Chia sẻ vài ấn tượng không bao giờ quên
về Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục (1/11/1946 - 1/11/1996) của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tôi xin chia sẻ vài ấn tượng của tôi về vị Giáo Hoàng thứ 264 đầy uy tín, người cha chung kính mến của Hội Thánh toàn cầu.
Trong các kỷ niệm khác nhau về Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II, tôi nhận thấy có một loại kỷ niệm đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống mục vụ và truyền giáo của tôi. Ðó là những kỷ niệm đồng tế với Ðức Thánh Cha.
Tôi được may mắn đồng tế với Ðức Thánh Cha nhiều lần. Có những lần số giám mục đồng tế tới vài trăm vị, như lần tôi đồng tế với ngài trong một thánh lễ thứ Năm Tuần Thánh tại Ðền thờ thánh Phêrô, và như lần tôi đồng tế với ngài trong thánh lễ cho giới trẻ toàn cầu tại Manila. Có lần số giám mục đồng tế là vài chục vị, như lần tôi đồng tế với ngài trong thánh lễ dịp các Ðức Giám mục Việt Nam đến viếng mộ hai thánh Tông đồ. Có lần số giám mục đồng tế chỉ là hai hoặc ba vị, như những lần tôi được đồng tế với ngài trong những thánh lễ dành cho các nhóm nhỏ tại nhà nguyện riêng của ngài.
Ở đây, tôi nhớ lại những kỷ niệm loại sau cùng, tức là những thánh lễ tại nhà nguyện riêng của ngài. Nhà nguyện nhỏ, bàn thờ nhỏ, với vài nhóm nhỏ, cùng với vài vị đồng tế đứng cạnh bên Ðức Thánh Cha. Ðã năm lần tôi được hân hạnh có mặt trong số nhỏ đó. Nói chung, những gì tại đó đã để lại trong tôi những hương vị thiêng liêng, gây ấn tượng mạnh, chính là những vẻ đẹp khác thường, ít gặp được ở những nơi khác.
Vẻ đẹp thứ nhất là hình ảnh sự gắn bó khiêm tốn mật thiết của Ðức Thánh Cha với Ðức Kitô
Hình ảnh này được nhận thấy nơi Ðức Thánh Cha, khi ngài cầu nguyện trước thánh lễ, sau thánh lễ, và nhất là trong thánh lễ. Những lần đứng bên cạnh Ðức Thánh Cha trên bàn thờ, tôi không những nhìn thấy, mà còn cảm được phần nào niềm tin mến sống động của Ðức Thánh Cha đối với Chúa Giêsu. Nếu sống đạo là phải tuyên xưng Ðức Kitô là Chúa và là Ðấng Cứu độ, thì thái độ cầu nguyện của Ðức Thánh Cha chính là một cách tuyên xưng hùng hồn. Nhìn ngài cầu nguyện, tôi hiểu được thấm thía lời Ðức Kitô dạy xưa: “Thầy là thân cây nho, các con là ngành nho. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong kẻ ấy, thì kẻ ấy sinh hoa quả. Không có Thầy, chúng con không thể làm gì được” (Ga 15,5). Từ hình ảnh Ðức Thánh Cha cầu nguyện trong thánh lễ, tôi nhớ tới thông điệp đầu tiên của ngài về Ðức Kitô, Ðấng Cứu độ loài người (Redemptor hominis). Tập trung vào Ðức Kitô, gặp gỡ Ðức Kitô, bước theo Ðức Kitô, học hỏi lời Ðức Kitô, đó là một chân lý ngọt ngào đã đi vào lòng tôi, và thấm sâu vào đời tôi. Kết quả đó một phần là do những lần đồng tế với Ðức Thánh Cha.
Trong các thánh lễ, dù với những nhóm nhỏ, Ðức Thánh Cha chỉ cầu nguyện theo các kinh và các công thức in sẵn trong sách lễ Rôma. Ngài không thêm không bớt, dù một câu một chữ. Ðiều đó chứng tỏ ngài cầu nguyện theo Kinh Thánh và theo những lời của Hội Thánh. Nhưng trong thánh lễ, Ðức Thánh Cha đã có những phút thinh lặng, trước thống hối, trước các lời cầu: nhập lễ, tiến lễ và hiệp lễ. Nhất là ngài thinh lặng lâu sau bài Phúc Âm và sau rước lễ.
Tôi hiểu là trong những thinh lặng đó, ngài cũng như mỗi người dâng lễ, đều suy gẫm và cầu nguyện riêng. Mỗi người sẽ đón nhận Ðức Kitô và Thánh Linh của Ngài, có thể một cách giống nhau, và cũng có thể nhiều cách khác nhau, tuỳ theo sự quan phòng khôn ngoan của Chúa Cha giàu tình yêu thương xót, trong kế hoạch xây dựng Nước Trời. Những lúc đó tôi thấy Ðức Thánh Cha đúng là biểu tượng của Hội Thánh, dấu chỉ và là dụng cụ của sự hiệp nhất. Thực là một biểu tượng đẹp.
