Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Hành hương và những chứng nhân

Trong chuyến đi hành hương Rôma vừa qua, tôi may mắn gặp được nhiều nhân chứng của Tin Mừng. Ðối với tôi, Tin Mừng chính là Chúa Giêsu, Ðấng đã chịu chết và đã sống lại.

Ðiều đặc biệt nơi những nhân chứng này là họ rất gắn bó với Chúa Giêsu. Không phải do ảnh hưởng truyền thống công giáo có sẵn nơi gia đình và họ đạo, nhưng do những biến cố họ gặp. Ðã có những biến cố biến đổi đời họ một cách sâu sắc: Não trạng họ, cách suy nghĩ của họ, cách đánh giá của họ, cách chọn lựa của họ, cách đối xử của họ, cách đi tới những trọng tâm đời họ, tất cả đều được đổi mới.

Vậy những biến cố đó là thế nào? Tôi xin đưa ra những nhận xét sau đây:

 Những gặp gỡ đánh động

Họ đã gặp được những yếu tố mang Tin Mừng. Những yếu tố đó rất đa dạng. Thí dụ:

Một con người tốt. Ðối với họ, người tốt trước hết là người kính trọng họ, yêu thương họ, nâng đỡ họ, cảm thương họ. Họ là con đường mang dấu chỉ Tin Mừng.

Một cuốn sách tốt. Sách có nội dung gần gũi thân phận con người, kèm theo Tin Mừng là Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ quyền năng và thương xót.

Một dấn thân tốt. Một dấn thân được gọi là tốt đối với họ, khi dấn thân này nhắm phục vụ người nghèo khổ, người cô đơn, người bị loại trừ, để nhìn nhận phẩm giá những người bé nhỏ yếu kém trong cái nhìn của Thiên Chúa là Cha.

Một trao đổi tốt. Một trao đổi được coi là tốt, khi nó mang chất lượng sự thực và tình thương, với thái độ kính trọng và lắng nghe. Một trao đổi như thế có sức mở cửa lòng, để đón nhận chính Chúa Giêsu là chân lý và tình yêu.

Một sự cởi mở tốt. Cởi mở nơi cơ chế tôn giáo và những người lãnh đạo tôn giáo. Cởi mở trong thái độ bao dung tha thứ. Cởi mở trong cái nhìn xa và rộng. Cởi mở trong sự biết nhìn nhận những điều hay lẽ phải nơi những người ngoài công giáo.

Một cuộc lễ tôn giáo tốt. Tốt ở bầu khí cầu nguyện, hồi tâm và bác ái. Trong đó có sự góp phần của các kinh, nghi thức, thánh ca, bài giảng.

Một tình thế bất ngờ gây nên những tác động tốt. Ðã có những trường hợp bất ngờ xảy ra, khiến con người thức tỉnh, và kiếm tìm ơn cứu độ. Họ trở nên khiêm tốn, khó nghèo, dễ đón nhận ơn thiêng.

Những gặp gỡ như trên là những biến cố ban đầu. Chúng mở đường. Với nhịp độ ơn thánh, những ai đi trên con đường đó sẽ được mời bước vào những biến cố mới khác, đó là Lời Chúa và cầu nguyện.

 Lời Chúa và cầu nguyện

Lời Chúa và cầu nguyện chính là những biến cố gây nên những thay đổi quan trọng nơi con người. Nhờ Lời Chúa và cầu nguyện, họ sẽ nhận ra dung mạo thực của Chúa là Cha giàu tình yêu thương xót.

Họ sẽ nhìn rõ sự thực về mình là tạo vật hèn mọn yếu đuối, nhưng được Chúa xót thương.

Họ sẽ thấy nhân loại là một thực thể bị thương trầm trọng, những vẫn mang hy vọng được cứu độ nhờ Ðức Kitô.

Nhờ Chúa, họ sẽ khám phá ra những ánh sáng trong bóng tối, những kho tàng trong những đổ nát, những hy vọng trong những thất vọng.

