Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Hy Sinh Cho Tình Yêu Tuyệt Ðối

Hôm rồi, gặp một người Công giáo, tôi hỏi thăm họ lâu nay có lui tới nhà thờ, ít là lễ Chúa nhật không. Thì người đó thưa: Con lu bu quá, con đâu có ở không. Hết việc gia đình đến việc xã hội. Không còn giờ nào rảnh cả. Nghe câu trả lời đó, tôi buồn. Tôi thấy Chúa đã bị xếp hàng vào thứ yếu. Người ta tìm đủ cách để cân bằng các liên hệ gia đình với các liên hệ xã hội. Còn liên hệ với Chúa thì xem ra không thành vấn đề, hoặc chỉ là vấn đề rất phụ. Ðó là chủ nghĩa tương đối hoá áp dụng cả với Chúa.

Suy nghĩ tình trạng trên đây dưới ánh sáng bài Phúc Âm hôm nay, tôi thực sự lo âu. Bởi vì trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu quả quyết điều này là: Sự gắn bó với Chúa phải là một sự gắn bó tuyệt đối. Chúa đòi những ai muốn làm môn đệ Chúa phải dấn thân một cách tuyệt đối. Chúa diễn tả tính cách tuyệt đối ấy bằng những hình ảnh chọn lựa quyết định: Phải sẵn sàng từ bỏ cha mẹ, vợ con, anh chị em và cả mạng sống mình. Phải vác thánh giá mình mà đi theo Chúa. Ðó là một thái độ, một tư thế nói lên Chúa là tuyệt đối, và sẵn sàng chấp nhận bất cứ hy sinh nào miễn là được theo Chúa đến cùng.

Bình thường, đời sống đức tin không đòi hỏi những hy sinh lớn lao. Nhưng không vì thế mà được tưởng nghĩ rằng ngọn lửa đức tin trong lòng ta sẽ cứ cháy hoài, mà không cần đến củi hy sinh. Ðức tin phải là một tình yêu rực cháy, vừa gắn bó với Chúa, vừa sưởi ấm những người xung quanh, vừa thanh luyện chính bản thân ta. Nếu có lò lửa, có củi, nhưng củi không được ném vào lò lửa, thì lửa sẽ tàn dần. Cũng vậy, lửa đức tin là do Chúa đốt lên trong hồn ta, củi là những hy sinh vốn đi liền với sự ta tuân giữ các giới răn Chúa trong việc chu toàn bổn phận mến Chúa yêu người. Bỏ củi vào lửa là việc của ta.

Theo tạp chí “Tân Phúc Âm hoá năm 2000”, số 8, phát hành tại Ý thì hiện nay số người Công giáo tại Pháp đi lễ Chúa nhật vào khoảng 10%, số người Công giáo tại Rôma, thủ đô Giáo Hội, đi lễ Chúa nhật vào khoảng 15% (Ða số không đi lễ). Còn theo tạp chí “Học hỏi” tháng 3, 1989, phát hành tại Pháp, thì số người đi lễ Chúa nhật ở Cộng hoà liên bang Ðức đang đà giảm sút. Năm 1955 là 60%. Năm 1970 là 37%. Năm 1985 là 25%. Ða số không đi lễ, dù thứ bảy, dù Chúa nhật, không phải vì họ bận công việc làm ăn, mà là bận đi chơi, bận giải trí. Như thế, nhu cầu liên hệ với Chúa không những bị xếp sau nhu cầu làm ăn, mà còn sau cả nhu cầu giải trí nữa. Không còn chút hy sinh nào cho Chúa cả.

Tình hình đáng buồn trên đây đang lan tràn ở nhiều nước phát triển văn minh vật chất. Ta nên biết sự thực đó, để có một cái nhìn xa, như Chúa khuyên trong bài Phúc Âm hôm nay về sự xây tháp và giao chiến.

Nhìn xa ở đây là muốn xây dựng đời sống đạo, thì phải làm nền, làm móng cho sâu, cho vững. Nhìn xa ở đây là muốn đối phó với mặt trận ma quỉ thế gian xác thịt luôn tìm cách phá hoại đức tin, thì phải chuẩn bị cho mình và cho cộng đoàn đức tin của mình thực lực thiêng liêng.

Sống đức tin là sống gắn bó với một Ðấng Tuyệt đối. Số phận đời đời của ta sẽ tuỳ thuộc vào sự gắn bó đó. Sẽ không thể có một sự gắn bó xứng đáng, nếu không phấn đấu, nếu không hy sinh.

Lạy Chúa Giêsu, con hết lòng cảm tạ Chúa đã ban cho con những thánh giá. Toàn là những thánh giá nhỏ, bởi vì Chúa biết con yếu đuối. Dù thế, xin Chúa thương giúp con vác những thánh giá ấy, để con nói lên lòng con tin mến Chúa. Nếu con vấp ngã, xin Chúa nâng con dậy. Con tin: Trong tay Chúa, con sẽ đi theo Chúa tới cùng.

CN 23/C, Long Xuyên ngày 24/9/1989