Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Một góc nhìn giải phóng

Nhân dịp kỷ niệm 55 năm giải phóng Ðất Nước, giành lại tự do, độc lập, tôi nghĩ về một chặng đường lịch sử của Ðất Nước, của Hội Thánh Việt Nam, của giáo phận tôi, của Ðồng Bào xung quanh, của chính bản thân tôi.

Tôi mừng về các thành quả đẹp ở nhiều lãnh vực. Tôi tiếc là còn nhiều tiềm năng tốt chưa được khai thác.

Vấn đề tôi dừng lại lâu hơn cả là sự giải phóng nội tâm con người.

 Tự thức

Nếu biết hồi tâm, nhiều người chúng ta sẽ thấy nội tâm mình chưa được giải phóng. Có thể là mình đã ngủ say và ngủ lâu trong đêm tối những sai lầm, những tính hư và những tội lỗi.

Có những sai lầm do thành kiến, do dư luận, do cơ chế, do trí thức bị giới hạn.

Có những tính hư do cấu trúc bẩm sinh tâm sinh lý, do thói quen từ nếp sống gia đình, xã hội, nghề nghiệp.

Có những tội lỗi do yếu đuối, do cơ hội, do áp lực, do chủ tâm xấu.

Tất cả các thứ như thế xiềng xích nội tâm ta. Suy nghĩ của ta bị qui định, đánh giá của ta bị sai khiến, hướng đi của ta bị áp đặt.

Chúng ta tưởng mình tự do, nhưng thực sự chúng ta bị khống chế bởi những lực lượng ngấm ngầm.

Chúng ta cho rằng chúng ta suy nghĩ, chọn lựa và hoạt động với ý thức hoàn toàn tự do. Nhưng ý thức của ta chỉ là một hòn đảo nhỏ nổi lên giữa một đại dương vô thức luôn có những sóng ngầm mãnh liệt.

Nhiều khi, lúc thức tỉnh, chúng ta mới thấy chúng ta đã quá chủ quan trước các biến cố, con người và sự vật.

Thiếu khách quan và lại quá tin vào ảo tưởng, chúng ta sống như những người mộng du. Nhiều khi chúng ta hoạt động như các con rối mà không hay.

Cần phải thức tỉnh. Nhưng thức tỉnh là chuyện không dễ. Có những người đã tự mình đánh thức mình, nhưng số đó không nhiều. Nhưng người khác đánh thức ta thì ta lại không chịu. Ðức Mẹ ở Fatima đánh thức ta, ta vẫn coi thường. Lời Chúa đánh thức ta, ta vẫn làm ngơ.

Sợ rằng, chúng ta thích an ổn trong giấc ngủ dài. Bất ngờ Chúa đến, thì đã quá trễ. Bừng con mắt dậy, thấy mình tay không.

 Tự cứu

Hôm nay còn thời giờ, chúng ta cần thức tỉnh, và lo đến việc cứu mình và cứu người khác. Nếu chúng ta không cố gắng tự cứu mình, thì chẳng ai sẽ cứu được chúng ta. Chính Chúa cũng chẳng cứu chúng ta, nếu chúng ta không tham gia vào việc cứu độ chúng ta.

Phải cố gắng tự cứu lấy mình. Phải tự mình tập luyện. Phải tự mình học hành. Phải tự mình chịu trách nhiệm về mình. Phải tự mình mở cửa hy vọng và tự mình bước đi.

Bệnh bại liệt về suy nghĩ đang lan rộng. Phải tỉnh thức tự cứu lấy mình khỏi nguy cơ ấy bằng những phấn đấu nâng cao trí thức.

Bệnh suy thoái về khả năng yêu thương và khiêm tốn đang lây lan. Ðừng coi đó là điều bình thường, để khỏi phải thức giấc. Nhưng phải tập luyện đạo đức theo gương Chúa Giêsu.

Bệnh hưởng thụ, đua đòi trí trá đang phá vỡ nề nếp luân thường đạo lý. Nếu phản ứng bằng than trách như là cách tự cứu, thì chỉ là tự lừa dối mình. Nhưng phải tự cứu chính mình bằng những từ bỏ ý riêng và sẵn sàng hy sinh phục vụ, bất cứ ở đâu và bất cứ việc nào mà Chúa muốn.

