Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Lời hối thúc của Năm Thánh

Năm Thánh 2000 nhắm vào biến cố Ngôi Lời giáng sinh. Ngoài mục đích tạ ơn Thiên Chúa, tôi còn nhắm mục đích đưa biến cố giáng sinh vào thời sự cứu độ của hôm nay, và cũng để tìm kiếm những luồng gió mới của Thiên Chúa cho tương lai Hội Thánh chúng ta.

Với những thao thức như thế, tôi cầu xin Chúa ơn được nhận ra thánh ý Chúa và biết đón nhận thánh ý Chúa. Tôi lắng nghe và thấy ba hối thúc sau đây.

 I/ Hãy nhìn Thiên Chúa đúng với chân lý mạc khải

Chúa Giêsu đã mạc khải về Thiên Chúa Cha (x. Ga 1,18). Người đã mạc khải qua chính bản thân Người và cuộc đời Người. Nhất là trong biến cố giáng sinh.

Tất cả những gì thuộc về Chúa Giêsu đều mạc khải một Thiên Chúa tình yêu (1 Ga 4,8). Một tình yêu cho đi chính mình. Một tình yêu dâng hiến. Một tình yêu chấp nhận khó nghèo, từ bỏ mình, khiêm tốn, âm thầm, để đến với loài người và ở lại giữa loài người. Sự sống Thiên Chúa là tình yêu.

1. Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu cứu độ. Ðến nỗi, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình, làm giá cứu chuộc cho nhân loại, một nhân loại có nhiều người tội lỗi, lầm lạc, nghèo khổ và bế tắc (x. Ga 10,1-18; 1 Ga 4,10).

2. Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu khiêm tốn. Ðến nỗi, dù là Ngôi Hai Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã không tranh đấu để được ngang hàng với Chúa Cha, nhưng đã tự nguyện hạ mình xuống, trở nên con người, trong thân phận yếu đuối, chỉ trừ tội lỗi, để được hoà mình với nhân loại trôi nổi giữa dòng đời phức tạp (x. 2 Cor 8,9).

3. Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu dành ưu tiên cho những kẻ bé mọn. Ðến nỗi Chúa Giêsu đã đồng hoá chính mình với kẻ nghèo khó bé mọn. Người khẳng định là: Khi phục vụ những kẻ bé mọn, thiếu thốn, thì được kể như phục vụ chính Người. Hơn nữa, Chúa Giêsu cũng đã dành ơn gọi đặc biệt cho những kẻ bé mọn. Người khen ngợi những kẻ bé mọn chính là những người được Thiên Chúa chọn để mạc khải cho những điều bí nhiệm về Nước Trời (x. Mt 25; Mt 11).

4. Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu bao dung tha thứ. Ðến nỗi, dù bị đối xử tàn tệ, Chúa Giêsu vẫn nhìn những kẻ hành hạ Người với cái nhìn yêu thương. Ngài còn bầu cử với Ðức Chúa Cha, xin ơn tha thứ cho họ (x. Lc 23,34).

5. Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu thăng tiến. Ðến nỗi, Chúa Giêsu đã không ngại hy sinh chính bản thân mình, để đem lại cho con người sự sống thực sự dồi dào. Người nâng họ lên địa vị con cái Thiên Chúa, để sau cùng họ được về chung hưởng hạnh phúc với chính Thiên Chúa (x. Rm 8,29; 1Ga 3,1).

6. Sự sống của Thiên Chúa là tình yêu khổ đau gắn liền với thánh giá. Ðến nỗi, Chúa Giêsu chấp nhận mọi khổ đau để đi tìm những người bị xã hội ruồng bỏ loại trừ, để nâng họ lên, để kính trọng họ, để giúp họ tìm lại được nhân phẩm, và được hội nhập vào cộng đoàn những người con tự do của Chúa (x. 1 Cor 2,1-15).

Hồi đó, hình ảnh một Thiên Chúa do Chúa Giêsu mạc khải như thế đã bị nhiều người chê chối. Theo thánh Phaolô kể lại, thì dân Do Thái cho đường hướng của tình yêu Thiên Chúa chấp nhận thánh giá là một lựa chọn gây gương xấu. Còn dân Hy Lạp thì cho đó là một chọn lựa dại khờ (x. 1 Cor 1,23-24).

Thiết tưởng thời nay cũng thế thôi. Người ta vẫn quen tạo ra những hình ảnh về Thiên Chúa hợp với khuynh hướng ưa quyền lực vinh quang kiểu trần thế. Rồi từ những hình ảnh sai lạc đó, người ta nhìn Thiên Chúa với một chân dung bị tục hoá hoặc bị chính trị hoá.

Vì thế, mà cần phải tìm lại chân dung Thiên Chúa theo đúng chân lý mạc khải. Xin nói ngay là việc làm đó sẽ không dễ. Một phần là công việc đó đòi phải học Phúc Âm đến nơi đến chốn. Một phần công việc đó đòi phải có một đức tin sống động. Nghĩa là đức tin cộng với ơn Chúa Thánh Thần và các kinh nghiệm bản thân. Dù trong hoàn cảnh nào, nền tảng làm nơi xuất phát mọi khởi đầu và khởi đầu lại việc đi tìm chân dung Thiên Chúa vẫn là lòng khiêm tốn.

