Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Tổ phụ Abraham
nơi Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II

Ngày 18 tháng 5 năm 2000 này, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II bước vào tuổi 80.

Với tuổi 80, ai cũng được coi là già. Riêng đối với tôi, tuổi tác của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một đỉnh cao rạng rỡ. Càng cao tuổi, Ðức Gioan Phalô II càng nhắc tôi nhớ về tổ phụ Abraham, một tổ phụ cội nguồn, nổi tiếng là sống lâu và vững tin vào Lời Chúa.

Trong Cựu Ước, tổ phụ Abraham được nhắc tới 230 lần. Còn trong Tân Ước, ngài được nói đến 72 lần. Chính Ðức Mẹ Maria cũng trân trọng nêu tên tổ phụ Abraham trong kinh Tạ ơn của Người.

Nếu không lầm, thì Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II là một trong những vị Giáo Hoàng nhắc tới tổ phụ Abraham nhiều nhất.

Trước hết, Ngài nhắc đến Abraham bằng lời nói. Chẳng hạn lời cầu nguyện sau đây của Ngài tại Assisi ngày 10/3/1993: “Chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai nhìn nhận tổ phụ Abraham là cha của mình trong đức tin. Ðó là những người Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo. Xin Chúa giúp chúng ta bỏ đi những hiểu lầm nhau và những cản trở, để chúng ta cùng nhau xây dựng hoà bình”.

Cùng với những lời cầu nguyện như trên, Ðức Thánh Cha mong muốn thực hiện cuộc hành hương đức tin theo con đường tổ phụ Abraham đã đi xưa. Ðây là một mong muốn độc đáo của riêng đời Ngài. Chuyến đi hành hương đó đã chỉ thực hiện được một phần. Nhưng âm vang của nó còn đang thấm sâu trong lòng những ai vẫn còn gắn bó với tổ phụ Abraham như một mô hình đức tin.

Thêm vào lời nói về Abraham và hành hương theo bước Abraham, Ðức Thánh Cha đã nhắc Abraham bằng đời sống của mình.

Thực vậy, trong suốt đời Abraham, nét nổi bật nhất là trung thành với Lời Chúa. Tổ phụ Abraham là con người của Lời Chúa.

Lời Chúa được lắng nghe,

Lời Chúa được suy gẫm,

Lời Chúa được vang vọng trong cầu nguyện và trao đổi,

Lời Chúa thúc đẩy hiến dâng,

Lời Chúa soi sáng chọn lựa,

Lời Chúa giục giã lên đường,

Lời Chúa ban sức để phấn đấu, và vượt qua thử thách.

Tổ phụ Abraham sống Lời Chúa, tin vào Lời Chúa. Ðức Gioan Phaolô II cũng như vậy.

Tôi được hạnh phúc có dịp ở gần Ðức Thánh Cha, nhiều lần tại bàn thờ riêng của Ngài, nhiều lần tại bàn giấy riêng của Ngài, nhiều lần tại bàn ăn riêng của Ngài.

Tại nhà nguyện của Ngài, khi được đồng tế với Ngài, tôi đã rất xúc động trước hình ảnh Ngài lắng nghe Lời Chúa, gẫm suy Lời Chúa, cầu nguyện Lời Chúa. Chính hình ảnh đó đã là một yếu tố quan trọng bồi dưỡng đời sống thiêng liêng của tôi.

Tại bàn giấy của Ngài, khi được Ngài tiếp kiến, tôi nghe Lời Chúa vang vọng trong các suy nghĩ, trong cách nhìn và trong những thao thức của Ngài.

Tại bàn ăn, khi được ngồi đối diện với Ngài, tôi cảm thấy Lời Chúa toát ra qua thái độ khiêm nhường, yêu thương, tế nhị và phục vụ của Ngài.

Một hôm tôi trình bày với Ðức Thánh Cha những trăn trở của tôi về Hội Thánh toàn cầu nói chung và về Hội Thánh Việt Nam nói riêng. Ngài chăm chú nghe, rồi trả lời tôi: “Khi mới nhận nhiệm vụ Giáo Hoàng, tôi cũng rất mong ước làm nhiều điều, như Ðức Cha vừa gợi ý. Nhưng cho đến nay, tôi vẫn chưa thực hiện được”. Lời tâm sự chân tình khiêm tốn trên đây cho tôi hiểu Ðức Thánh Cha gặp rất nhiều thử thách. Cũng phần nào giống Abraham.

Một lần khác, khi đề cập đến những thánh giá đủ loại mà Ngài phải vác, tôi hỏi Ngài có vì thế mà đau khổ không, thì Ngài thưa: “Tôi quen rồi”. Lời vắn tắt đó đã nhiều lần gợi ý cho tôi nhớ lại cả một chiều dài lịch sử cứu độ, từ Abraham đến Chúa Giêsu, các tông đồ và cho tới hôm nay. Người sống Lời Chúa sẽ phải tập quen chịu đau khổ. Người dẫn đưa Dân Chúa đi theo Lời Chúa càng phải quen với khổ đau. Lúc đó, thánh giá là một khí cụ giải phóng đầy vinh quang. Ðức Thánh Cha đã và đang trải qua kinh nghiệm ấy. Là một mô hình sống Lời Chúa một cách quyết liệt và sáng tạo, Ngài đáng được trân trọng, mộ mến và bắt chước.

Tổ phụ Abraham từ trần, khi tuổi đã tới 175. Ngài được chôn cất trong cánh đồng của Ephrôn, tại Mecpela. Ngài chết như một người hành hương, được an táng ở một đất nước không phải là quê hương, nơi mình đã sinh ra.

Tôi có cảm tưởng là Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sẽ còn gợi nhớ tổ phụ Abraham về nhiều chi tiết, kể cả về tuổi tác và cũng có thể về chốn an nghỉ cuối cùng xa quê hương, nơi Ngài sinh trưởng.

Với tâm tình con thảo, chúng ta hãy cầu nguyện rất nhiều cho Ðức Thánh Cha yêu quý của chúng ta và cũng hãy hết lòng tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một vị Giáo Hoàng xuất sắc đầy uy tín, luôn là một mục tử nhân lành.

Long Xuyên, tháng 5-2000