Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Hình ảnh đẹp của Tin Mừng

Trong những ngày này, báo chí, truyền thanh và truyền hình đưa ra rất nhiều hình ảnh. Ðặc biệt là các hình ảnh của những người đã và đang góp phần xây dựng Ðất Nước. Nhiều hình ảnh được lặp đi lặp lại. Nhưng rồi qua đi rất mau.

Tôi tự hỏi, hình ảnh nào còn ở lại trong lòng người dân. Có nghĩa là loại người nào đã gây được nhiều mộ mến.

Nếu tôi không lầm, thì đó là loại người được minh chứng là đã và đang chịu đau khổ cùng với những ai khổ đau. Họ là những người chịu đau khổ thay cho người khác. Họ là những người chịu đau khổ đi tìm hạnh phúc cho tha nhân.

Họ đau khổ cùng với. Họ đau khổ thay cho. Họ đau khổ đi tìm. Bởi vì họ yêu thương.

Họ có một vẻ đẹp quyến rũ. Không do ngoại hình, nhưng do tình thương nằm trong liên đới. Liên đới đó được diễn tả bằng khổ đau.

Khi đem nhận định trên đây áp dụng vào lãnh vực tôn giáo, tôi cũng thấy như vậy.

Hằng ngày có nhiều thứ hình ảnh được trưng bày. Hình ảnh người dâng thánh lễ, hình ảnh người hành hương, hình ảnh người cầu nguyện, hình ảnh người giảng dạy, hình ảnh người dâng cúng, hình ảnh người làm từ thiện.

Nhưng hình ảnh gợi cảm nhất vẫn là hình ảnh người hy sinh, dấn thân, chịu đau khổ thay cho người khác, chịu đau khổ cùng với những ai đau khổ, chịu đau khổ đi tìm an bình phát triển cho Quê Hương và Hội Thánh.

Nếu cần đặt tên cho những người như thế bằng một từ của Kinh Thánh, thì có thể gọi họ là người đầy tớ khổ đau.

 Người đầy tớ khổ đau

Tiên tri Isaia mô tả khổ đau là vận mạng người đầy tớ Ðức Giavê. Bài ca thứ tư, đoạn 53, trình bày hình ảnh đó.

Ngài bị khinh khi, bị coi là đồ phế thải của người đời. Con người đau đớn và bệnh tật. Ngài như một kẻ, nếu gặp chúng tôi, thì lo giấu mặt. Ngài bị khinh dể, và chúng tôi đã chẳng thèm đếm xỉa”.

Lý do khiến Ngài chịu đau khổ là lòng thương của Ngài muốn đền tội thay cho chúng ta.

Chính các bệnh tật của chúng tôi, Ngài đã mang lấy. Chính các đau khổ của chúng tôi, Ngài đã vác.

Ngài đã bị đâm vì những ngỗ nghịch của chúng tôi và vì tội vạ của chúng tôi, Ngài đã bị nghiền tán. Ðã giáng xuống Ngài hình phạt, để đổi lấy an bình cho chúng tôi. Nhờ những vết thương Ngài chịu, chúng tôi mới được phương được lành.

“... Giavê để Ngài phải luỵ vì tội vạ hết thảy chúng tôi” (Is 53,3-6).

Một lý do nữa khiến Ngài chấp nhận khổ đau là để kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa được nên trọn.

Giavê đã ái mộ kẻ Người để cho bị nghiền nát. Và đã cho hồi phục kẻ đã hiến mình làm hy sinh tạ tội. Ngài sẽ được thấy dòng giống, sẽ thọ trường sinh. Và ý định Giavê nhờ Ngài sẽ nên trọn” (Is 53,9).

Tất cả những lời tiên tri của Isaia về người đầy tớ đau khổ đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giêsu Kitô.

Chúa Giêsu Kitô đến như người đầy tớ. Bởi vì Người là tình yêu phục vụ. Người đến không để được phục vụ, mà để phục vụ. Phục vụ một cách khiêm nhường như người đầy tớ. Phục vụ để vâng lời Chúa Cha. Phục vụ vì yêu thương nhân loại.

Tuy phục vụ như thế, Chúa Giêsu đã chịu biết bao khổ đau, do thái độ dửng dưng, chống đối, hiềm khích, ghen tương của chính dân Người. Sau cùng, “Người đã đi ra, vác thánh giá, đi lên núi Golgotha, ở đó họ đóng đinh Người” (Ga 19,7).

Lý do khiến Người chịu đau khổ như thế là vì Người dấn thân gánh tội thiên hạ, đền tội thay cho nhân loại, chịu khổ cùng với tất cả những ai phải sống cảnh khổ đau. Vì thế Người trở nên nguồn an ủi cho mọi người lâm cảnh khổ đau.

Lý do mạnh nhất chính là tâm tình vâng phục ý Chúa Cha. “Người đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết, và là cái chết trên thánh giá” (Pl 2,8). "Do sự bất tuân của một người mà bao người đã bị liệt vào hàng tội nhân. Cũng vậy, vì sự vâng phục của một người, nhiều người sẽ được liệt vào hàng công chính” (Rm 5,19). “Dẫu là con, Người đã phải đau khổ dãi dầu, mà dạy cho biết vâng phục. Và một khi đã hoàn thành, Người đã nên nguyên nhân cứu rỗi đời đời cho những ai vâng phục Người” (Dt 5,8-10).

Chịu đau khổ thay cho, chịu đau khổ cùng với những ai đau khổ, chịu đau khổ để vâng phục Thiên Chúa, đó là những hình ảnh đẹp của Tin Mừng. Những hình ảnh đẹp đó đã được loan báo từ Cựu Ước đến Tân Ước. Thử hỏi xem: Những hình ảnh như thế có dễ tìm được trong cộng đoàn chúng ta không? Nhất là những hình ảnh như thế có được nhận thấy nơi chính bản thân chúng ta không?

