Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Lời đầu tiên ở đầu thế kỷ

Cuối năm 2000, đầu năm 2001 là một ranh giới thời gian. Ranh giới này được coi là rất đặc biệt.

Tôi nhìn thời gian trôi qua ranh giới lịch sử. Từ thế kỷ này sang thế kỷ kia. Thời gian trôi lặng lẽ, uy hùng.

Dòng chảy thời gian mang theo từng tỷ tâm hồn, trong đó có tôi.

Tất cả đều được đưa đi. Hẳn sẽ có bến bờ cho mọi người. Chắc là bến bờ sẽ rất khác nhau.

Bến bờ khác nhau sẽ là số phận khác nhau. Cái đó tuỳ theo lịch sử.

Thời gian thì khách quan. Nhưng khi con người dùng thời gian để làm nên lịch sử, thì lịch sử sẽ làm nên số phận con người.

Mọi người đều thuộc về lịch sử chung. Nhưng mỗi người lại có lịch sử riêng của mình. Lịch sử riêng được hình thành với nhiều khác biệt. Giàu hay nghèo. Có địa vị cao hay địa vị thấp. Tôn giáo này hay tôn giáo nọ. Những điều đó có vẻ ít quan trọng. Quan trọng là những thiện tâm, biết phân biệt sự thiện, chọn lựa sự thiện, sống theo sự thiện.

Lịch sử mỗi người với những thành tích thiện ác là một hồ sơ để đánh giá. Những đánh giá của các cơ quan chính thức và của dư luận không có tính cách tuyệt đối. Ðiều đó không có gì phải nói.

Nhưng thiết tưởng điều nên nói ở đây, đó là: Ðánh giá của Thiên Chúa mới là chính xác tuyệt đối và những chính xác tuyệt đối này lại rất bất ngờ. Phúc Âm cho thấy như vậy.

Có những người giàu sang như ông phú hộ của người hành khất Lagiarô, do vô tâm, đã bị Chúa ném vào hoả ngục. Ðang khi những người nghèo khổ như ông ăn mày Lagiarô, nhờ lương thiện, lại được Chúa đưa lên thiên đàng (x. Lc 16).

Có những người mang tiếng là tội lỗi như người thu thuế, nhờ sám hối khiêm nhường, đã được Chúa chấp nhận vào số những người Chúa xót thương. Ðang khi những người được tiếng là đạo đức như người Pharisêu, do kiêu căng, lại bị Chúa khước từ (x. Lc 17).

Có những người gọi là xa đạo, nhưng nhờ thiện chí, lại được đón vào Nước Trời. Ðang khi những con cái trong nhà, do dửng dưng, lại bị đuổi ra khỏi Nước Trời (x. Lc 13,27).

Có những người đứng chót, nhưng đầy phấn đấu, lại được mời lên chỗ nhất. Ðang khi những người chỗ nhất, nhưng nhởn nhơ hưởng thụ, lại bị đưa xuống chỗ rốt cùng (x. Mt 20,16).

Tôi coi những việc Chúa làm trên đây là những điều kỳ diệu nói lên quyền năng thương xót của Người. Tôi ca tụng Thiên Chúa vẫn đang làm những điều kỳ diệu như thế trong lịch sử nhân loại hôm nay. Một chút riêng tư, tôi mượn lời Thánh Vịnh để nói:

Từ độ thanh xuân, lạy Thiên Chúa,
Con đã được Ngài thương dạy dỗ,
Tới giờ này, con vẫn truyền rao
những điều kỳ diệu của Ngài.
Cả lúc con đã già, da mồi tóc bạc,
Lạy Thiên Chúa, xin đừng bỏ rơi con
” (Tv. 17,17-18).

Trong tâm tình cảm tạ Chúa, tôi đặt lịch sử đời tôi dưới chân Người. Nó cần phải có. Nhưng nó chẳng đáng gì. Xin Chúa đừng nhìn vào đó. Chính tôi cũng không nhìn đến nó. Tôi chỉ hy vọng vào Chúa mà thôi.

Tôi hết lòng hy vọng ở Chúa.
Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu
” (Tv. 40,2).

Niềm hy vọng đặt ở nơi Chúa đem lại cho tôi sự bình an và hứng khởi. Tôi cảm thấy ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói xưa:

Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Chúa.
Và có Chúa làm chỗ nương thân.
Người ấy như cây trồng bên dòng nước,
đâm rễ sâu vào mạch suối trong.
Mùa nóng đến, cây không phải sợ gì
Lá trên cành vẫn cứ xanh tươi,
Gặp năm hạn hán, cũng chẳng ngại
Nó sẽ không ngừng trổ sinh hoa trái
” (Gr 17,7-8).

Hoa trái thiêng liêng cao quý nhất, đẹp lòng Chúa nhất là bác ái yêu thương (x. Gal 5,22). Bác ái yêu thương là tóm tắt mọi lề luật (x. Gal 5,14).

Với nhận thức trên đây, tôi đi vào thế kỷ mới, với nhân loại của tôi, với Ðồng Bào thân thiết của tôi. Thời gian vẫn cứ trôi. Nhưng thời gian sẽ là dòng chảy mang theo những lịch sử tình yêu. Sẽ không thiếu những lịch sử tình yêu đẹp. Những lịch sử tình yêu có chất lượng cao sẽ luôn luôn mới. Tôi có cảm tưởng nhân loại sẽ được cứu độ nhờ các lịch sử tình yêu được Chúa chúc lành.

Suốt dọc lịch sử dài, Chúa đã kêu gọi “Hãy yêu thương nhau”. Yêu thương, đó là ơn gọi căn bản nhất. Ðức Mẹ Maria đã xin vâng và đã sống quảng đại ơn gọi đó. Khi sang đầu thế kỷ mới này, tôi lắng nghe Chúa là chủ thời gian. Người cũng chỉ nhắn nhủ: Chúng con hãy yêu thương nhau. Ðức Mẹ Maria cũng thúc giục chúng ta: Chúng con hãy xin vâng với lòng hoan lạc đơn sơ phó thác.

Cùng với Ðức Mẹ: Xin vâng, trung thành đi theo ơn gọi yêu thương. Ðó là lời đầu tiên của tôi đầu thế kỷ XXI.

Nhưng sẽ rất ngây thơ, nếu xin vâng yêu thương, vì tưởng yêu thương là việc dễ dàng. Không đâu. Yêu thương cho đúng yêu thương, nhất là yêu thương cho đúng mẫu gương Chúa Giêsu là việc đòi rất nhiều tỉnh thức, rất nhiều quảng đại, rất nhiều nhẫn nhục, rất nhiều từ tốn, rất nhiều từ bỏ mình, rất nhiều cái chết hằng ngày. Vì thế lời xin vâng đáp lại tiếng Chúa gọi yêu thương cũng sẽ là: Xin vâng vác mọi thứ thánh giá vì yêu thương. Nhưng tôi tin đàng sau thánh giá sẽ là phục sinh.

Lạy Chúa, cậy nhờ ơn Chúa con xin vâng.

Long Xuyên, ngày 30-12-2000