Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Dự báo

Chỉ trong 30 ngày, hai cơn đại hồng thuỷ đã tàn phá miền Trung. Tôi đã nghe và đã hai lần thấy. Ðiều đã kéo chú ý tôi nhiều nhất là các nơi đều nhận xét: Thực không ngờ, thực quá bất ngờ. Bất ngờ vì biến cố xảy tới quá mau, quá mạnh, gây nên những thiệt hại quá nặng, quá thê thảm.

Từ nhận xét này, tôi nghĩ tới tương lai Giáo Hội Việt Nam nói chung và từng cộng đoàn đức tin tại Việt Nam nói riêng. Tôi tự hỏi: Liệu đây đó sẽ có xảy ra những bất ngờ gây nên mất mát trầm trọng không?

Nếu bất ngờ lớn của ngày mai đang nhen nhúm từ những coi thường của hôm nay, thì tôi có thể dự đoán về những mất mát lớn ngày mai đang bắt nguồn từ những suy yếu của hôm nay. Dưới đây là vài nhận xét:

Suy yếu về sức mạnh đa dạng của Hội thánh địa phương.

Trong thư gởi giáo đoàn Êphêsô, thánh Phaolô kể ra 5 loại nhiệm vụ quan trọng làm nên sức mạnh của Hội Thánh:

1/. Tông đồ với việc thiết lập các giáo đoàn trên nền tảng Phúc Âm.

2/. Tiên tri với việc loan báo ý Chúa về hiện tại và tương lai.

3/. Truyền giáo với việc “ra khơi thả lưới” và “ra đồng gieo giống”.

4/. Chăn chiên với việc nuôi dưỡng đoàn chiên.

5/. Giảng dạy với việc giáo huấn đào tạo (x. Eph 4,11-13).

Hội Thánh thời các thánh tông đồ gặp đủ mọi khó khăn nặng nề. Thiếu tự do, thiếu cơ sở, thiếu tiền bạc. Thế mà 5 nhiệm vụ trên đã được thực hiện tốt.

Thực hiện của chúng ta hiện nay không được như thế, mặc dù các khó khăn của chúng ta không quá nặng như của các thánh tông đồ. Ðiều đáng chú ý là hiện nay xét về mặt được hâm mộ, thì chức vụ chăn chiên và các hình thức tham gia chức vụ đó càng ngày càng chiếm địa vị ưu tiên. Nhưng chức vụ ấy đang có chiều hướng tập trung vào việc tế lễ và những việc liên hệ đến bàn thờ và nhà thờ. Ðang khi đó, 4 nhiệm vụ còn lại thì chìm nổi.

Sự kiện trên ảnh hưởng đến sứ mạng của Hội Thánh, không những trong nội bộ, mà còn giữa lòng Dân Tộc.

Sứ mạng của Hội Thánh là phải soi sáng cho mọi lương tâm về mọi lãnh vực. Cách soi sáng là trình bày ý kiến của mình một cách nhẹ nhàng, nghiêm túc và có chất lượng cao. Thánh Phaolô viết cho Philemon: “Mặc dù, nhờ kết hợp với Ðức Kitô, tôi có đủ quyền để truyền cho anh làm điều anh phải làm. Nhưng tôi thích kêu gọi lòng bác ái của anh hơn, để xin anh làm điều đó” (Plm 1, 8-9). Thánh Phaolô đã soi sáng lương tâm một cách lịch sự, nhẹ nhàng.

Thiết tưởng Hội Thánh của chúng ta không được xa lạ với các vấn đề con người và xã hội. Càng không được đứng ngoài các chuyển biến thế giới, khu vực, đất nước. Ðể có thể làm men, làm đèn giữa đời một cách khôn ngoan. Nhưng, nếu không nâng đỡ tất cả 5 nhiệm vụ trên, Hội Thánh sẽ mòn mỏi, không những sẽ không chu toàn được sứ mạng của mình, mà còn sẽ như những con đường yếu, khi bị lũ lụt, sẽ bị sạt lở, đứt đoạn. Nên coi thực tế hôm nay là điều đáng ngại.

 Tính cục bộ phát triển

Thêm vào đáng ngại trên đây, hiện tình cho thấy một đáng ngại khác.

Trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô viết: “… Tôi hay tin có chuyện bè phái giữa anh em. Tôi muốn nói là trong anh em có những luận điệu như: Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc Ðức Kitô. Thế ra Ðức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư?” (1 Cr 1,11-13).

Tình hình cục bộ mà thánh Phaolô nói xưa ở thời ngài cũng đang xảy ra đó đây ở Việt Nam hôm nay.

Thực ra, tình cảm dành cho gốc gác này, quan điểm kia, là điều dễ hiểu, khó tránh được. Nhưng khi những gắn bó cục bộ đó làm cho các thành phần Hội Thánh xa cách nhau, nhất là làm bớt đi nhiệt tình đối với lợi ích chung Hội Thánh, thì một tình hình như thế là không lành mạnh. Nó sẽ làm suy yếu Hội Thánh. Trái lại, những khác biệt, khi được sử dụng khéo, sẽ bổ túc cho nhau, và sẽ là một kho tàng quý giá cho Hội Thánh.

