Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Người thanh niên giàu có

Trong những tháng này, tại nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam, đã đang và sẽ tổ chức nhiều thánh lễ kéo chú ý đến cá nhân này cộng đoàn kia. Ðặc biệt là những thánh lễ có chủ ý đề cao người mang chức vụ thánh. Như lễ phong chức thánh, lễ mừng và giới thiệu người được phong chức thánh, được trao nhiệm vụ thánh. Lễ tạ ơn và cầu nguyện cho người mang chức vụ thánh. Không có lễ tạ ơn vì chức vụ thánh chung chung. Mà chỉ có lễ tạ ơn vì chức vụ thánh nơi vị này vị nọ.

Hầu như mọi thánh lễ như thế đều đã được tổ chức tốt đẹp.

Tuy nhiên, trong những dịp như thế này, tôi thường hay nhớ lại một chuyện xưa được kể trong Phúc Âm thánh Marcô.

 Người thanh niên giàu có

Ðức Giêsu vừa lên đường, thì có một người chạy đến, quỳ xuống trước mặt Người và hỏi: “Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?”. Ðức Giêsu đáp: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Hẳn anh biết các điều răn: Chớ giết người, chớ ngoại tình, chớ trộm cắp, chớ làm chứng gian, chớ làm hại ai, hãy thờ kính cha mẹ”. Anh ta nói: “Thưa Thầy, tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ từ thuở nhỏ”. Ðức Giêsu đưa mắt nhìn anh ta và đem lòng yêu mến. Người bảo anh ta: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi, hãy đến theo tôi”. Anh ta sa sầm nét mặt vì lời đó, và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Ðức Giêsu rảo mắt nhìn chung quanh rồi nói với các môn đệ: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao”. Nghe Người nói thế, các môn đệ sững sờ. Nhưng Người lại tiếp: “Các con ơi, vào được Nước Thiên Chúa thực khó biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa”. Các ông lại càng sửng sốt hơn nữa và nói với nhau: “Thế thì ai có thể được cứu?”. Ðức Giêsu nhìn thẳng các ông và nói: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế, vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,17-27).

Khi suy gẫm bài Phúc Âm trên, tôi thấy người thanh niên đó có thể là tôi, là chúng ta, khi chúng ta không có sự tự do nội tâm đối với những gì mình có.

 Những khó khăn về tự do nội tâm

Tự do nội tâm là không để mình bị sai khiến, bị khống chế, bị bó buộc một cách nô lệ bởi những của cải bất cứ loại nào, trái lại mình ngoan ngoãn dễ dàng nghe Chúa, đi theo Chúa, cho dù phải bỏ tất cả những gì mình đang có đang ưa thích và đang theo đuổi.

Sự tự do nội tâm này là điều rất khó. Trước hết vì chúng ta ít để ý đến. Người thanh niên trong Phúc Âm quả quyết mình suốt đời đã giữ đạo đúng như luật dạy. Anh cho thế là đủ để an tâm. Anh không bao giờ nghĩ đến việc phải bước thêm bước nữa, đó là phải có thái độ nghèo khó nội tâm. Nhưng Chúa lại đòi điều đó. Còn chúng ta thì sao, chúng ta cũng như bao người vẫn hay bám vào lối sống đạo luật lệ, an tâm vì lối sống đạo luật lệ, tự hào về lối sống đạo luật lệ và dừng lại ở lối sống đạo luật lệ. Chúng ta cần ý thức là sống đạo như vậy chưa là đạo đức mà Chúa muốn.

