Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Hình ảnh một người tông đồ

Chỉ trong mười ngày nay, Hội Thánh Việt Nam đã được nghe một số tin quan trọng về hàng giám mục của mình. Hai tân giám mục sắp được tấn phong, một giám mục được nghỉ hưu, một giám mục từ trần.

Khi nghe tin mấy vị tông đồ của mình, chúng ta thường nghĩ đến hình ảnh của các vị đó. Có nghĩa là không có hình ảnh giám mục chung chung. Nhưng là hình ảnh Ðức Cha này, Ðức Cha nọ. Hình ảnh trên giấy, và hình ảnh tinh thần trong nhận thức.

Mỗi vị đều có ba loại hình ảnh :

Hình ảnh do dư luận nghĩ về Ngài.

Hình ảnh do chính Ngài nhìn vào Ngài.

Hình ảnh do Chúa thấy về Ngài.

Không mấy khi ba loại hình ảnh đó giống nhau. Tất nhiên hình ảnh do Chúa thấy là tuyệt đối đúng chân dung. Còn hai loại hình ảnh kia thường rất tương đối. Có nét đúng nét sai. Ðúng hay sai thường do cách nhìn của mỗi người. Cách nhìn đúng phải dựa trên những hiểu biết đúng. Hiểu biết về chức vụ giám mục nói chung và trường hợp từng cá nhân của vị giám mục nói riêng.

Ở đây tôi chỉ xin nêu ra vắn tắt một vài điểm quan trọng. Nhờ đó mới thấy được sự giống nhau và khác nhau giữa các tông đồ hiện nay của chúng ta.

 1/ Chức vụ giám mục

Chức vụ giám mục gồm ba nhiệm vụ chính: Phúc Âm hoá, cử hành các bí tích, xây dựng đời sống yêu thương hiệp nhất cho cộng đoàn.

Với nhận thức về nhiệm vụ của mình, tông đồ nào cũng ý thức mình được Chúa sai đi, để phục vụ. Nhiệm vụ nào cũng phải qui chiếu vào Phúc Âm, để xây dựng Hội Thánh địa phương được Chúa trao phó. Một Hội Thánh là của Chúa Giêsu, rao giảng về Chúa Giêsu, làm chứng cho Chúa Giêsu. Bởì vì Chúa Giêsu là Tin Mừng, là Nước Trời, là Ðường, là Sự Thật và Sự Sống, dẫn về Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Tuy nhiên, trong phục vụ, mỗi vị có thể quan tâm đến việc này hơn việc kia. Mọi quan tâm, hoặc thường xuyên, hoặc tạm thời, đều có lý do của nó. Nếu hình ảnh vị này là người suốt tuần bận bịu với những cử hành, hình ảnh vị kia là người chuyên lo việc rao giảng Lời Chúa, hình ảnh vị nọ là người hay đi vào những mảnh đời nghèo hèn cơ cực, thì chúng ta không nên thấy làm lạ. Thường thì hướng đi mục vụ của các vị ấy không đọc thấy một cách dễ dàng ở các việc xem thấy được. Nó vượt trên các việc đó. Nó nhắm tới rất xa.

 2/ Sức sống thiêng liêng

Sức sống thiêng liêng của mỗi giám mục với nền tu đức riêng của các Ngài có ảnh hưởng rất nhiều đến đường hướng phục vụ và thái độ phục vụ.

Cùng đọc một Phúc Âm, nhưng mỗi người được lôi cuốn vào một lời mời gọi và một hình ảnh của Chúa Giêsu. Người thì được kêu gọi tái diễn lại hình ảnh Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Người thì được kêu gọi làm sống lại hình ảnh Chúa Giêsu ra đi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Người thì được kêu mời thời-sự-hoá hình ảnh Chúa Giêsu cầu nguyện cho sự hiệp nhất vv...

Nền tu đức riêng và sức sống thiêng liêng nơi mỗi tông đồ làm nên một chiều kích thiêng liêng luôn tiềm ẩn trong mọi việc mục vụ của các Ngài. Trong nhiều trường hợp, nó làm cho mỗi tông đồ thành một biểu tượng. Nó diễn tả một tiếng nói Phúc Âm, hoặc một tiếng nói của cộng đoàn đang trên đường đi về nhà Cha. Ðôi khi nó làm cho chính tông đồ trở nên như một thứ bí tích: Bí tích- con người.

