Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Khi Chúa đến

Kinh Tiền Tụng II Mùa Vọng có câu: “Khi Chúa đến, Chúa sẽ thấy chúng con đang tỉnh thức cầu nguyện và hân hoan ca tụng Chúa”.

Lời nguyện trên đây gợi lên trong tôi một chương trình chuẩn bị đón Chúa dịp lễ Sinh Nhật và Năm Thánh năm 2000.

Có ba việc sẽ làm: Tỉnh thức, cầu nguyện và hân hoan ca tụng Chúa.

Khái quát là thế. Ý thức khái quát đó đã là một hướng đi tốt, rõ, dựa trên nền tảng phụng vụ. Ba việc đó cần được thực hiện một cách cụ thể. Ðang suy nghĩ như vậy, tôi có việc đi Huế, Hà Nội và Lạng Sơn.

Tôi lên đường với tâm hồn nghèo khó và cầu nguyện. Lạy Chúa, xin dạy bảo con đường đi của Chúa. Và tôi đã nhận được những bài học hữu ích.

 Tỉnh thức

Trong một ngày tại Huế, tôi đã hiểu thế nào là tỉnh thức, hiện nay. Tỉnh thức là nhạy bén, mau lẹ dấn thân phục vụ cứu độ.

Nhu cầu phục vụ cứu độ tại đây là mênh mông khẩn cấp. Không thiếu việc cần làm và có thể làm. Chỗ nào cũng đợi chờ. Ðợi chờ đủ thứ, nhất là tình thương ấm áp. Dù chút quà thôi, nhưng gói vào đó tình cảm chân thành trân trọng, cũng là một chia sẻ có sức làm vơi đi nỗi khổ.

Gặp nhiều người tại đây, tôi cảm nhận được sự sâu sắc của tình liên đới, những quằn quại của biết bao cuộc đời mất mát.

Ðâu đâu cũng đầy những vết thương. Ở hai bờ sông Hương, ở các phố phường, ở các di tích lịch sử, ở các hộ dân, ở mỗi lòng người. Nhiều vết thương chất chồng lên nhau, lớp cũ lớp mới, thực là thê thảm. Thấy cảnh đó, tôi cảm được phục vụ cứu độ không chỉ là một mời gọi, mà chính là một trách nhiệm.

Phục vụ cứu độ là đáp ứng đúng nhu cầu, bằng đúng việc, vào đúng lúc, với đúng cách. Khi hiểu phục vụ cứu độ là như vậy, tôi thấy, không riêng gì ở Huế, mà ở bất cứ đâu tại Việt Nam hôm nay, chúng ta vẫn có thể thực hiện được miễn là phải tỉnh thức nhạy bén, và biết nắm bắt. Một thí dụ: Phục vụ Hội Thánh và Ðồng Bào bằng cách gieo rắc hoà bình, yêu thương đoàn kết, khiêm tốn, qua lời nói, việc làm và thái độ. Sự phục vụ như thế là trong tầm tay, ai cũng làm được, đâu cũng làm được. Nếu khi Chúa đến, Người thấy chúng ta đang tỉnh thức phục vụ ít là như thế, thì hạnh phúc cho chúng ta biết bao.

 Cầu nguyện

Trong một ngày tại Hà Nội, tôi cũng đã học được cách cụ thể hoá việc cầu nguyện một cách thích hợp.

Từ đầu Mùa Vọng, việc chầu Thánh Thể đã được thực hiện một cách đặc biệt khác thường tại giáo xứ Nhà thờ Chánh Toà. Suốt ngày thứ bảy mỗi tuần, Thánh Thể sẽ được để trên bàn thờ, để mọi người có thể tới chầu. Tự ý, không ép buộc. Âm thầm, không ồn ào. Kết quả là rất phấn khởi. Nhiều người đã tới cầu nguyện, suy gẫm, hồi tâm. Nhiều tâm hồn được hoà giải, nhiều cuộc đời đã được đổi mới.