Nhất là bệnh coi mình là hiểu biết cao, hiểu biết rộng, hiểu biết tất cả, để lên mặt chỉ trích dạy đời, sẽ là một tai hoạ, nếu không tự thức và tự cứu bằng việc trở về tôn thờ Thiên Chúa và sám hối ăn năn như ông Giob xưa:

Con biết là Người toàn năng, điều Người nghĩ Người có thể thực hiện. Vâng, con đã nói năng mà không hiểu về những kỳ công vượt sức của con mà con chẳng biết. Con biết Người qua nghe nói. Nhưng bây giờ mắt con đã thấy Người. Do đó con ứa lệ ăn năn trên tro và bụi đất” (G 42,1-6). Bằng cách đó ông Giob đã tự cứu mình, đã tìm được sự tự do và bình an cho nội tâm mình.

 Tự chọn

Còn một điều nữa cần nói về giải phóng nội tâm. Ðó là biết tự chọn.

Kinh nghiệm cho thấy những chọn lựa khó khăn nhất không phải là những chọn lựa về quan hệ với Chúa và với bản thân, nhưng về quan hệ với người khác.

Người khác là một nhân tố cần thiết trong đời con người. Con người nhìn vào mình và nhìn sang người khác. Nhìn sang người khác để tìm một khích lệ, một giúp đỡ, một đồng hành. Nhưng bên cạnh cái nhìn nhẹ nhàng đó, đôi khi cũng có một cái nhìn nặng nề. Ðó là cái nhìn cạnh tranh, cái nhìn ghen tương, cái nhìn cảnh giác. Người khác vừa có thể là bông hoa của tôi, vừa có thể là cái gai cho tôi. Ðối với một số người, ai đó có thể là thiên đàng êm đềm và cũng có thể là địa ngục hãi hùng kinh khủng.

Công bằng mà nói, thì các động lực gây ra những cái nhìn như thế là từ hai phía. Mỗi phía đều có những lý do riêng. Lý do thuộc tâm lý, lý do thuộc cá tính, lý do thuộc lý tưởng, lý do thuộc tư lợi, lý do thuộc tôn giáo, vv... Nhưng thực tế cho thấy, dù với lý do nào, cái nhìn về người khác luôn bắt buộc chúng ta phải có những lựa chọn đạo đức và khôn ngoan. Mỗi người phải tự chọn lấy cho mình.

Ở đây, tôi xin phép đưa ra một ví dụ. Ðể biết sống với các người khác, dù trong nội bộ Hội Thánh, dù với người khác đạo, dù với người không tin, nhiều người đã coi mình như kẻ loan báo Tin Mừng. Loan báo Tin Mừng một cách như hát lên bài ca Tin Mừng.

Khi hát Tin Mừng, người ca Tin Mừng hết sức hít vào phổi mình thần khí Ðức Kitô. Họ cũng rất chú ý lắng nghe các tiếng hoà âm để luôn nhịp nhàng: Tiếng Chúa, tiếng Ðức Mẹ, tiếng các tông đồ, tiếng các giáo phụ... Họ kính trọng người nghe, biết ơn người nghe. Tắt là, họ chọn phục vụ trong yêu thương khiêm nhường.

ù

Một nội tâm trên đường giải phóng chính mình sẽ phải phấn đấu cực kỳ gian khổ. Họ không nhắm vào vinh quang chiến thắng. Nhưng chỉ tìm nên giống Chúa Giêsu. Cho dù bị rơi vào hoàn cảnh cực kỳ bi đát, họ sẽ như Chúa Giêsu, luôn tỏ ra tế nhị với những kẻ bắt bớ mình, luôn yêu thương kẻ chối bỏ mình, luôn xin tha thứ cho những kẻ đóng đinh mình.

Nội tâm Chúa Giêsu hoàn toàn tự do. Nội tâm họ cũng chỉ muốn được như vậy.

Long Xuyên, ngày 19-8-2000