Hơn nữa, không những chúng ta an tâm vì lối sống đạo luật lệ, coi đó là một tài sản cao quý của mình, mà còn dễ tự hào về những hào quang của mình. Hào quang thực và hào quang ảo tưởng. Hào quang do thành tích, do chức, do quyền, do lợi lộc, do địa vị, do những khen tụng đó đây và do những tưởng tượng chủ quan. Tất cả những thứ đó cũng làm nên một gia sản riêng. Nếu chúng ta không khiêm tốn và cảnh giác, thì thay vì chọn Chúa làm gia nghiệp, chúng ta sẽ chọn những gia sản đó làm gia nghiệp. Những dính bén, ràng buộc của chúng ta với gia sản đó thường thuộc dạng vô thức. Chúng ăn rễ quá sâu vào nội tâm ta do một nếp sống thiếu kỷ luật tu đức. Nên khó khăn sẽ rất lớn, khi chúng ta nghe Chúa bảo: Hãy dứt lìa tất cả, để vác thánh giá đi theo Chúa Giêsu trong tinh thần nghèo khó và phó thác.

Lại một khó khăn khác nữa, và khó khăn này thường lớn hơn tất cả mọi khó khăn khác. Ðó là từ bỏ ý riêng mình, để vâng phục thánh ý Chúa. Thực vậy, kinh nghiệm tu đức, mục vụ, truyền giáo chứng minh rằng: Chúng ta ai cũng nuôi trong mình những chương trình nọ, những dự kiến kia. Chúng ta đặt tin tưởng vào đó, coi đó như những phương tiện và đường lối nhất định phải thực hiện cho bằng được. Chúng ta tưởng ý của riêng ta và của cộng đoàn là hợp ý Chúa. Chúng ta nuôi nhiều ý riêng loại đó, coi đó là một tài sản quý. Nhưng biết bao trường hợp đã cho thấy ý Chúa rất khác. Chúa muốn chúng ta từ bỏ gia tài ý riêng, để đi theo Chúa. Thế là chúng ta lại như người thanh niên ấy, tỏ ra buồn sầu, chán nản, dần dần xa Chúa. Hoặc cũng vâng phục ý Chúa, nhưng một cách miễn cưỡng, tạm thời. Ðúng như Chúa phán: “Người giàu có khó vào được Nước Thiên Chúa”.

 Phải biết đón nhận ơn Chúa

Suy nghĩ tới đây, tôi cũng như bao người sẽ phản ứng y hệt như các môn đệ xưa: “Thế thì ai có thể được cứu”. Người trả lời sẽ không là chúng ta, nhưng là chính Chúa Giêsu: “Ðối với loài người thì không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa thì không phải thế. Bởi vì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể được” (Mc 10,27).

Chúa muốn chúng ta có một trái tim trong sạch, khiêm tốn, khó nghèo. Vậy thì, chính chúng ta cũng phải muốn như thế, cũng phải khát khao điều đó, cũng phải coi điều Chúa muốn đó là điều quan trọng. Khát khao điều đó chỉ là bước đầu. Tiếp theo là bước thứ hai, đó là phải chấp nhận kế hoạch của Chúa. Kế hoạch của Chúa là ưu tiên thực thi bổn phận liên đới và tình thương xót: “Hãy về bán tất cả những gì anh có, phân phát cho kẻ nghèo”. Rồi bó buộc mình trở nên giống Chúa Giêsu: “Hãy trở lại theo Ta”.

Chỉ bằng ấy bước đi cũng là chuyện rất khó. Nhận ra cái khó ấy để biết khiêm nhường cầu nguyện cậy trông ơn Chúa, chính là một chặng đường đạo đức, mà chúng ta phải cố gắng đi vào.

ù

Chúa Giêsu không hài lòng với “người thanh niên giàu có”. Não trạng con người Việt Nam hôm nay cũng không muốn thấy “người thanh niên giàu có” trong giới tu sĩ giáo sĩ. Trong đạo, hình ảnh “người thanh niên giàu có” như Phúc Âm kể không đẹp đẽ gì đâu. Trong nhà tu, hình ảnh một giai cấp giàu có lại càng chẳng đẹp đẽ gì. Xin Chúa thương ban ơn thanh tẩy chúng ta, để chúng ta biết thực sự từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa.

Long Xuyên, ngày 09.6.2000