Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Vượt qua những mâu thuẫn

Những ngày gần Tuần Thánh, tôi hay suy nghĩ về những chọn lựa của Chúa Giêsu trong chương trình cứu chuộc nhân loại. Những chọn lựa ấy quá bất ngờ, ngoài sức tưởng tượng, vượt mọi suy tính của óc khôn ngoan con người. Ngay cả đến người thân cận nhất của Chúa Giêsu là thánh Phêrô, cũng phải sửng sốt, ngỡ ngàng. Thánh Phêrô đã thẳng thắn chống lại. Nếu gọi đây là mâu thuẫn giữa thánh Phêrô và Chúa Giêsu, thì mâu thuẫn như vậy đã xảy ra trong ba trường hợp.

 Mâu thuẫn về đường lối cứu độ

Phúc Âm thánh Marcô kể lại “Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và sau ba ngày, sẽ sống lại. Người nói rõ điều đó, không úp mở. Ông Phêrô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người. Nhưng, khi Chúa Giêsu quay lại, nhìn thấy các môn đệ, Người liền mắng ông Phêrô: Satan, hãy lui lại đàng sau Thầy. Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,31-33).

Qua lời kể trên, chúng ta thấy: Con đường Chúa Giêsu sẽ đi là rất đau khổ. Người biết trước và Người chấp nhận. Vì mến Thầy, thánh Phêrô đã cản ngăn ý định đó. Không những Chúa Giêsu không nghe, không khen, mà còn mắng trách Phêrô. Chưa bao giờ Người dùng từ Satan để mắng ai. Chỉ có lần này. Chứng tỏ rằng: Ði vào tử nạn là một chọn lựa của Người cực kỳ quan trọng, bởi vì đó là ý Chúa Cha, để chứng tỏ tình yêu giàu lòng thương xót vô biên vô bờ. Chọn lựa giải pháp hy sinh vì tình yêu là dứt khoát.

 Mâu thuẫn về phong cách phục vụ

Phúc Âm thánh Gioan kể: “Trong một bữa ăn, Chúa Giêsu đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Người đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Simon Phêrô, ông liền thưa với Người: Thưa Thầy, Thầy mà lại rửa chân cho con sao? Chúa Giêsu trả lời: Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu. Ông Phêrô lại thưa: Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu. Ðức Giêsu đáp: Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy” (Ga 13,3-8).

Qua đoạn Kinh Thánh trên, chúng ta thấy: Chúa Giêsu muốn dạy các tông đồ phong cách phục vụ. Phục vụ như người đầy tớ. Phục vụ như người bề dưới, cho dù mình ở bậc trên. Ðây cũng là một sáng kiến bất ngờ. Thánh Phêrô nhất định không chịu. Cũng vì kính trọng Thầy: thánh Phêrô chỉ vâng, khi Chúa đe, nếu Ngài bất tuân, Chúa sẽ loại trừ Ngài. Chứng tỏ rằng: Khiêm nhường là phong cách chuẩn mực, Chúa muốn các môn đệ Người thực hiện khi phục vụ. Chọn lựa đó là nhất định không thay đổi được.

 Mâu thuẫn về cách đối phó với cuộc bách hại

Phúc Âm thánh Gioan kể: “... Ðức Giêsu đi ra cùng với các môn đệ, sang bên kia suối Kít-rôn. Ở đó có một thửa vườn. Người cùng với các môn đệ đi vào... Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các thượng tế và nhóm Pharisêu. Họ mang theo đèn đuốc và khí giới.. Ông Simon-Phêrô có sẵn một thanh gươm, bèn tuốt ra, nhằm người đầy tớ vị thượng tế, mà chém đứt tai phải của y... Chúa Giêsu nói với ông Phêrô: Hãy xỏ gươm vào vỏ. Chén đắng Chúa Cha đã trao cho Thầy, lẽ nào Thầy chẳng uống” (Ga 18,1-11).

Qua những sự việc trên, chúng ta thấy: Chúa muốn dạy các môn đệ phải nhẫn nhục hiền hoà. Khi bị bách hại vì đức tin, đức ái, không được dùng bạo lực để đối phó. Ðối phó mà Chúa muốn là hiền hoà nhẫn nhục. Chủ trương đó là một sáng kiến mới lạ, khác với phản ứng tự nhiên của con người. Thánh Phêrô đã phản ứng theo toan tính tự nhiên. Ðó là bạo lực đáp trả bạo lực. Chúa Giêsu không cho phép Phêrô tiếp tục cách đối phó ấy. Hiền hoà nhẫn nhục là một chọn lựa quyết liệt của Chúa Giêsu. Phải triệt để áp dụng.

ù

Suy nghĩ ba trường hợp trên đây, tôi rất thông cảm với thánh Phêrô. Bởi vì tôi cũng thế thôi. Có thể nói, tất cả chúng ta cũng hơn kém như Ngài. Chúng ta, cá nhân cũng như tập thể, thường nuôi trong mình một hình ảnh Thiên Chúa đầy quyền năng, uy lực. Chẳng hạn: Thiên Chúa là Ðấng tối cao nắm trong tay mọi hiệu nghiệm, mọi chiến thắng, Thiên Chúa là vua cao sang, dư sức đánh bại mọi quân thù, đè bẹp mọi vương quốc chống lại Người. Chúng ta thường nghĩ vinh quang Thiên Chúa là các thành công như thế.

Nhưng Thiên Chúa, mà Chúa Giêsu mạc khải, chính là người Cha giàu tình yêu thương xót. Cha trên trời rất thương loài người, mặc dầu bao người lầm lỗi. Người thương chúng ta, khi chúng ta còn trong tội lỗi. Người thương chúng ta, trước khi chúng ta nhận biết Người. Chính vì thế, mà trong mọi chi tiết của công trình cứu độ, Người luôn luôn chọn những gì là đẹp nhất và quý nhất của tình yêu: Như hiền hoà, nhẫn nhục, khiêm nhường, hy sinh.

Hình ảnh Người đưa ra để cắt nghĩa là hạt lúa. Hạt lúa phải chịu ném xuống đất, phải chịu chôn vùi, phải chịu thối đi, thì mới nẩy mầm, sinh ra cây, và trổ hoa, kết trái.

Chúa thông suốt mọi sự. Người biết cái gì là tốt cho chương trình cứu độ. Hãy theo ý Người. Thánh Phêrô cứ tưởng mình can đảm, và phải tỏ ra mình can đảm theo kiểu thế gian. Ngài coi ý nghĩ của mình là đúng. Ngài đi vào dinh Philatô để tìm cách cứu Thầy. Thế rồi, vừa gặp mấy người tầm thường chất vấn, Phêrô đã hoảng sợ, đâm ra chối Thầy. Bấy giờ, rơi xuống vực thẳm yếu đuối, Ngài mới rõ đi theo ý riêng mình là đi sai. Bấy giờ Ngài mới nhận ra ơn cứu độ sẽ chỉ đến với Ngài, nếu Ngài vâng phục ý Chúa, cậy tin vào Chúa. Từ đây, thánh Phêrô đã thực sự vượt qua mọi mâu thuẫn. Ngài hoàn toàn thực hiện ý Chúa. Ngài đã trở thành người đứng đầu Giáo Hội.

Long Xuyên, ngày 7-4-2000