Ðời sống họ có thể đầy những sợ hãi, cô đơn như cuộc đi trốn của tiên tri Elia. Nhưng, chính trong lúc Elia thất vọng, mệt mỏi, thì Chúa đã sai thiên thần đến với ông. Thiên thần lo cho ông từng chi tiết nhỏ, như miếng bánh để ăn, chén nước để uống. Cũng chính lúc ông tưởng Chúa sẽ đến trong cơn động đất, trong con gió lốc, trong luồng lửa đỏ, thì Chúa lại đến đến trong làn gió nhẹ. Chúa đến để nhẹ nhàng an ủi ông và dẫn đường chỉ lối cho ông. Ông cảm thấy Chúa gần gũi ông (x. 1 V 19,1-13). Nhiều cuộc đời của chứng nhân cũng có một số nét tương tự như thế.

Khi đã gặp được một Thiên Chúa giàu lòng thương xót như vậy, người chứng nhân sẽ không ngại bỏ lại tất cả, để đi theo Chúa.

Bỏ lại tất cả, không phải chỉ bỏ lại những gì phải bỏ và nên bỏ, mà còn bỏ lại những gì coi như không nên bỏ. Thí dụ trường hợp các môn đệ được Chúa Giêsu làm phép lạ cho bắt được mẻ cá lớn (x. Lc 5,11). Theo lẽ thường, ai cũng nghĩ rằng: Cần giữ lại chiếc ghe, và chiếc lưới đã là những dụng cụ Chúa Giêsu dùng để làm phép lạ bắt được mẻ cá lớn đó. Thế nhưng, Phúc Âm nói: các môn đệ đã bỏ lại tất cả, để đi theo Chúa Giêsu. Chứng tỏ rằng: các môn đệ vượt qua tất cả, bỏ lại tất cả, để chỉ nhắm vào một mục đích duy nhất, đó là đi theo Chúa Giêsu, gắn bó tuyệt đối với Chúa Giêsu.

 Ði sâu vào Lời Chúa và đến với đồng bào

Những người được Chúa biến đổi sẽ không tự mãn cho rằng mình đã tới đích. Nhưng họ luôn cảm nhận mình cần sống những gì Chúa đã ban, đồng thời cũng cần phải đi thêm mãi.

Ði sâu thêm vào Lời Chúa, để học hỏi thêm. Càng đi sâu, họ càng khám phá thấy những mới mẻ của Tin Mừng xuất hiện ngay trong cuộc sống cụ thể của mình, giữa những tình hình văn hoá và chính trị đang chuyển biến.

Càng đi sâu, họ càng cảm thấy cần phải ra khỏi cái tôi hẹp hòi của mình, để đến với đồng bào gần xa. Ðến với họ, để chia sẻ Tin Mừng cho họ. Ðể mọi người thấy rõ: Thiên Chúa chính là người cha được kể trong Phúc Âm, luôn chờ đợi con phung phá trở về. Và khi nó trở về, người cha đó đã tỏ ra mừng rỡ sung sướng với tất cả tâm tình người cha hiền từ nhân hậu (x. Lc 15,11-31). Và mọi người thấy rõ: Thiên Chúa chính là người chăn chiên, dám để lại 99 con chiên tốt để đi tìm chỉ một con chiên lạc. Và khi tìm được nó, thì âu yếm vác nó trên vai (x. Mt 18,12-14).

Người chứng nhân của Tin Mừng ra đi, không phải để chinh phục ai, để ép buộc ai, để áp đặt gì, nhưng chỉ để được dịp sống tình liên đới huynh đệ trong cuộc sống chung, làm việc chung, vui buồn chung, với hy vọng sự thay đổi nên tốt hơn sẽ có thể đến với bất cứ ai, với bất cứ cơ chế nào. Bởi vì họ mang trong mình những kinh nghiệm sống động về sự gặp gỡ Thiên Chúa là Ðấng Cứu độ quyền năng và thương xót.

ù

Khi được gặp nhiều chứng nhân của Tin Mừng như vừa kể, tôi tự nhiên nghĩ tới việc chọn nhân sự và đào tạo nhân sự cho Hội Thánh Việt Nam của tôi. Cần đào tạo nên những chứng nhân. Cần chọn những người đã là chứng nhân. Bởi vì thời nay là thời của những chứng nhân.

Long Xuyên, ngày 4 tháng 11 năm 2000