Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Thiên Chúa Là Tình Yêu

Một lần, tôi cắt nghĩa Phúc Âm bằng tranh ảnh cho một người ngoại đạo. Tôi cho họ xem bữa tiệc ly, và cắt nghĩa chút ít về phép Thánh Thể. Nghe xong, họ có vẻ dửng dưng. Chỉ nói: Ngộ quá. Tôi lại cho họ xem ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh, và cũng cắt nghĩa đôi chút về cuộc tử nạn của Chúa. Nghe xong, họ cũng như thường. Chỉ nói: Tội nghiệp cho Chúa. Tôi lại cho họ xem ảnh Chúa vác con chiên trên vai, và tiếp đó là ảnh Chúa ôm hôn một chàng thanh niên gầy ốm rách rưới. Tôi cắt nghĩa vài lời về lòng Chúa xót thương đi tìm con chiên lạc, vác nó trên vai, và vui mừng đón đứa con phung phá trở về, như bài Phúc Âm hôm nay diễn tả. Nghe xong, họ tỏ vẻ xúc động, nói: Chúa thực dễ thương. Và từ bức ảnh đó, chúng tôi đã trao đổi với nhau về đạo, về Chúa và về Hội Thánh.

Thì ra hình ảnh của bài Phúc Âm hôm nay đã là hình ảnh thực sự truyền giáo. Thái độ xót thương của Chúa đối với những kẻ lầm đường lạc lối đúng là một sức mạnh lôi cuốn. Trái tim đầy tình nhân ái của Chúa chính là chìa khoá mở cửa lòng người. Chúa đã dùng chìa khoá đó để mở cửa lòng các tông đồ và quần chúng trong Phúc Âm. Chúa vẫn dùng chìa khoá đó để mở cửa biết bao tâm hồn trong lịch sử mọi thời mọi nơi.

Ðiều đáng nói nhất ở đây là Chúa cũng đã dùng chìa khoá ấy để mở cửa lòng ta. Mỗi người chúng ta, dưới góc độ nào, đều là đứa con phung phá, đã được Chúa xót thương tha thứ, không phải một lần, mà là nhiều lần.

Thiên Chúa là Tình yêu, đó là điều không thấy nêu lên trong kinh Tin Kính. Nhưng tôi vẫn coi đó là một tín điều lớn nhất, quan trọng nhất và có ảnh hưởng sâu rộng nhất trên con đường phần rỗi.

Khi nhận thức được Thiên Chúa là Tình Yêu thương, không phải chỉ chung chung đối với nhân loại, mà là cách riêng đối với cá nhân ta, trong thâm tâm lòng ta, suốt dọc đời ta, từng ngày từng tháng từng năm, ta mới thấy được sự ta được Chúa yêu thương chính là một kho tàng quý báu nhất của ta.

Chúa yêu thương tôi, Chúa đi tìm tôi, Chúa ẵm tôi như ẵm con chiên lạc, Chúa ôm hôn tôi như đã hôn đứa con phung phá trở về. Những sự đó đã diễn ra trong đời tôi. Ðó là chuyện đời tôi. Hiểu biết như vậy, ta sẽ cảm thấy tình yêu Thiên Chúa là một sự thực ngọt ngào ta thấy được rõ ràng ngay trong máu thịt ta.

Và tất nhiên là ta phải cảm tạ Chúa đến muôn đời vì ơn được Chúa yêu thương. Bình thường, khi được người nào yêu thương, ta vẫn coi là một may mắn, một vinh dự. Còn khi ta được chính Thiên Chúa cao cả yêu thương, ta có biết coi đó là một ân huệ lớn lao, đòi ta phải biết ơn không?

Một hôm, tới một vùng sâu làm lễ, tôi gặp một nhóm người từ rất xa đến. Nơi họ ở không có nhà thờ, không hề bao giờ có thánh lễ. Muốn đi lễ, họ phải chèo xuồng hơn 10 cây số mới tới được nhà thờ gần nhất. Một người gặp tôi đã nói: “Xin cha giúp chúng con sống thân thiết với Chúa Giêsu hơn”. Lời chân thành ấy đã làm tôi sửng sốt. Nó cho tôi thấy: Có những người sống nghèo túng, thiếu cả những phương tiện tối thiểu để lui tới các bí tích, thế mà lòng họ lại thường xuyên thao thức với tình yêu Thiên Chúa, họ coi sự sống thân thiết với Chúa Giêsu là một bổn phận cao quí, một hạnh phúc lớn lao của họ. Ðang khi đó, biết bao người có của cải, có thời giờ, có phương tiện, ở gần nhà thờ có thánh lễ hằng ngày thì lại dửng dưng, như thể tình yêu Thiên Chúa không phải là sự gì thiết thân của họ. Chúng ta có thuộc vào hạng người như thế không?

Lạy Chúa, trong bóng tối dày đặc của sự ác đang bao phủ thế gian, con vẫn được Chúa trao cho một ngọn đèn thực sáng, đó là niềm tin và tình yêu xót thương của Chúa. Nhờ ngọn đèn đó, con vẫn nhìn thấy hy vọng, con vẫn thấy được bàn tay vô hình của Chúa trong mọi biến cố xảy ra. Con hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho con ngọn đèn ấy. Ðiều con cầu nguyện thiết tha hôm nay là xin Chúa thắp lên trong lòng mọi người có đạo niềm tin sáng ngời ấy, niềm tin vào tình yêu xót thương của Chúa.

CN 24/C, Long Xuyên ngày 30/9/1989