Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Tâm sự đầu Năm Thánh

Ðêm Noel, sau khi cử hành thánh lễ trọng thể tại nhà thờ Rạch Giá, tôi về nghỉ ở Trường các em Khuyết tật vùng quê, ven thị xã. Sáng sớm ngày 25, tôi dâng lễ tại nhà nguyện nhỏ của các nữ tu tại đó. Giúp lễ là 2 em câm điếc. Dự lễ là một nhóm nhỏ các giáo dân nhà quê khó nghèo.

Trong giờ cảm ơn sau lễ, tôi đã nói nhiều với Chúa về Hội Thánh địa phương. Tự nhiên, tâm sự của tôi với Chúa đã xoay quanh cảnh nghèo nàn yếu đuối.

 Tình hình nhân sự già

Trước hết tôi chia sẻ với Chúa về tình hình nhân sự “già”, trong đó có tôi. Với tình hình này, tôi lo ngại Hội Thánh sẽ yếu.

Ðể trả lời, Chúa đã cho tôi nhớ lại ông Giacaria và bà Isave thân sinh thánh Gioan Baotixita, bổn mạng tôi. Hai ông bà đã cao niên, quá tuổi sinh con. Ấy thế mà đã sinh hạ được một tiên tri ngoại hạng.

Chúa còn cho tôi nhớ lại bà goá Rút, cụ bà Naômi và ông già Bôát. Các ngài đều thuộc loại không có chút hy vọng nào cho tương lai. Thế nhưng họ đã mở ra cho Israel một thời kỳ mới có liên hệ mật thiết đến sự ra đời của Ðấng cứu thế sau này (x. Mt 1,5).

Rõ ràng là Chúa có thể dùng tuổi già để làm nên nhiều sự sống mới. Từ nhắc nhở này, tôi nghĩ tới một số nhân vật hiện nay, như l’abbé Pierre, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II. Những vị già này đang đánh thức nhân loại bằng lời nói, việc làm và bản lãnh Phúc Âm. Biết bao người, và biết bao dân tộc đã nhờ các ngài mà thức tỉnh. Những vị già này là những người canh thức, để báo cho thế kỷ biết cái gì cần được bảo vệ, cái gì cần phải bỏ, cái gì cần phải mới.

 Tình hình thiếu hụt nhân sự

Nhưng còn tình hình thiếu nhân sự một cách trầm trọng thì sao. Chắc vì thế Hội Thánh sẽ phải yếu. Tôi không ngại nói với Chúa suy nghĩ bi quan ấy.

Ðể trả lời, Chúa đem trí nhớ của tôi trở về xa xưa, thời Ghêđêon. Trong trận đánh quân Mađian, tướng lãnh này dùng một đạo binh gần 30 ngàn quân. Chúa bảo ông số đó quá đông. Ông cho 20 ngàn rút lui, chỉ giữ lại 10 ngàn. Chúa bảo ông số đó vẫn còn đông. Vâng lời Chúa, ông chỉ giữ lại 300 lính. Với số nhỏ này, ông đã đánh bại đối phương (x. Thủ lãnh 7,2-22).

Từ chuyện xưa ấy, tôi nhìn sang các cộng đoàn cơ bản đang hoạt động đó đây trong Hội Thánh tại các địa phương. Họ chỉ là những nhóm nhỏ, nhưng được đào tạo kỹ, giàu ơn Chúa Thánh Linh. Họ chú trọng đến phẩm chất hơn là số lượng. Họ biết phân định cái gì là nhu cầu và cái gì là khát vọng, cái gì là phương tiện và cái gì là mục đích, cái gì là chính và cái gì là phụ. Họ khôn khéo nối kết hoạt động của họ vào hệ thống các hoạt động tốt tại địa phương. Họ coi là thiêng liêng những việc góp phần phục vụ thăng tiến địa phương. Họ dùng chính những nguồn lực tại chỗ, nhất là nội lực của đám đông dân nghèo, để đưa địa phương lên. Âm thầm mà hữu hiệu, các nhóm nhỏ đó đang đẩy lùi các lực lượng phá hoại đạo đức và văn hoá, gây được bầu khí hài hoà lành mạnh cho địa phương.

 Tình hình thiếu phương tiện

Luôn tiện, tôi cũng thành thực trình bày với Chúa về tình hình thiếu thốn phương tiện. Tôi sợ, nếu tình hình như thế kéo dài, Hội Thánh sẽ không phát triển được.

Ðể trả lời, Chúa chỉ cho tôi thấy chuyện người thanh niên Ðavít dám đương đầu với tên khổng lồ Gôliát. Tên khổng lồ này cao khoẻ, mặc áo giáp, đội nón sắt, tay cầm kiếm. Gôliát ngạo nghễ thách thức toàn dân Israel. Dân Israel hoảng sợ. Chính vua Saun cũng kinh hãi. Nhưng một mình chàng trai Ðavít đã dám đương đầu. Phương tiện anh dùng rất thô sơ. Mặc áo thường, đầu trần, một tay cầm gậy, một tay cầm một chiếc túi để 5 cục đá lượm được bên bờ suối. Chỉ với phương tiện thô sơ tối thiểu đó, Ðavít đã đánh gục tên khổng lồ và chặt đầu hắn bằng chính thanh gươm của hắn (x. Samuel 17).

