Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Chia sẻ vài suy nghĩ giúp các Dòng tu
sống tinh thần sám hối

Ðề tài nói chuyện của tôi trong buổi họp liên tu sĩ tháng 3 này là:

Chia sẻ vài suy nghĩ giúp các Dòng tu sống tinh thần sám hối”.

Sở dĩ đề cập đến vấn đề này là vì những lý do sau đây:

Sám hối chân thành là việc cần thiết trong Mùa Chay.

Sám hối sâu xa là một vẻ đẹp hấp dẫn của người môn đệ Ðức Kitô.

Sám hối đúng nội dung là điều kiện để dòng tu phát triển.

 

Nội dung chia sẻ gồm 3 phần:

1- Sám hối về những gì chúng ta có thể đã hiểu sai và làm sai chương trình cứu độ của Chúa.

2- Sám hối về những thiếu sót trong việc đào tạo chính mình và cộng đoàn của mình.

3- Sám hối về những gì của Dòng đang và sẽ có thể làm cho Dòng sa sút.

Cách trình bày sẽ là chia sẻ. Mà chia sẻ là trao gửi những gì riêng tư, như món quà thân tặng, chứ không dạy dỗ.

 

  I. SÁM HỐI VỀ NHỮNG GÌ CHÚNG TA CÓ THỂ ÐÃ HIỂU SAI VÀ LÀM SAI CHƯƠNG TRÌNH CỨU ÐỘ CỦA CHÚA

Chắc chắn các tu sĩ đã học biết về thần học cứu độ. Vì thế, tôi xin được miễn nói vấn đề này. Ðàng khác, ở đây cũng không đủ thời gian để nói. Tôi chỉ xin được chia sẻ lộ trình Chúa dùng để dạy tôi về công trình cứu độ.

Bài học đầu tiên là Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh giá và chặng đàng thánh giá. Một cách nào đó, Chúa đã nói với tôi từ những ảnh tượng đầy khổ đau đó. Nói âm thầm, nhưng rất rõ: “Ðể cứu độ con và nhân loại khỏi sự dữ và được sự sống tốt đẹp, Chúa Giêsu của con đã phải đau đớn rất nhiều, cầu nguyện rất nhiều trong yêu thương vô tận”.

Bài học thứ hai là cuộc đời cha mẹ tôi. Một cách nào đó, cha mẹ tôi đã nói với tôi qua cuộc sống nhọc nhằn, phục vụ hy sinh của các ngài. Cũng nói âm thầm nhưng rất rõ: “Ðể cứu các con khỏi đói nghèo, dốt nát, lầm than, và để các con có được cuộc sống dồi dào, cha mẹ các con đã phải phấn đấu rất nhiều, cầu nguyện rất nhiều, hy sinh rất nhiều trong yêu thương quên mình”.

Bài học thứ ba là Ðức Mẹ Maria. Từ nhỏ, tôi đã thích nhìn ảnh Ðức Mẹ sầu bi, ưa đọc kinh bảy sự thương khó Ðức Mẹ. Từ những gần gũi ấy, tôi nghe Ðức Mẹ dạy tôi. Mẹ nói nhẹ nhàng, nhưng rất rõ: “Ðể cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, Mẹ luôn đi trên đường yêu mến tuân phục ý Chúa, dù phải khổ đau cả trong thân xác lẫn trong tâm hồn”.

Bài học thứ bốn là cuộc sống thánh nữ Têrêsa thành Lisieux. Thánh nữ đã chọn con đường bé nhỏ và hiến dâng mình làm của lễ toàn thiêu cho Tình Yêu Chúa. Từ cuộc sống chấp nhận bé nhỏ và hy sinh cho Tình Yêu, thánh nữ đã nói với tôi: “Ðể cộng tác vào công trình cứu độ của Chúa, chúng ta cần phải từ bỏ mình, phải hy sinh phục vụ nhiều, nhất là phải yêu mến trả đáp Tình yêu”.

