm môn đệ Ðức Kitô. Phát huy bốn khả năng đó chính là việc đổi mới chính mình, có ảnh hưởng đến việc đổi mới xã hội và Giáo Hội. Ước mơ đầu năm của tôi là đơn sơ nhưng chân thành như thế đấy. Xin chia sẻ như một hiện diện bé nhỏ đón chào Mùa Xuân Ðất Nước tôi.

Xuân 1997