Ðón nhận ơn cứu độ qua lòng nhân từ
Tuần Thánh không chỉ là thời gian chúng ta kỷ niệm công cuộc cứu độ của Ðức Kitô, mà còn là những ngày chúng ta đón nhận ơn cứu độ của Người.
Ðức Kitô đã hoàn tất công việc cứu độ, để lại nguồn ơn vô tận. Người mong muốn mọi người tận hưởng nguồn ơn quý giá ấy. Nhưng Người không ép buộc ai. Chỉ cần người ta đón nhận. Kẻ biết đón nhận sẽ được Người ban ơn dồi dào.
Ðối với một ân huệ thông thường, người ta còn phải biết đón nhận. Phương chi đối với ơn cứu độ là một ân huệ không gì so sánh được.
Chẳng ai sẽ xứng đáng. Nhưng Chúa nhìn thiện chí mỗi người. Người sẽ bằng lòng với thiện chí của ta, nếu ta cố gắng thực hiện những điều Người mong muốn. Người mong muốn gì?
Có một điều Ðức Kitô tỏ ý tha thiết nhất, đáng được ta coi là cần thực hiện, để đón nhận ơn cứu độ. Ðiều đó là giới luật yêu thương. Người dạy: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 13,34). Ðức Kitô coi tình yêu thương nhau là đặc điểm riêng của các môn đệ Người: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy là các con yêu thương nhau” (Ga 13,35).
Ðiều quan trọng Ðức Kitô nhấn mạnh là “hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương các con” (Ga 15,12).
Tình yêu thương của Ðức Kitô là tình yêu thương thăng tiến và chia sẻ. Hãy nhìn Ðức Kitô trong phép Thánh Thể và hãy nhớ lại lời Người: “Thầy không gọi các con là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy biết nơi Cha, thì Thầy đã tỏ cho các con biết” (Ga 15,15). “Thầy đến, để các con có sự sống, và sự sống dồi dào hơn” (Ga 10,10).
Ngoài ra, tình yêu thương của Ðức Kitô là tình yêu thương khiêm tốn. Hãy nhìn Ðức Kitô quỳ rửa chân cho các môn đệ, và hãy nhớ lại lời Người: “Nếu Thầy là Chúa và là Thầy, mà còn rửa chân cho các con, thì các con cũng hãy rửa chân cho nhau. Thầy đã làm gương để các con bắt chước mà làm như vậy cho nhau” (Ga 13,14-15). “Các vua chúa thế gian dùng quyền lực để lãnh đạo, kẻ trị dân như thế lại tự cho mình là ân nhân của dân. Chúng con không được phép xử sự như thế. Ai lớn hơn trong các con phải kể mình như kẻ thấp kém nhất. Và kẻ nào cai trị phải coi mình như đầy tớ hầu hạ” (Lc 22,25). “Con Người đến, không phải để được hầu hạ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc” (Mc 10,45).
Do đó, tình yêu thương của Ðức Kitô là tình yêu thương chấp nhận hy sinh đến cùng. Hãy nhìn Ðức Kitô vác thánh giá, chết trên thánh giá, và hãy nhớ lại lời Người: “Không ai có tình yêu lớn hơn kẻ hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu mình” (Ga 15,13). “Thực, Thầy nói thực với các con, nếu hạt lúa không rơi vào đất và bị thối đi, nó sẽ chỉ đơn độc. Nhưng nếu nó thối đi, nó sẽ mang nhiều hoa trái” (Ga 12,24).
Một tình yêu thương như thế của Ðức Kitô chính là tình yêu thương hiệp nhất với Chúa Cha và với nhân loại. Hãy nhìn Ðức Kitô trong thánh lễ, và hãy nhớ lại lời Người: “Thầy là cây nho, các con là ngành, ai ở trong Thầy, như Thầy ở trong kẻ ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). “Lạy Cha, xin Cha gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã trao cho con để họ nên một như Chúng Ta” (Ga17,11). “Chớ chi mọi người hợp nhất nên một, như Cha ở trong con và như con ở trong Cha. Họ cũng ở trong Chúng Ta như vậy” (Ga 17,21).
Tình yêu Ðức Kitô như trời cao vời vợi, như biển cả bát ngát. Suy không thấu. Nói không cùng. Nhưng ít ra chúng ta cũng phải cố gắng bắt chước những gì mà Người tha thiết kêu gọi ta làm theo, những gì của tình yêu thương ấy đã biến bản thân Người thành một thánh lễ sinh hiệu quả cứu chuộc.
Chỉ khi nhìn rõ sự thực ấy, chúng ta mới biết đón nhận ơn cứu độ, và mới biết cộng tác với Chúa vào việc đem ơn cứu độ đến cho những người khác.
ù
Tôi có cảm tưởng là hiện nay đã đến thời Hội Thánh Việt Nam bị thử thách về đức ái nhiều hơn là về đức tin. Hiện nay đã đến thời đức tin tại Hội Thánh Việt Nam chỉ có sức truyền giáo, khi đức tin được phiên dịch ra đức yêu thương đối với con người, nhất là đối với những kẻ lầm lỡ, khó nghèo, dốt nát, bị ruồng bỏ. Hiện nay đã đến thời, việc dạy giáo lý tại Hội Thánh Việt Nam cần để ý đến việc huấn luyện cái tâm nhiều hơn là đào sâu cái lý.
Từ mấy tháng nay, các phương tiện thông tin đại chúng loan ra nhiều tin không lợi cho tôn giáo. Chẳng hạn như các cuộc chiến có dính líu đến tôn giáo, các cuộc khủng bố do giáo phái, các vụ kết án tử hình do toà án tôn giáo, các cuộc phô trương tôn giáo gây tốn phí và chia rẽ. Một tình hình như thế này thiết tưởng chỉ có thể cải thiện được, bằng việc chúng ta dùng chính đời sống mình giới thiệu dung mạo một Ðức Kitô đầy tình yêu thương, dung mạo một Hội Thánh của Ðức Kitô đầy tình thương xót, dung mạo một hàng giáo phẩm, giáo sĩ rao giảng lòng nhân ái, để giúp mọi người đón nhận ơn cứu độ.
Lòng nhân ái chính là cửa để đón nhận ơn cứu độ. Bởi vì Chúa hứa: “Các con đong bằng đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả bằng đấu ấy” (Lc 6,38).
Lễ Truyền Dầu tại Thạnh An, ngày 11/4/1995