Bài học thứ năm là gương sáng các vị đạo đức đang đổi mới Hội thánh, như Charles de Foucauld, Petite Soeur Magdeleine de Jésus, Marthe Robin. Qua mọi tiếp xúc với các ngài, tôi như chỉ nhớ duy một lời khuyên: “Hãy chấp nhận tất cả, hãy sẵn sàng tất cả. Miễn sao thánh ý Chúa được thực hiện trong chúng ta và trong mọi tạo vật”.

Những bài học sống động trên đây đã gây ấn tượng mạnh trong tôi về công trình cứu độ. Khi học thần học cứu độ và khi gẫm suy Lời Chúa trong Kinh Thánh về kế hoạch cứu độ, và qua kinh nghiệm mục vụ, tôi thấy công trình cứu độ của Chúa có những nét căn bản sau đây:

Một là tuân phục ý Chúa Cha. Như lời tác giả thư Do Thái đã nói: “Cha đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã trao cho con một thân thể. Cha cũng chẳng thiết gì lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Cha, này con đây, con đến để thực thi ý Cha” (Dt 10, 5-8)

Hai là tự hạ phục vụ. Thánh Phaolô viết: “Người từ bỏ mình, nhận lấy thân phận tôi đòi, đã trở nên giống như loài người, với cách thức bề ngoài như một người phàm. Người đã tự hạ mình, mà vâng lời cho đến chết” (Pl 2, 6-11).

Ba là yêu mến. Cũng thánh Phaolô đã quả quyết: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa đã chết vì chúng ta” (Rm 5, 5-8).

Bốn là cầu nguyện. Phúc âm cho thấy: Chúa Giêsu cầu nguyện liên lỉ, đặc biệt là ở sa mạc 40 đêm ngày, trong vườn Cây Dầu và trên thánh giá.

Năm là làm hết sức mình để thăng tiến đời sống. “Ta đến để nhân loại có sự sống , một sự sống dồi dào” (Ga 10, 10).

Tôi coi 5 việc trên đây là những yếu tố chúng ta cũng phải thực hiện, để góp phần vào công trình cứu độ. Yếu tố nào trong 5 yếu tố trên cũng đòi chúng ta phải chết đi một cách nào đó.

Từ trước đến nay, công trình cứu độ luôn luôn bị Satan quấy phá. Năm nay càng gần năm thánh 2000, hoạt động quấy phá của Satan ngày càng gia tăng. Theo tôi thấy, điều mà Satan đang cản trở nguồn ơn năm thánh hơn cả, là xúi giục chúng ta không lắng nghe tiếng Chúa gọi từ những khổ đau của thân phận con người và từ bổn phận người tu, nhưng lại rất nhạy bén với tiếng gọi của tinh thần thế tục, hướng về những gì xa rời 5 yếu tố căn bản trên. Lạy Chúa, xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.

 

  II. SÁM HỐI VỀ NHỮNG THIẾU SÓT TRONG VIỆC ÐÀO TẠO CHÍNH MÌNH VÀ CỘNG ÐOÀN CỦA MÌNH

Ai cũng thấy hầu hết các dòng tu hiện nay tại Việt Nam đang tìm mọi cách để phát triển. Việc xây cất, việc chiêu mộ, việc học hành nằm trong mục đích đó. Việc đào tạo tất nhiên rất được quan tâm. Ðào tạo theo lý tưởng nào, đào tạo cách nào, đó là những vấn đế cụ thể thường được đặt ra cho mỗi dòng tu.

Riêng tôi, với cái nhìn toàn thể, tôi xin đưa ra 3 gợi ý có thể áp dụng cho mọi dòng tu. Ba gợi ý đó là 3 đối tượng chúng ta cần phải để ý đào tạo, rèn luyện thường xuyên.

Ðối tượng thứ nhất là cái nhìn. Cái nhìn người tu của chúng ta phải là cái nhìn được soi sáng bởi đức tin, bởi Chúa Thánh Linh. Một cái nhìn như thế sẽ thấu qua những gì là hữu hình, để nhận ra được sự vô hình.

