Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Hoà Giải

Trong đời tôi, tôi đã dự nhiều tiệc mừng. Mỗi tiệc mừng đều có lý do của nó, như mừng tết, mừng khách quí, nừng tân linh mục, mừng tân hôn, mừng tân gia, mừng ngân khánh, v.v... Nói chung là như vậy. Còn thứ tiệc mừng vì lý do mừng hoà giải như bữa tiệc nói trong bài Phúc Âm lễ hôm nay thì ít có. Sự kiện này cho thấy tinh thần mến trọng hoà giải theo gương người cha nhân ái trong dụ ngôn hôm nay vẫn còn là vấn đề mới đối với thực tế chúng ta.

Người cha có hai đứa con. Ðứa con đã một thời dài sống chia rẽ. Nó đòi chia của, đi bụi đời, cắt đứt liên hệ với gia đình. Nhưng rồi có lúc thấm mùi cay đắng, nó nhất định trở về. Người cha nhân ái, khi thấy con đàng xa, liền hối hả ra đón. Ngài không nhắc gì đến chuyện cũ. Ngài ôm lấy con, dẫn con vào nhà. Hơn nữa, để xoá mặc cảm của con, ngài đã ra lệnh cho các người giúp việc phải hết sức chăm sóc người con đó, dành cho anh những đồ dùng cá nhân, quần áo, giày dép đẹp nhất, sang nhất. Rồi ngài làm tiệc lớn, mời bà con thân thuộc gần xa đến ăn mừng.

Nhiều người thấy vậy, đã cho là quá đáng. Nhất là đứa anh đã bất bình ra mặt. Nhưng ngài cho biết suy nghĩ riêng của ngài. Theo ngài chia rẽ là như chết đi, hoà giải là như sống lại. Mà sống lại là một điều đáng quí đáng mừng không gì sánh được.

Cái nhìn trên đây của người cha nhân ái là một bài học lớn cho mỗi người chúng ta, nhất là trong thời này là thời điểm hoà giải. Chúng ta biết hiện nay khắp nơi hoà giải đang trở thành một xu thế lịch sử.

Hoà giải với Chúa và với mọi người đó là dấu chỉ để nhận ra con cái Chúa, đó là cách mở rộng Nước Trời. Nếu ta muốn tặng Chúa một niềm vui, thì hãy hoà giải nhiều hơn với Chúa và với mọi người. Nếu phải tìm thành tích của một cá nhân, của một tổ chức, để mừng khen, thì nên tìm công việc hoà giải của họ. Nếu ta muốn trở thành một người hữu ích cho Hội Thánh và cho xã hội, thì hãy quan tâm đến việc khuyến khích và xây dựng hoà giải giữa đời và đạo, trong nội bộ tôn giáo, trong gia đình, trong địa phương.

Có một điều bất ngờ đối với tôi trong dụ ngôn hôm nay, đó là khi mọi người đang ăn mừng hoà giải, thì có một người đã lên tiếng chống đối. Người đó chính lại là đứa con vốn được tiếng là ngoan, luôn ở bên người cha nhân ái, người đó cũng chính là anh ruột đứa em mới trở về. Giả sử anh ta chống đối, vì nghi ngờ sự thành thực của đứa em, thì ý kiến của anh ta có thể chấp nhận được phần nào. Ðàng này, lý do chống đối của anh rõ rệt là vì tấm lòng hẹp hòi, so đo, ích kỷ. Cũng lạ thực, đứa con bao năm sống bên cạnh người cha đầy tình nhân ái đối với mình, sao anh ta không học được đức tính nhân ái sáng ngời ấy! Nhưng suy đi nghĩ lại, tôi thấy điều đó chẳng có gì đáng lạ. Bởi vì, trên thực tế, biết bao nhiêu người của Hội Thánh, trong đó có tôi, đã bao năm được sống dưới sự che chở yêu thương đặc biệt của Chúa, được thường xuyên nghe giáo lý công bình bác ái Phúc Âm, thế mà vẫn chưa hết ích kỷ, bất công, khép kín, ác độc, chia rẽ.

Nhận định trên đây sẽ giúp ta khiêm tốn, để không ngừng đổi mới chính mình, bằng sự hằng ngày cố gắng hoà giải hơn với Chúa, hoà giải hơn với mọi người. Hoà giải là một chức vụ Chúa trao phó cho mỗi người chúng ta, như lời thánh Phaolô đã nói trong thư gửi giáo dân Corintô, mà bài đọc II lễ hôm nay đã trích dẫn.

Lạy Chúa, xin giúp con chu toàn chức vụ hoà giải, để con được nên giống Chúa hơn.

Chúa nhật thứ IV Mùa Chay (C) tại Long Xuyên, ngày 5/3/1989