Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Trăn trở về cách giới thiệu Tin Mừng

Năm Thánh đòi chúng ta phải hoán cải. Nghĩa là chúng ta phải đổi mới chính mình. Ðổi mới ở nhiều lãnh vực: Trong suy nghĩ, trong đánh giá, trong ước muốn, trong chọn lựa, trong phong cách. Ðặc biệt phải đổi mới cách giới thiệu Tin Mừng, sao cho hữu hiệu hơn trong thời kỳ mới, đúng như ý Chúa.

Ðể thực hiện việc đổi mới này, trước hết chúng ta phải có nhận thức rộng rãi về các chuyển biến thực tế trong xã hội, văn hoá, kinh tế có liên hệ mật thiết đến nhân sinh. Ðể rồi qua đó chúng ta lắng nghe nhu cầu và khát vọng thầm kín sâu xa của thời đại.

Lắng nghe đó gợi lên thao thức về một trách nhiệm. Trách nhiệm phải đồng với nhu cầu và khát vọng của con người thời đại, nhất là phải góp phần kiếm tìm những gì có thể đáp ứng khát vọng và nhu cầu ấy. Cách góp phần tốt nhất là chính mình chúng ta phải phấn đấu nên người tốt hơn, mới hơn, sống thích hợp hơn với thời kỳ mới, có ích hơn cho xã hội đang chuyển biến mau lẹ. Riêng đối với tôi, tôi thực hiện tất cả các việc trên đây dựa trên tiêu chuẩn Lời Chúa và gặp gỡ Chúa.

 Hành trình

Như thế, việc đổi mới là một hành trình dài. Hành trình này là một chuyến đi tìm kiếm. Phải rảo bước như nhóm mục đồng đến hang đá xưa. Phải lên đường như ba đạo sĩ từ phương Ðông đến Belem xưa. Phải đi, phải về như hai môn đệ trên đường Emau-Giêrusalem xưa. Những hành trình ấy gồm ba giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất là nắm bắt tình hình. Họ trao đổi với nhau. Ðề tài là thời sự bên ngoài về những gì xảy ra lúc ấy có liên quan đến Ðấng cứu thế. Thêm vào đó là thời sự nội tâm của mỗi người, như những cảm nghĩ, những xao xuyến, băn khoăn và hy vọng.

Giai đoạn thứ hai là gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô. Nhóm mục đồng và nhóm đạo sĩ gặp được Ðức Kitô là chính Ngôi Lời, một Ngôi Lời không nói lên tiếng, nhưng nói bằng chính mình. Hai môn đệ trên đường Emau gặp Ðức Kitô cùng đồng hành và cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ. Chúa mở trí khôn họ, đốt nóng trái tim họ, chỉ cho họ đường hướng phải chọn.

Giai đoạn thứ ba là trở về cộng đồng của mình, để kể lại những gì mình đã thấy. Họ thấy Tin Mừng nơi Ðức Kitô đã được chính Ðức Kitô giới thiệu bằng cách sống hiền lành, khiêm nhường, gần gũi với con người và chia sẻ thân phận những người nghèo khổ, yếu đuối. Tin Mừng không phải chủ yếu là những giáo lý, nhưng là chính Ðức Kitô yêu thương, từ bỏ mình, dấn thân cứu đời. Sự gặp gỡ một Ðức Kitô như thế đã giải thoát họ khỏi những gánh nặng sợ hãi tạo ra do cơ chế các lề luật lỗi thời và các trung gian nhân sự hẹp hòi. Cuộc gặp gỡ Ðức Kitô đã cho họ một chiếc phao thiêng liêng, nhẹ nhàng mà hữu hiệu, để họ bám vào mà bơi lội giữa biển đời sóng gió. Họ được đổi mới. Sự đổi mới ấy đã đáp ứng nhu cầu và khát vọng sâu xa của họ, giúp họ sống niềm tin một cách đơn sơ thực chất và giúp cho đời họ có một ý nghĩa cao đẹp, đầy hy vọng.

 Khám phá

Khi áp dụng mẫu gương xưa vào cuộc đời mục vụ hôm nay, tôi thấy hành trình kiếm tìm đổi mới là hành trình rất dài luôn phải tiếp tục. Phải biết mình kém, phải bắt đầu lại. Càng đi càng khám phá được nhiều điều thú vị.

Thực vậy, theo dõi thời sự những dấu chỉ về Nước Trời trong nhân loại nói chung và tại Việt Nam nói riêng, tôi nhận ra nhiều người tốt việc tốt trong Hội Thánh và ngoài Hội Thánh. Chân Thiện Mỹ không bị nhốt trong ranh giới một dân tộc, một tôn giáo, một nền văn hoá. Khắp nơi vẫn lấp lánh những gương sáng về những giá trị thiêng liêng cao cả, như khiêm nhường, bao dung, tinh thần trách nhiệm, chân thành, trung thực, bác ái, công bình, chiêm niệm, dũng cảm.

