Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Chúa phục sinh hiện ra

Chúa Giêsu chịu chết nhưng đã sống lại. Sau sống lại, Người đã hiện ra. Người đã hiện ra với những ai, đó là điều chúng ta nên suy nghĩ, với hy vọng chính chúng ta cũng sẽ được Chúa phục sinh đến thăm một cách nào đó.

Ðể rộng dòng suy nghĩ, chúng ta nên nhớ lại toàn cảnh ngày Chúa sống lại. Chính ngày đó, tại đền thờ Giêrusalem, lễ Vượt Qua được tổ chức long trọng. Ðứng đầu là thầy cả thượng phẩm, xung quanh ngài là các vị thượng tế. Họ là hàng giáo phẩm cao cấp, lãnh đạo toàn dân Israel về mặt đạo. Họ là những người chuyên môn cắt nghĩa luật đạo và bảo vệ luật đạo. Tham dự lễ Vượt Qua là từng ngàn người từ khắp nước tuốn về. Họ đọc kinh, thắp hương, bái lạy bàn thờ và dâng lễ vật. Họ tự hào về truyền thống của mình. Họ coi nếp sống tôn giáo của mình là dấu chỉ của sự công chính. Cuộc lễ được coi là rất đông đảo, rầm rộ, náo nhiệt, tưng bừng.

Cứ theo tính toán tự nhiên của chúng ta, thì một cuộc lễ qui mô lớn như vậy là một dịp hiếm có, một dịp rất thuận lợi. Chúa phục sinh nên lợi dụng dịp này để hiện đến. Chúa mà hiện đến giữa một cuộc lễ có đủ đại diện các giới, các cấp bậc và các địa phương như thế, thì chắc chắn tình hình sẽ thay đổi theo hướng có lợi cho Chúa.

Theo tính toán tự nhiên, thì chúng ta suy nghĩ như vậy, và coi suy nghĩ đó là khôn ngoan.

Thế nhưng, Chúa Giêsu đã không làm như thế. Người đã hiện ra với một số rất nhỏ. Ðầu tiên là nhóm hai phụ nữ, bà Madalena và bà Maria, sau đó là nhóm 11 môn đệ.

Cả hai nhóm nhỏ này đều có một số đặc điểm chung. Ðó là họ nhận biết mình yếu hèn, tội lỗi. Họ nhớ thương Chúa Giêsu. Họ khát khao được gặp lại Người. Họ cùng nhau cầu nguyện. Họ cảm thấy mình bơ vơ, khi mất Chúa. Trong đau buồn trống vắng, họ chỉ còn biết đặt niềm tin vào Lời Chúa hứa xưa mà thôi.

Họ chỉ có thế thôi. Và chính vì họ chỉ có thế, nên Chúa Giêsu phục sinh đã đến thăm họ. Sự Chúa phục sinh đến thăm hai nhóm nhỏ này đã cho phép tôi nghĩ rằng: Chúa Giêsu rất trung thành với những gì Người đã dạy.

Thực thế, Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Ta không đến để kêu gọi người công chính, mà là để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9,13). Vậy hai nhóm nhỏ này nhận biết mình là người tội lỗi. Nên họ đã được Chúa viếng thăm.

Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Thánh Thần sai Ta đi rao giảng cho người nghèo khó” (Lc 4,18). Vậy hai nhóm nhỏ này luôn coi mình là những người nghèo hèn. Nên họ đã được Chúa đến loan báo Tin Mừng.

Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Phúc cho ai có lòng khát khao sự công chính” (Mt 5,6). Vậy hai nhóm nhỏ này luôn khao khát sự công chính. Nên họ đã được Chúa đến chia sẻ cho sự công chính.

Chúa Giêsu đã dạy rằng: “Nếu ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Ta, thì Ta ở đấy, giữa họ” (Mt 18,20). Vậy hai nhóm nhỏ này đã họp nhau lại chỉ vì danh Chúa Giêsu. Nên họ đã được Người đến ở giữa họ.

Tới đây, mỗi người chúng ta đã có thể tự mình tìm ra một kết luận cho riêng mình. Chẳng hạn: từ nay khiêm tốn nhận mình tội lỗi, từ nay khiêm tốn nhận mình nghèo hèn, từ nay khiêm tốn tìm tòi sự công chính, từ nay khiêm tốn cầu nguyện riêng và cầu nguyện chung.

Ðó là một kết luận đúng, một kết luận tốt. Khi thực tình sống với những kết luận ấy, chúng ta sẽ được Chúa phục sinh đến viếng thăm. Không cách này thì cách khác. Ðó không phải chỉ là hy vọng, mà là một sự thực chắc chắn.

Trong niềm tin ấy, tôi xin thân ái cầu chúc anh chị em một lễ Phục sinh tốt đẹp nhất.

Bài giảng Lễ Vọng Phục sinh, ngày 22-4-2000