Từ chuyện xưa đó, tôi nhìn vào hiện tại. Tôi cũng đã và đang thấy những tình hình còn ghê gớm hơn Gôliát. Hôm nay, Gôliát là tình hình kết tụ những cái xấu như thù hận, chia rẽ, dửng dưng, khô khan, cứng lòng, tục hoá, ăn chơi bê bối. Chúng đã và đang thách đố nhiều nơi Hội Thánh. Trong tình hình đó, đã xuất hiện một số nhỏ tông đồ. Họ là giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân. Họ thiếu thốn, khó nghèo. Phương tiện trong tay chỉ là khí giới thiêng liêng của Chúa. Ðặc biệt họ có lửa, lửa mến Chúa, lửa thương người, lửa Lời Chúa, lửa đức tin, lửa khiêm nhường. Chỉ với phương tiện đó, họ đã làm tan dần tình hình Gôliát.

 Tình hình bị áp bức

Chưa hết, tôi cũng nói với Chúa về tình hình một số nơi trong Hội Thánh đang bị áp bức. Họ gặp khó khăn về những quyền lợi căn bản chính đáng.

Chúa trả lời tôi bằng cách cho tôi nhớ lại bài ca về người tôi tớ Chúa trong tiên tri Isaia. Ngài bị khinh bỉ, bị coi là đồ phế thải, là con người của những đau đớn, bị nghiền nát, bị bắt giam, bị lên án… Nhưng rồi ngài sẽ thành đạt (x. Is 52,13-). Rồi, tôi nhìn lên chính Chúa Giêsu trong hang đá Belem, và trên thánh giá ở Núi Sọ. Người cũng như người đầy tớ, và còn quá hơn người nô lệ. Nhưng đó chính là những thánh lễ đền tội thay cho nhân loại, để đem ơn phục sinh đến các linh hồn.

Từ những tình hình trên đây, tôi kiếm tìm những môn đệ Ðức Giêsu trong thời đại này. Và tôi đã gặp. Họ đang âm thầm sống khổ, sống nghèo, sống nhịn nhục, với biết bao thánh giá lớn nhỏ. Nhìn họ, tôi cảm thấy mình quá kém cỏi. Tôi coi họ như những thánh lễ sống động. Tôi nhìn họ như một thứ bí tích. Họ như đám lửa giữa bụi gai, mà Maisen đã thấy xưa. Họ như linh hồn của xóm làng. Bởi vì họ đầy sự sống thiêng liêng. Họ là máng Chúa dùng để chuyển tải ơn thánh cứu độ xuống cho nhân loại. Xem ra, Chúa Thánh Linh đang dùng họ, để phác hoạ một mô hình mới cho nòng cốt của Hội Thánh ở thời kỳ mới. Ðó là hình thức lều trại, nghĩa là nghèo, nhẹ nhàng, di động, sẵn sàng ra đi. Không gò bó vào một cơ chế cố định, không phô trương, ồn ào, không nặng nề về quyền về chức. Nhưng chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển chiều kích xã hội và nội tâm.

 Tình hình bản thân yếu đuối

Sau cùng, tôi nói với Chúa về tình hình yếu đuối, hèn kém, thiếu sót của tôi. Tôi xin Chúa thương xót tôi, và đừng vì những tội lỗi và những kém cỏi của tôi, mà để cho Hội Thánh phải suy yếu.

Ðể trả lời, Chúa an ủi tôi bằng những lời thánh Phaolô: “Hãy coi đến việc anh em được kêu gọi. Hẳn không có mấy người khôn ngoan theo xác thịt, không mấy người quyền thế, không mấy người tôn quý… Những điều thế gian coi là yếu đuối, thì Thiên Chúa đã chọn…” (1 Cor 1,26-28).

Lời thánh tông đồ sáng rực trong tôi, làm tôi tưởng nhớ đến một lời của thánh nữ Têrêsa Hài Ðồng Giêsu: “Tôi sẽ đến bên Chúa với hai bàn tay không”.

Ðúng như thế. Tôi chẳng có công trạng gì. Hơn thế nữa, tôi còn là một người khuyết tật thiêng liêng.

Bỗng chốc, tôi nhận thấy Năm Thánh đã được khai mạc trong tôi. Chúa đã mở Năm Thánh cho tôi, bằng việc Chúa mở trí khôn tôi ra, mở tấm lòng tôi ra, mở trí nhớ tôi ra, mở trí vẽ tôi ra. Tôi gặp được Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ. Người đến không phải để cứu người lành mạnh, thánh thiện. Nhưng Người đến để cứu người bệnh tật, tội lỗi, trong đó có tôi.

Ðó là Tin Mừng đầu tiên tôi đã cảm nhận một cách sâu sắc ngày đầu Năm Thánh.

Xin cảm tạ và ca tụng Chúa đến muôn đời.

Bài nói chuyện với Liên Tu Sĩ Tp. Hồ Chí Minh, ngày 30/ 12/1999