Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Hội Thánh tương lai

Cuối tháng 7 vừa qua, tôi trở lại Lisieux để thăm thánh nữ Têrêsa. Không biết lần thăm này là lần thăm thứ mấy. Chỉ biết lần này mang tính cách đặc biệt hơn. Bởi vì cuối tháng 9 này sẽ là kỷ niệm 100 năm ngày qua đời của thánh Têrêsa (30/9/1897 - 30/9/1997).

Trong nhà nguyện Dòng kín Carmel, trước di hài vị nữ tu trẻ này, chết hồi 24 tuổi, tôi suy nghĩ về Hội Thánh tương lai. Tôi mong ước trong tương lai, Hội Thánh của tôi sẽ trẻ đẹp, rất dễ thương. Suy nghĩ của tôi được khơi dậy bởi thánh Têrêsa, người mà tôi đang tiếp xúc, và bởi Ðức Kitô, Ðấng mà chúng tôi đang gặp gỡ.

Nhìn về tương lai, tôi thấy Hội Thánh cần để ý hơn đến mấy điều sau đây:

 1/ Thần học về sự bé nhỏ

Thiên Chúa đã chọn những gì bé nhỏ, yếu hèn. Nhìn sâu vào mầu nhiệm nhập thể, mầu nhiệm thánh giá, mầu nhiệm Thánh Thể, chúng ta thấy Thiên Chúa đã chọn những con đường rất khiêm hạ. Thiên Chúa mặc khải chính mình trong những hình thức không chút gì là quyền lực. Chúa mặc khải tình yêu của Ngài. Tình yêu là một thứ sức mạnh mà không một phạm trù nào về quyền lực có thể diễn tả được, nhưng lại rất hùng hồn khi tự hạ hy sinh.

Chúa chọn những sứ giả tình yêu để họ cộng tác vào việc xây dựng Nước Tình yêu của Ngài. Ðây cũng là những chọn lựa do lòng thương xót của Ngài, chứ không do công phúc và áp lực của bất cứ ai. Ngài có thể chọn những con người bé mọn yếu hèn. Trong cuốn Tự Thuật, Têrêsa kể lại: Một hôm, trong phòng, Têrêsa tình cờ mở Phúc Âm và gặp ngay đoạn viết: “Chúa Giêsu lên núi, Ngài kêu gọi những kẻ Ngài muốn; và họ đã đến với Ngài” (Mc 3,13). Ðó là mầu nhiệm ơn gọi của tôi... và mầu nhiệm về mọi ơn Chúa ban cho tôi... Chúa đã không gọi những người xứng đáng, nhưng kêu gọi những người Chúa muốn, như thánh Phaolô đã viết: “Chúa thương xót người Chúa ưa thích và Chúa xót thương kẻ Chúa muốn xót thương. Như thế sự được ơn không phải là công trình của kẻ muốn hoặc kẻ chạy chọt, nhưng là của Chúa thương xót mà thôi” (Rm 9,15-16).

Têrêsa rất ý thức chân lý đó. Ngài còn đi xa hơn, khi khẳng định rằng: Chúa thương ngài không phải vì ngài có công phúc gì, mà chính vì sự yếu đuối bé nhỏ của ngài. Hơn nữa Têrêsa còn quả quyết: “Cuối đời, con sẽ tay không ra trước mặt Chúa. Bởi vì, lạy Chúa, con không xin Chúa đếm các việc con làm. Con biết tất cả các việc công chính của chúng con đều mang vết nhơ trước mặt Chúa”. Têrêsa nhận biết sự khó nghèo thiêng liêng và bé nhỏ của mình, ngài chỉ trông cậy vào ơn thương xót Chúa mà thôi.

Về điểm này, mới rồi Ðức Hồng Y Godfried Danneels, Tổng Giám Mục Malines-Bruxelles, Bỉ, đã cảnh báo về sự đang xuất hiện trong Hội Thánh một hiện tượng, mà ngài cho là một thứ kiêu ngạo tinh vi, hoàn toàn phản Kitô giáo và phản Phúc Âm, một hiện tượng mang nguy cơ của bè rối Pêlagianô. Hiện tượng đó là sự đề cao công phúc của mình, sự quan trọng hoá ý chí của mình, sự thiếu xác tín về vai trò cần thiết tuyệt đối của ơn thánh (Tạp chí 30 Jours, no 57 Mai 1997, trang 26-34).

Qua thánh nữ Têrêsa, Chúa đang kêu gọi mọi người, nhất là những người tự mãn cho mình là đạo đức, hãy trở về tinh thần khiêm tốn, khó nghèo và bé mọn. “Ai hạ mình xuống như trẻ này, người ấy là kẻ lớn nhất trong Nước Trời” (Mt 18,4). Lời Chúa trên đây ghi lớn trên trần nhà nguyện Dòng kín Carmel là một bài thần học rất quan trọng cho Hội Thánh tương lai.

