Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Nâng cao trình độ văn hoá

Một trong những điều tôi khao khát trong Năm Thánh này là phấn đấu nâng cao trình độ văn hoá cho mình và cho những người thuộc về mình.

Ðộng lực khiến tôi khao khát điều đó là vì thấy bầu khí văn hoá đang giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc đổi mới con người, xã hội và tôn giáo. Năm Thánh nhắm đổi mới, nên chúng ta tất nhiên phải chú trọng đến sự kiện văn hoá có sức đổi mới.

 Vài nhận xét

Thực vậy, nhiều lương tâm tín hữu đã thay đổi, xấu ra tốt, tốt thành xấu, không do những gì họ tin, mà do ảnh hưởng bầu khí văn hoá nơi họ sống. Cụ thể là bầu khí văn hoá trong gia đình, trong xóm, trong cộng đoàn, trong địa phương, trong nhà thờ và khu vực nhà thờ.

Ðịa phương tôi có nhiều tôn giáo mạnh, các tín đồ giữ đạo sốt sắng. Nhiều người đã gây được ảnh hưởng tốt, uy tín cao, cảm tình lớn. Nguyên do không phải vì những cử hành tuyên xưng đức tin của họ, mà do những gì thuộc đời thường của họ. Ðời thường của họ làm nên một nếp sống văn hoá mang chiều kích thiêng liêng, toả hương thơm thiêng liêng, có sức mạnh thiêng liêng giúp các lương tâm phát triển theo hướng tốt.

Những nhận xét trên đây gợi ý cho tôi suy nghĩ về điều cần làm trong việc nâng cao trình độ văn hoá.

Nâng cao trình độ văn hoá ở đây không phải là lưu trữ những kết quả của văn hoá truyền thống trong nhà truyền thống, thư viện và bảo tàng. Cũng không phải là diễn tả các giá trị truyền thống qua lễ nghi và nghệ thuật. Nhưng là tìm tòi, sáng tạo nên tâm thức mới, khả năng mới, lương tâm mới cho văn hoá mới.

Xin phép đưa ra vài ví dụ.

 Những cái mới

Hiện nay, phần đông đồng bào Việt Nam ta rất nhạy bén với những giá trị nội tâm. Họ trân trọng những nét tu thân. Họ quý mến những dấn thân cho lợi ích chung địa phương và Dân Tộc. Họ tự hào với nền độc lập của Ðất Nước. Ai thấy như vậy, để rồi đem những giá trị nội tâm, tu thân và dấn thân tự hào dân tộc vào nếp sống văn hoá đời thường của mình, người ấy sẽ là người có tâm thức mới. Với tâm thức mới này, nếp sống văn hoá của họ sẽ là một thông tin sống động có lợi cho họ nói riêng và cho cộng đoàn của họ nói chung.

Hiện nay, xem ra ai cũng ý thức rằng: Ðể cá nhân mình, gia đình mình, cộng đoàn tôn giáo mình có thể phát triển được, thì phải ý thức mình là một thành phần của toàn thể đất nước, nên dứt khoát phải biết sống có trách nhiệm với xã hội. Phải coi việc xây dựng các liên hệ tốt với địa phương, với Ðất Nước, với các tôn giáo bạn là một bổn phận thiêng liêng. Phải coi thái độ sống liên đới với các vấn đề chung xã hội là một đòi hỏi đạo đức. Ai nhận ra như vậy và thực hiện như vậy trong nếp sống văn hoá đời thường của mình, sẽ là người có lương tâm mới. Với lương tâm mới này, nếp sống văn hoá của họ sẽ tạo cho họ một chỗ đứng được vị nể trong quần chúng.

Hiện nay, khắp nơi đều coi việc đào tạo trí thức là hết sức quan trọng. Ai nhận ra hiện tượng đó, để rồi phấn đấu tự đào tạo mình nên người trí thức, với những hiểu biết rộng, hiểu biết sâu, hiểu biết đúng, hiểu biết mới, hiểu biết đẹp, hy vọng người đó sẽ có nhiều khả năng mới trong phục vụ. Nhất là, khả năng biết yêu thương mọi người như Chúa yêu thương chúng ta, và khả năng biết nhận ra sự thật của thánh ý Chúa giữa những hoàn cảnh đầy phức tạp. Với những khả năng mới này, họ góp phần sáng tạo nên những phong cách mới, bản lĩnh mới cho nền văn hoá mới.

Vài thoáng nhìn trên đây chỉ là bước khởi đầu cho những suy nghĩ cần được tiếp tục, để nâng cao trình độ văn hoá.

Những tìm tòi sẽ được tiếp tục theo hướng nâng cấp nếp sống văn hoá đời thường, sao cho nếp sống văn hoá đời thường ấy truyền tải được nhiều giá trị luân lý, nhiều giá trị đạo đức thánh thiện, nhiều giá trị thiêng liêng.

 Văn hoá đời thường

Thông thường trình độ văn hoá được nhận ra qua những chi tiết đời thường. Mỗi người đều có một đời thường được dệt bằng nhiều chi tiết nhỏ. Như cách dùng thời giờ, tiền của và địa vị, cách phục vụ và tiếp xúc, cách suy nghĩ và lý luận, cách đánh giá và nhận định, cách lựa chọn, cách lắng nghe, cáchø đón nhận, cách trình bày, cách đi đứng, cách ăn uống, cách nói, cách cười...

Những chi tiết nhỏ như trên của từng người tự nó nói lên trình độ trí thức và trình độ phát triển hoặc xuống dốc của chính họ về đạo đức nhân bản, đạo đức tôn giáo và đạo đức Phúc Âm. Những chi tiết nhỏ đó cũng tự nó góp phần tạo nên bầu khí văn hoá cộng đoàn. Ðể rồi bầu khí văn hoá cộng đoàn dần dà trở thành một cơ chế tâm lý, xã hội. Cơ chế này rất ảnh hưởng đến sự tồn vong, suy thịnh của Ðất Nước và Hội thánh.

ù

Với những học hỏi trên đây, tôi nhìn vào Ðức Giêsu tại Nagiarét. Suốt 30 năm đời thường , Người “lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và được ân nghĩa cùng Chúa” (Lc 2,40). Tôi khao khát một sự phát triển như thế về văn hoá đời thường của mỗi người chúng ta.

Long Xuyên, tháng 12-2000