Một cái nhìn như thế phải được đào tạo bằng Lời Chúa, bằng cầu nguyện, suy niệm, và bằng sự phấn đấu nội tâm, biết loại trừ ra khỏi ta các tư tưởng xấu, hoài niệm xấu, ước muốn xấu, thành kiến xấu, và biết đón nhận sự hiểu biết của Chúa, tâm tình của Chúa. Lúc đó, cái nhìn của chúng ta sẽ được Phúc-Âm-hoá, chúng ta nhìn, nhưng là chính Chúa Giêsu nhìn trong con mắt của chúng ta.

Xin kể ra đây một số cái nhìn của Chúa Giêsu, để chúng ta mơ ước được có cái nhìn như vậy.

Chúa Giêsu nhìn đám đông trong đền thờ, thấy một bà goá nghèo bỏ vào thùng 2 đồng tiền nhỏ. Chúa nói: “Bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết” (Mc 12,41-43).

Chúa Giêsu nhìn các trẻ nhỏ và nói: “Ai không đón nhận Nước Trời như những trẻ nhỏ, sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mc 10,15).

Chúa Giêsu nhìn viên đội trưởng ngoại đạo, Người ngạc nhiên nói: “Tôi chưa thấy một người nào trong dân Israel có lòng tin như ông này” (Mt 8,10).

Chúa Giêsu nhìn người phụ nữ tội lỗi và nói: “Tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là vì chị đã yêu mến nhiều” (Lc 7,47).

Tôi rất mừng khi nhìn vào cái nhìn của người tu mà thấy được trong đó bầu khí thinh lặng nội tâm, sự đơn sơ khiêm tốn hiền lành và thái độ đón tiếp. Một cái nhìn của người tu như thế chính là sự gặp gỡ cứu độ, dẫn tới nhiều giá trị thiêng liêng vô hình.

Ðối tượng thứ hai là sự tự do. Tôi hiểu sự tự do của người tu chúng ta chỉ nên dùng cho công trình cứu độ của Chúa. Vì thế đặc điểm của sự tự do người tu là không bao giờ đòi hỏi hưởng thụ, quyền lợi, tìm đạt ý riêng, nhưng luôn tìm thánh ý Chúa, và chấp nhận cuộc chiến đấu thiêng liêng.

Dấu chỉ của một sự tự do như thế là luôn luôn sẵn sàng và khát khao Lời Chúa, luôn luôn thao thức thực thi ý Chúa, nhất là bằng 4 sự trở về sau đây dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần:

Sự trở về của tôn giáo. Ðó là từ một sự hiểu biết mơ hồ về Ðức Kitô, sự tự do người tu trở về với sự hiểu biết chân thật Ðức Kitô trong Phúc Âm, một Ðức Kitô là Tin Mừng cứu độ, nền tảng của Kitô giáo chúng ta.

Sự trở về của lý trí. Ðó là từ một cách sống dựa trên những nguyên tắc khôn ngoan tự nhiên, sự tự do người tu tìm được nơi Lời Chúa những nguyên tắc hướng dẫn các lựa chọn và cách sống.

Sự trở về của trái tim. Ðó là từ một cuộc sống mất trật tự, sự tự do người tu trở về một cuộc sống kỷ luật, khắc kỷ, vâng lời và gắn bó với bổn phận.

Sự trở về của huyền nhiệm. Ðó là từ một cách gặp gỡ Chúa qua giáo lý, sự tự do người tu trở về một sự gặp gỡ sống động, trực tiếp qua cảm nghiệm nội tâm.

Thánh Linh không áp đặt, chỉ đề nghị, thúc giục sự tự do của chúng ta. Khi sự tự do của chúng ta đón nhận, cộng tác với Người, chúng ta dần dần sẽ thấy các sự trở về của chúng ta rất âm thầm, rất nội tâm và rất thiết thực. Chúng ta có được đào tạo cho những sự trở về đó không?