 2/ Tu đức cho những tâm hồn bé nhỏ

Tôi nghĩ trước mặt Chúa, trong lãnh vực siêu nhiên, tất cả mọi người chúng ta đều yếu đuối, thấp kém, bé mọn. Vì thế, hiểu Chúa là điều rất khó. Nhận ra Chúa và trở về với Chúa là điều càng khó hơn. Vậy Têrêsa đã nhờ đâu để khám phá ra “con đường bé nhỏ” dẫn đưa mình đến với Chúa?

Thưa không phải do những lý lẽ thuyết phục, cũng không phải do lý trí được soi sáng, nhưng do ơn thánh ban sức mạnh qua một chuỗi những sự việc cụ thể xảy ra, những khuôn mặt cụ thể được gặp, những nơi chốn cụ thể được gửi tới. Ơn thánh ban sức mạnh đến qua những tuyến đường cụ thể đó. Như một lịch trình có ghi ngày giờ. Têrêsa đã biết đón nhận ơn Chúa, đã đọc được ý Chúa, đã cảm nghiệm được tình thương của Chúa. Nhờ đó Têrêsa được biến đổi.

Xin nêu lên vài ví dụ. Môi trường thân thương của gia đình đã là một khởi đầu thuận lợi giúp Têrêsa nếm được tình Chúa dành cho mình. Rồi ngày 10 tháng 5 năm 1883 sự lạ “tượng Ðức Mẹ mỉm cười” đã chữa Têrêsa khỏi bệnh. Rồi ơn lễ Noel 1886 làm cho cô bé được trưởng thành hơn về đàng thiêng liêng, vv...

Qua những sự việc như trên, Têrêsa không những nhận được ánh sáng, mà nhất là còn nhận được sức mạnh để tiến trên đường đạo đức. Ðối với Têrêsa, sức mạnh đó chính là tình yêu do gặp được Thiên Chúa Tình yêu.

Têrêsa tin Thiên Chúa là Tình yêu. Bởi vì thánh nữ đã thấy Chúa đi vào lịch sử nói chung, và đi vào lịch sử Têrêsa nói riêng, để tìm gặp Têrêsa, chỉ vì thương yêu. Cho nên Têrêsa tin tưởng nơi Chúa, và đáp lại tình thương Chúa bằng tình mến trọn vẹn đối với Ngài và bằng đời sống phục vụ yêu thương chan hoà dành cho mọi người. Theo Ðức Hồng Y Ratzinger, niềm tin như trên đây là yếu tố căn bản của đạo Công giáo. Thực vậy người theo đạo Công giáo không tin theo một hệ thống chân lý, nhưng tin vào một thực tại, biến cố Thiên Chúa Tình yêu đi vào thế gian (Le sel de la terre, Cerf, 1997, trang 20-21).

Nếu đây là cốt lõi của đạo Chúa, thì những tâm hồn bé mọn, không đủ sức bay cao lên vùng trời tư tưởng cao xa, sẽ nắm chắc lấy cốt lõi đó. Họ tin vững vàng Thiên Chúa là Tình yêu. Họ đón nhận tình yêu Chúa ngay trong cuộc đời của mình. Họ đáp lại tình yêu Chúa cũng qua các chi tiết đời thường. Dù chỉ làm được ít, dù chỉ làm được việc nhỏ, hay cho dù phải khốn khó khổ đau không thể làm được gì, họ cũng vẫn yêu mến Chúa với hết tâm hồn họ. Ðối với mọi người họ cố gắng bao dung. Họ yêu thương người khác, không phải như chính mình, nhưng như Chúa đã yêu thương họ. Tu đức của họ là tình yêu. Trong cuốn “Ton amour a grandi avec moi. Un génie spirituel Thérèse de Lisieux”, Cha P. Marie Eugène de l'Enfant-Jésus đã viết về con đường tu đức đó, mà chính cha đã sống. Thực là hấp dẫn, con đường tu đức của vị thánh nữ trẻ đẹp đã tỏ ra vui mừng được ra trước mặt Chúa, “tay không”. Thực sự khó nghèo, rất mực khiêm nhường, hết tình phó thác, hết sức dấn thân, nhưng trọn vẹn sống Lời Chúa dạy: “Không có Thầy, chúng con không làm gì được” (Ga 15,5).