 Tỉnh thức và phân định

Càng ngày, hình ảnh người đầy tớ khổ đau trong Hội Thánh càng mang nhiều hình thức khác nhau.

Nhưng chắc chắn không phải mọi phục vụ của người đầy tớ đều đúng ý Chúa. Cũng như chắc chắn không phải mọi khổ đau của người đầy tớ đều mang ý nghĩa cứu độ. Vì thế mà cần phải biết tỉnh thức và phân định.

Nhiều khi phục vụ của ta không được Chúa chấp nhận, hoặc vì nội dung không đúng ý Chúa, hoặc vì cách phục vụ không hợp ý Chúa, hoặc vì thời gian trái với ý Chúa.

Thí dụ: Khi Chúa Giêsu biến hình trên núi, Người cho ba môn đệ thấy vinh quang của Người. Nhưng Người truyền cho các môn đệ đừng nói ra với ai về sự lạ mới thấy, cho tới ngày Người kết thúc cuộc đời trần thế. Có nghĩa là phục vụ tốt là phải phục vụ đúng thời gian Chúa muốn (x. Mt 17,1-9).

Khi Chúa Giêsu dạy cầu nguyện, bố thí và ăn chay, Người truyền dạy phải thực hiện ba việc đó một cách kín đáo, không phô trương. Có nghĩa là phục vụ tốt là phải phục vụ đúng cách Chúa dạy (x. Mt 6,1-18).

Khi Chúa Giêsu tỏ cho các tông đồ biết Người sẽ nạp mình chịu chết, thì thánh Phêrô can Người đừng làm như vậy. Thánh Phêrô coi ý kiến của mình là một nội dung phục vụ. Nhưng Chúa mắng Phêrô và cho ý kiến của Phêrô là do Satan. Có nghĩa là phục vụ tốt là phải phục vụ đúng nội dung Chúa chọn (x. Mt 16,21-23).

Vài chi tiết trên đây cho thấy chúng ta cần phải năng xem xét bổn phận phục vụ của chúng ta. Phục vụ như người đầy tớ mà còn phải thế. Phương chi phục vụ như kẻ cầm quyền.

Riêng về đau khổ, chúng ta cần phải tỉnh thức và phân định một cách trưởng thành, sáng suốt hơn. Ðôi khi chúng ta phải đau khổ rất nhiều vì những lý do khác nhau, kể cả lý do bị bắt bớ, bị ngược đãi vì Phúc Âm. Nhưng sau đó nếu chúng ta dễ dàng khoe khoang những chuyện ấy, thì có thể sẽ làm cho đau khổ của ta mất đi giá trị thiêng liêng cao quý của nó. Những hào quang thế tục sẽ đến tước lột khỏi ta những gì là tham gia vào thánh giá thực của Ðức Kitô, để trả lại cho ta cái tầm thường của mọi vinh quang tầm thường.

Ðôi khi chúng ta cũng đau khổ do cộng đoàn chống đối, dửng dưng, trì trệ. Nhưng nếu chúng ta dễ dàng đổ lỗi cho người khác và cho hoàn cảnh, thì đau khổ của ta sẽ mất đi sức sống cứu độ. Bởi vì đau khổ luôn mang tiềm năng giáo dục, đào tạo và sáng tạo. Nó đánh thức ta. Nó thanh luyện ta. Nó đào tạo ta. Nó mở ra cho ta những con đường mới. Nếu lúc đó chúng ta thực sự chịu khổ đau thay cho người khác và chịu khổ đau cùng với những người khổ đau, để quyết tâm tìm vâng phục ý Chúa trong sám hối cầu nguyện và phấn đấu, thì Chúa sẽ thương cứu ta và cứu cộng đoàn của ta.

Ðôi khi chúng ta khổ đau vì cảnh nghèo túng, dốt nát, chia rẽ và bế tắc của gia đình, thôn xóm chúng ta. Nhưng nếu chúng ta dễ dàng kêu trách số phận, mà không chịu khó cố gắng xây dựng hoà bình và phát triển, nhất là không nhờ ánh sáng và sức mạnh của Chúa, để biết đau khổ thay cho người khác và biết đau khổ với người khác, thì đau khổ có thể đẩy đưa chúng ta vào con đường cô đơn thất vọng và liều lĩnh. Lúc đó cuộc sống sẽ là một chuỗi mắt xích trói chúng ta vào những bất hạnh.

Trái lại, biết đau khổ trong yêu thương sẽ là đau khổ mà vẫn hân hoan và cao thượng.

ù

Năm Thánh này nhắm đổi mới con người và cộng đoàn. Sức mạnh đổi mới xem ra sẽ ít đến từ những điểm ồn ào. Nhưng sức mạnh đổi mới sẽ đến từ Thiên Chúa một cách lặng lẽ, qua những người âm thầm vác thánh giá đi theo Ðức Kitô. Những người dám chịu đau khổ thay cho người khác. Những người vui lòng chịu đau khổ cùng với những người khổ đau. Những người hy sinh chịu đau khổ vì yêu thương phục vụ Chúa. Những người dấn thân vào đau khổ vì yêu thương phục vụ đồng bào. Những người mang thánh giá thực của Chúa Giêsu. Họ là những hình ảnh đẹp của Tin Mừng. Họ sống là sống hân hoan làm chứng cho tình yêu phục vụ, cho dù phải đau khổ và chết trên thánh giá. Họ là những người có khả năng loan báo Tin Mừng tại Việt Nam hôm nay.

Long Xuyên, ngày 29-01-2000