Ðối tượng thứ ba là sự khôn ngoan. Khi nói tới sự khôn ngoan, tôi nghĩ nhiều đến các Dòng tu tại Việt Nam hiện nay. Tình hình không đơn giản. Dòng sẽ tồn tại và phát triển, nếu biết sống khôn ngoan. Trái lại, nếu không khôn ngoan, Dòng sẽ không có chỗ đứng, hoặc chỉ tồn tại một cách tù mù, lây lất. Sự khôn ngoan mà tôi muốn nói ở đây là sự khôn ngoan của Chúa Thánh Thần. Sự khôn ngoan này đã hướng dẫn Israel xưa qua lịch sử, đã hướng dẫn Ðức Kitô trên con đường cứu độ, đã hướng dẫn Giáo Hội sơ khai trên đường rao giảng Tin Mừng.

Hồi đó, dân Israel tưởng rằng họ sẽ bảo vệ được quốc gia họ, và trở nên dân tộc của Giao ước, nhờ con số đông đảo của mình, và nhờ quyền lực kinh tế, xã hội, chính trị của mình. Họ tưởng thế là khôn ngoan. Nhưng Chúa đã phế bỏ sự khôn ngoan đó. Chúa phán: “Không phải nhờ con số đông, cũng không phải nhờ quyền lực, nhưng nhờ Thánh Thần của Ta, mà các sự việc được thực hiện” (Za 4,6). Chúa xác định rõ Chúa sẽ chúc lành cho dân nhờ những người “nghèo khó trong Thánh Thần” (Mt 5,3). Chúa sẽ cứu dân nhờ những người đứng đầu, được gọi là đầy tớ, nhưng có Thánh Thần: “Ðây là đầy tớ của Ta, Ta đặt trên nó Thánh Thần của Ta” (Is 42,1). Chúa Giêsu có thể cứu độ nhân loại bằng nhiều cách, nhưng do sự thúc đẩy của Thánh Thần đời đời, Ðức Kitô đã tự dâng mình chịu chết trên thánh giá (x. Dt 9,14). Các tông đồ, khi làm chứng cho Tin Mừng, đã luôn nhớ mình làm việc đó do ơn Chúa Thánh Thần. “Chúng tôi là những chứng nhân của các sự đó, chúng tôi và Thánh Thần mà Thiên Chúa ban cho những ai nghe Lời Thiên Chúa” (Cv 5,32).

Sự khôn ngoan được Chúa Thánh Thần hướng dẫn nơi Ðức Mẹ Maria và thánh Giuse trong việc cộng tác vào công trình cứu độ là sự khôn ngoan rất khác với ý phần đông. Sự khó nghèo, chôn vùi, cam chịu khổ đau và dấn thân phục vụ một cách lặng lẽ âm thầm, kiên trì can đảm là những gì xem ra đang bị xa tránh, nhưng chính lại là những giá trị mà Chúa Thánh Thần muốn.

Sự khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần không miễn cho chúng ta việc học hành, tra cứu và nắm bắt các tình hình cụ thể. Vì thế, tôi mong ước các Dòng tăng cường hơn những kiến thức triết học, những kiến thức thần học, Kinh Thánh, những kiến thức về tu đức, đặc biệt là tu đức truyền giáo, cũng như sự hiểu biết sâu rộng về Ðất Nước, Dân Tộc Việt Nam chúng ta.

Sự khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần rất cần cho chúng ta, không phải chỉ trong những lựa chọn đặc biệt, mà cũng trong đời thường. Người có sự khôn ngoan của ơn Chúa Thánh Thần sẽ biết cách đón nhận, cách trình bày, cách phục vụ, cách cho đi, cách xây dựng. Cái cách phải được coi là quan trọng. Nhiều khi cái cách mới là nơi người ta nhận biết chúng ta có ơn Chúa Thánh Thần hay không. Chẳng hạn cách tế nhị, cách khiêm nhường, cách sâu sắc, cách nhã nhặn lịch sự, cách gắn bó của lương tâm với trách nhiệm của mình, cách bình tĩnh tôn trọng sự thực, cách sáng tạo những liên đới Phúc Âm. Không thiếu trường hợp cách làm lại quan trọng hơn chính việc làm. Sự thực đó đòi chúng ta phải quan tâm đào tạo sự khôn ngoan của chúng ta về nhiều mặt nhờ ơn Chúa Thánh Thần.

