Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1990
 LÀM CHỨNG CHO TÌNH YÊU THIÊN CHÚA -1995-
 ÐẠO VÀ ÐỨC -1996-
 CẦU NGUYỆN VÀ HÀNH ÐỘNG -1997-
 TRUYỀN GIÁO LÀ "RA KHƠI" -1998-

Chia sẻ những cảm nghiệm
trong tâm tình cảm tạ

So sánh Việt Nam hôm nay với Việt Nam những năm trước đây, tôi thấy Việt Nam hôm nay có nhiều vẻ đẹp mới. Những vẻ đẹp mới này, cùng với những vẻ đẹp cũ, đang làm cho Việt Nam trở thành một thực-tại lịch-sử được trọng nể, phát triển theo những lựa chọn riêng của mình.

Thực-tại lịch-sử này là quê hương thân thương của tôi, là môi trường tôi được Chúa sai vào để làm chứng cho Chúa là Tình yêu cứu độ.

Nhìn môi trường thân thương này đang đổi mới, tôi “cảm tạ hồng ân Thiên Chúa bao la”. Trong tâm tình cảm tạ, tôi cảm nghiệm được nhiều điều mới. Xin được chia sẻ một số cảm nghiệm đó.

 Cảm nghiệm thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong lịch sử đổi mới của quê hương

Thực vậy, tâm hồn cảm tạ, khi mở rộng tầm nhìn, sẽ thấy nhiều việc lạ lùng Chúa làm trong thế giới các tâm hồn và trong các quan hệ xã hội. Công Ðồng Vatican II, trong hiến chế Vui Mừng và Hy Vọng đã dạy: “Chúa Thánh Thần, bằng sự quan phòng lạ lùng, vẫn hướng dẫn giòng thời gian, và đổi mới mặt địa cầu” (số 26), “Ðức Kitô phục sinh hoạt động trong lòng mọi người bằng sức mạnh Thần Linh của Người. Người gợi lên trong họ không những những khát vọng của thế kỷ đang đến, mà đồng thời cũng thanh luyện và củng cố những ước muốn quảng đại, thúc đẩy gia đình nhân loại cải thiện các điều kiện của cuộc sống, và đặt tất cả địa cầu vào mục đích đó” (số 26).

Quan điểm trên đây đã được Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II khai triển. Ngài viết: “Sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Linh không phải chỉ liên hệ tới các cá nhân, mà tới cả xã hội và lịch sử, các dân tộc, các văn hoá, các tôn giáo. Thực vậy, Chúa Thánh Thần có mặt ở nguồn gốc mọi lý tưởng cao đẹp và mọi sáng kiến tốt của nhân loại đang đi” (Thông điệp Sứ Mệnh Ðấng Cứu Thế, số 28).

Cái nhìn sâu rộng trên đây cho phép tôi ca tụng Chúa đã và đang hoạt động trong bao triệu đồng bào tôi, những người đã góp phần làm nên lịch sử đất nước. Họ thuộc đủ mọi thành phần, mọi tín ngưỡng, mọi màu sắc văn hoá.

Trong lịch sử đã có những ánh sáng lành và những ánh sáng độc, có những bóng tối đáng sợ và có những bóng tối hữu ích, có những tích cực và những tiêu cực, có những sai lầm và có những sửa sai. Nhưng cái gì cũng có thời của nó. Chỉ tình yêu Thiên Chúa là tồn tại vững bền.

Nếu hôm nay thành quả đẹp nhất là những lý tưởng hoà bình, độc lập và tình liên đới được phát triển, thì những lý tưởng đó thật sự đã không phát xuất từ những mặc cảm, nhưng từ những khát vọng tìm về một hạnh phúc lớn lao mở sang hai hướng song song: Gặp được Chân Thiện Mỹ tuyệt đối là chính Thiên Chúa, và gặp được tình chia sẻ giữa những con người biết yêu thương nhau.

Nhìn sâu vào lịch sử với đức tin và đức ái Phúc Âm, tôi thấy Chúa yêu thương mọi người mà Chúa đã tạo dựng. Họ là hình ảnh của Người. Nhiều kẻ biết đón nhận tình Chúa yêu thương, dù họ không Công giáo, đã sống tốt và phục vụ tốt hơn nhiều người khác, dù những người này là Công giáo. Ðó là sự thật để kiểm chứng. Tâm hồn tạ ơn cảm nghiệm những sự thật như thế một cách thanh thản. Cảm nghiệm này rất hữu ích. Nhất là khi cảm nghiệm thấy mình cần được nhiều người giúp đỡ.

 Cảm nghiệm thấy mình cần được nhiều người giúp đỡ để thực thi ơn gọi trên Quê Hương đổi mới

Kẻ được sai đi rất ý thức rằng: không phải người ta phải cần đến mình, nhưng chính mình phải cần đến người ta. Cần đến người khác là thế nào? Thưa là biết mình phải nhờ đến những tình thương mà mình không đáng được. Là biết mình chỉ có thể thực hiện được sứ mệnh kẻ sai đi một cách bình thường, nếu mình được xã hội chấp nhận và giúp đỡ. Là biết mình sẽ chỉ thực hiện được sứ mệnh kẻ sai đi một cách có hiệu quả, nếu mình được người xung quanh tha thứ cho những lỗi lầm của mình. Là biết mình có những thiếu sót, nên cần được tái Phúc-Âm-hoá bởi những kẻ khác, kể cả những kẻ có vẻ kém hơn mình.

