Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Một thách đố lớn
NHÂN VIỆC ÐỨC THÁNH CHA
ÐẾN ẤN ÐỘ ÐẦU THÁNG 11/1999

Sau nhiều tháng cân nhắc, chính phủ Ấn Ðộ đã chấp thuận yêu cầu của Toà Thánh. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ được vào Ấn Ðộ để công bố tông huấn “Hội Thánh tại Á Châu”. Ðây là bản văn đúc kết công việc của Thượng Hội Ðồng các Giám Mục Á Châu đã được Ðức Thánh Cha duyệt.

Sự kiện Ðức Thánh Cha được vào Ấn Ðộ lần này là một thách đố lớn cho Hội Thánh tại Á Châu.

Nên biết Á Châu là một lục địa có nhiều tôn giáo truyền thống rất mạnh. Hầu như nước nào cũng gắn liền với một tôn giáo đã có công dựng nước và giữ nước. Tôn giáo đó thâm nhập sâu sắc vào nền văn hoá và chính trị của đất nước. Bộ mặt mỗi xã hội thường được giới thiệu bằng tên một tôn giáo mạnh, như Ấn Ðộ với Ấn giáo, Indonesia, Pakistan với Hồi giáo, Thái Lan, Lào, Campuchia với Phật giáo. Trong thực tế đó, xem ra thái độ chính trị của hầu hết các nước Á Châu đối với các tôn giáo thiểu số đều dựa trên cơ sở của bốn đánh giá này: Tổ chức thiểu số ấy có công đối với đất nước mình không? Tổ chức thiểu số ấy có cần cho dân tộc mình không? Tổ chức thiểu số ấy có quyền đối với Nhà nước mình không? Tổ chức thiểu số ấy có nguy hại gì cho xã hội mình không?

Nhận thức về bốn thực tế đó thường đi kèm với chính sách bao dung của các tôn giáo truyền thống ôn hoà.

Tại hầu hết các nước Á Châu, Công giáo là một thiểu số rất bé nhỏ.

Trước một tình hình như thế, Hội Thánh Công giáo đã giới thiệu mình như thế nào.

Từ Công đồng Vatican II đến nay, Hội Thánh tại Á Châu thường được giới thiệu bằng bộ mặt mang tính cách thăng tiến con người và xã hội.

Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII nhấn mạnh đến nhiệm vụ Phát triển.

Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI đề cao sứ mạng xây dựng Hoà Bình.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cổ võ tinh thần Liên đới và Ðối thoại.

Các giới thiệu này được thực hiện bằng ngôn từ chủ trương và bằng các việc làm cụ thể. Kết quả không nhiều.

Phải đợi đến Mẹ Têrêsa Calcutta. Mẹ giới thiệu Hội Thánh qua chính con người và đời sống của Mẹ. Chiêm niệm sâu, khó nghèo tột bậc, yêu thương chan hoà, dấn thân triệt để cho kẻ cùng cực, chân thành chọn chỗ rốt hết. Kết quả được chứng minh là tuyệt vời. Tại Ấn Ðộ dân chúng yêu thương Mẹ, nhiều vị lãnh đạo tôn giáo truyền thống có cảm tình với Mẹ, Nhà nước trân trọng Mẹ.

Kinh nghiệm này cũng giống như nhiều kinh nghiệm nhỏ bé tại nhiều địa phương ở Việt Nam hiện nay.

Tất cả các nhận thức trên đây đang giúp cho các giáo xứ, các dòng tu và các người đứng đầu cộng đoàn tại Việt Nam trong việc phân định tình hình và chọn lựa phương cách giới thiệu Tin Mừng.

Nhiều thành kiến không tốt về Hội Thánh từ quá khứ để lại vẫn còn sâu đậm và rộng rãi trong nhiều địa phương xã hội Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, nếu xét về công, về cần, về quyền, về nguy hại, thì một số cá nhân, cộng đoàn công giáo sẽ có thể gặp không thiếu khó khăn trong phấn đấu dành cho mình một chỗ đứng được trân trọng.

Nếu nhìn đạo theo cái nhìn Á đông là tu thân, trau tâm sửa tánh, thì ta đâu dám nói là mình luôn thực sự nêu gương sáng thánh thiện.

Vì thế, sẽ là một ảo tưởng, nếu chúng ta tưởng rằng, việc Ðức Thánh Cha đến Ấn Ðộ công bố tông huấn về Hội Thánh tại Á châu cũng như việc cử hành các lễ nghi Năm Thánh năm 2000 sẽ tự nó thay đổi được tình hình Công giáo tại Á châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Thiết nghĩ hai sự kiện đó sẽ chỉ giúp ích cho chúng ta, nếu chúng ta thực tâm trở về với Chúa.

Trở về với Chúa là gặp gỡ Ðức Kitô, để cùng với Người và trong Người, chúng ta sống đúng thiên chức người con bé nhỏ của Cha trên trời, luôn tuân phục ý Cha, bước đi đúng hướng Thánh Linh soi dẫn.

Trở về với Chúa là trau tâm sửa tính theo Phúc Âm, sao cho con người và đời sống đạo đức chúng ta tự nó toả sáng, phát sóng.

Trở về với Chúa là luôn luôn mở lòng trí ra một cách khiêm nhường và tin tưởng để đón nhận ánh sáng và lửa Chúa Thánh Linh. Hoạt động Chúa Thánh Linh trong ta lúc đó sẽ như một phép rửa mầu nhiệm đổi mới toàn diện con người chúng ta. Chúng ta sẽ biết thờ Chúa trong tinh thần và chân lý, và biết yêu thương mọi người như Chúa yêu chúng ta.

Chúng ta hết mình trở về với Chúa là chúng ta thuộc về Chúa, có thực chất Kitô hữu. Lúc đó, chúng ta thực sự ưu tiên tìm kiếm Nước Trời, rồi mọi sự khác Chúa sẽ lo cho chúng ta, như lời Chúa đã hứa (x. Mt 6,33).

Trong việc trở về với Chúa, chúng ta đặc biệt trở về với giới răn mới của Ðức Kitô. “Thầy ban cho chúng con một điều răn mới là chúng con thương yêu nhau, như Thầy đã yêu thương chúng con” (Ga 13,34).

Cũng trong tinh thần đó, chúng ta dứt khoát trở về với dấu chỉ chính thức người môn đệ Ðức Kitô. “Người ta cứ dấu này mà nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con thương yêu nhau” (Ga 13,35).

Mang trong mình dấu chỉ yêu thương, chúng ta luôn trở về học hỏi mẫu gương Chúa Giêsu. “Hãy học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11,29).

Hiện nay, Satan đang ráo riết hung hăng cản ngăn việc trở về với Chúa theo đúng đường lối Phúc Âm như trên.

Thực đáng sợ cho Hội Thánh, vì tại nhiều nơi trong chính Hội Thánh, Satan vẫn đang ung dung dùng hình thức đạo đức gieo rắc kiêu căng, hận thù, chia rẽ. Nó xúi giục con cái Chúa dửng dưng với Lời Chúa, với Mình Thánh Chúa và với sám hối trở về. Không thiếu người đi theo nó, phản đối lại khiêm nhường yêu thương.

Hãy tỉnh thức cầu nguyện và chay tịnh để đón nhận ơn trở về. Ðó là điều Ðức Mẹ Maria tha thiết kêu gọi chúng ta, để chúng ta có thể cộng tác một cách hữu hiệu với Ðức Thánh Cha trong việc loan báo Tin Mừng cho Á châu nói chung và cho Việt Nam nói riêng.

Long Xuyên, ngày 29 tháng 10 năm 1999