Vẻ đẹp thứ hai là hình ảnh sự hiệp thông ưu ái của Ðức Thánh Cha với các Giáo Hội địa phương
Những hình ảnh như thế nhỏ thôi, nhưng rất đẹp và sống động. Tôi nhớ lại những lần có một vài vị giám mục nước khác cùng với tôi đồng tế với Ðức Thánh Cha. Một lần là Ðức Hồng y Paris, Pháp; một lần là Ðức Giám mục Nam Tư; một lần là một Ðức Giám mục Lào; một lần là một Ðức Giám mục Nam Mỹ. Tôi có cảm tưởng là, qua mỗi người chúng tôi, Ðức Thánh Cha nhìn thấy tất cả Giáo hội địa phương của mỗi người. Ngài nhìn thấy với những cảm thông, với những chia sẻ, với tất cả tấm lòng yêu thương ưu ái.
Tôi cảm nhận được sự thực đó, nhất là trong thánh lễ, khi Ðức Thánh Cha ôm hôn từng vị, chúc bình an cho từng vị, trao Mình Thánh cho từng vị, và cuối lễ, mời các giám mục đồng tế cùng ngài ban phép lành chung cho các cộng đoàn.
Những phút trao đổi thân tình sau thánh lễ, và thỉnh thoảng khi đồng bàn với Ðức Thánh Cha, tôi thấy ngài tuy xa, nhưng rất gần gũi các Giáo hội địa phương. Ngài lắng nghe, thích tiếp nhận những ý kiến và luôn kính trọng những khác biệt. Một nét rất đẹp của ngài về phương diện này là thái độ đơn sơ khiêm tốn hiền lành đầy nhân ái. Thái độ đó được tỏ hiện một cách tự nhiên. Tôi nhìn thái độ dễ mến đó của ngài như một dấu chỉ “Chúa ở trong ngài”. “Ðâu có tình yêu thương, ở đó có Ðức Chúa Trời”. Thái độ dễ mến đó của ngài cũng nhắc tôi nhớ tới bài ca bác ái của thánh Phaolô (x. 1Cr 13), một bài hùng ca, một bài trường ca cho những bước đi của người truyền giáo.
Vẻ đẹp thứ ba là hình ảnh thánh giá nơi Ðức Thánh Cha, trong sứ mạng truyền giáo và tái truyền giáo
Mỗi lần đứng bên Ðức Thánh Cha trên bàn thờ, tôi cảm thấy phần nào con đường thánh giá của ngài: Thánh giá đủ thứ đến từ nội bộ Giáo hội. Thánh giá đủ loại đến từ ngoài Giáo hội. Thánh giá do những gánh nặng trách nhiệm. Thánh giá do những giảm sút về sức khoẻ v.v.
Tôi thấy những đau đớn thường hiện lên trên nét mặt Ðức Thánh Cha, những khi ngài cử hành thánh lễ. Trong vẻ khoan thai xem ra vẫn có nhiều thúc bách gai góc đợi chờ. Trong vẻ bình lặng xem ra vẫn ẩn chứa nhiều lo âu khắc khoải. Trong vẻ hân hoan hình như vẫn thoáng chợt lộ ra những ray rứt của trái tim tông đồ trước những thực tại phũ phàng nơi này nơi nọ.
Những hiện tượng đó nơi Ðức Thánh Cha làm tôi nhớ lại tấm huy hiệu giáo hoàng của ngài: một thánh giá bao trùm bề dài và bề rộng chiếc huy hiệu. Như thể thánh giá sẽ trải khắp cuộc đời giáo hoàng của ngài. Phải chăng khi chọn huy hiệu đó, Ðức Thánh Cha đã thấy trước những thánh giá đời mình? Tình hình hiện nay trên thế giới đang báo hiệu những thánh giá mới trong tương lai Hội Thánh. Nhưng những thánh giá nào giống thánh giá Ðức Kitô sẽ có giá trị cứu độ nhân loại.
Một lần tôi hỏi Ðức Thánh Cha về những thử thách đau đớn, mà ngài phải chịu, Ðức Thánh Cha đã trả lời: “Tôi quen rồi”. Tôi hiểu cái quen của Ðức Thánh Cha là do tình mến Chúa yêu người và do sự cậy trông vào Ðức Mẹ Maria. Cái đẹp của thánh giá là ở chỗ đó. Sức mạnh cứu độ của thánh giá là vì có những yếu tố đó kèm theo. Sự khôn ngoan của thánh giá, mà thánh tông đồ Phaolô ca tụng là sự khôn ngoan của một thánh giá diễn tả tình yêu Thiên Chúa (x. 1 Cr 1, 17-25).
ù
Tôi còn nhiều kỷ niệm đẹp về Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Hôm nay, tôi xin chia sẻ chừng đó thôi. Tôi hy vọng, để tỏ lòng thương mến ngài, chúng ta không những sốt sắng cầu nguyện cho ngài, mà còn nỗ lực thực thi ý muốn của ngài là đẩy mạnh việc tân Phúc âm hoá và tái Phúc Âm hoá chính mình, cộng đoàn của mình và mọi lãnh vực đời sống của mình, nhất là bằng việc trở về với Ðức Kitô và Phúc Âm của Người.
Long Xuyên, tháng 11/1996