Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Tâm sự thiêng liêng về
bổn phận yêu thương

Nếu tôi phải viết một cuốn sách đạo đức, cuốn sách đó sẽ dày 100 trang. 99 trang sẽ để trắng. Trang cuối cùng, tôi sẽ viết: ‘Tôi chỉ biết duy một bổn phận, đó là yêu thương’”.

Lời trên đây được in trong cuốn “Hạnh phúc bằng 36 nhân đức”. Tác giả sách là Jacques Duquesne. Nhưng tác giả câu nói trên là Albert Camus. Sách mới xuất bản tháng 12 năm 1998.

Ai cũng hiểu người nói và người trích dẫn không đơn giản đến mức đó. Họ nói thế, chỉ để đề cao bổn phận yêu thương. Ðề cao là rất đúng. Chúa Giêsu đã truyền dạy như thế. Hội Thánh vẫn rao giảng như vậy.

Mến Chúa yêu người là lược tóm toàn thể nếp sống đạo. Từ nhỏ, tôi đã thuộc lòng chân lý ấy. Nhưng chân lý ấy đã được hiểu thế nào, cảm nghiệm ra sao, thực thi cách nào. Cần xem xét lại.

Tôi lợi dụng chuyến đi Rôma - Paris đầu năm 1999 mới rồi, để phần nào xem xét lại bổn phận quan trọng nhất đời mình.

Trong gần một tháng, tôi phấn đấu đọc một số sách mới nhất trong năm 1998 đề cập đến bổn phận yêu thương.

Về cơ sở của bổn phận yêu thương, tôi đọc trong cuốn “Thiên Chúa là Cha của tình xót thương” do Uỷ Ban Toà Thánh chỉ đạo Năm Toàn Xá 2000, (tháng 10, 1998).

Về việc xây dựng Nước Tình Yêu, tôi đọc trong cuốn “Lạy Cha, nguyện Nước Cha ngự đến” của Ðức Giám Mục André - Mutien Léonard, (tháng 10, 1998).

Về gương mẫu yêu thương, tôi đọc trong cuốn “Thiên Chúa, Ðấng toàn năng” của Jean-Pierre Batut, nói về gương thánh nữ Têrêsa Lisieux mến Chúa yêu người, (tháng 11, 1998).

Về sự kính trọng những khác biệt khi yêu thương, tôi đọc trong cuốn “Còn Thầy, Thầy không kết án ai” của Lytta Basset, (tháng 9, 1998).

Về sự biết thương cảm những người khổ đau, tôi đọc trong cuốn “Cảm thương, yêu đến cùng” của Odile Terra, (tháng 3, 1998).

Về ơn biết cầu nguyện với Thiên Chúa tình yêu, tôi đọc trong cuốn “Lạy Cha, xin ban cho con ơn cầu nguyện” của Jean Lafrance, (tháng 01, 1998). Về những chứng từ sống động yêu thương, tôi đọc trong cuốn “Sáng tạo mùa thu” của André Sêve, (tháng 7, 1998).

Về việc vun trồng tình liên đới, tôi đọc trong cuốn “Dịp cuối thiên niên kỷ, chúng ta hãy làm nên một giấc mơ” của Ðức Hồng Y Carlo M. Martini, (tháng 9, 1998).

Về những phấn đấu nội tâm trong bổn phận yêu thương, tôi đọc cuốn “Cầu nguyện đời mình” của Isabelle Prêtre – Krug, (tháng 11, 1998), và cuốn “Chỉ nam cho những khó khăn đời thường” của Pierre Descouvemont, (tháng 7, 1998).

Càng đọc tôi càng thấy bổn phận yêu thương là vấn đề rất mênh mông, các ý kiến đưa ra thực là phong phú. Ðang khi đó, nhìn ra xã hội, tôi thấy bổn phận yêu thương là cả một thời sự đa dạng, đầy phức tạp. Có những người tốt việc tốt về yêu thương, những cơ quan từ thiện, những phong trào cứu đói giảm nghèo, những hội nghị hội thảo về hoà bình v.v. Nhưng cũng có những xung đột đẫm máu, những tranh chấp gay gắt, những cuộc bạo động, những vụ trộm cướp, những vụ ly dị, ngoại tình, những tham ô lừa dối, những ghen tương, kiêu căng bỏ vạ cáo gian v.v.

Khi nhìn vào chính mình, tôi thấy bổn phận yêu thương là một chuỗi dài những cuộc bắt đầu. Bắt đầu rồi lại bắt đầu. Như thể giá trị của người sống bổn phận yêu thương chỉ là có can đảm bắt đầu, có khả năng bắt đầu lại, biết khiêm tốn tiếp tục bắt đầu mãi mãi.

Cách đây gần 40 năm, tôi đã làm hai luận án ở Ðại Học Fribourg, Thuỵ Sĩ. Cả hai đều đề cập đến tình yêu: “Nguồn gốc của tình yêu” và “Nguồn gốc đau khổ của tình yêu”. Nội dung thuộc triết lý của tình yêu. Ðể làm hai luận án đó, tôi đã đọc khá nhiều sách. Lâu nay, những khi có dịp, tôi tìm đọc thêm các sách triết về tình yêu. Tôi thấy những sách triết xưa và nay về tình yêu có thể soi sáng nhiều cho bổn phận yêu thương trong lĩnh vực đạo đức.

Tuần vừa qua, tôi đi thăm mấy nơi vùng sâu vùng xa. Tôi thấy cuộc sống nói chung có khá hơn trước. Nhưng nhiều người vẫn lầm than, nhiều hộ vẫn đói nghèo, nhiều nơi vẫn thiếu học, nhiều môi trường vẫn ô nhiễm trầm trọng. Tất cả cần được quan tâm. Có chính sách, luật pháp, chủ trương, nhưng nếu thiếu những tấm lòng thực sự yêu thương, thì các giải quyết sẽ chẳng sâu xa được.

Yêu thương không đơn giản chút nào. Nó là một công trình phải xây dựng hằng ngày, trên mọi lãnh vực, trong mọi chiều kích. Phải học. Phải tập. Phải rèn luyện. Phải phấn đấu. Phải tìm tòi sáng tạo.

Yêu thương là một giá trị tâm linh. Nó có ảnh hưởng rất lớn. Thịnh suy của một nền văn hoá, của một tôn giáo, của một dân tộc, tuỳ thuộc ở đó.

Mùa xuân vĩnh cửu mỗi người cũng tuỳ thuộc ở đó.

Long Xuyên, ngày 02 tháng 02 năm 1999