 3/ Tính tình

Tính tình của mỗi tông đồ cũng là một yếu tố ảnh hưởng mạnh đến những chọn lựa và phong cách phục vụ. Có những tính tình tự nhiên giàu khả năng và động lực giúp người tông đồ tỉnh thức nắm bắt thời cuộc, thấy trước được những chuyển biến quan trọng, biết tiên liệu cho một tương lai không thiếu bất ngờ. Trái lại, có tính tình ưa tĩnh, gắn bó hết mình với hiện tại.

Có tính tình mở về phía trước, có tính tình hoài niệm phía sau.

Có tính tình ưa tìm Chúa trong cầu nguyện, chiêm niệm. Có tính tình lại thích tìm Chúa trong tiếp cận với những người nghèo hèn, bệnh tật, cô đơn, bị loại trừ, và những người ngoài Công giáo.

Có tính tình rất dễ nhạy bén với các thực tế xã hội, văn hoá, kinh tế, có liên quan đến Tin Mừng. Nhưng có tính tình dửng dưng với những gì không thuộc về quy tụ và cử hành Công giáo.

Nhất là có những tính tình ưa thích mô hình đạo đức này, có những tính tình gắn bó với mô hình thánh thiện kia.

Tính tình nói đây là kết tinh do cấu trúc tâm sinh lý, cộng với nền giáo dục, và những thói quen cá nhân, tập thể. Tông đồ công vụ cho thấy Thánh Phêrô, Thánh Phaolô, Thánh Barnaba là những bản lãnh khác nhau, đôi khi đã đụng nhau, đau đớn.

 4/ Hoàn cảnh

Trước hết là hoàn cảnh cá nhân của mỗi người, như tình hình sức khoẻ, tuổi tác, thiếu phương tiện, thiếu nhân sự cộng tác vv...

Tiếp đến là hoàn cảnh nội bộ cộng đoàn địa phương. Không thiếu những não trạng khép kín và tự mãn tự hào. Như giáo đoàn Giêrusalem xưa.

Không phải là không có những người ưa phản ứng chống đối, khi thấy tông đồ lui tới những người ngoài Công giáo để lo cho Hội Thánh. Như giáo đoàn Cesarea xưa.

Thiếu gì những thái độ ái ngại chỉ muốn tông đồ của mình ở lại với mình để giữ đạo chứ không chịu cho ngài ra đi, mở đạo, trở thành nhà truyền giáo. Như giáo đoàn Antiokia xưa.

Và còn bao phức tạp khác trong nội bộ cộng đoàn.

Thêm vào đó là hoàn cảnh xã hội, với bao tình tiết, bao chuyển biến, và bao bùng nổ. Có thứ thấy trước, và có thứ bất ngờ. Nông thôn khác thị thành. Nam không giống Bắc. Vùng đông các tôn giáo truyền thống khác vùng đông Công giáo. Nói chung, hoàn cảnh không thể đơn giản hoá được. Người tông đồ sống với hoàn cảnh và trong hoàn cảnh mới hiểu được sứ mạng được sai vào đó, không phải luôn luôn dễ dàng thực hiện. Luôn luôn phải cố gắng làm hết sức mình, nhưng đồng thời luôn luôn phải trông nhờ Chúa Thánh Linh.

Trên đây chỉ là một chia sẻ đơn sơ. Ai có đức tin, thiện chí và thực tình yêu mến Hội Thánh sẽ thấy rằng: Mọi giám mục được Toà Thánh chọn và bổ nhiệm đều là các người kế vị các Tông đồ. Các ngài là người của Chúa. Sự khác nhau giữa các ngài là một nguồn lực phong phú cho Hội Thánh địa phương.

Mang bao gánh nặng trên vai, các ngài bước theo Ðức Kitô, phục vụ Hội Thánh và Quê Hương. Các ngài hy vọng, nếu chẳng làm được gì thì ít ra đời mình cũng là một của lễ hiến dâng và là chứng từ của sự sống mới nhận được từ Thánh Linh.

Về mỗi tông đồ, những gì người ta biết được sẽ rất bé nhỏ, thiếu sót so với những gì người ta không biết được. Bởi vì ơn gọi tông đồ bao giờ cũng là một mầu nhiệm của tình yêu Thiên Chúa, trước khi là một chọn lựa của Dân Chúa.

Long Xuyên, ngày 6-6-2000