Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Sống đạo với những chọn lựa tốt

Lễ kính hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô là một dịp thuận tiện , để chúng ta tiến bước theo tiếng gọi của Năm Thánh.

Nếu Năm Thánh kêu gọi chấn chỉnh và làm đẹp đời sống đạo, thì hai thánh tông đồ cột trụ của Hội Thánh nhắc nhở chúng ta phải chấn chỉnh và làm đẹp thế nào.

Ở đây, tôi xin phép chỉ nêu lên vắn tắt một điểm mà thôi. Ðó là: Hãy đưa cách sống đạo theo thói quen đi sâu vào cách sống đạo của những chọn lựa tốt.

Giữ đạo theo thói quen, cho dù tốt, vẫn thường thiếu ý thức, thiếu sự sống, nhất là thiếu lửa nội tâm và sáng tạo.

Hai thánh tông đồ đã có có một thời sống đạo của những thói quen tốt. Nhưng khi gặp được Chúa Giêsu, các ngài đã có những chọn lựa mới rất quyết liệt. Chọn lựa một cách tự do. Chọn lựa có tính cách bản thân. Chọn lựa với tinh thần trách nhiệm cao.

Chọn lựa nói đây của các ngài là chọn lựa đạo đức. Ðạo đức đó thế nào?

 Ðạo đức Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô

Ðạo đức của các ngài là tập trung vào Ðức Kitô, là chọn Ðức Kitô làm nền tảng. Bởi vì Ðức Kitô là Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, để mạc khải Thiên Chúa tình yêu. Người là mô hình sống đạo, là Ðường đi, là Sự Thực và là Sự Sống. Ðặc biệt Người là Ðấng cứu độ duy nhất.

Trong Ðức Kitô, con người được nâng lên địa vị người con của Chúa. Cùng với Ðức Kitô, con người đi về Chúa Cha, dưới sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Khi sống như vậy, hai thánh tông đồ cảm thấy cuộc sống mình có ý nghĩa cao đẹp, và đời mình có hướng đi rõ ràng, chắc chắn dẫn tới sự sống bất diệt. Trong niềm tin với cảm nghiệm, các ngài tạ ơn Chúa mọi nơi mọi lúc một cách khiêm nhường vì ơn cao quý Chúa đã ban cho nhưng không.

Ðó là nét lớn của Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô. Tin Mừng này được giới thiệu không phải trong lý thuyết, nhưng trong chính những người đã gặp gỡ Ðức Kitô, đã chọn Ðức Kitô, luôn có Ðức Kitô trong nội tâm mình.

Hai thánh tông đồ đã sống Tin Mừng ấy như một chọn lựa ưu tiên tuyệt đối, dứt khoát và trung thành, Thánh Phêrô đã nói lên chọn lựa đó: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đạo đức” (Ga 6,68).

Còn cách sống đạo của chúng ta thế nào?

Nhiều nơi, nhiều người có một chọn lựa khá rõ, nói lên mình thuộc về Ðức Kitô. Căn tính Kitô hữu của họ được thể hiện qua cách họ thờ phượng Chúa trong tinh thần và trong chân lý, qua việc họ năng học hỏi Lời Ðức Kitô, luôn sống theo gương Ðức Kitô, và bước theo Ðức Kitô, nhất là qua việc thực thi giới răn mới của Người, là giới răn yêu thương và dấn thân thăng tiến bản thân mình. Nhưng đang khi đó, nhiều nơi, nhiều người gọi là theo đạo công giáo, vẫn trôi nổi với một số thói quen đạo đức. Họ không giới thiệu được căn tính Kitô hữu của mình. Xem ra họ chưa bao giờ đã thực sự chọn Ðức Kitô làm Tin Mừng cho đời mình, làm sự sống và hướng đi cho chính mình.

Từ đạo đức Tin Mừng, hai thánh tông đồ đã chọn đạo đức tu thân.

 Ðạo đức tu thân

Tu thân là chấp nhận chiến đấu nội tâm, từ bỏ tội lỗi, tính mê nét xấu, nhất là khiêm tốn bỏ ý riêng mình để trở nên tạo vật mới.