Gặp được sáng kiến trên đây, tôi càng xác tín thêm về sức mạnh thiêng liêng phát sinh từ việc chầu Thánh Thể một cách lặng lẽ. Thực vậy, khi năng gặp gỡ Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể một cách thân mật, chúng ta sẽ dần dần hiểu biết Chúa Giêsu, sẽ dần dần gắn bó với Chúa Giêsu, sẽ dần dần được chia sẻ tâm tình của Chúa Giêsu. Năng gặp gỡ Chúa Giêsu một cách thân mật, chúng ta sẽ biết thế nào là đóng đinh xác thịt mình vào thánh giá của Người. Người sẽ thôi thúc chúng ta trở về trong các lãnh vực luân lý, trí đức, đức tin và ơn gọi.

Năng gặp gỡ Chúa Giêsu một cách thân mật, chúng ta sẽ được đổi mới bằng luật mới của Người. Luật này được viết không phải bằng mực, mà bằng Thánh Linh Chúa, không phải viết trên giấy, mà trên trái tim chúng ta (x. 2 Cor 13,3). Bầu trời nội tâm của chúng ta sẽ được biến đổi, để từ đó chúng ta sẽ hướng về một trời mới, đất mới một cách quyết liệt và xác tín.

Nếu khi Chúa đến, Người gặp chúng ta đang sống trong tinh thần cầu nguyện như thế, chắc Người sẽ rất hài lòng và sẽ nhìn nhận chúng ta là Kitô hữu đích thực.

 Hân hoan ca tụng Chúa

Cũng chỉ một ngày tại Lạng Sơn, tôi đã hiểu thế nào là hân hoan ca tụng Chúa lúc này tại đây.

Thực vậy, từ Ðức Giám mục tới người giáo dân thường, mọi cá nhân và mọi cộng đoàn lớn nhỏ trong khắp Cao Bằng Lạng Sơn đều ca ngợi cảm tạ Chúa. Không phải chỉ bằng những thánh lễ, những thánh ca, mà còn bằng tất cả tâm hồn cộng tác vào ơn Chúa. Tâm hồn nhận ra những cái hữu hình và cái vô hình làm nên thực tại. Hân hoan ca ngợi Chúa là vui sống thực tại đó, mặc dù thực tại đòi nhiều phấn đấu. Hân hoan ca ngợi Chúa là can đảm phấn đấu trong sự vượt qua chính mình và trong mọi hy sinh. Vừa phấn đấu vừa đi về phía trước như một trường ca, gởi âm vang tới tận cõi thinh lặng hùng vĩ của những núi rừng.

Cũng như bài ca Magnificat của Ðức Mẹ có bề sâu của quá khứ, thì bài ca hân hoan ca ngợi Chúa của Lạng Sơn hiện nay cũng mang chiều kích thẳm sâu của khí phách xa xưa. Ðã có những cuộc đời kiên cường như những viên gạch làm nên thành nội. Ðã có những trái tim đẹp như nàng Tô Thị, mà tượng hôm nay còn đứng đó, như bóng tượng trải xuống mỗi ngày đều luôn mới.

Hân hoan ca ngợi Chúa là cùng nhau vun tưới những hạt giống tốt. Những hạt giống tốt này là nếp sống hài hoà, cái nhìn cởi mở, tinh thần bao dung đoàn kết, nếp sống công bình bác ái, liên đới đạo đời, nhất là đức tin được đổi mới như một sự gặp gỡ sống động với Chúa.

Hân hoan ca ngợi Chúa là cùng nhau thực hiện việc truyền giáo và tái truyền giáo. Truyền giáo bằng lòng nhân ái, và tái truyền giáo bằng sự nội tâm hoá Lời Chúa và hiện đại hoá Lời Chúa.

Nếu khi Chúa đến, Người gặp thay chúng ta đang hân hoan ca tụng Chúa như vậy, thì Người sẽ ở lại với chúng ta.

Chúa sẽ đến với tôi, với chúng ta. Chúng ta cần phải đón Người. Ðể đón Người, chúng ta không có khả năng thực hiện những việc lớn. Hãy an tâm làm những việc nhỏ, như ba việc trên. Ðừng để mất dịp may. Nếu không đón Người, sợ rằng chúng ta sẽ đánh mất nguồn mạch cứu độ rất cần thiết cho chính chúng ta.

Long Xuyên ngày 06 tháng 12 năm 1999