 

  III. SÁM HỐI VỀ NHỮNG GÌ CỦA DÒNG ÐANG VÀ SẼ CÓ THỂ LÀM CHO DÒNG SA SÚT

Khi nêu lên tư tưởng trên đây, tôi muốn tỏ bày niềm lo âu của tôi về một ít Dòng tu, mà tôi cảm thấy là không ổn. Sự không ổn tôi nói ở đây là sự không ổn về tinh thần. Sự không ổn này xuất phát từ nhiều lý do, trong đó có 3 lý do, tôi cho là quan trọng.

Lý do thứ nhất là xa rời đặc sủng truyền thống ban đầu. Khi xét về đặc sủng truyền thống ban đầu của một Dòng tu hiện nay ra sao, tôi thường để ý đến bốn yếu tố:

1. Ðặc sủng truyền thống chính thức nơi Ðấng Sáng lập Dòng. Ðặc sủng này dựa trên Kinh thánh và nhu cầu lịch sử cứu độ. Ðặc sủng nơi Ðấng sáng lập Dòng thường trong sáng, đơn sơ.

2. Các luật lệ, hiến pháp được soạn ra và những thói quen giữ.

3. Các hiến pháp và luật lệ được trở thành cơ chế. Qua nhiều năm, nhiều người trong Dòng có thể đã để ý đến cơ chế đó hơn là đi sâu vào đặc sủng truyền thống ban đầu.

4. Tâm lý cộng đoàn. Tâm lý này gồm ý thức, tiềm thức, vô thức. Trong nhiều trường hợp, tâm lý này chưa được Phúc Âm hoá đầy đủ. Nhất là các lực lượng vô thức và tiềm thức. Những tâm lý như thế, dù là của cá nhân, dù là của tập thể, khó có thể hiểu được và nếm được đúng đặc sủng truyền thống ban đầu. Ấy thế mà nhiều khi những tâm lý đó lại góp ý, lại bỏ phiếu về sự đổi mới nhà Dòng. Kết quả, theo tôi, là đặc sủng truyền thống ban đầu bị xói mòn, bị che phủ.

Lý do thứ hai là sự không ưu tiên chọn Chúa. Thiết tưởng mọi Dòng tu đều phải làm gương sáng về ưu tiên chọn Chúa. Ðó phải là lẽ sống của Dòng.

Ưu tiên chọn Chúa là ưu tiên học hỏi về Chúa. Một Thiên Chúa luôn vượt xa những gì chúng ta hiểu biết về Người.

Ưu tiên chọn Chúa là ưu tiên lấy Lời Chúa và gương Ðức Kitô làm chuẩn mực cho nếp sống của chúng ta, cho dù các chuẩn mực đó không được mọi người thế gian chấp nhận.

Ưu tiên chọn Chúa là ưu tiên tìm Nước Trời, chứ không nhập nhằng cũng đồng thời đi tìm các ngẫu tượng.

Ưu tiên chọn Chúa là ưu tiên tìm kế hoạch cứu độ mà Chúa muốn nơi cá nhân chúng ta và nhà Dòng chúng ta, cho dù kế hoạch đó rất khác với kế hoạch mà chúng ta dự tính.

Ưu tiên chọn Chúa là ưu tiên sám hối với Chúa, và chấp nhận một cuộc giao tranh thiêng liêng ưu tiên với chính mình, để thuộc trọn về Chúa.

Thiết tưởng một khi chúng ta ưu tiên chọn Chúa, thì chính Chúa sẽ lo cho chúng ta và Dòng của chúng ta. Trái lại, khi không ưu tiên chọn Chúa, chúng ta sẽ xa dần nguồn ơn thánh Chúa.

Lý do thứ ba là một tình trạng tu có thể ít mang lại sự sống cho dân xung quanh và cũng ít làm gương sáng về một cuộc sống phấn đấu phục vụ. Sự sống nói đây có nhiều mức độ, như sự sống kinh tế, sự sống văn hoá, sự sống đạo đức, sự sống siêu nhiên. Sự sống nói đây cũng có nhiều dạng, như sống là phấn đấu để lập thân, sống là phải xoay xở vật lộn với muôn vàn trắc trở, để tới sự trưởng thành nhân bản, nhân đức, để vươn tới sự tăng trưởng trí thức, để có được nhiều khả năng phục vụ.