Khi lắng nghe nhu cầu và khát vọng của hồn dân tộc Việt Nam, của hồn văn hoá Việt Nam, của hồn thời đại tại Việt Nam, tôi cảm nhận được từ sâu thẳm những thao thức sôi sục về phát huy và sáng tạo chân thiện mỹ. Mục đích là cho con người và cuộc đời được tốt đẹp hơn về mọi mặt, hợp với chuyển biến của lịch sử.

Ðiều làm tôi ngỡ ngàng hơn cả, đó là con người thời nay không còn dễ được thuyết phục bởi những lý thuyết hứa hẹn,những hội nghị long trọng, những cuộc lễ lớn, những nghi thức và biểu tượng đẹp. Trái lại, yếu tố chinh phục họ nhất chính là những con người sống quyết liệt với những giá trị cao. Họ đi tìm những người như thế. Cái phao đời họ là những người như vậy.

Theo tôi, những người có giá trị cao hơn hết đang được đa số khâm phục chính là những ai luôn phấn đấu tự đào tạo nên người có bản lãnh, biết phân định thực hư, dám từ bỏ mình vì ích chung, đầy lửa thương cảm đối với con người, nhất là đối với kẻ nghèo khổ. Ðôi khi tôi có cảm tưởng thứ tình yêu được tôi luyện bằng hy sinh có một vận tốc thiêng liêng tựa như ánh sáng, và có thể tạo ra một thứ năng lượng tâm lý khổng lồ.

Chính những người mang lửa đó sẽ góp phần lớn trong việc đổi mới Ðất Nước và Hội Thánh.

 Tế nhị

Những gương sáng như vậy sẽ là những bản tin thời sự có giá trị về Nước Trời. Với những giá trị cao cả thiêng liêng, họ tham gia vào việc phong phú hoá hồn một thời đại, hồn một nền văn hoá, hồn một dân tộc. Sự hiện diện của họ là đa dạng. Cho dù sự hiện diện ấy là âm thầm như của Chúa Giêsu trong hang đá Belem, nó cũng vẫn là máng chuyển tải ơn thánh, có khả năng đánh thức lương tâm con người.

Những người công giáo địa phận tôi là một thiểu số bé nhỏ sống giữa một vùng đông dân cư mộ đạo. Khối dân cư đáng kính này thuộc nhiều tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo Hoà Hảo. Hằng ngày trong dân vẫn luôn chuyển những dư luận tốt về các tôn giáo bạn. Thời sự là những tin người tốt việc tốt đối với gia đình, địa phương, Ðồng Bào, Ðất Nước. Sống đạo của họ hầu như không căn cứ vào những khuôn khổ cử hành lễ lạy bề ngoài, nhưng căn cứ vào cầu nguyện, liên đới, tương thân tương ái và tu thân chay tịnh. Họ gắn bó với Dân Tộc, và nhạy bén với các hình thức hiếu thảo đối với tổ tiên, Ðất Nước.

Trong một thực tế như vậy, việc giới thiệu Ðức Kitô và Hội Thánh Người phải được thực hiện một cách khôn khéo, tế nhị, hài hoà. Tôi có kinh nghiệm này: Khi những giá trị thiêng liêng chung của hồn thời đại, của hồn dân tộc, của hồn văn hoá được coi như những giá trị căn bản do Thánh Linh thổi vào, thì việc dùng những giá trị chung đó để giới thiệu Tin Mừng trong xã hội ta là một chọn lựa bước đầu thích hợp. Ðó là một cách rất tốt dọn đường cho Ðức Kitô và làm cho người ta có thiện cảm với Hội Thánh. Tất nhiên những giá trị chung đó không thay thế được những giá trị riêng của người môn đệ Ðức Kitô, mà chúng ta luôn tự hào.

Cách giới thiệu Tin Mừng bằng chính con người và đời sống mang những giá trị như thế đòi nhiều đổi mới nội tâm và phong cách. Sự đổi mới này cần được thực hiện một cách cụ thể ít nhất ở cấp cộng đoàn nhỏ. Khó đấy, những phải ráng làm.

Tình hình nội tâm đa số đồng bào Việt Nam hôm nay đang có những chuyển biến đi tìm những giá trị cao. Nếu sự đổi mới của chúng ta không là sự đổi mới chính mình, dựa trên Lời Chúa và gặp gỡ Chúa Giêsu Hiền Lành và Khiêm Nhường, là Ðường, là Sự Thực và là Sự Sống, thì tôi sợ những chọn lựa giới thiệu Tin Mừng của chúng ta sẽ nghèo nàn giá trị Phúc Âm, sẽ không đúng ý Chúa. Lúc đó biết đâu chúng ta sẽ đầu tư thời giờ và của cải vào những việc vô bổ.

Trái lại, một sự đổi mới chính mình có chất lượng cao sẽ là một anh hùng ca, giới thiệu mùa xuân chiến thắng của Nước Trời đang tới, góp phần đem lại bình an hạnh phúc cho đồng bào Việt Nam ta.

Long Xuyên, ngày 8-01-2000