Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Cây Mùa Xuân

Một đặc điểm của Tết Việt Nam là Cây Mùa Xuân. Cây Mùa Xuân có tính cách gia đình và xã hội. Nó được đặt ở nơi có nhiều người thấy. Cây mùa xuân phải là cây xanh tươi, nhiều cành, nhiều hoa.

Tôi cũng tính dựng một cây mùa xuân. Trong lòng tôi. Cho riêng tôi. Nhưng nếu được nhiều người biết thì tôi rất mừng. Bởi vì đó cũng là một hình thức chào chúc xuân, chia sẻ hương xuân, thân tặng tình xuân.

Cây mùa xuân của tôi được đặt tên là Phát triển. Không dám tham lam phát triển nhiều thứ, tôi chỉ nhắm vào mấy thứ sau này. Tôi gọi chúng bằng tên Hoa, cho thoang thoảng hương sắc mùa xuân.

Hoa Lời Chúa. Ðọc Lời Chúa, nghiên cứu Lời Chúa, học Lời Chúa là những việc tốt, nhưng không đủ. Cần phải mang Lời Chúa trong lòng, để Lời Chúa hướng dẫn, hoán cải tâm hồn. Nhất là dùng Lời Chúa chạm vào cuộc sống và những kinh nghiệm cuộc đời. Từ đụng chạm đó sẽ loé ra những tia sáng mới để có những sáng tạo cho cách sống đạo, cách dạy đạo, cách giảng đạo được thích hợp hơn, hữu hiệu hơn. Nhất là phải dùng Lời Chúa làm chuẩn mực để phân định và đánh giá. Thánh Phaolô dạy: “Anh em đừng có rập theo thói đời này. Nhưng hãy biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Chúa, cái gì là tốt, cái gì là đẹp lòng Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2). Ðể có thể nhận ra ý Chúa thì tất nhiên phải dựa trên tiêu chuẩn Lời Chúa.

Hoa nội tâm. Phải lặn sâu vào nơi thầm lặng nhất của tâm hồn. Ở đó để suy niệm, để lắng nghe tiếng Chúa, để cân nhắc, để chọn lựa. Chỗ đó phải là nơi có tự do thiêng liêng nhất. Không bị áp lực của dư luận, của các thành kiến, của các đam mê xấu. Chính ở chỗ thẳm sâu đó, tâm hồn sẽ được Thánh Linh dạy dỗ. Như Chúa Giêsu đã hứa: “Ðấng Bảo Trợ là Thánh Thần, mà Chúa Cha sai đến nhân danh Ta, sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều mà Ta đã nói với anh em” (Ga 14,26). “Khi nào Thánh Thần đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thực toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, thì Người sẽ nói lại và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến” (Ga 16,13).

Hoa dấn thân. Tôi gọi là hoa dấn thân những thương cảm và chăm sóc đặc biệt dành cho loại người thường bị xã hội bỏ rơi. Chúa Giêsu đã nhắc đến họ trong dụ ngôn “Mời dự tiệc trong Nước Trời”. “Hãy mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây” (Lc 14,21).

Với những lời trên đây, Chúa Giêsu không bảo chúng ta phải quay lưng lại những người giàu sang đầy đủ. Nhưng khuyên chúng ta hãy có những quan tâm ưu tiên và những phục vụ khẩn cấp dành cho những người bị loại trừ. Loại bị loại trừ không chỉ gồm 4 thứ người mà Phúc Âm nói ở trên, tức là nghèo túng, tàn tật, đui mù, què quặt, mà còn gồm những người dốt nát, bê bối, bê tha, tội lỗi.

Thiết tưởng, nếu Hội Thánh địa phương cố gắng mở ra được hướng trên đây thì hình ảnh Hội Thánh sẽ có một vẻ đẹp độc đáo, toả hương, có sức thuyết phục.

Hoa tình thương. “Ta ban cho các con một điều răn mới là hãy thương yêu nhau, như Ta đã yêu thương các con. Người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Ta là các con thương yêu nhau” (Ga 13,34-35). Lời Chúa Giêsu dạy trên đây là rất quan trọng. Phải coi đó là giá trị căn bản. Xem ra nhiều tín hữu vẫn muốn tránh né. Nhưng nhiều nơi đã có những sáng tạo đáng kể để thực thi điều răn mới của Chúa Giêsu. Một trong những sáng tạo đáng ngợi khen nhất là phấn đấu đào tạo nhân sự cho cộng đoàn mình thương mến. Ðào tạo nhân sự có nhiều chuyên môn trong phục vụ, nhiều khôn ngoan trong ứng xử, nhiều sâu rộng trong kiến thức, nhiều sáng suốt trong lựa chọn, nhiều ý chí trong thực hiện. Thương yêu cộng đoàn cơ sở, giáo xứ, giáo phận, xã hội địa phương, thì phải cố gắng đào tạo nhân sự cho họ.

Hoa khiêm nhường. Khiêm tốn là đức tính đẹp thuộc nhân bản, thuộc văn hoá dân tộc, thuộc mọi tôn giáo. Riêng công giáo càng coi trọng đức khiêm nhường. Tôi vẫn xác tín điều này: Mình có rất nhiều giới hạn trong hiểu biết. Ngay sự biết mình cũng rất giới hạn. Phương chi biết người khác, biết Hội Thánh, biết xã hội, nhất là biết Chúa. Ngoài ra, mình có nhiều giới hạn trong thực hiện. Ðến như thánh Phaolô tông đồ cũng đã phải thú nhận: “Ðiều tôi muốn thì tôi không làm. Còn điều tôi không muốn thì tôi lại cứ làm” (Rm 7,14).

Nhiều khi nói về bản thân, chúng ta dễ tỏ ra khiêm nhường. Nhưng khi nói về tập thể và cơ chế của chúng ta, chúng ta không ngại tỏ vẻ tự đắc, tự kiêu. Thái độ đó vẫn chưa phải khiêm nhường. Cần chỉnh đốn lại.

Thái độ khiêm nhường hay nhất là luôn luôn nói với Chúa lời “Xin vâng” và lời “Tạ ơn” như Ðức Mẹ xưa.

ù

Trên đây là vài nét về hình ảnh cây Mùa Xuân “Phát triển” của tôi. Tôi phác hoạ vào buổi chiều mùa đông. Có thể nó mang nhiều gợi nhớ về quá khứ và gợi ý về tương lai. Nhưng chắc chắn cây Phát Triển này có niềm hy vọng của Mùa Xuân thiêng liêng. Mùa xuân này là của riêng mỗi người. Nó bắt đầu từ mỗi ngày chúng ta đang sống. Nó trẻ trung hoá cuộc đời bằng một chiều kích đạo đức đón nhận sức sống Mùa Xuân từ Thiên Chúa.

Long Xuyên, ngày 28-01-2000