Nếu người ta quen hiểu sự sống là như thế, mà nếu chẳng may người tu, Dòng tu lại được coi như một cuộc sống an nhàn, an ổn, dễ dàng thăng tiến, một cuộc sống ít phấn đấu và phục vụ, thì kết quả sẽ rất bất hạnh cho Dòng tu.

ù

 

Qua những gì tôi chia sẻ trong ba phần sám hối, các tu sĩ có thể thấy được lời kêu gọi sám hối ở đây, không nhắm mục đích ăn năn tội này lỗi nọ, cho bằng nhắm mục đích tìm về với Thiên Chúa, Ðấng đã gọi ta. Hãy lắng nghe Người. Hãy khám phá Người là Thiên Chúa thế nào đối với chúng ta. Nhất là hãy biết đón nhận Người, chương trình cứu độ của Người và ơn thương xót của Người. Ðể rồi, ra sức làm chứng cho Thiên Chúa giàu lòng thương xót tại các địa phương của Việt Nam hôm nay.

Ðể kết, tôi xin kể một sự việc thời sự đã và đang làm tôi suy nghĩ rất nhiều về những dạng chứng nhân của lòng thương xót.

Tại thành phố Long Xuyên, trong bệnh viện Ða khoa, có một cơ sở từ thiện. Ðứng đầu là một người đàn ông nhà quê, đạo Phật, tên là Phan Tấn Ðạt, năm nay 75 tuổi, quen gọi là ông Ba. Trước đây, tôi được biết ông qua dư luận. Cách đây 2 tuần, tôi đến thăm ông tại cơ sở từ thiện. Qua tiếp xúc trực tiếp và đi thăm sinh hoạt của cơ sở từ thiện này, tôi được biết như sau:

Cách đây 14 năm, chỗ này toàn cỏ rác. Vợ ông Ba tình nguyện đến đây dọn cỏ, để có chỗ làm từ thiện, giúp đỡ các bệnh nhân nghèo. Bà chỉ làm duy một việc là nấu nước sôi, để phục vụ các bệnh nhân. Bệnh viện cho bà nước, còn bao nhiêu thứ khác như củi, nồi, bình, thì bà phải tự lo. Sau ít tháng, bà dắt chồng bà là ông Ba đi theo. Ðược phép chính quyền, hai ông bà dọn dẹp chỗ đó, dựng lên một cái chòi, trong đặt một cái chõng, để ngủ nghỉ. Họ tiếp tục phục vụ bệnh nhân bằng cách cung cấp nước sôi miễn phí. Từ đó, dân gọi ông Ba là “ông Ba nước sôi”. Từ việc nhỏ đó, hai ông bà bước thêm một bước phục vụ nữa, là nấu cháo. Họ cung cấp cháo miễn phí cho các bệnh nhân.

Sau nhiều tháng, khi thấy ông Ba được nhiều bệnh nhân tín nhiệm, chính quyền cho phép ông Ba được xây dựng một cơ sở từ thiện tại chính nơi ông đang dựng chòi. Với điều kiện: không được vận động và không biến thành 1 tổ chức. Lúc đó ông Ba chỉ có 1 triệu đồng. Hai ngày sau, ông dám khởi công, chỉ tin vào sức thiêng liêng, mà ông gọi là ơn trên phù giúp.

Ðược tin ông Ba khởi công xây cất cơ sở từ thiện, dân chúng kéo đến, tự nguyện giúp đỡ. Người cho tiền, người chạy vật tư, người trộn hồ, vác gạch. Sau gần 1 tháng, cơ sở đã hoàn thành. Tốn phí 87 triệu. Thời giá lúc đó là to của. Tất cả đều do các người hảo tâm cho.

Từ đó đến nay, ngôi nhà này được đặt tên là cơ sở từ thiện. Và ông Ba được dân chúng gọi là ông Ba từ thiện.

