Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Thao thức cuối thế kỷ

Chúa Giêsu trong những giờ sau hết đã không vui. Tâm sự của Người đầy xao xuyến. Người an ủi các môn đệ, bởi vì Người thấy trước họ sẽ bị nhiều đau khổ.

Chính Chúa Giêsu cũng rất lo buồn. Thánh sử Matthêu viết: “Người bắt đầu cảm thấy buồn sầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các môn đệ rằng: Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” (Mt 26,37-38). Thánh sử Luca ghi thêm một chi tiết: “Người lâm cơn xao xuyến bồi hồi. Nên càng khẩn thiết cầu xin. Mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất” (Lc 22,44). Chỉ mấy hàng trên đây cũng đủ cho thấy nỗi lo buồn của Chúa Giêsu lúc đó là cực kỳ khủng khiếp.

Chúa Giêsu hứa sự sống lại, nhưng Người thấy rõ trên con đường tới phục sinh, Người cũng như các môn đệ sẽ phải phấn đấu bước đi vất vả, cực nhọc, thậm chí phải chấp nhận một cái chết đau thương, cô đơn, tủi nhục, như một của lễ đền tội thay cho nhiều người.

Xưa là như thế, còn nay thì sao? Trong những ngày cuối thế kỷ này, Chúa Giêsu trong Hội Thánh có những lo buồn xao xuyến không? Người có phải nói lên lời xưa thê thảm: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được” không? Tôi mong đừng có. Nhưng tôi sợ là có.

Nhìn lại quá khứ, tôi thấy nhiều mất mát đau lòng. Các giáo đoàn của Hội Thánh sơ khai xưa rất phồn thịnh, nay đã bị chìm. Còn đâu những vẻ vang của các giáo đoàn Côrintô, Galát, Ephêsô, Philiphê, Thêxalônica? Các giáo phận nổi nang của thánh Augutinh và của Bắc Phi nay đã trôi vào thế giới không công giáo.

Trận bão tranh chấp quyền lực đã cắt Hội Thánh ra hai mảng lớn không nhìn nhận nhau: Công giáo và Chính thống.

Cuộc cải cách đã là dịp ra đi của nhiều miền nhiều nước, để gia nhập Tin Lành, tách lìa khỏi công giáo.

Các cuộc cách mạng chính trị ở Pháp, Ý, đã khởi đầu đẩy Hội Thánh ra ngoài lãnh vực chính trị, xã hội ở khắp nơi.

Hiện nay, tinh thần dửng dưng, tinh thần thực dụng, tinh thần tục hoá cũng là những cơn lũ lụt đang tàn phá đức tin và luân lý. Nhiều nơi có đạo, nhưng không giữ đạo.

Công đồng Vatican II, các Thượng Hội đồng, các cuộc di chuyển của Ðức Giáo Hoàng vẫn không cản được sự bùng nổ những khủng hoảng đạo đức trong các gia đình và xã hội.

Riêng tại lục địa đông dân nhất thế giới này, sau 20 thế kỷ, Á châu vẫn chưa bao giờ đã là một lục địa Kitô giáo. Hơn nữa tại đây hiện nay xem ra mọi nước đều không nhất thiết cần đến Hội Thánh Công giáo để có thể phát triển kinh tế, văn hoá và đạo đức cho đất nước họ.

Rõ ràng là sự phát triển Hội Thánh Công giáo ở khắp nơi đặc biệt là tại Á châu đang gặp nhiều cản trở. Nguyên việc làm chứng Ðức Kitô là Tin Mừng cứu độ cũng là điều rất khó cả trên lý thuyết lẫn trên thực hành.

Nhưng, nếu cộng đoàn chúng ta nói chung và bản thân chúng ta nói riêng thực sự mang ánh sáng chân lý, lửa yêu thương nồng nàn, sống và làm đúng theo ý Chúa, thì dù hoạt động tôn giáo của chúng ta không mấy thành công do cản trở bên ngoài, chúng ta vẫn có quyền được an tâm.

Trái lại, nếu không thành công là do lỗi lầm thiếu sót của chúng ta, thì chúng ta phải sợ. Ðiều đáng sợ nhất là chúng ta có nguy cơ bị chính Chúa ruồng bỏ.

Tiên tri Giêrêmia, theo lệnh Chúa, đã cầm một chiếc bình sành, rồi trước mặt dân, đã đập tan chiếc bình sành ấy. Sau đó ông tuyên bố đại khái: Chúa cũng sẽ đập tan thành có đạo này như đập tan chiếc bình sành đây. Bởi vì thành này, tuy được Chúa thương ban nhiều ơn, vẫn mãi đi sai đường ngay chính, vẫn cố chấp làm những điều ghê tởm (x. Gr 19,1-15).

Nếu không lầm, thì lời tiên tri đó đã và đang ứng nghiệm tại nhiều nơi trong Hội Thánh toàn cầu. Nhiều Giáo hội địa phương, nhiều giáo xứ, nhiều dòng tu cũng đã và đang tan vỡ. Tan vỡ như một sự Chúa từ bỏ, và như một sự tự huỷ.

Nói chung, sớm muộn, Hội Thánh rồi sẽ được thanh luyện.

Nơi thanh luyện sẽ là sa mạc. Ðây là sa mạc giữa các dân tộc, một thứ sa mạc đã được nói tới trong sách tiên tri Hosea (2,16) và trong sách tiên tri Ezekiel (20,35). Tuy sống giữa các dân tộc, Hội Thánh sẽ như ở giữa sa mạc. Bị khinh chê, bị loại trừ, bị bách hại.

Qua thử thách, một số người sẽ nên tốt hơn. Ðặc biệt là một số sẽ được Chúa tuyển chọn. Chính nhờ những người này biết hiệp thông trung thành với mầu nhiệm thánh giá Chúa Giêsu, Hội Thánh tương lai sẽ phục sinh rạng rỡ. Tất nhiên sự phục sinh ấy sẽ nảy nở từ thánh giá. Thánh giá của sự quyết tâm khó nghèo. Thánh giá của sự can đảm sống khiêm nhường, kỷ luật. Thánh giá của tình yêu thương hy sinh, dấn thân, tha thứ. Thánh giá của sự tuyệt đối vâng phục ý Chúa Cha. Trước thánh giá ấy biết bao người sẽ lẩn trốn, khước từ.

Phải chăng, nhìn cảnh đó, Chúa Giêsu trong Hội Thánh hôm nay cũng đang lâm vào cơn bồi hồi, lo buồn, xao xuyến.

Long Xuyên, ngày 11 tháng 11 năm 1999