Tiên tri Khác-gai đã cảnh báo: Các cộng đoàn gieo trồng nhiều, nhưng Chúa sẽ để cây cối của họ cằn cỗi héo tàn, mùa màng sẽ thất thu. Nguyên do là vì: “Nhà của Ta vẫn còn tan hoang, trong khi đó các ngươi ai nấy chỉ bận rộn lo cho nhà riêng của mình” (Kg 1,9).

 Lạm dụng Chúa và Hội Thánh

Một hiện tượng nữa cũng đáng ngại, đó là thay vì tập trung vào việc phấn đấu với chính mình, trở về với Chúa, đổi mới chính mình, nhiều nơi vẫn quá bận tâm đến việc đấu tranh với kẻ khác nhân danh Chúa và Hội Thánh.

Xưa, dân Israel bị quân Philitinh đánh, đã nghĩ ra một kế, đó là khiêng hòm bia thánh ra trận, cùng với hai người con của thầy cả Êli. Trận đầu thì thắng. Trận sau thì đại bại. Hai con thầy cả Êli bị giết. Hòm bia thánh bị quân Philitinh tịch thu, dân Israel bỏ chạy tán loạn (x. 1 Sm 4,1-11). Sự kiện này cho thấy Chúa không phục vụ những kế hoạch nhằm vào mục đích: Ta phải thắng, chúng phải thua. Chúa mong muốn chúng ta hãy tiên vàn tìm Nước Thiên Chúa trước đã, hãy ưu tiên trở về với Chúa một cách trọn vẹn đã. Sức mạnh thiêng liêng là ở đó. Nếu không thực thi điều quan trọng ấy, thì mặc dù coi như mạnh, chúng ta sẽ không được Chúa ở cùng, do đó kết quả sau cùng biết đâu giống trận đại bại của Israel. Hãy để Chúa thắng bằng cách chúng ta trở về với Chúa.

Trở về với Chúa là trở về với căn tính người Kitô hữu, đó là gắn bó với Lời Ðức Kitô, đi theo Ðức Kitô, nên giống Ðức Kitô.

Trở về với Chúa là trở về với đặc điểm đích thực của người môn đệ Ðức Kitô, đó là yêu thương nhau, như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Trở về với Chúa là trở về với ơn gọi trong phép rửa của ta, đó là sống trọn vẹn chức năng người con thảo của Cha trên trời, từ bỏ ma quỷ và tội lỗi, luôn để Chúa Thánh Thần đổi mới chúng ta, giải thoát chúng ta khỏi mọi xiềng xích tội lỗi, đem lại tự do đích thực.

Trở về với Chúa là trở về với đời sống nội tâm.

 Nhạt lạnh đời sống nội tâm

Trong đời sống nội tâm, tôi để ý nhiều đến lời dạy sau đây của thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa xót thương tôi, tôi khuyên anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Ðó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo thói đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,1-2).

Ðọc và suy gẫm từng câu của đoạn văn trên, rất có thể chúng ta sẽ thấy chúng ta chưa thực hiện được câu nào đến nơi đến chốn. Thậm chí chúng ta chưa bao giờ bắt đầu muốn thực hiện cả. Chứng tỏ rằng: nơi nhiều người chúng ta Lời Chúa chưa được nội tâm hoá, đời sống nội tâm của chúng ta vẫn nghèo nàn trống trải. Và đó chính là một yếu nhược trầm trọng.

Thế kỷ tới là thế kỷ của những bùng nổ,

Thế kỷ của những loại trừ,

Thế kỷ của tốc độ,

Thế kỷ của tục hoá và hưởng thụ,

Thế kỷ của toàn cầu hoá,

Thế kỷ của chủ nghĩa khu vực,

Thế kỷ của nhiều thứ đại hồng thuỷ, hữu hình và vô hình.

Hãy biết tiên đoán những biến cố có thể xảy ra. Những biến cố ấy có nhiều giá trị xây dựng và cũng không thiếu mầm mống phá hoại. Có nhiều cái được, nhưng cũng có nhiều cái mất. Ðáng sợ nhất là được tất cả mà đánh mất chính mình. Hy vọng không xảy ra điều đó, nếu chúng ta tỉnh thức, khiêm nhường trở về với Chúa, dựa vào sức mạnh của Chúa, ở sự thực thi thánh ý Chúa.

Xưa thánh Gioan Baotixita đã không có nhà để giảng và để chết. Ngài giảng trong hoang địa và bị chặt đầu trong tù.

Xưa Chúa Giêsu Kitô đã không có nhà để sinh ra, để giảng dạy, và để chết. Hai Ðấng đã chấp nhận khó nghèo vất vả, can đảm đến với các dân nghèo dân ngoại rao giảng Tin Mừng Nước Trời. Trong tương lai cũng sẽ có những người bước theo hai Ðấng như vậy tại Việt Nam. Ðó là dự báo sau cùng.

Huế, ngày 10 tháng 12 năm 1999