Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Cứu trợ và được cứu trợ

Từ mấy tháng nay, cứu trợ là một thời sự nóng. Tại đồng bằng sông Cửu Long này, thời sự cứu trợ chiếm một địa vị quan trọng trong sinh hoạt đời thường. Tôi nghe, tôi thấy và tôi tham dự. Cứu trợ gây nên thao thức, dẫn tới hành động, đòi hỏi tỉnh thức dấn thân. Nó trở thành đề tài để gẫm suy.

Nhìn vào tổng hợp cứu trợ tại địa phương này, tôi nhận ra vài nét đẹp. Những nét đẹp đó có khả năng trở thành những chỉ hướng, để Hội Thánh địa phương tìm ra cho mình một phong cách riêng đáng trân trọng. Tôi xin phép nêu lên những nét đẹp đó.

 Thương cảm

Trước đây, nhiều nơi nhiều người có thói quen coi Hội Thánh Công giáo như một tổ chức đặt nặng vấn đề thực thi các nghi lễ và sinh hoạt nội bộ. Nhưng từ ít lâu nay, khi người công giáo khắp nơi dấn thân vào việc xã hội, như cứu trợ các nạn nhân lũ lụt, không phân biệt lương giáo, nhiều người đã nhận ra một nét đặc sắc của Công giáo. Ðó là lòng thương cảm.

Thương cảm là một vẻ đẹp của tâm hồn rất dễ nhận thấy do trực giác, chứ không cần đến lý luận trí thức. Trực giác là rất Á đông.

Thương cảm là một giá trị thiêng liêng hướng về con người. Hướng về con người cũng là một đặc điểm rất Á đông.

Thương cảm là dấu chỉ sự nhạy bén của trái tim trước những khổ đau của cuộc đời. Cái tâm nhạy bén là một vẻ đẹp rất Á đông.

Thương cảm là một đặc tính làm nên quân bình nhân bản. Quân bình cũng là một đòi hỏi của nền đạo đức và văn hoá Á châu.

Chính vì thế mà, khi Công giáo muốn bàn đến việc hội nhập văn hoá và việc đối thoại với nền đạo đức truyền thống địa phương, Hội Thánh tại đây không thể không để ý đến việc phát huy lòng thương cảm.

Trong các nhóm đi cứu trợ, tôi thường nhận thấy thương cảm được thực hiện ở ba cấp. Cấp cá nhân, khi mỗi cá nhân toả sáng lòng thương cảm ra qua cách sống. Cấp nội bộ, khi các người trong nhóm sống thương yêu nhau trong nội bộ mình. Cấp xã hội, khi các người trong nhóm thực thi bác ái đối với các người ngoài nội bộ mình và ngoài Hội Thánh của mình.

Ðể được như thế, chắc chắn người ta đã đi vào con đường bé mọn thiêng liêng của Phúc Âm. Chấp nhận trở thành bé nhỏ, để được là anh chị em của nhau, cho dù mình là ai, và cho dù người khác là ai.

Ði cứu trợ, tôi thấy mình được cứu trợ về vẻ đẹp đó.

 Tế nhị

Trong cứu trợ có thể nhiều người đã tưởng mình là người ban phát. Ðôi khi còn tự cho mình có quyền phê phán, kết án người nọ người kia. Nhưng nếu biết tế nhị, chúng ta sẽ khám phá ra nhiều kho tàng thiêng liêng nơi những người được cứu trợ.

Tôi thấy nhiều khi sự đau xót của người nghèo không do cái thiếu của họ, mà là do cái giàu của người khác. Tức là người khác đã không tế nhị trong cách cứu trợ người nghèo khổ, nhất là trong cách đến với người nghèo khổ. Sự đau xót gây nên do những thái độ không tế nhị thường làm nên những thương tích nội tâm âm ỷ lâu dài.

Giản dị, chất phác ở thái độ bên ngoài và ở bên trong tâm hồn cũng là những cách diễn tả sự tế nhị.

Mới rồi, tại Rôma, trong một cuộc hội đàm với các tổ chức từ thiện thuộc nhiều nước Âu châu, có lúc tôi đã phát biểu rằng: Cứu trợ là hãy giúp cho người ta tìm được hy vọng. Nhưng sống trong hy vọng thường phải biết sống với thánh giá. Khi nghe câu đó, một bà ngồi trước mặt tôi, đại diện một nước lớn với chức vụ phụ trách cứu trợ Á châu, khe khẽ quay mặt sang phía khác. Bà có vẻ muốn che giấu một nỗi buồn thầm kín trào lệ. Trong giờ giải lao, bà đến gặp tôi, tâm sự: Tôi sống trong hy vọng và thánh giá suốt 14 năm nay. Tôi đau khổ lắm. Cha có thể đoán được. Cha có lời khuyên nào cho tôi không? Tôi thấy bà thực tế nhị, giản dị và chất phác. Bà muốn được cứu trợ về tinh thần, trước khi đi cứu trợ về vật chất. Tôi cũng vậy.

 Hợp tác

Các đoàn cứu trợ thường có sự hợp tác. Hợp tác dưới nhiều hình thức. Thí dụ ngày 11/11 vừa qua, tôi theo đoàn của giáo xứ thị xã Rạch Giá đi cứu trợ miền xa. Ðoàn gồm giáo dân, tu sĩ, linh mục, giám mục và một số bác sĩ của tỉnh. Tất nhiên, những phần quà cứu trợ cũng có sự hợp tác của các ân nhân xa gần, lương cũng như giáo, trong nước và ngoài nước. Ðây là một sự hợp tác rộng rãi. Chúng tôi tới cứu trợ tại một ngôi chùa người Khơmer ở xã Bình Giang, huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang. Ở đây, chúng tôi cứu trợ cho đồng bào nghèo xung quanh chùa. Diễn tiến cứu trợ được sự hợp tác hữu hiệu của các vị sư của chùa và của chính quyền địa phương.

Sự hợp tác mà tôi cho là rất quan trọng chính là sự góp phần của các nạn nhân lũ lụt. Họ góp phần bằng ý chí phấn đấu, sự khôn ngoan, sự khéo sử dụng những gì nhận được.

Phần riêng tôi, tôi vẫn coi sự hợp tác với Chúa là đòi hỏi hàng đầu. Khi hợp tác với Chúa, tôi nhận ra được nhiều công trình kỳ diệu Chúa đang làm trong các tâm hồn, và trong các nền văn hoá khác nhau. Chúa vẫn không ngừng sáng tạo trong lịch sử nhân loại và trong Hội Thánh. Cần hợp tác với Chúa bằng lắng nghe ý Chúa, bằng đón nhận ơn Chúa, bằng trả lời những tiếng gọi bất ngờ của Chúa, bằng sẵn sàng từ bỏ ý riêng để bước theo Chúa.

Hợp tác đó sẽ được hữu hiệu trong nội tâm cầu nguyện và thiện ý thanh luyện chính mình.

Hợp tác như thế sẽ làm cho việc cứu trợ trở thành của lễ hiến dâng đẹp lòng Chúa. Lúc đó, cứu trợ sẽ là máng chuyển tải ơn cứu độ đến cho mọi người, trong đó có người cứu trợ và người được cứu trợ.

Long Xuyên, ngày 12-11-2000