Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Nước Chúa tới gần

Chúng ta sắp sửa mừng lễ Chúa Giêsu-Vua. Ðây là dịp thuận tiện, để chúng ta tự hỏi mình: Nước Chúa đã thực sự tới gần chưa? Tới gần là tới trong lòng ta, trong cộng đoàn ta, trong Hội Thánh ta, trong xã hội ta.

Ðể giúp tìm được câu trả lời, chúng ta nên dựa vào các Phúc Âm.

Ðọc các Phúc Âm, chúng ta thấy thế nào là Nước Chúa. Nước Chúa không phải là tuân giữ trọn vẹn Lề Luật, như quan điểm các người Pharisêu. Nước Chúa cũng không phải là sự trong sạch của đất nước, như chủ trương các người Essênê. Nhưng Nước Chúa là Tin Mừng đang hiện diện ẩn dật giữa dân chúng, khi được nhận ra và được tiếp đón.

Nói một cách cụ thể, Tin Mừng đó là Chúa Giêsu. Nước Chúa gắn liền với Tin Mừng Chúa Giêsu.

 Vài nét nội dung Tin Mừng

Nội dung Tin Mừng trước hết là những điều Chúa Giêsu giảng dạy. Tạm tóm tắt như sau: Ðiều căn bản là mạc khải về Chúa Cha. Chúa Cha được mạc khải là Cha giàu tình yêu thương xót. Muốn thuộc về Chúa Cha thì hãy luôn sống theo thánh ý Chúa Cha (x. Mc 3,31-34).

Tiếp đến là các lời nói Chúa Giêsu. Các lời nói của Người là những lời diễn tả tình thương xót cứu độ: “Hãy đến với Ta, hỡi tất cả những ai gồng gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và cho sự nghỉ ngơi” (Mt 11,28), “Ta thương xót dân này” (Mc 8,2).

Sau là các cử chỉ thân thương của Chúa Giêsu đối với những người nghèo khó, tội lỗi, bị loại trừ. Như các người phong cùi, quỷ ám, người Samaria, người ngoại giáo, người thu thuế và đĩ điếm. Người nói rõ: “Ta đến để kêu gọi không phải những người công chính, nhưng những người tội lỗi” (Mc 2,17).

Tất cả nội dung Tin Mừng trên đây đều phản ánh thánh ý Chúa Cha muốn cho tất cả mọi người đều được cứu độ, nhờ tin vào tình yêu thương xót của Chúa và biết đón nhận tình yêu thương xót ấy.

Thời Chúa Giêsu, Tin Mừng như thế là một điều quá mới. Nước Chúa gắn liền với Tin Mừng đó cũng là điều chưa từng thấy. Chính vì thế, mà Chúa Giêsu đã gây nên nhiều đụng độ.

Ðụng độ với chế độ đền thờ đã bị tục hoá (x. Mc 11,15-19).

Ðụng độ với các thầy cả câu nệ vào hình thức đạo đức (x. Mc 11,27-12,12).

Ðụng độ với các người Pharisêu phô trương việc giữ luật bề ngoài (x. Mc 12,13-17).

Ðụng độ với các nhà thông luật chủ trương lối sống loại trừ (x. Mc 12,38-40).

 Bước theo Tin Mừng

Những đụng độ trên cho thấy: Tin Mừng Chúa Giêsu không phải được mọi người chấp nhận. Phía chống đối mạnh lại là các thầy cả, các nhà thông luật đạo, các nhà mệnh danh là đạo đức.

Nhưng Tin Mừng ấy đã gây được ảnh hưởng lớn trong dân thường. Bởi vì Tin Mừng ấy không phải là một hệ thống lý thuyết, nhưng chính là một chứng nhân sống động. Ðó là Ðức Kitô. Gặp gỡ Ðức Kitô với một tâm hồn đơn sơ khiêm tốn, người ta cảm thấy trong bản thân Người có một quyền năng thiêng liêng, một quyền năng từ bên trong nói lên sự hiện diện của Thiên Chúa tình yêu.

Những người nhận ra điều mới lạ đó là ai? Câu trả lời được tìm thấy trong lời Chúa Giêsu cảm tạ Chúa Cha: “Lạy Cha, con ca tụng Cha vì đã giấu điều đó cho những người khôn ngoan, thông thái, nhưng đã tỏ ra cho những kẻ bé mọn” (Mt 11,25).

Kinh nghiệm cho phép hiểu thêm về những kẻ bé mọn nói trên.

Bé mọn là nhận biết mình kém cỏi, nên không ngừng học hỏi thêm về Chúa Kitô và luôn luôn khiêm tốn trước những gì trí khôn hiểu biết về Người.

Bé mọn là nhận biết giới hạn những kiến thức trí khôn của mình về Chúa Kitô. Chúng sẽ không cho mình những nhận biết khả quan về Người, nếu không có đức tin soi sáng. Trong đức tin cũng phải hết sức bé mọn, khiêm nhường. Nhất là khi đức tin được hiểu là sự gặp gỡ bản thân với chính Chúa Kitô.

Bé mọn còn là nhận biết mình, ngoài sự hiểu biết của trí khôn và sự hiểu biết của đức tin, thì còn cần đến ơn Chúa Thánh Thần. Ðể nhờ đó mà dễ nhận ra Tin Mừng, dễ đón nhận Tin Mừng, dễ cộng tác với Tin Mừng, dễ làm chứng cho Tin Mừng. Lúc ấy chúng ta được đổi mới sâu xa, trở thành tạo vật mới.

Khi trở nên tạo vật mới, chúng ta đón nhận quyền năng của Tin Mừng Ðức Kitô thấm nhập vào mọi cơ năng của ta, điều khiển các tầng lớp tâm lý trong ta, từ ý thức, đến tiềm thức, vô thức của ta. Chúng ta thuộc trọn về Người.

Chỉ trong tình trạng như thế, chúng ta mới có thể nói: Nước Trời đã hoàn toàn ngự trị trong chúng ta. Trong tình trạng như thế, dù có khi phải đớn đau hồn xác, chúng ta sẽ cảm thấy bình an và yêu thương tràn ngập, như dấu chỉ Nước Trời.

Nếu những gì tôi nói trên đây là đúng, thì có thể Nước Trời vẫn còn xa chúng ta. Vì chúng ta chưa được hoàn toàn đổi mới. Tuy nhiên, sự chúng ta tin nhận Chúa Giêsu đang ở giữa chúng ta dưới nhiều hình thức, đồng thời sự chúng ta biết thao thức lắng nghe Người, đợi chờ Người và muốn đón nhận Người, thì đó là những tin vui mang nhiều hy vọng. Bởi vì đó là dấu Nước Chúa đang tới gần.

Long Xuyên, ngày 17-11-2000