Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Của Cải

Sau khi đọc thoáng bài Phúc Âm hôm nay, tôi đã nói với Chúa rằng: Lạy Chúa, dân con đang nghèo. Trong hoàn cảnh như hiện nay, ai cũng coi sự làm ra nhiều của cải là một bổn phận không nên coi thường, ai cũng coi việc tích trữ tiền bạc là việc khôn ngoan, nên khuyến khích, để có vốn làm ăn, để tu sửa nhà cửa, để đề phòng lúc đau yếu già cả, để lo cho con cháu học hành, ai cũng coi đời sống sung túc là một lý tưởng tối thiểu để sống cho ra kiếp người. Ai cũng coi việc làm giàu là một quyền lợi phải đấu tranh cho mọi người dân. Thế mà trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu đã không nói theo chiều hướng đó. Trái lại, xem ra Chúa còn cảnh giác chúng con về sự đi tìm của cải. Những cảnh giác như vậy có nên đưa ra lúc này không?

Tôi đã thành thực nói với Chúa như vậy. Rồi tôi đọc đi đọc lại bài Phúc Âm, dần dần tôi nhận ra là lời Chúa cảnh giác hôm nay không những rất nên đưa ra lúc này, mà còn phải được mọi người chúng ta suy nghĩ. Bởi vì trong một hoàn cảnh mà kinh tế được đặt lên ưu tiên số một, thì khó tránh được những thoái hoá do ảo tưởng. Thí dụ, những ảo tưởng sau đây vừa kể trong Phúc Âm: Tưởng rằng hễ có nhiều của là sẽ có hạnh phúc trọn vẹn. Tưởng rằng hễ tích trữ được nhiều tiền của là đời mình sẽ được tuyệt đối bảo đảm. Tưởng rằng hễ biết làm giàu là tất nhiên sẽ được coi là người tốt.

Trên đây là những ảo tưởng không những sai về mặt đạo đức, mà cũng sai về mặt khoa học. Thế mà vô số người vẫn nuôi những ảo tưởng như thế, để rồi sẽ phải gánh chịu những hậu quả tai hại không lường được. Vì thế lời Chúa răn đe hôm nay là một bài học quý giá cho chúng ta.

Nếu cần đem bài Phúc Âm hôm nay dọi vào thực tế lúc này để đưa ra những chỉ dẫn thiết thực, thì những chỉ dẫn đó sẽ là thế này: Muốn xây dựng và phát triển nền hạnh phúc nói chung và nền kinh tế nói riêng, thì ưu tiên phải để ý đến việc giáo dục đào tạo những con người tốt, để họ không những có đủ khả năng khoa học chuyên môn, mà còn phải có lương tâm đạo đức nữa.

Một gia đình chỉ lo làm ra của cải mà không lo giáo dục con cái, sẽ phạm một sai lầm lớn. Một chương trình đào tạo người làm kinh tế chỉ lo dạy đủ thứ khoa học, mà không lo huấn luyện lương tâm con người kinh tế để nó trở thành đạo đức, sẽ là một chương trình còn quá thiếu.

Hiện nay phong trào thực dụng đang có khuynh hướng tạo nên một nền đạo đức mới, tạm gọi là đạo đức kinh doanh, thay thế cho nền đạo đức truyền thống, gọi là đạo đức hy sinh. Ðạo đức hy sinh coi người biết hy sinh cho kẻ khác là một gương mẫu đẹp, nên bắt chước. Còn đạo đức kinh doanh coi người biết làm ra nhiều tiền của là một mô hình tốt, nên trọng vọng và nên noi theo. Não trạng đạo đức kinh doanh như thế dần dần sẽ không ngại đi tới kinh doanh đạo đức, buôn thần bán thánh, lợi dụng các hình thức đạo đức để làm tiền. Tình hình này, nếu không được cải thiện, sẽ gây nên vô vàn tai hại cho thế hệ con cháu chúng ta.

Vì thế, bài Phúc Âm hôm nay có thể được coi là một bài đạo đức xã hội có tính cách thời sự cấp bách.

Lạy Chúa, xin thương thay đổi lòng trí chúng con, để chúng con biết dùng của cải theo đúng tinh thần của Chúa.

(CN 18 TN / C) Long Xuyên ngày 23/8/1989