Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Chấp nhận chết đi

Trong mọi bước, có một bước rất được để ý. Ðó là cái bước qua cõi đời này, để tiến vào cõi đời sau. Bước lúc đó sẽ là một bước quyết liệt. Bước quyết liệt ấy là cái chết.

Chúa Giêsu đã có bước quyết liệt ấy. Nhưng cái chết của Người còn mang một số tình tiết rất lạ lùng.

Chết trong cô đơn. Các sách Phúc Âm đều thuật lại những giờ phút sau cùng của Chúa Giêsu. Ðó là những khoảnh khắc cô đơn kinh hoàng. Trong vườn Cây Dầu, khi cầu nguyện: “Người cảm thấy hãi hùng xao xuyến” (Mc 14,32). Trước đó, Người đã nói với các môn đệ: “Anh em sẽ phân tán mỗi người mỗi nơi, và để Thầy cô đơn một mình” (Ga 17,32). Thực vậy, khi Người bị bắt: “Các môn đệ đã bỏ Người mà trốn hết” (Mc 14,49). Trong hấp hối, Chúa Giêsu cảm thấy như chính Chúa Cha cũng ruồng bỏ Người. “Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Cha nỡ bỏ con?” (Mc 15,34).

Chết trong đau khổ. Ðau khổ của Chúa Giêsu trong những giờ sau cùng thực là ghê gớm. Trước hết là những khổ đau về thể xác. Những gì chính Chúa Giêsu báo trước đều đã xảy ra. “Con Người sẽ bị nộp cho các Thượng tế và kinh sĩ. Họ sẽ lên án xử tử Người, và sẽ nộp Người cho dân Ngoại. Họ sẽ nhạo báng Người, khạc nhổ vào Người, sẽ đánh đòn và giết chết Người” (Mc 10,33-34). Cùng với khổ đau về thể xác là bao nỗi đau khổ về tâm hồn. Trong dinh Philatô, Người nghe đám đông hô hoán: “Hãy đóng đinh nó vào thập giá” (Mc 15,6-15). Khi bị treo lên rồi, Người bị đủ thứ người chê cười. “Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người”, “Các Thượng tế và kinh sĩ cũng chế diễu Người”, “Cả những tên cùng bị đóng đinh với Người cũng thách thức Người” (Mc 15,29-32).

Chết trong vâng phục. Cái chết đau đớn, cái chết cô đơn đã đến vơi Chúa Giêsu như một chén rất đắng. Chúa Cha trao, thì Người xin vâng. Nhưng không vì thế mà bớt được đau khổ. Trong vườn Cây Dầu, Người than thở: “Cha ơi, Cha có thể làm được mọi sự. Xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14,36). Và thực sự “Chúa Giêsu đã hạ mình, vâng lời đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Ph 2,8).

Khi nhìn cái chết cực kỳ đau thương của Chúa Giêsu, tôi tự hỏi: Chúa Giêsu chịu chết như thế, vì mục đích gì? Câu Chúa Giêsu trả lời tổng trấn Philatô đã soi sáng cho tôi: “Tôi đã sinh ra và đến trong thế gian vì điều này, đó là làm chứng cho sự thực” (Ga 18,37). Riêng đối với tôi, với cái chết đau thương, Chúa Giêsu đã làm chứng một cách sống động, thiết tha, cho một số sự thực ngàn đời sau đây:

Sự thực là tất cả mọi người đều cần được ơn cứu độ. Thực vậy, không xét theo thần học, mà chỉ xét theo lịch sử, chúng ta cũng thấy được: Cái chết của Chúa Giêsu mãi mãi tố cáo những sai lầm và những tội ác. Xung quanh cái chết của Người, có biết bao nhiêu sai lầm được hợp lý hoá, có biết bao nhiêu tội ác được hợp pháp hoá. Sai lầm và tội ác cá nhân, kết hợp với sai lầm và tội ác tập thể, cộng thêm sai lầm và tội ác cơ chế đã làm nên một sức mạnh sự dữ khủng khiếp. Tôn giáo bị biến chất, lãnh đạo tôn giáo bị tha hoá, quần chúng trôi nổi, bám vào tập tục. Sự tha hoá như thế không chấm dứt ở thời Chúa Giêsu. Tất cả đều cần được cứu độ.

Sự thực là Ðấng cứu độ chính là Ðức Giêsu. Thực vậy, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Con Người đến không để người ta phục vụ, nhưng để phục vụ, và hiến mạng sống mình làm giá cứu chuộc muôn người” (Mc 10,46). Người chết để đền thay. Người chết để kêu gọi ăn năn sám hối. Người chết để mọi người tìm được hy vọng cứu độ. Người chết để bất cứ ai cùng chết với Người sẽ được cùng Người phục sinh vinh hiển. Chết với Người là sám hối từ bỏ tội lỗi, đó là chết đi một cách thiêng liêng.

Sự thực là công việc cứu độ luôn là một mầu nhiệm của sự khiêm tốn, của sự vâng phục, của tình yêu thương xót, của sự chết và của phục sinh vinh quang. Mầu nhiệm ấy được mạc khải dần dần trong lịch sử từng người, trong cộng đoàn, trong Hội thánh địa phương, và trong toàn thể Nước Trời. Chúng ta thấy được phần nào mầu nhiệm ấy trong những người đã đón nhận được ơn cứu độ trong lộ trình Chúa vác thánh giá cho tới Núi Sọ. Họ là những người khiêm nhường, giàu lòng xót thương. Bà Vêrônica và các người phụ nữ khóc thương Chúa. Ông Simon vác thập giá đỡ cho Chúa. Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa. Viên đại đội trưởng đã tuyên xưng Chúa. Và tất nhiên là thánh Phêrô sám hối. Ðặc biệt là Ðức Mẹ Maria và những người thân đi theo Chúa.

Kinh nghiệm cho tôi thấy. Có những làn ranh phân cách sai lầm và chân lý. Cũng có những làn ranh phân cách tội lỗi và nhân đức. Làn ranh khá rõ. Ấy thế mà bao người đã không bước qua được làn ranh kia để đi lên chân lý và nhân đức. Ðang khi đó, đau đớn thay, bao người đang tốt lại bước qua làn ranh đó để xuống nơi tội lỗi và sai lầm. Một bước hết sức quan trọng và cũng đầy những hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề sẽ không giải quyết được, nếu không cậy vào Ðấng cứu độ chúng ta là Chúa Giêsu.

Người đã cứu độ chúng ta không phải bằng con đường sung sướng, thênh thang thoải mái, nhưng bằng chính cái chết đau thương của Người. Chúng ta, dù thế nào đi nữa, vẫn có thể đón nhận được ơn cứu độ của Chúa, nếu chúng ta khiêm nhường nhận mình cần được cứu độ, thành thực sám hối và có thiện chí ôm lấy thực chất của Tin Mừng. Thực chất Tin Mừng là chính Chúa Giêsu đã chịu nạn và đã phục sinh. Thực chất Tin Mừng là đi theo Chúa Giêsu, cùng với Chúa Giêsu chân thành phục vụ con người. Thực chất Tin Mừng là cùng với Chúa Giêsu cố gắng biến chính mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha. Thực chất Tin Mừng là luôn thực thi ý Chúa để đi về với Cha trên trời.

Ðó là những bước quyết liệt, phần nào giống như sự chết. Khó đấy, nhưng sẽ thực hiện được, nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu.

Long Xuyên, ngày 14-4-2000