Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Cầu nguyện với Ðức Mẹ ở Lavang

Một chiều mưa, tôi đến Lavang, để cầu nguyện ở nơi được gọi là chỗ Ðức Mẹ đã hiện ra cách đây 200 năm.

Trong thanh vắng, tôi đã gặp Ðức Mẹ. Nói cho đúng, thì Ðức Mẹ đã đến trong tâm hồn tôi. Cuộc gặp gỡ là rất tư riêng, linh thiêng, nhưng cảm nghiệm được một cách sâu sắc.

Diện mạo của Mẹ mang những nét gây rất nhiều cảm xúc. Nói chung đó là những nét về người mẹ.

Tôi đã từng xúc cảm trước hình ảnh mẹ tôi, người mẹ nghèo đầy yêu thương bình dị, thầm lặng hy sinh cho gia đình.

Tôi đã từng xúc cảm trước hình ảnh bà mẹ Việt Nam, người phụ nữ vốn được văn chương và nghệ thuật mô tả là một bà mẹ nghèo, chân chất, dạt dào yêu thương, âm thầm chịu mọi mất mát, để lo cho gia đình, dân tộc, đất nước.

Nhưng, khi gặp Ðức Mẹ Maria tại Lavang, tôi có cảm tưởng là các xúc cảm trên đây bỗng nhẹ đi, nhường chỗ cho những xúc cảm mới.

Ðức Mẹ đến với tôi cũng chính là mẹ Chúa Giêsu được kể trong Phúc Âm. Người mẹ nghèo, đơn sơ, bao dung, xót thương và đau khổ. Hình ảnh cụ thể đã hiện rõ nét nhất và lâu nhất trong tâm hồn tôi là hình ảnh Ðức Mẹ đứng dưới cây thánh giá.

Mẹ khổ đau, lặng lẽ đứng đó.

Ở đó đầy nhục nhã, Mẹ chia sẻ đau khổ với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, đang mặc khải tình yêu vô biên Thiên Chúa, qua thân phận người đầy tớ Ðức Giêsu, như tiên tri Isaia đã nói xưa.

Ở đó đầy cô đơn, Mẹ tuân phục ý Chúa trong chương trình cứu độ của Ðức Kitô, Ðấng tình nguyện gánh tội trần gian, như thánh Gioan tiền hô đã loan báo.

Ở đó đầy cơ cực, Mẹ cảm nghiệm một cách sâu sắc lời tiên tri Simeon đã nói với Mẹ 33 năm về trước.

Ở đó đầy bóng tối, Mẹ đã lặp lại lời xin vâng, đáp lại ơn truyền tin thứ hai, lần này là trao Gioan cho Mẹ.

Chúa Giêsu trên thánh giá là chứng từ cho một trái tim quá yêu, yêu quá. Ðức Mẹ đứng bên thánh giá Chúa Giêsu cũng là một chứng từ của một tấm lòng người mẹ quá thương, thương quá.

Cuộc gặp gỡ trên đây diễn ra không lời, đã gây ra nhiều tan vỡ trong tôi.

Nhiều mô hình kẻ được sai đi bị đổ vỡ, bởi vì chúng hầu như không có nét nào giống Chúa Kitô và Ðức Mẹ.

Nhiều chương trình làm vinh danh Thiên Chúa tự rã tan, bởi vì chúng bề ngoài coi như những phương tiện chuyển ơn thánh nhưng thực sự lại là những chướng ngại cản trở ơn thánh.

Nhất là nhiều loại cái tôi bị suy sụp. Cái tôi hời hợt, cái tôi hẹp hòi ích kỷ, cái tôi tìm hưởng thụ. Cái tôi bị trói buộc bởi xiềng xích những thói hư tật xấu. Cái tôi khôn ngoan theo lối thế gian, không dựa trên Lời Chúa và mầu nhiệm thánh giá. Cái tôi còn nệ hình thức đạo đức, nhưng lạnh lùng, thiếu vắng lửa yêu thương.

Những đổ vỡ trên đây đem lại cho tôi chân lý sâu thẳm bình an vững bền.

Tôi hiểu con đường cứu độ phải khởi đi từ thánh giá, mới đi vào được cõi phục sinh. Tôi xác tín rằng : những thành công rực rỡ bề ngoài không là những tiêu chuẩn chính xác của sự phát triển Nước Trời. Nguồn lực phát triển Nước Trời là lửa mến được nung nấu bằng những thánh giá lớn nhỏ đủ loại do Chúa gởi đến. Ðức Kitô trên thánh giá và Ðức Mẹ dưới chân thánh giá đã lặng lẽ sản sinh Hội Thánh bằng cách đó. Và cũng phải bằng cách đó, Hội Thánh mới có thể cộng tác vào chương trình cứu độ của Chúa, hầu đem lại cho Dân Tộc ta sự sống, và sự sống đó là rất dồi dào.

Những kỷ niệm trên đây về Lavang là của quá khứ.

Hôm nay, nhìn về Lavang giữa một vùng, mà đồng ruộng hầu như khô cạn, mà độ nóng đang tăng cao gay gắt, mà nhiều người dân đang lâm vào cảnh túng nghèo, tôi tự hỏi : ngày 15 tháng 8 năm 1998 này, trước những đám đông khác thường quy tụ tại Lavang để cầu nguyện, Ðức Mẹ sẽ nhắn nhủ gì. Nhưng chắc chắn chỉ những ai được Chúa thánh Thần mở lòng mở trí, mới hiểu được sứ điệp của Mẹ, và mới có can đảm đón nhận, thực thi sứ điệp của Mẹ.

Long Xuyên, ngày 1/8/1998