Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Những chân lý nhỏ

Ðài Phát thanh Chân Lý Á Châu mới tổ chức một tuần lễ hội thảo ở Manila, Phi Luật Tân.

Ðài phát thanh này thuộc Liên hiệp các Hội Ðồng các Giám Mục Á Châu. Khách mời mang tính cách tiêu biểu. Số tham dự đủ để đại diện cho 17 tiếng nói, mà đài Chân Lý Á Châu phát ra hằng ngày, để phục vụ Tin Mừng cho các dân tộc lớn nhỏ tại Á Châu.

Hội thảo bàn về một số vấn đề liên quan đến truyền thông. Như các thách đố của thực tại Á Châu, khảo sát tình hình các thính giả, các kỹ thuật của truyền thông, cách thiết lập chương trình phát thanh.

Khi tham dự tuần lễ hội thảo này, tôi đã suy nghĩ một số vấn đề trong lãnh vực loan báo Tin Mừng. Có vấn đề nằm trong chương trình hội thảo. Có vấn đề hoàn toàn đứng ngoài, nhưng dính líu. Tôi xin chia sẻ vắn tắt.

 Truyền thông

Truyền thông tại Á Châu nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang phát triển mạnh. Ða dạng, phong phú. Chỉ trong ngành sách báo cũng đang có nhiều chuyển biến. Càng ngày càng nhiều người viết. Mỗi ngày mỗi tăng số người đọc. Tình hình này đặt ra một số câu hỏi:

Hội Thánh Việt Nam, qua các thành phần của mình, có cố gắng hiện diện trong các phương tiện truyền thông, đặc biệt là báo chí, để loan báo Tin Mừng không?

Người công giáo Việt Nam có biết đón nhận, đánh giá, phân định các nguồn thông tin khác nhau và có biết dùng các thông tin được lựa chọn vào việc huấn luyện đào tạo cá nhân và cộng đoàn mình, để biết sống đạo, truyền đạo, và làm chứng cho đạo một cách thích hợp trong xã hội đầy chuyển biến như hiện nay không?

Giới trí thức công giáo Việt Nam, không phân biệt giáo dân, tu sĩ hay giáo sĩ, có khả năng và thiện chí góp phần đổi mới con người và xã hội Việt Nam bằng các phương tiện trí thức, khoa học, nghệ thuật của truyền thông không?

Trong cuộc hội thảo, giáo sư Graham Mytton, chuyên viên khảo sát tình hình các thính giả của đài BBC tại Á Châu và chuyên viên thiết lập chương trình phát thanh của đài BBC tại Á Châu đã cho thấy việc phục vụ con người qua phương tiện truyền thông đòi một trình độ cao về trí thức, về khoa học, về kỹ thuật và về tâm lý. Người ta phải đầu tư vào đó rất nhiều công sức, nếu muốn việc phục vụ sinh được kết quả.

Những gì ông nói gợi ý cho tôi về bổn phận của mình trong việc đi vào truyền thông để loan báo Tin Mừng.

 Hiệp thông

Theo tôi, loan báo Tin Mừng là giới thiệu Ðức Kitô. Giới thiệu bằng lý thuyết và bằng thực tế. Ðể nói lên rằng: Ðức Kitô là Chúa và là Ðấng Cứu độ.

Cùng với việc loan báo đó, người giới thiệu Tin Mừng sẽ tìm cách nâng tâm hồn người nghe lên với Chúa, và giúp cho mọi người gần gũi lại với nhau.

Những ai viết sách, báo công giáo, và làm các đài phát thanh công giáo, nếu thực sự nhắm mục đích phục vụ Tin Mừng, sẽ ý thức rõ: Mình phải nói gì và nên nói cách nào.

Nền tảng lý thuyết soi sáng cho các công việc như thế là Kinh Thánh và các giáo phụ. Ðộng lực sống động để cụ thể hoá các công việc đó trong thực tế là sự sống tu đức được thần linh Ðức Kitô hướng dẫn.

