Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Gỡ mình ra khỏi tội

Trong Năm Thánh, để được ơn Toàn xá, chúng ta cần lãnh bí tích xá giải, quyết tâm chừa tội và dứt bỏ hoàn toàn mọi dính bén với bất cứ tội nào, dù là tội nhẹ.

Như thế có nghĩa là Năm Thánh muốn chúng ta để ý gỡ mình cho khỏi tội một cách quyết liệt.

Tội đặt ra nhiều vấn đề. Ở đây tôi chỉ xin trình bày một số nguyên nhân dẫn đến tội, để chúng ta thấy việc gỡ mình cho khỏi tội không là việc đơn giản.

 Thiếu khả năng hiểu biết

Nhiều khi chúng ta lỗi phạm, vì chúng ta sai lầm, không nhìn thấy rõ sự thực về tội. Sở dĩ chúng ta không nhìn thấy rõ, chính bởi vì bầu trời nội tâm trong ta, cũng như bầu trời tôn giáo xã hội, gia đình bao bọc xung quanh ta bị ô nhiễm bởi nhiều thứ sai lầm và tính mê nết xấu. Những thứ này như những đám mây mù, tạo nên những vùng u tối. Trong điều kiện đó, lòng trí ta khó nhìn thấy rõ phải trái khách quan.

Ðể hiểu thêm tình trạng đó, chúng ta hãy đọc Kinh Thánh. Kinh Thánh kể ra nhiều thứ tiêu cực nơi nhân loại. Nếu xếp các tiêu cực thành loại theo trách nhiệm, thì có thể thấy ba loại này: tiêu cực cá nhân, tiêu cực tập thể, tiêu cực cơ chế.

Về tiêu cực cá nhân, Phúc Âm thánh Marcô kê ra một danh sách 12 thứ (x. Mc 7,2), thư gởi giáo đoàn Galata nêu ra 14 thứ (x. Gl 5,19-21), thư gởi giáo đoàn Rôma nói tới 24 thứ (x. Rm 1,28-31).

Về tiêu cực tập thể, Phúc Âm nói tới những thứ đạo đức giả của giới Biệt phái, Kinh sĩ. Cả một chương dài của Phúc Âm thánh Matthêu đã vạch ra khá nhiều tiêu cực cụ thể của tập thể đó (x. Mt 23,1-36).

Về tiêu cực cơ chế, trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chỉ rõ nhiều chi tiết thiếu sót của luật và truyền thống. Chẳng hạn, một loạt những lời Chúa phê phán luật: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng... Còn Thầy, Thầy bảo anh em ...” (Mt 5,21-48).

Ba loại tiêu cực trên đây thường liên kết với nhau. Chúng là những lực lượng phá hoại. Chúng không hoạt động một cách rõ ràng, nhưng âm ỉ. Chúng dần dà tạo nên trong con người một thứ não trạng không lành mạnh, sản sinh ra những cái nhìn không chính xác, những cách đánh giá lệch lạc, những hệ thống giá trị sai, những lý tưởng trệch hướng. Cá nhân sai, tập thể sai, nhưng khi được cảnh báo, họ vẫn không dễ nhận là mình sai. Hậu quả là những sai lầm đó đưa tới sai phạm. Tội có thể được tha, nhưng khi các sai lầm đưa tới tội vẫn tồn tại ung dung, thì vấn đề gỡ mình ra khỏi tội xem ra vẫn còn nguyên vẹn.

 Thiếu khả năng từ bỏ

Nhiều khi biết rõ mình sai, thực sự muốn gỡ mình ra khỏi tội và sai lầm, thế mà không gỡ được. Nguyên do vì thiếu khả năng từ bỏ. Ðây là một thảm kịch đã được thánh Phaolô diễn tả một cách chân thành: “Vẫn biết rằng Lề Luật là bởi Thần Khí, nhưng tôi thì lại mang tính xác thịt, bị bán làm nô lệ cho tội lỗi. Thực vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu. Vì điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét thì tôi lại làm... Tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thực vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn thì tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7,14-20).

