Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Cảm nghiệm hành hương

Lần này tôi đi Rôma là để hành hương. Ðối với tôi, hành hương là một hành trình quyết liệt đi về quê hương. Quê hương sau cùng của tôi là chính Thiên Chúa của tôi.

Một cuộc hành hương được hiểu như thế sẽ mở ra trong nội tâm tôi một bầu trời mới đầy bí nhiệm. Tôi trở về với Thiên Chúa một cách mạnh mẽ hơn. Càng trở về, tôi càng nhận biết: Tôi là ai và Chúa là ai.

Hành trình nội tâm này gồm mấy việc chính sau đây:

 Ðọc Kinh Thánh

Khi đọc kỹ Kinh Thánh, tôi nhận ra mình trong nhiều người được kể trong đó .

Thí dụ: Người con trai bà goá thành Naim đã chết được Chúa Giêsu cho sống lại (x. Lc , 11-17).

Người thanh niên bị quỷ ám được Chúa Giêsu chữa cho khỏi (x. Mc 9, 14-29).

Vua Ðavid tội lỗi được Chúa ban ơn sám hối và tha thứ (x. 2 Sam. 12).

Kẻ trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa Giêsu được ơn trở lại (x. Lc 28, 39-43).

Khi nhận ra mình trong những người nói trên, tôi cảm thấy mình là ai trước mặt Chúa. Có thể nói: “Tôi là người được Chúa yêu thương”. Người yêu thương tôi, mặc dầu tôi tội lỗi. Người yêu thương tôi bằng một tình yêu đặc biệt.

Những nét đặc biệt của tình yêu Chúa dành cho tôi sẽ còn hiện lên dần dần trong việc gẫm suy những cử chỉ Chúa làm và những lời Chúa phán đối với những người tội lỗi:

Thí dụ lời Chúa: “Hãy chỗi dậy” (Lc 17, 19). Và thí dụ cử chỉ của Chúa: “Người cầm lấy tay nó, đỡ nó dậy và giúp nó đứng lên” (Mc 9,27).

Khi suy gẫm những lời yêu thương và những cử chỉ thương xót như trên, tôi nhận ra Chúa là ai. Thiên Chúa là Ðấng cứu độ quyền năng giàu tình yêu thương xót.

Hình ảnh Chúa trên đây càng trở nên sống động gần gũi, khi tôi đọc các Thánh Vịnh. Thí dụ Thánh Vịnh 138: “…Chúa bao bọc con cả sau lẫn trước. Bàn tay của Người, Người đặt lên con. Kỳ diệu thay trí thức siêu phàm. Quá cao vời, con chẳng sao vươn tới. ...Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách rất lạ lùng. Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu”.

Hành hương với việc đọc Kinh Thánh để nhận ra mình là ai và Chúa là ai đã đem lại bình an sâu thẳm. Nhờ đó, khi tham dự các lễ nghi và khi gặp những con người, tôi khám phá được thêm những bất ngờ thú vị Chúa dành cho riêng tôi và cho Hội Thánh của tôi.

Tôi sẽ không còn ngạc nhiên, khi nhìn thấy nhiều người trong Hội Thánh của tôi còn nặng nề với bao nhiêu bất toàn. Tôi tin rằng tất cả đang được Chúa cứu độ. Tôi không hiểu Chúa cứu cách nào, nhưng tôi tin vào Ðấng cứu độ. Ðời tôi là một bằng chứng. Tôi cảm tạ Chúa với đức tin bao la của Hội Thánh Chúa.

Việc thứ hai tôi làm trong hành hương là cầu nguyện.

 Cầu nguyện

Cầu nguyện của tôi là một câu hỏi: “Chúa muốn con làm gì?”.

Trong bầu khí cầu nguyện, tôi luôn nghe được câu trả lời là: Người môn đệ Ðức Kitô hãy nói và hãy làm những gì Chúa truyền dạy với tư cách của kẻ được sai đi.

Trước hết là đánh thức chính mình và Dân Chúa: Ðừng đi xa Chúa. Nguy cơ tội lỗi ởù trong chính mình. Trong mục đích đó, hãy đọc lại những lời cảnh báo của Giêrêmia, Osêa, Isaia. Hãy đọc lại những lời răn đe trong Phúc Âm. Hãy nhớ lại những lời tiên báo của Ðức Mẹ tại Fatima. Hãy thức tỉnh vời những dấu chỉ của thời điểm hiện nay.

Hành hương là một hành trình trở về. Một sự trở về gồm ba lãnh vực:

Trở về trong lãnh vực luân lý là từ bỏ tội lỗi và các tính hư nết xấu để thực hành các nhân đức.