Vì thế mà sự hiệp thông với Chúa Giêsu là hết sức cần thiết. Chúa Giêsu dạy như vậy: “Thầy là cây nho, các con là ngành” (Ga 15,5). “Không có Thầy, các con không làm gì được” (Ga 15,5). “Hãy ở lại trong tình thương Thầy” (Ga 15,9). “Thầy là đường, là sự thực và là sự sống” (Ga 14,6).

Khi viết sách, viết báo và nói trên đài phát thanh, để phục vụ Tin Mừng, chúng ta không thể làm ngơ những chân lý Phúc Âm đó được.

Trong cuộc hội thảo, một nữ giáo sư tiến sĩ Phi Luật Tân đã thuyết trình về truyền thông và phát triển. Bà nói rất thông thạo về các hệ thống truyền thông từ Liên Hiệp Quốc đến các khu vực, tới các nước và các miền. Theo giáo sư, các hệ thống đó sẽ giúp rất nhiều cho phát triển. Trong giờ giải lao, một thính giả người Ðức đã hỏi tôi: Bạn nghĩ gì về ý kiến của thuyết trình viên? Tôi thưa: Nội dung có thể có ích cho những nước văn minh và những thính giả trí thức. Còn đối với những người nghèo, ít học như phần lớn bên tôi, suốt ngày chỉ lo cho cuộc sống, thì nội dung đó là rất xa lạ. Người bạn Ðức của tôi mở mắt thực to, và nói rất nhỏ: Theo tôi, nội dung đó hay thì có hay, nhưng chỉ trên lý thuyết. Không phải đối với đồng bào của bạn ở Việt Nam, mà cũng đối với đồng bào của tôi ở Ðức.

Sau cùng, người bạn Ðức và tôi phân biệt hai lãnh vực: truyền thông và hiệp thông. Truyền thông chú trọng đến phổ biến tư tưởng. Hiệp thông để ý đến chia sẻ sự sống. Truyền thông cần chiều kích kỹ thuật. Hiệp thông cần chiều kích thiêng liêng. Truyền thông hỗ trợ cho hiệp thông, nhưng không thay thế được hiệp thông. Trái lại, ở một nơi ít có phương tiện truyền thông, thì sức sống hiệp thông vẫn gây được nhiều hiệu quả tốt cho loan báo Tin Mừng.

 Cảm thông

Trong những ngày hội thảo, tôi thấy truyền thông thường là lạnh lùng trong những phạm trù kỹ thuật nhắm mở rộng hướng đi ngang, còn hiệp thông xây dựng hướng đi lên với Chúa trong sự chia sẻ sức sống thiêng liêng. Thêm vào đó còn có sự cảm thông giữa những người sống bên nhau với sự lây lan ấm áp tình người.

Cảm thông là gần gũi. Một sự gần gũi đi vào tâm hơn đi vào lý. Nhưng đốt lên được ngọn lửa thiêng liêng. Với lửa này, chúng tôi dấn thân vào những chặng đường lịch sử khó khăn, để loan báo Tin Mừng.

Trước mắt tôi là những người phát sóng cho các tiếng nói ở các đài phát thanh, và những người phát sóng cho các hình ảnh ở các đài phát hình.

Nhưng cũng còn có những người phát sóng cho tình thương. Chính con người họ, cuộc đời họ là đài phát sóng tình thương. Có thể họ phát sóng tình thương qua chỉ một cái nhìn, qua chỉ một nụ cười, qua chỉ một thái độ thân thương, khiêm tốn. Họ phát sóng tình thương một cách kín đáo, tế nhị, nhưng kết quả là gây được sự cảm thông sâu sắc lâu dài. Tình thương im lặng, nhưng trùng trùng như biển.

Nghĩ về mục vụ loan báo Tin Mừng ở Việt Nam, tôi coi hiệp thông và cảm thông là rất cần, mặc dầu truyền thông vẫn có chỗ đứng của nó.

Tuần lễ hội thảo về truyền thông qua đi, nhưng cảm thông và hiệp thông còn đọng lại sâu xa trong hồn tôi. Ðó cũng là những chân lý nhỏ giúp tôi loan báo Tin Mừng một cách sống động trên Quê Hương tôi, giữa Ðồng Bào tôi.

Manila, ngày 12-8-2000