Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Giới Luật Yêu Thương

Khi Chúa Giêsu đến trong thế gian, đạo cũ đang biến chất trầm trọng. Ðạo trở thành một gánh nặng: Nặng, vì những luật lệ khắt khe không cần thiết. Nặng, vì những người đạo đức giả, áp đặt một lối sống đạo câu nệ và phô trương.

Chúa Giêsu đến đổi mới tình hình đó. Người đổi mới, bằng những lời giảng đề cao bác ái, bằng những việc làm quảng đại vị tha, bằng thái độ sống hiền từ khiêm nhường chan hoà nhân ái.

Ðể tóm tắt tinh thần đổi mới đó, Chúa Giêsu đã trao cho các môn đệ giới răn vắn gọn, đó là giới luật yêu thương. Phúc Âm hôm nay công bố giới luật đó: “Thầy cho các con một điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương các con”. Yêu thương nhau chính là dấu chỉ đích thực của người môn đệ Thầy.

Ngày Chúa Giêsu nói những lời trên là ngày thứ năm Tuần Thánh, trong bữa tiệc ly, trước giờ chịu nạn. Vì thế, nên coi những lời đó là những lời trăn trối quan trọng.

Từ đó đến nay, qua 20 thế kỷ, tinh thần giới luật yêu thương của Chúa đã không ngừng lan rộng. Dần dần, nó đã thấm sâu vào các nền văn hoá.

Hôm nay, khi nhìn Việt Nam và thế giới, tôi rất mừng nhận thấy có vô số người đang truyền bá và hoạt động cho lý tưởng bác ái dưới nhiều hình thức khác nhau. Số người như thế là từng triệu, từng tỷ. Họ có mặt trong mọi tôn giáo, trong mọi quốc gia, trong mọi dân tộc, trong mọi ý thức hệ, trong mọi lãnh vực xã hội. Họ đang làm nên một bầu trời sao sáng bao la, như hình ảnh một Nước Trời tươi mát.

Ðang khi đó, tôi rất buồn, khi thấy một số người công giáo xem ra lại vắng mặt ở bầu trời ấy. Tuy họ quan tâm đến nhiều thứ trong đạo, nhưng họ lại coi thường giới luật yêu thương. Họ siêng đọc kinh, nhưng đồng thời họ cũng siêng nói xấu, dèm pha kẻ khác. Họ nhiệt tình nâng cao đạo mình, nhưng đồng thời cũng hăng hái hạ kẻ khác xuống. Họ là ai? Không chừng đôi lúc cũng có chúng ta trong số đó.

Nếu ta khiêm tốn lo ngại như vậy, thì đó là một khởi sợ tốt cho một quyết tâm lâu dài.

Tôi nghĩ rằng: Giới luật yêu thương, nghe thì dễ, nhưng thực tình rất khó. Bời vì sẽ mãi mãi có những mâu thuẫn trong cuộc sống giữa các tính tình, giữa các ý kiến và giữa các quyền lợi. Ngay trong một gia đình, bác ái yêu thương, đôi khi cũng là vấn đề có nhiều sóng gió. Ðiều ta cố gắng làm để xây dựng bác ái yêu thương, không phải là xoá bỏ mọi khác biệt, để cái gì cũng nhất trí như nhau, nhưng là biết kính trọng nhau, thông cảm nhau, tha thứ cho nhau, và bổ túc cho nhau.

Một trong những việc ta có thể làm hằng ngày để xây dựng và mở rộng bác ái yêu thương là hãy năng cầu nguyện cho những người làm hại ta, hiểu lầm ta, và không muốn sống hoà thuận với ta. Khi cầu nguyện như vậy, ta sẽ thấy lòng ta được bình an. Và đó chính là dấu chỉ về sự mở rộng Nước Trời.

Ðể phân biệt cái gì là do Chúa, cái gì không phải là do Chúa, tôi vẫn dựa vào tiêu chuẩn giới luật yêu thương bác ái của Chúa. Có nghĩa là lời nói nào, việc làm nào, toan tính nào cổ vũ yêu thương bác ái, và dùng những phương tiện yêu thương bác ái, thì đó là do Chúa. Trái lại, lời nói nào, việc làm nào, toan tính nào khích động ghen ghét hận thù, hoặc tuy dầu có nhằm mục đích tốt, nhưng dùng những phương tiện trái với bác ái yêu thương, thì là dấu không phải do Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, hình ảnh Chúa Giêsu bị đóng đinh trên Thánh Giá, và sự Chúa Giêsu hiện diện trong phép Thánh Thể, phải luôn là bài học sống động về bác ái yêu thương. Xin Chúa thương giúp chúng con hiểu được bài học đó. Nếu thiếu ơn Chúa giúp, chúng con sẽ không thể hiểu đúng được, và không thể thực thi đúng được. Xin thương xót chúng con, lạy Chúa.

Chúa nhật V - PS/Chúa Long Xuyên ngày 14/5/1989