Trở về trong lãnh vực kiến thức là từ bỏ những quan niệm sai lầm, lỗi thời, để vươn lên một tầm cao mới về trí tuệ.

Trở về trong lãnh vực huyền nhiệm là gặp gỡ Chúa trong lời Chúa và trong các biến cố hằng ngày.

Nói một cách đơn giản dễ hiểu, hành hương là một cố gắng trở về trọn vẹn với Chúa Giêsu, Ðấng cứu độ chúng ta.

Trở về với trái tim của Người, là trái tim hiền lành và khiêm nhường.

Trở về với ý chí của Người là ý chí luôn tìm thực thi thánh ý Chúa Cha.

Trở về với Lời của Người, là Lời ban sự sống, và sự thực.

Trở về với giới răn mới của Người, là giới răn yêu thương.

Trở về với sự khôn ngoan của Người là sự khôn ngoan của thánh giá.

Trở về với Thần Linh của Người là Thần Linh hiệp nhất, sáng tạo và thánh hoá.

Trở về với Cha của Người là Chúa Cha giàu tình yêu thương xót.

Ngoài ra, Chúa truyền dạy kẻ được sai đi phải luôn tỉnh thức với những cách Chúa đang dùng, để biết cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Chúa. Thí dụ một trong những cách Chúa đang dùng để cứu độ là những vẻ đẹp mới. Như vẻ đẹp của sự kết hợp những đau đớn cá nhân mình với những khổ đau của Chúa Giêsu chịu khổ hình. Vẻ đẹp của sự kết hiệp tình yêu vị tha của mình với tình yêu hiến dâng của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Giáng Sinh. Vẻ đẹp của sự bao dung tha thứ của mình với tình xót thương rộng lượng của Chúa Giêsu trên thánh giá. Vẻ đẹp của người bắt chước Chúa Giêsu, chịu treo trên thánh giá, gục đầu xuống phó linh hồn mình trong tay Chúa Cha, để đền tội thay cho nhân loại. Vẻ đẹp của sự tự do sẵn sàng vâng phục thánh ý Chúa Cha, đi theo Chúa Giêsu và Ðức Mẹ Maria, đến với con người, nhất là những con người nghèo khổ. Vẻ đẹp của ý chí biết từ bỏ mình, để dấn thân vào chương trình cứu độ của Chúa Giêsu.

 Sự hồi tâm

Nếu hành hương là một cuộc đi tìm gặp gỡ Chúa một cách đặc biệt, thì không thể không thực thi việc hồi tâm. “Hãy đóng cửa phòng lại, hãy ở lại trong đó và cầu nguyện Chúa Cha trong bí nhiệm, và Cha của con là Ðấng nhìn trong bí nhiệm, sẽ tỏ mình ra cho con” (Mt 6, 1-6).

Ðây là một việc rất khó thực hiện trong hành hương. Ở đây hồi tâm là tập trung vào một điểm chính, đó là gặp Chúa. Nhưng trong thực tế, hành hương là một chuyến đi thường bị chia trí ra muôn ngả. Ðôi khi người hành hương muốn đi tìm mọi thứ, trừ sự thân mật với Chúa, hoặc không cố gắng đi tìm Chúa, hoặc thiếu điều kiện thực hiện sự gặp gỡ Chúa. Nên biết rằng hồi tâm và những thử thách là những bí nhiệm giúp chúng ta biết mình và biết Chúa. Nhờ vào đó, chúng ta dễ trở thành những chứng nhân trưởng thành hợp thời của Tin Mừng theo ý Chúa. Vì thế, người hành hương phải phấn đấu rất nhiều để không lạm dụng sự tự do của mình, nhưng biết dùng nó để sám hối và trở về đàng lành.

Trong hồi tâm, người môn đệ Ðức Kitô dễ đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, để biết hăng hái khôn ngoan đem lại cho đồng bào mình sự sống dồi dào cao đẹp, và biết can đảm chiến đấu chống lại mọi sự dữ đe doạ phá huỷ sự sống ấy.

Khi được thấy rõ mình là aiChúa là ai, tôi hân hoan với giá trị thiêng liêng về con người của mình và thiên chức đời sống của mình do Chúa trao ban. Mặc dù nhỏ bé bất toàn, cuộc sống của mỗi người luôn có thể là một cuộc trao đổi tâm tình giữa mình với Ðấng cứu độ, là Chúa Giêsu. Với Người, họ thờ phượng, họ phục vụ, họ làm chứng cho Tin Mừng, họ xây dựng một nền văn minh tình yêu. Ðời họ là một bài ca tình yêu của Thánh Linh, không ngừng trở về với Thiên Chúa Cha ở trên trời, là Ðấng giàu tình yêu thương xót.

Rôma, ngày 20-10-2000