Biết bao trường hợp, các ngài cũng đã như Chúa Giêsu xưa. “Sấp mặt xuống đất cầu nguyện với Chúa Cha rằng: Cha ơi, nếu được, xin cho chén đắng rời xa con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Tu thân đến mức như vậy đó. Ðạo đức nơi hai thánh tông đồ đầy những từ bỏ mình, đầy những phấn đấu với chính mình, để thuộc về Chúa và để phục vụ con người theo ý Chúa.

Còn chúng ta thế nào?

Tại Việt Nam, nét tu thân vốn rất được đề cao trong đạo đức. Ðạo đức nơi người thường cũng phải có nét tu thân. Ðạo đức nơi người đi tu càng phải đậm nét tu thân. Các việc khác nhau của tu thân cày bừa cõi lòng, để hạt giống Nước Thiên Chúa có sẵn trong đó được mọc lên tươi tốt. Tu thân có sức mở lòng ra, để con người bước vào những tình trạng thiêng liêng trước đây chưa được khám phá. Với tình yêu, con người tu thân tìm thấy sự tự do nội tâm, để phân định căn bản và phụ thuộc, vững bền và phù du. Người tu thân sống trong kỷ luật sẽ dễ nếm được hương vị đời đời ngay trong thời gian vắn vỏi. Ðặc biệt là tu thân giúp đưa con người đến bác ái yêu thương phục vụ khiêm nhường.

 Ðạo đức yêu thương

Hai thánh tông đồ đã luôn sống yêu thương và dạy yêu thương. Nơi các ngài, yêu thương làm nên bộ mặt mới của nếp sống đạo đức. Nơi các ngài, yêu thương không phải là việc để tự do, làm cũng được mà không làm cũng được, nhưng nó là việc bắt buộc phải làm.

Bắt đầu từ việc có thể làm, đó là cảm thương. Cảm thương không chung chung, nhưng là cảm thương những con người cụ thể. Họ là những người nghèo khó, cô đơn, bệnh nạn. Họ là những người tội lỗi, yếu đuối. Họ là những người bị loại trừ.

Cảm thương là chính mình bị thương bởi những vết thương của người khác. Là khiêm nhường liên đới trong cùng nỗi khổ của người khác.

Trước khi nghĩ ra việc có thể làm gì cho người khổ đau, các thánh tỏ ra là người có trái tim biết rung động, đồng cảm, đồng hành, đồng khổ với những người khác.

Xưa Chúa Giêsu, cũng vì chia sẻ gánh nặng của thân phận những người bị loại trừ, nên trong vườn Cây Dầu, Người đã bồi hồi, xao xuyến, đến nỗi mồ hôi máu chảy ra, nhỏ trên đất (xem Lc 22,44).

Hai thánh tông đồ cũng đã bao lần trải qua những cảnh khổ đau như thế. Cũng chỉ vì đồng cảm thân phận những người đau khổ. Hình như trong trái tim các ngài có trái tim Chúa Giêsu đầy lửa tình yêu thương xót.

Do kinh nghiệm, thánh tông đồ Phaolô đã viết bài ca yêu thương. Bài trường ca hùng tráng này được kết như sau “Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến” (1Cor 13,13). Chính bản thân hai thánh tông đồ là hai bài ca bái ái tuyệt vời.

Còn chúng ta thì sao?

Sống đạo trong thời đại này, trên Quê Hương Việt Nam hôm nay, là một chọn lựa phải để ý đến chất lượng đạo đức. Nó phải rất sáng suốt và khôn ngoan. Tiên vàn, hãy biết chọn lựa Chúa Giêsu Kitô và giáo lý các tông đồ. Nếu năng gặp gỡ Chúa Giêsu và trung thành gắn bó với giáo lý các tông đồ, chúng ta sẽ thấy luôn luôn có những mới mẻ hấp dẫn, để ra đi làm chứng cho Thiên Chúa chúng ta.

Lễ kính hai thánh Phêrô và Phaolô, ngày 29-6-2000