Hoạt động thường xuyên ở đây là phục vụ các bệnh nhân nghèo, bằng cánh cung cấp miễn phí nước sôi, cháo, và bữa ăn. Mỗi ngày phải nấu 14 đến 15 giạ gạo, có khi lên tới 20 giạ. Tôi hỏi về những nguồn viện trợ, thì ông Ba cho biết: Không hề có một viện trợ nào của nước ngoài. Gạo, củi, thức ăn hàng ngày đều do bà con xung quanh cho. Cho đủ, cho dư, và cho để dự trữ lâu dài. Bà con nghe biết công việc từ thiện, thì tự ý cho. Cơ sở từ thiện không vận động. Tôi đi xem các kho dự trữ, thì thấy mênh mông, quá sự tôi đã tưởng tượng.

Cơ sở có 2 xe hơi cũ, do ân nhân cho. Ðược sửa lại thành xe cứu thương. Dành để chở các bệnh nhân nghèo, và thi hài bệnh nhân về nhà.

Số người tình nguyện đến cơ sở để phục vụ hằng ngày khoảng 30, cả nam cả nữ. Trong số này, có người nghèo, có người giàu. Sáng họ tới, chiều họ về. Mệt thì họ tạm nghỉ ở bất cứ chỗ nào trống, kể cả xó bếp, và các xó xỉnh dành để chất củi và gạo. Ba tài xế cũng ở trong thành phố, khi cần thì họ tới ngay. Phục vụ miễn phí. Dứt khoát không nhận thù lao. Tất cả mọi người phục vụ từ ông Ba cho đến các người bếp đều sống nghèo như nhau.

Ai muốn thiền, tĩnh tâm, cầu nguyện, thì làm tư riêng. Cách nào, lúc nào chỗ nào tuỳ ý.

Tôi hỏi ông Ba: “Các hoạt động từ thiện của ông Ba có dựa trên giáo lý nào không?”. Ông Ba trả lời: Có, giáo lý rất đơn sơ.

Thế này:

- “Mỗi ngày, tôi khấn nguyện với Trời Phật: Ngày hôm nay, suốt 24 tiếng đồng hồ, tôi nguyện làm hết sức mình để làm việc từ thiện, giúp các bệnh nhân, cho họ bớt khổ.

- Phúc nhỏ cũng không bỏ. Tội nhỏ cũng không làm.

- Tôi coi nhân loại, dân tộc là gia đình tôi”.

Gạn hỏi mãi, ông Ba mới cho biết tên thực của ông. Bởi vì ông Ba muốn phục vụ bá tánh như một người vô danh.

Thời gian 14 năm cũng đã quá đủ để thử thách niềm tin, niềm phó thác, và tấm lòng cảm thương chan hoà của ông Ba.

Tôi ra về, bâng khuâng, Tôi nhớ hoài hình ảnh một ông già nhà quê, sống thanh bạch, đơn sơ, khó nghèo, giữa đám người tình nguyện âm thầm, với những phương tiện sống rất nghèo, phục vụ từ thiện với biết bao hy sinh mà vẫn thanh thản. Tại đây tôi cảm thấy mình bé nhỏ trước những gì cao cả linh thiêng.

Cũng chính thời gian này, tôi đang đọc lại thông điệp Dominum VivificantemRedemptoris Missio. Trong các thông điệp này, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II dạy: Ðức Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động mạnh ngoài ranh giới Hội Thánh Công giáo. Ðây là một chân lý đáng chúng ta suy nghĩ, để chúng ta biết lo cho chính chúng ta: Hãy là những người tỉnh thức biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và cộng tác với Người. Kẻo lỡ ra chúng ta rơi vào cảnh thua kém lúc nào mà không hay. Chắc chắn chúng ta đã lãnh nhận nhiều, và rất có thể chúng ta chưa cho đi đủ và chưa phục vụ đủ. Thế mà, nhiều khi chúng ta vẫn tưởng là chẳng có gì đáng trách. Ðể rồi an tâm. Một thứ an tâm giả tạo.

Lạy Chúa, xin thương cứu độ chúng con.

Bài nói chuyện với liên tu sĩ ngày 25 tháng 03 năm 1999
Tại Toà Tổng Giám Mục Tp. Hồ Chí Minh