Biết mình như vậy, nên khi cảm tạ Chúa, tôi không quên cảm tạ những người khác, nhất là đồng bào tôi, dân tộc tôi, đất nước tôi, cộng đoàn của tôi.

Trong tâm tình cảm tạ, có lúc tôi nhớ tới những trường hợp cụ thể, giống như vài trường hợp xưa của Ðức Kitô. Trên đường vác thập giá lên núi Sọ, Ðức Kitô đã được một người ngoại đạo xa lạ ghé vai vác đỡ thập giá thay cho Người. Bị đóng đinh trên thập giá, Ðức Kitô đã được một người ăn trộm trao gởi niềm tin và lòng mến phục. Như thế là đang khi các thượng tế trở thành những kẻ sát nhân, và các tông đồ trở nên những kẻ bỏ trốn, thì Ðức Kitô đã đón nhận được những sự giúp đỡ của kẻ ngoại đạo và của kẻ tội lỗi.

Tôi nghĩ rằng biết cần đến người khác, dù họ là ai, cũng là một cách dấn thân của đức tin và đức ái. Cho rằng mình là men, muối, thì men cũng cần đến bột, muối cũng cần đến thức ăn. Nếu không thế, thì men và muối sẽ chẳng làm chứng được gì. Hơn nữa, nếu men lại sợ bột, muối lại sợ thức ăn, thì còn đâu là phục vụ.

Ðôi khi, trong tâm tình cảm tạ Chúa và cảm tạ người khác, tôi chợt nhìn thấy những kẻ khốn cùng hèn hạ, và tôi cảm tạ họ, vì họ đã dạy tôi nhiều điều mà tôi không học được ở những người giàu sang thông thái có địa vị cao. Nhất là tôi biết ơn họ đã cho tôi cơ hội, để sau này đến toà Chúa phán xét, tôi hy vọng được Chúa xếp vào loại tốt, bởi vì: “Ta đói, con đã cho Ta ăn...”. Họ đã là một thách đố. Xem ra cách vào thiên đàng là phải giải đáp thách đố ấy.

 Cảm nghiệm thấy địa vị dành cho Hội Thánh là ở những thách đố của lịch sử Ðất Nước đang đi lên

Tôi thấy trong thời điểm hiện nay, sẽ không có những địa vị tặng không cho Hội Thánh. Phải phấn đấu mới có được. Phấn đấu bằng cách góp phần giải đáp những thách đố mà lịch sử đặt ra. Ðại để là thăng tiến con người, phát triển cuộc sống, bảo vệ độc lập và hoà bình của Ðất Nước.

Thực tế cho thấy, nhiều cá nhân, nhiều tổ chức, nhiều tôn giáo, nhiều cộng đoàn của Hội Thánh đã chứng minh bằng việc làm là họ có thiện chí và khả năng dấn thân vào những thách đố ấy, và họ có những tiềm năng đáng tin cậy để phát triển tương lai đất nước. Nhờ thế, họ được trân trọng và dành được những quyền lợi xứng đáng.

Như vậy có nghĩa là trong thời điểm này, đức tin cần được làm chứng bằng cách dấn thân đem lại hoà bình, yêu thương, công lý, phát triển cho Dân Tộc.

Chính Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã dạy: “Hơn bao giờ hết, Hội Thánh biết sứ điệp xã hội của mình sẽ được trở thành đáng tin nhờ chứng từ của các việc làm hơn là của sự đoàn kết và hợp lý nội bộ” (Thông điệp Thiên Niên Thứ Ba, số 57).

Ðể phục vụ có hiệu quả, cần phải coi việc đào tạo trường kỳ chính mình là rất cần. Việc điều chỉnh lại đường hướng và phương tiện cho thích hợp với từng thời điểm cũng là một đòi hỏi quan trọng. Có những hoàn cảnh, uy tín của Hội Thánh sẽ lên cao không phải do mãi mãi đợi chờ một hoàn cảnh mình muốn, để thực hiện những giải pháp tối ưu, mà là do biết nắm bắt thời cơ, đưa ra một giải pháp tầm thường nhưng có thể thực hiện được, với những điều kiện khó mà vẫn phát triển được Tin Mừng.

ù

Việt Nam hôm nay như một con tàu đang chạy về phía trước với tốc độ nhanh. Chính con tàu này đang chở tôi. Chính con tàu này cũng đang chở những cộng đoàn bé nhỏ đức tin của tôi. Chính trong con tàu này, những cộng đoàn bé nhỏ này và tôi đang tôn thờ Thiên Chúa và đang cảm tạ Người. Bầu khí hài hoà và thông cảm. Hơn nữa, Tin Mừng cũng đang được chia sẻ rộng rãi với những đồng bào ngoài Công giáo. Chính đó đã là một Tin Mừng.

Xin cảm tạ Thiên Chúa đến muôn đời.

Long Xuyên, tháng 9/1995