Tội ở trong tôi”, đó là một áp lực khủng khiếp. Gánh nặng của tội, gánh nặng của sự yếu đuối, những gánh nặng đó vô hình, nhưng nhiều khi đẩy ta vào nhận thức khốn cùng và cảm nghiệm cô đơn thất vọng.

 Thiếu khả năng khiêm nhường

Phạm tội vì kiêu căng là trường hợp thường xảy ra. Phúc Âm hay nhắc đến Pharisêu và Kinh sĩ. Họ tự hào với tài chuyên môn cắt nghĩa luật đạo. Họ hiên ngang với những nghi thức đạo và lễ đạo của họ. Họ phô trương những hình thức giữ đạo bề ngoài của họ. Chính những thứ đó giúp họ xây dựng uy tín. Quyền lợi của họ, hào quang của họ tuỳ thuộc ở những thứ đó.

Vì thế, khi thấy Chúa Giêsu muốn sửa lại lối giữ đạo của họ, họ liền phản đối dữ dội. Các lý lẽ Chúa Giêsu đưa ra đầy thuyết phục, họ không trả đáp lại được. Nhưng, thay vì bỏ ý riêng để vâng phục ý Chúa, họ phẫn nộ, căm ghét và tìm cách giết Chúa (x. Mt 12,14). Ðịa vị của mình thế này, không lẽ mình chịu thua. Nguyên do sâu xa là đó. Thiếu khả năng khiêm nhường đã dẫn họ đến tội ác.

Cũng vì thiếu khả năng khiêm nhường, họ dám dùng chính việc thờ phượng Chúa để khoe khoang mình và để kết án người khác. “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 17,9-11).

 Thiếu khả năng yêu thương

Ðọc Cựu Ước, chúng ta thấy vua Pharaon đã nghe ông Moisen nài xin, sau đó đã được ông Moisen cho thấy nhiều dấu lạ.

Vua Pharaon bắt đầu có vẻ nhượng bộ, nhưng sau cùng đã cố chấp chọn một lập trường cứng rắn. Kinh Thánh nói là lòng vua đã ra cứng (x. Xh 4,21; 7,3 vv...). Nguyên do lòng ra cứng là vì thiếu khả năng yêu thương.

Ðọc Tân Ước, chúng ta thấy các Pharisêu đả kích Chúa Giêsu chữa bệnh ngày Sabát. Chúa biện minh bằng lý do nhân đạo, lý do thần học, lý do đạo đức tôn giáo. Nhưng càng nghe Chúa cắt nghĩa, lòng họ càng cứng lại. Nguyên do lòng cứng lại cũng là vì thiếu khả năng yêu thương. Ðể che giấu tình trạng yếu kém đó, họ tìm ẩn trú vào luật nọ luật kia.

Thiếu khả năng yêu thương là nguyên do dẫn tới nhiều thứ tội. Theo thánh Augustinh, phải yêu thương mà không yêu thương là phạm tội. Phải yêu thương nhiều mà yêu thương ít cũng là phạm tội. (De perfectione justitia VI, 15). Mà hễ có tội, thì phải gánh chịu hình phạt. Người phú hộ không thương giúp người hành khất Ladarô đã bị kết án xuống hoả ngục đời đời (x. Lc 16,19-31).

Ðến ngày phán xét chung, tất cả mọi người sẽ bị phán xét trên khả năng yêu thương. Chính Chúa Giêsu khẳng định: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm sự lành cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,40). “Mỗi lần các ngươi đã không làm sự lành cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta đây. Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống đời đời” (Mt 25,45-46).

ù

Mấy sự kiện trên đây rút ra từ Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta điều này: Muốn gỡ mình ra khỏi tội một cách chân thành, chúng ta không nên chỉ ngừng lại ở việc ăn năn tội và xưng tội, nhưng còn phải đi xa hơn nữa. Ði xa hơn là đi tới việc huấn luyện đào tạo chính mình. Việc huấn luyện đào tạo này phải rất công phu, thường xuyên, bền bỉ.

Vậy chúng ta hãy tự hỏi mình: Hằng ngày, chúng ta đã làm gì để rèn luyện khả năng hiểu biết, khả năng từ bỏ, khả năng khiêm nhường, khả năng yêu thương?

Lạy Chúa, xin thương xót chúng con.

Long Xuyên, ngày 31-3-2000