Đức Cha Gioan, Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1986
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1987
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1988
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1989
 NÓI VỚI GIÁO DÂN - Tập 1 - 1990
 

Phiên Dịch Tin Mừng

Bài Phúc Âm hôm nay nói về kinh Lạy Cha. Kinh này do chính Chúa Giêsu dạy. Tư tưởng rõ ràng. Lời lẽ vắn gọn. Kinh Lạy Cha đã được dịch ra đủ các thứ tiếng. Khi dịch sang ngôn ngữ nào, thì lời Chúa mặc lấy cách nói của ngôn ngữ đó. Nếu đem so sánh bản gốc với các bản dịch, ta thấy việc phiên dịch đã được thực hiện một cách thận trọng, uyển chuyển, vừa đúng nghĩa, vừa dễ hiểu, vừa dễ nghe. Vì thế, ngay bản dịch tiếng Việt, kinh Lạy Cha cũng đã được sửa đổi nhiều lần trong những năm qua.

Trên thực tế, hầu hết chúng ta chỉ đọc và nghe Phúc Âm nói chung và kinh Lạy Cha nói riêng theo các bản dịch. Do đó mà các bản dịch được coi là rất quan trọng.

Mới rồi, chiều ngày 11/07/1989, trong lễ đồng tế với Ðức Hồng y Roger Etchegaray tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên, có 2 bài đọc, một bài Phúc Âm và Kinh Lạy Cha. Tất cả đều là những bản dịch hay. Nhưng tôi có cảm tưởng là hầu hết mọi người hiện diện trong lễ đó đã không để ý gì đến nội dung và hình thức những bản dịch đó. Lúc ấy thực sự, họ để ý đến một bản dịch khác của Tin Mừng, một bản dịch không in thành sách, một bản dịch sống động trước mắt họ, đó là con người Ðức Hồng Y Roger Etchegaray. Có thể nói chính con người của Ngài được coi như là một bản dịch Tin Mừng nói chung, và kinh Lạy Cha nói riêng.

Tình mến đối với Cha trên trời và tình thương đối với mọi người con cái Cha chung, đã được phiên dịch ra trong nụ cười hồn nhiên của Ngài, trong cái nhìn cởi mở thiết tha, trong thái độ đầy sức sống, trẻ trung, lanh lợi, trong cách tiếp cận gần gũi chân thành.

Ngài cũng nói nhiều, và cũng ít trích dẫn Kinh Thánh. Tư tưởng đơn sơ. Nhưng có hơn 20 tràng pháo tay vang lên sau từng câu từng đoạn. Bởi vì những lời Ngài nói, đi đôi với con người dễ mến của Ngài đã đi thẳng vào trái tim những người có mặt, đốt lên tình cảm hiệp thông, hướng về mục đích Phúc Âm. Cuộc sống của Ngài, với những đức tính rất người của Ngài chính là một bản dịch tinh thần Phúc Âm. Nhìn thấy Ngài là như đọc thấy Tim Mừng. Thành công của Ngài thiết tưởng là do những đức tính chính con người của Ngài, hơn là do những lời nói của Ngài.

Còn Ðức Hồng Y, theo như chính Ngài nhận định, đã rất cảm động trước bầu khí hoan lạc của đức tin chan hoà đức ái tại đây. Có nghĩa là Phúc Âm nói chung, và kinh Lạy Cha nói riêng hôm đó đã được chính chúng ta phiên dịch ra một bầu khí đạo đức cộng đoàn.

Ðức Hồng Y không hiểu nghĩa bài Kinh Thánh ta đọc bằng tiếng Việt. Ngài cũng không hiểu những lời thánh ca chúng ta hát hôm đó. Ngài cũng chỉ nhìn thấy với số đông vô vàn, cùng đọc kinh chung, cùng hát chung, cùng nhìn về một phía, với nét mặt hân hoan sốt sắng, trong trật tự và với thái độ thân thiết chân thành. Ðúng là một bầu khí đức tin, bầu khí đức ái, bầu khí hiệp thông, bầu khí của kinh Lạy Cha, trong đó, mọi người nhìn lên Chúa là Cha trên trời giàu lòng thương xót, và nhìn nhau là anh chị em của một gia đình.

Qua những sự việc mới xảy ra như trên, chúng ta có thể khẳng định điều này, là cần phải biết phiên dịch Tin Mừng nói chung và kinh Lạy Cha nói riêng. Phiên dịch ra bằng chữ, thành văn. Và phiên dịch ra thành cuộc sống, thành bầu khí cộng đoàn. Bản dịch hay nhất và dễ lôi cuốn nhất, chính là con người sống Phúc Âm, sống kinh Lạy Cha. Bản dịch dễ hiểu nhất chính là bầu khí cộng đoàn chan hoà đức ái.

Nhận định như thế, ta sẽ hiểu tại sao cuối bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu nhắc đến sự cần phải xin Thánh Thần Chúa. Bởi vì chính Thánh Thần Chúa sẽ giúp ta biết phiên dịch lời Chúa ra chính con người sống động của ta, và bầu khí xã hội ta tham dự.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin đốt lửa mến Chúa yêu người trong trái tim chúng con, để chúng con biết loan báo Tin Mừng về Cha trên trời bằng những gì thấy được trên chính cuộc sống chúng con. Amen.

(CN 17 TN - C) Long Xuyên ngày 6/8/1989