Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Xét mình về một chặng đường Năm Thánh

Mới hôm nào, Năm Thánh được khai mạc trọng thể, mở đầu một lịch trình Năm Thánh đầy những cử hành và qui tụ khác thường.

Hôm nay nhìn lại, ta thấy gần một nửa năm đã trôi qua. Thời gian ấy đã được chúng ta sử dụng thế nào?

Không thiếu người xem ra hài lòng, khi thấy mình đã lãnh được nhiều ơn toàn xá, đã thực hiện được nhiều cuộc hành hương, đã làm được nhiều việc từ thiện xã hội, và đã đọc được nhiều lần kinh Năm Thánh. Nếu chỉ có thế mà đã an lòng, thì tôi e rằng quá sớm. Bởi vì cho dù những việc trên đây có đạt được mức trong sáng thực sự mà Chúa muốn, thì vẫn chưa đủ để được gọi là sống ơn gọi Năm Thánh.

Ơn gọi Năm Thánh là đổi mới chính mình.

 Cái nhìn tổng quát về đổi mới chính mình

Thế nào là đổi mới chính mình? Thưa để bước vào sự hiểu biết một điều hết sức quan trọng như sự đổi mới chính mình, thiết tưởng chúng ta nên bám chặt vào nền tảng Kinh Thánh. Ở đây, tôi chỉ xin đưa ra mấy lời Tân Ước sau đây:

Anh em đừng rập theo lối sống đời này, nhưng hãy cải đổi con người anh em, bằng cách đổi mới tâm hồn, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: Cái gì là tốt, cái gì là đẹp ý Chúa, cái gì là hoàn hảo” (Rm 12,2).

Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Chúa Thánh Thần đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, để thực sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24).

Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Ðức Kitô. Ðức Kitô vốn đã là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ... Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thánh giá” (Pl 2,5-8).

Qua mấy lời Kinh Thánh trên đây, chúng ta có thể tạm đưa ra một cái nhìn căn bản tổng quát về việc đổi mới chính mình. Ðó là luôn sống theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Thần, phấn đấu gỡ bỏ lối sống chiều theo dục vọng xác thịt thế gian, để không ngừng tìm thực thi ý Chúa Cha, theo gương Chúa Giêsu Kitô từ tâm tình, cuộc sống cho đến cái chết vì vâng phục, hầu làm chứng cho Thiên Chúa là tình yêu thương xót.

Từ cái nhìn căn bản đó, chúng ta có thể đưa ra một vài nhận xét.

 Ðổi mới không phải là tìm hợp lý hoá đời sống

Trước hết, sự đổi mới chính mình, mà Chúa muốn, không phải là sự điều chỉnh lại nếp sống của mình sao cho hợp lý, hợp luật, hợp pháp.

Ðã có một thời, sự lựa chọn trong việc đổi mới chính mình được nhấn mạnh đến sự hợp-lý-hoá và hợp-luật-hoá đời sống. Khuynh hướng đó có một phần tốt, nhưng cũng có một phần không tốt, vì mở đường cho nhiều người đi tới đạo hình thức, thậm chí đi tới chỗ tìm hợp thức hoá những thái độ độc quyền, độc tôn, độc ác nhân danh luật Chúa.

Phúc Âm thánh Gioan kể lại chuyện nhóm biệt phái và luật sĩ dẫn một phụ nữ đến trước mặt Chúa Giêsu. Họ thưa với Người rằng: Cô này bị bắt vì tội ngoại tình. Cứ theo luật Maisen, thì cô này phải bị ném đá cho tới chết. Còn Thầy nghĩ sao? Nhóm tố cáo này thuộc loại người chủ trương phải điều chỉnh mình và cộng đoàn mình theo hướng hợp lý hoá và hợp luật hoá đời sống. Nhưng Chúa Giêsu đã không nghĩ thế. Người đi xa hơn và hướng cao hơn, như chúng ta đã biết (x. Gioan 8,3-11). Ngài làm chứng cho tình yêu thương xót.

 Ơn thánh không thay thế tự nhiên

Ngoài ra, sự đổi mới chính mình mà Chúa muốn, đòi hỏi phải có một nhận thức đúng về sự phức tạp của liên hệ giữa ơn thánh và cơ cấu tâm sinh lý, trình độ trưởng thành nhân bản và tình hình xã hội.

Ơn thánh không huỷ diệt và thay thế những gì thuộc lãnh vực tự nhiên. Một cấu trúc tâm sinh lý bị lệch lạc, một nhân bản bị bệnh hoạn hoặc quá non yếu, một lối suy nghĩ của cơ chế cộng đoàn vốn từ lâu sai trái và đã trở thành xơ cứng chai lì, tất cả những thứ đó trong con người sẽ không thay đổi được chỉ nhờ duy ơn Chúa, mà không cần đến sự cố gắng tái đào tạo. Sự kiện Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II mới rồi xin lỗi về sáu thứ lỗi lầm tập thể lớn lao kéo dài trong quá khứ Giáo Hội chứng tỏ rằng: ơn thánh không thiếu trong Giáo Hội, nhưng đã chỉ đổi mới được con cái Giáo Hội, khi nào họ bừng tỉnh, nhận mình sai trái, khiêm nhường đón nhận ơn chữa trị của Chúa và muốn thực tình phấn đấu nghiên cứu, học hỏi, tìm tòi với những cái nhìn mới của Kinh Thánh học, Thần học, Giáo Hội học và Truyền giáo học.

