Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Tiếp cận với các tôn giáo tại địa phương

Mỗi tôn giáo có một nhân sinh quan riêng. Nhân sinh quan này tạo nên một mảng văn hoá riêng. Nhân sinh quan tôn giáo và văn hoá tôn giáo là hai thực tại xã hội. Chúng làm nên một sức mạnh cộng đồng. Sức mạnh cộng đồng này là một sự sống linh thiêng chi phối đời sống xã hội.

Sẽ rất ngây thơ, nếu nhận định sức mạnh cộng đồng này qua các lễ nghi tôn giáo và các qui tụ tôn giáo. Bởi vì thực chất sức mạnh tôn giáo nằm sâu ở tâm linh; mà tâm linh là cái gì sâu kín.

Ðọc sách báo, nghe dư luận, người ta không thể thấy được dung mạo tâm linh tôn giáo. Nhưng nhờ tiếp cận, giao lưu, cùng sống với, người ta mới cảm được phần nào.

Xưa dân Do Thái, trong thời kỳ sống đóng khung, đã tưởng rằng: Chỉ đạo mình là duy nhất tốt, ngoài đạo mình ra sẽ chẳng tìm đâu được những giá trị đạo đức và kỹ thuật đáng kể. Họ rất tự mãn với tôn giáo của mình. Chúa không bằng lòng với sự tự mãn và khép kín đó. Người để họ phải mất nước. Bờ cõi bị xoá, họ bị bắt đi làm tôi những dân tộc, mà trước đây họ gọi là “dân ngoại”.

Hoàn cảnh bắt buộc họ phải sống chung với các dân tộc theo tôn giáo và văn hoá khác. Nhờ vậy, họ khám phá thấy nhiều điều chân thiện mỹ mới. Những người ngoại đạo tốt được họ gọi là những người “kính sợ Thiên Chúa” (G 1,1). Họ gặp được vô số người ngoại có lương tâm ngay chính (x. Gr 38,7-9). Họ cũng thấy nhiều người ngoại kính trọng lòng trung thành của dân Do Thái đối với giao ước thánh (x. Ds 1,7-14). Tiêu biểu là Cyrus, vua Ba Tư, người chiến thắng đế quốc Babylon, đã ra lệnh giải phóng cho những người Do Thái bi tù đày, như thể Thiên Chúa đã sai vua đi với Thánh Thần của Người (x. I 48, 16).

Cuộc đi đầy đã giúp dân Do Thái nhận ra rằng: Dân ngoại cũng được Thánh Thần Chúa tác động. Rồi, với sự giúp đỡ của các tiên tri, dân Do Thái nhìn lại chính mình. Họ thấy mình trước đây khinh khi những dân tộc theo tôn giáo và văn hoá khác. Nhưng nay, nhờ Thánh Thần soi sáng, qua so sánh tiếp cận với các dân ngoại, họ thấy đạo đức của mình đâu có nổi nang gì. Gọi là dân riêng của Chúa, nhưng họ đã phạm biết bao nhiêu tội ác. Mười anh em con ông Gia-cóp đã bán em út mình là Giuse. Các chi tộc đã ghen ghét nhau, chém giết nhau, loại trừ nhau. Có lúc dân tộc phải chia thành hai vương quốc. Bao lần họ đã đi theo các tiên tri giả, độc ác với kẻ nghèo.

Qua giao lưu, tiếp cận, chung sống, dân Do Thái thấy mình cũng có nhiều cái xấu và người ta cũng có nhiều cái tốt. Kinh nghiệm đó dạy họ phải biết sống khiêm nhường, liên đới, cởi mở.

Xưa là thế, nay cũng vậy. Sau nhiều năm sống chung tại địa phương này, ngoài những kinh nghiệm trên đây tôi còn có những nhận xét như sau:

1. Vốn từ xưa, đồng bào các tôn giáo hầu như không quan tâm gì đến nhân sinh quan của nhau. Ðiều họ chú ý nơi các tôn giáo khác là đời sống đạo đức.

2. Từ nhiều năm nay, tâm thức về đạo đức trong các tín đồ các tôn giáo có nhiều chuyển biến. Rõ nhất là bổn phận liên đới càng ngày càng được coi là một giá trị thiêng liêng thuộc loại ưu tiên. Trong các liên đới, phải coi liên đới với kẻ nghèo là một dấu chỉ đạo đức có ý nghĩa nhất.

3. Từ ít năm nay, trình độ trí thức và đạo đức lành mạnh quân bình rất được để ý trong các giới tôn giáo, nhất là nơi những người đứng đầu các cộng đoàn tôn giáo.

4. Càng ngày càng rõ điều này: Yếu tố hấp dẫn nhất nơi người có đạo chính là tình yêu thương và lòng khiêm tốn. Yêu thương khiêm tốn trong nhân sinh quan. Yêu thương khiêm tốn trong văn hoá đời thường.

Mấy kinh nghiệm trên đây cho phép tôi nghĩ rằng: Việc giới thiệu Tin Mừng tại Á Châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng là việc phải suy nghĩ chín chắn và thấu đáo về nhiều góc độ.

Ðiều quan trọng nhất là chính chúng ta phải có Tin Mừng, phải thực sự sống Tin Mừng, phải thực sự tha thiết với ơn gọi rao giảng Tin Mừng. Nhất là phải có kinh nghiệm bản thân về rao giảng Tin Mừng.

Ngày 28-7-2000