Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Cùng với Ðức Mẹ,
đi thăm nạn nhân lũ lụt

Rất nhiều nơi trong giáo phận Long Xuyên đang bị ngập lụt.

Ngày lễ suy tôn Thánh giá (14/9) và ngày lễ kính Ðức Mẹ sầu bi (15/9), tôi đi thăm một số nơi, để chia sẻ. Nhất là để tự đào tạo chính mình.

Tôi xin Ðức Mẹ cùng đi với tôi.

Nhiều nơi nước ngập cao. Mênh mông như biển. Các ranh giới đều bị xoá. Cảnh tiêu điều xảy ra đều khắp. Một số hy vọng còn bám đó. Nhưng rất mệt mỏi. Nhiều cuộc sống mong manh, trôi nổi.

Ði sâu vào vùng nước lụt pha trộn nước mắt, thỉnh thoảng tôi lại nhớ tới Ðức Mẹ trong Phúc Âm xưa.

Có lúc tôi nhớ tới cảnh Ðức Mẹ một mình ra đi, vượt bao gian nguy, lên miền núi, để thăm bà Isave. Kinh Thánh nói: “Ðức Mẹ lên đường vội vã” (Lc 1,39).

Vội vã chia vui, đó là điều đôi khi nên thực hiện. Vội vã chia sẻ nỗi khổ đau, đó là điều càng rất nên thực hiện. Bởi vì trong gian khổ, con người dễ cảm thấy cô đơn.

Nhìn mái nhà tranh xiêu vẹo ngập gần nửa, một đám trẻ nhỏ nheo nhóc ngồi co ro bên bà mẹ, trên mấy tấm ván, nét mặt đợi chờ, vu vơ, chúng tôi không khỏi đau lòng.

Trong tình cảnh như thế này, khi họ gặp được một cái nhìn cảm thương dừng lại họ, họ cảm thấy vơi đi được nỗi thất vọng cô đơn.

Trước khi nhận được một món quà cứu trợ, họ cần một cái nhìn cảm thương. Họ cần, và họ có quyền nhận những cái nhìn đem lửa thiêng đến cho họ. Cái nhìn cảm thương quý trọng hơn lời chia buồn.

Tôi có đức tin trong tôi. Ðức tin đó mạnh như một dòng chảy. Nhưng đối với những người khổ đau này, đức tin của tôi vẫn là cõi đêm. Tuy nhiên, khi một cái nhìn thân thương hé mở, thì sẽ bật ra được một tia sáng, cho dù mỏng manh.

Khả năng biết cảm xúc trước khổ đau người khác là điều quý hơn khả năng biết giảng về đau khổ. Một giọt nước mắt thinh lặng thường có sức thắt chặt mối liên hệ hơn một bài diễn văn chia buồn dài dòng, hoa mỹ.

Biết cảm xúc trước khổ đau người khác, biết nhạy bén trước gian nan người khác, biết nhanh nhạy trong việc cứu đỡ người khác, đó là những điều rất cần cho nhà truyền giáo. Ði với Ðức Mẹ vào các thực tế khổ đau, chúng ta có hy vọng đào tạo mình về phương diện ấy.

Lụt lội đẩy những tâm hồn nông thôn dung dị vào cảnh u ẩn, lo âu. Với những bộ mặt não nề và với những bộ áo quần nhàu nát, họ im lặng, không van xin, không than trách. Bên họ, có lúc, tôi nhớ tới Ðức Mẹ đứng dưới chân thánh giá xưa. Chúa Giêsu nói với Mẹ: Này là con Mẹ và nói với Gioan: Này là mẹ con (x. Ga 19,25-27). Tôi có cảm tưởng là: Với những lời như thế, hôm nay Chúa Giêsu trao phó những đồng bào đau khổ này cho Hội Thánh tôi nói chung và cho tôi nói riêng. Tôi tính sao đây?

Tôi nghĩ việc đầu tiên là phải mở trái tim mình ra. Nhưng mở trái tim là cả một bí quyết. Có thứ chìa khoá không dùng để mở được cái gì cả, nhưng chỉ để mở trái tim.

Tôi được biết một tôn giáo bạn tại địa phương này đăng ký góp 100 chiếc xuồng, để giúp các nạn nhân lũ lụt. Giá mỗi chiếc hiện nay là 630.000đ. Tổng số xuồng cần thiết để cứu trợ là 10.000 chiếc. Tôi cũng được biết một gia đình góp 100 giạ gạo, để cứu lụt. Tôi cũng được nghe có gia đình đón một số người già cả đau yếu về nhà mình để họ tạm trú.

Thực ra, các nạn nhân không đợi chờ nhiều. Nhưng nỗi ray rứt là ở phía chúng ta. Mình cũng chỉ là chiếc xuồng chòng chành chông chênh, không thể đón được ai. Và cũng không khôn ngoan gì, nếu đón để cùng được chết với nhau. Nhưng tình thương có những sáng tạo. Ta cứu ai thì vốn mong họ cũng phải tự cứu lấy mình.

Ðiều cơ bản cần ưu tiên giải quyết là sau khi mở lòng ra đón nhận mọi người vào tình thương của mình, chúng ta phải làm lại nghị lực sáng tạo. Ðang có sự mệt mỏi trong cơ chế, trong nhiều lãnh vực, kể cả trong lãnh vực thiêng liêng. Sự mệt mỏi thiêng liêng là một nguy cơ có thực. Chính vì thế, mà phải tin vào Chúa Giêsu và đến với Chúa Giêsu: “Tất cả những ai đang vất vả và mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta. Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học với Ta, vì Ta có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng . Vì ách của Ta thì êm ái, và gánh của Ta thì nhẹ nhàng” (Mt 11,28-30).

Ði theo Ðức Mẹ vào trường Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường chịu đau khổ trên thánh giá, tôi học được kinh nghiệm này là: Nhiều người trong Hội Thánh như tôi, có thể có những tư tưởng hay ho về nghèo khổ, bệnh tật, túng quẫn, cô đơn. Nhưng chính mình trải qua thực sựcảm được thực sự những gánh nặng đó, thì không nhiều lắm. Nhất là chẳng ai dám đoan chắc, khi mình rơi vào những cảnh bi thảm, mình sẽ thanh thản can đảm và quảng đại. Vì thế, một điều nên tránh, khi đưa ra những giải pháp cứu nhân độ thế, là đừng quá vội chê trách bên này bên nọ, và cũng đừng quá sốt sắng phô trương các luật lệ đạo đức để bù trừ, kẻo rồi có lúc sẽ phải xấu hổ, như trường hợp thầy tư tế và thầy Lêvi đã bỏ đi khi giúp nạn nhân nằm bên đường từ Giêrusalem đến Giêricô, đang khi đó người vô đạo lại dấn thân một cách thiết thực (x. Lc 10,29-37).

Bên cạnh Ðức Mẹ trong trường Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường đang chịu đau khổ trong những người đau khổ, tôi nhận ra rằng: Nếu biết lợi dụng, thì cảnh khổ đau sẽ là trường đào tạo rất tốt cho nhà truyền giáo, môi trường khổ đau cũng là nơi hành hương rất tốt cho những ai thực sự muốn suy tôn thánh giá Chúa Giêsu, Ðấng cứu chuộc loài người.

Long Xuyên, ngày 16-9-2000