 3/ Mục vụ và truyền giáo của các tông đồ bé nhỏ

Càng lui tới Lisieux, tôi càng xác tín điều này: người tông đồ mà Hội Thánh cần, phải biết rao giảng các chân lý, phổ biến các tư tưởng tốt, nhưng chủ yếu phải biết chia sẻ một sự sống, một tình yêu. Sự sống thiêng liêng ấy đang ở trong hồn mình. Tình yêu thiêng liêng ấy đang cháy trong tim mình. Một tình yêu bao la. Một sự sống chan hoà. Họ chia sẻ một cách khiêm tốn, với những kế hoạch bé nhỏ, với những bước đi nhẹ nhàng tế nhị.

Tôi nhìn vào các cộng đoàn bé nhỏ sống đời chiêm niệm, âm thầm phục vụ các linh hồn, bằng cầu nguyện, hy sinh. Thí dụ nhà dòng kín Carmel đây. Từ cộng đoàn bé nhỏ này đã toả ra một bầu khí thiêng liêng. Những ai lại gần sẽ cảm thấy một sự bình an nào đó, một niềm hy vọng nào đó và một sự vui mừng nào đó. Những cộng đoàn bé nhỏ âm thầm như thế này không hoạt động ồn ào, nhưng lại tạo ra được một luồng gió thiêng, thổi nhẹ vào các tâm hồn, dọn đường giúp họ đón nhận quyền năng Chúa Thánh Thần đến đổi mới nội tâm họ.

Tôi nhớ đến các nhóm nhỏ tu hội, vừa chiêm niệm, vừa hoạt động giữa đời. Thí dụ nhóm các nữ công nhân truyền giáo tại Buenos-Aires, nước Argentina, đứng đầu là chị Têrêsa L. người Việt Nam. Nhóm này, từ 2 năm nay, phục vụ truyền giáo cho một nhà tù, chứa hơn 1000 nam tù nhân và hơn 50 nữ tù nhân. Trải qua bao khó khăn gian khổ, nhục nhã, các chị đã hoạt động thành công. Các chị đã đem vào đó niềm hy vọng giải phóng tâm hồn. Biết bao tù nhân nay đã trở nên người tốt. Ðến nỗi, các chị phải tự hỏi: không biết ai Phúc-Âm-hoá ai? Các chị tưởng mình đi Phúc-Âm-hoá họ, nhưng ai ngờ trong một số trường hợp, nay chính nhiều tù nhân đã Phúc-Âm-hoá các chị, do những gương sáng họ nêu lên về sự đón nhận ơn Chúa. Các người tốt được nhân lên.

Tôi nghĩ về những cụm nhỏ “tận hiến” giữa đời. Thí dụ một cụm đang hoạt động tại Paris, mà tôi mới gặp. Họ được huấn luyện rất kỹ. Họ cầu nguyện liên lỉ trong khi làm việc. Họ có mặt trong nhiều lãnh vực xã hội. Bề ngoài như một người thường, nhưng thực ra họ đã khấn hứa dâng mình cho Chúa và được Ðức Giám mục sai đi. Rất kín đáo, khiêm hạ khi sống cũng như khi chết. Họ ẩn dật, tự chôn vùi hơn cả những giáo dân thường. Nhưng họ là những cụm hoa thiêng liêng sống động, toả thơm những giá trị tâm linh, có sức đẩy lùi tội lỗi, và hướng lòng người về cõi thiêng liêng đổi mới tâm hồn.

Ðể được như thế, các tông đồ nhỏ luôn chú trọng đến việc chiêm niệm. Bởi vì, khi dấn thân tham gia các hoạt động mục vụ và truyền giáo, họ ý thức mình đang làm những việc, mà tác nhân chính là Thần Linh Ðức Kitô phục sinh, nguồn mạch sự sống mới và tình yêu cứu độ. Họ coi việc thường xuyên gắn bó mật thiết với Ðấng sai họ đi là việc hết sức quan trọng, Ðấng đã hứa: “Thầy sẽ ở lại với chúng con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Hội Thánh của tương lai đang hiện lên rõ nét. Những người có khả năng yêu mến đang làm nên tương lai của Hội Thánh. Yêu mến như Têrêsa yêu mến. Với tâm tình của người con bé nhỏ trước mặt Cha trên trời, và với thái độ khiêm tốn phục vụ đối với mọi người.

ù

Khi tôi đang lên xe từ giã Lisieux, thì một người cùng đi gọi tôi, chỉ lên hàng cờ tại công trường trước Ðại thánh đường thánh Têrêsa và nói lớn: Kìa, cờ Nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam! Tôi nhìn lên. Ðúng là cờ đỏ sao vàng chen giữa các cờ quốc tế. Tất cả mọi sắc cờ cùng tung bay theo một chiều gió. Tôi liên tưởng tới luồng gió Chúa Thánh Linh. Và tôi thầm cầu nguyện.

Long Xuyên, tháng 9/1997