Ðiều chỉnh lại lối sống đạo đức không là Tin Mừng

Một nhận xét nữa cũng rất cần để ý, đó là sự đổi mới chính mình, mà Chúa muốn, không chỉ là bỏ đi những lối sống theo thói xác thịt và thế gian, mà cũng phải điều chỉnh lại những lối sống đạo không thực sự mang Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

Kinh nghiệm cho thấy, trong thâm tâm nhiều người, thường vẫn có một hoài vọng thầm kín về sự tôn sùng cái tôi. Nhiều khi, tham vọng thầm kín đó được nuôi dưỡng cũng bằng cả những thành công đạo đức, và được bọc trong những lớp sơn đạo đức. Thế rồi, nó trở thành khôn ranh và hung hăng, không ngần ngại lợi dụng thần thánh vào mục đích tìm tư lợi. Ba thứ lợi dụng mà Satan xưa đã đưa ra để cám dỗ Ðức Kitô trong sa mạc, nay vẫn còn là vấn đề thời sự trong Hội Thánh, nơi cá nhân này, cộng đoàn kia. Thắng vượt được những cám dỗ đó, để đổi mới chính mình, là chuyện không dễ.

 Thiện chí đổi mới nhờ Thánh Linh

Mặc dầu việc đổi mới chính mình là việc rất khó thực hiện được theo như Chúa muốn. Nhưng Chúa vẫn đòi chúng ta phải có thiện chí. Thiện chí muốn đổi mới, thiện chí cố gắng đổi mới, thiện chí phấn đấu với chính mình để đổi mới, nhất là thiện chí chấp nhận kế hoạch đổi mới do Chúa đề ra, đó là: Nhờ Chúa Thánh Linh, bước theo Ðức Giêsu Kitô, trên con đường thực thi thánh ý Chúa Cha, để trở nên tạo vật mới.

Ở đây, tôi chỉ xin dừng lại chút ít ở một điểm quan yếu, đó là: Nhờ Chúa Thánh Linh. Dứt khoát tôi phải nhờ Chúa Thánh Linh trong mọi canh tân.

Khi cầu nguyện, tôi nhờ Chúa Thánh Linh, để biết cầu xin sự gì, cầu nguyện làm sao, cho hợp với ý Chúa về bản thân tôi, trong từng hoàn cảnh thời gian và không gian. Khi cầu nguyện cho người khác, cho Quê Hương, cho Hội Thánh, tôi cũng phải nhờ Chúa Thánh Linh như vậy.

Khi nghe một Lời Chúa, tôi nhờ Chúa Thánh Linh, để đón nhận được ý Chúa gởi đến cho riêng tôi qua Lời đó.

Khi làm việc, tôi phải nhờ Chúa Thánh Linh, để biết nhạy cảm trước các thực tại cụ thể, biết ngoan ngoãn với động lực thúc đẩy bên trong của Chúa Thánh Linh, và biết giữ ý hướng luôn được trong trắng.

Khi học hỏi, quan sát, tìm tòi nghiên cứu, tôi nhờ Chúa Thánh Linh, để biết đọc được ý nghĩa các tín hiệu Chúa gởi qua các dấu chỉ.

Khi xét mình hằng ngày, tôi nhờ Chúa Thánh Linh, để biết nhận ra những gì Thánh Linh đang đợi chờ.

Khi phân định và chọn lựa, tôi nhờ Chúa Thánh Linh, để luôn tìm thánh ý Chúa Cha trên nền tảng và nguyên tắc là gương Ðức Kitô và lời Ðức Kitô.

Khi gặp thử thách, tôi nhờ Chúa Thánh Linh, để biết tìm được sự lành trong sự dữ, và biết biến đổi sự xấu thành sự tốt đẹp.

ù

Ðể kết, tôi xin nhấn mạnh điều này: Ðổi mới chính mình không chủ yếu là đổi quan điểm hay phong-phú-hoá kho tàng kiến thức về giáo lý, nhưng là đổi mới chính sự sống nội tâm. Khi đức tin không chỉ là sự chấp nhận một hệ thống chân lý, mà đã trở thành sự sống tình yêu do Thánh Thần hướng dẫn, để gặp gỡ và bước theo Ðức Kitô, trên đường đi về Chúa Cha, thì sự sống ấy lan ra một cách tự nhiên, nhẹ nhàng.

Nó làm chứng và rao giảng nhờ sức mạnh Thiên Chúa ở cùng. Tới đây, chúng ta đã rõ: Mấu chốt vấn đề đổi mới bản thân mình chính là sự sống nội tâm.

Thời gian còn lại của Năm Thánh đang rút vắn lại. Chúng ta hãy quan tâm nhiều hơn đến lời kêu gọi khẩn cấp của Năm Thánh: Ðổi mới chính mình.

Ngay bây giờ, trước mắt, chúng ta hãy đáp lại lời gọi của Trái Tim Chúa Giêsu trên thánh giá “Ta khát” (Ga 19,28).

Người khát tình yêu khiêm nhường của ta.

Người khát thiện chí đổi mới nội tâm của ta.

Người khát sự dấn thân của ta làm chứng cho tình yêu thương xót vô biên của Người.

Long Xuyên, ngày 16-6-2000