 II. Hãy tìm cách làm chứng cho Chúa đúng với chân lý mạc khải

Làm chứng cho Chúa, đó là một cách thờ phượng Chúa và cũng là một cách truyền giáo, mà hiện nay đang thấy rộ lên dưới nhiều hình thức. Thực ra, trên thực tế có làm chứng và cũng có phản chứng. Ðể được an tâm tối đa trên đường làm chứng cho Chúa, thiết tưởng chúng ta hãy tìm cách nào đúng nhất với chân lý mạc khải.

Những cách làm chứng đúng nhất với chân lý mạc khải là những cách sau đây:

1. Hãy bắt chước gương mẫu Chúa Giêsu. “Thầy đã nêu gương cho các con, để các con cũng làm như Thầy đã làm cho các con” (Ga 13,15).

2. Hãy bước theo Chúa Giêsu. “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng với Thầy” (Mt 10,37). “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

3. Hãy sẵn sàng tham dự vào số phận của Chúa Giêsu. “Hãy nhớ lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ các con” (Ga 15,20).

4. Nhất là hãy sống chính sự sống của Chúa Giêsu: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính Chúa Giêsu sống trong tôi” (Ga 2,20).

Sự sống của Chúa Giêsu là tình yêu như đã được mạc khải. Kinh nghiệm cho thấy: Nếu trong đời sống thường ngày, chúng ta sống đúng sự sống tình yêu của Chúa Giêsu, thì đó là chúng ta làm chứng cho Chúa một cách hữu hiệu nhất.

Thánh Phaolô rất xác tín điều đó, nên ngài đã khẳng định sự quan trọng tuyệt đối của tình yêu trong các hoạt động đạo đức. Nếu làm được đủ mọi thứ đạo đức lạ lùng, anh dũng, nhưng thiếu tình yêu, thì cũng kể như không. “Giả như tôi nói được các thứ tiếng... kể cả các thứ tiếng thiên thần.... Giả như tôi được ơn tiên tri... Giả như tôi đem hết tài sản cơ nghiệp ra mà bố thí, hay nộp thân xác tôi, để chịu thiêu đốt, mà nếu tôi không có tình yêu đức ái, thì cũng chẳng ích gì” (1Cor 13).

Lời thánh Phaolô trên đây là một xác định mạnh mẽ, rất cần được nhắc đi nhắc lại cho hết thảy chúng ta.

Ðang khi nhiều người ngoài công giáo biết đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, đang dấn thân rao giảng và làm chứng cho tình yêu hoà giải, tình yêu cứu độ, tình yêu thăng tiến, thì không thiếu người công giáo lại gieo rắc hận thù, ghen ghét, chia rẽ nhân danh đạo Chúa. Ðó là một phản chứng đang làm suy yếu Hội Thánh.

 III. Hãy cộng tác vào việc đào tạo những cộng đoàn đúng với chân lý mạc khải

Ðào tạo những cộng đoàn, đó là việc Chúa Giêsu đã rất quan tâm. Cộng đoàn nơi đây được hiểu là những người qui tụ xung quanh Chúa Giêsu. Có cộng đoàn đông người, có cộng đoàn ít người. Nhưng tất cả đều ý thức mình được sai đi.

Sự sai đi của họ là một tham dự vào sự sai đi của Chúa Giêsu. Ai sai đi, sai đến với ai, để làm gì, thì lời Kinh Thánh sau đây nói rõ: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu cho tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho người nghèo khó. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho kẻ mù loà biết họ được sáng, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18-19).

Chúa Giêsu đào tạo các nhóm truyền giáo của Người một cách sát thực tế như:

- Giúp họ quan sát thực tại (x. Mc 8,27-29; Ga 4,35; Mt 16,1-3).

- Giúp họ phân định (x. Mc 9,28-29)

- Giúp họ đối diện với những nhu cầu của dân chúng (x. Ga 6,5).

- Giúp họ biết suy nghĩ các vấn đề thời cuộc đặt ra (x, Lc 13,1-5).

- Giúp họ sửa sai (x. Lc 9,46-48).

- Giúp họ biết tỉnh thức và cầu nguyện (x. Mt 6,5-15).

- Giúp họ tập sống tình huynh đệ (x. Mt 23,8-10).

- Giúp họ biết chia sẻ của cải (x. Mc 10,28).

- Giúp họ coi quyền bính là phục vụ (x. Lc 22,25-26).

- Giúp họ biết tha thứ và hoà giải (x. Ga 20,23; Mt 18,18).

Trên đây chỉ là một ít việc của chương trình đào tạo cộng đoàn, trích ra từ mạc khải Phúc Âm.

ù

Năm Thánh 2000 sắp đến ngày bế mạc. Ðang khi đó Ðất Thánh nơi Chúa Giêsu sinh ra, và được tưới bằng máu Chúa cứu thế, lại đang là nơi diễn ra hận thù. Và đang khi đó, nhiều cộng đoàn lớn Kitô giáo, như nhiều nước công giáo, nhiều vùng công giáo, lại đang rất dửng dưng với những huấn giáo về luân lý và bí tích. Và đang khi đó, tình hình phát triển đạo tại Việt Nam chúng ta cũng đang bị tinh thần cục bộ và phong trào tục hoá chi phối một cách đáng kể.

Ánh sáng và bóng tối đang tranh giành bầu trời Năm Thánh. Trước tình hình đó, chúng ta hãy làm bổn phận của chúng ta. Bổn phận của chúng ta là xem xét lại chính mình. Vấn đề lớn của chúng ta là chính bản thân ta.

Mong rằng mấy gợi ý trong bài chia sẻ này sẽ giúp phần nào mỗi người chúng ta trong việc suy nghĩ vấn đề lớn của chính mình.

Long Xuyên, tháng 12-2000