Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Chúa Giêsu khóc

Báo trước, đó là một việc không hoạ hiếm trong lịch sử cứu độ. Chính Chúa Giêsu đã thực hiện nhiều việc báo trước. Người báo trước Người sẽ từ đau khổ đi tới phục sinh. Trái lại, Người báo trước thành Giêrusalem sẽ từ tình trạng ổn định đi xuống tình trạng bị tàn phá. Việc báo trước thê thảm này xảy ra trong trường hợp Người khóc thương thành Giêrusalem.

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Ðức Giê-su khóc thương mà nói: "Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm" (Lc 19,41-44).

Chúa Giêsu khóc, đó là điều rất khác thường. Lần này chuyện đó diễn ra công khai. Nó mang tính cách tiên tri. Nước mắt của Chúa báo trước một tương lai khủng khiếp.

Là người Israel, Người trọng kính, mến yêu kinh thành. Người thấy thành đô đang phô vẻ tự hào vinh quang với bao công trình kiến trúc, văn hoá, tôn giáo của nhiều thế hệ và với cuộc sống ổn định của dân thành. Nhưng Người thấy trước sẽ có ngày tất cả phải bị tàn phá. Giêrusalem bị tàn phá vì những nguyên nhân sâu xa về tôn giáo. Ðọc kỹ đoạn Phúc Âm trên, chúng ta thấy hai nguyên nhân:

 Nguyên nhân thứ nhất là vì Giêrusalem đã không đáp lại sứ điệp hoà bình của Chúa

Sứ điệp hoà bình được công bố trong chính cuộc sống và giáo lý của Chúa Kitô. Người đến với chủ trương xây dựng một cộng đoàn bình an, yêu thương. Người không áp đặt, không dùng sức mạnh. Người chỉ muốn cảm hoá bằng một cuộc sống hiền lành khiêm nhường, yêu thương phục vụ. Người chủ trương dùng nhân đức đẩy lùi tội lỗi, “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm”.

Sự bình an mà Chúa Giêsu muốn xây dựng cho Giêrusalem là cảnh sinh sống lo làm ăn thay vì lo đấu đá nhau. Cảnh sống đó được tiên tri Isaia báo xưa: “Họ sẽ lấy gươm đao đúc thành cày cuốc, đem giáo mác mài ra lưỡi hái lưỡi liềm” (Is 2,4). Hơn nữa, cảnh sống an bình còn là cảnh sống hoà hợp, thân thương giữa những người trước kia thù địch. Cảnh đó cũng được tiên báo trong Isaia “Bấy giờ sói sẽ ở chung với chiên, hổ sẽ nằm bên dê, bò và sư tử sẽ được nuôi chung với nhau” (Is 11,6). Cảnh an bình như trên là là một dự kiến. Chúa muốn Dân Chúa cùng với Chúa thực hiện, kiên trì từng bước. Dân Chúa phải chủ động bước trước, bước hoài tới bước sau cùng. Thế nhưng Giêrusalem đã không chịu làm như vậy.

 Nguyên nhân thứ hai là vì Giêrusalem đã không đón tiếp những cuộc Chúa đến viếng thăm

Chúa Giêsu đến với họ, không phải để cứu họ ra khỏi cuộc sống phức tạp, nhưng để mời gọi họ cùng Người đi vào thực tại cuộc sống đời này.Trong đó, Người sẽ cùng họ biến đổi những cái xấu thành những cái tốt, những cái coi như vô ích thành những cái hữu ích, những cái hèn mọn thành những cái cao quý. Bằng cách dấn thân vào cuộc đời như thế, Chúa Giêsu muốn làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa. Một tình yêu thương xót có sức chiến thắng hận thù. Một tình yêu khiêm nhường có sức vượt thắng kiêu căng. Một tình yêu đầy sinh lực có sức làm cho sự chết nảy sinh ra sự sống rực rỡ vinh quang.

Ðức Kitô đã đi sâu vào thực tế cuộc đời như một cuộc phấn đấu quyết liệt của tình yêu. “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến bằng lòng chịu chết trên thánh giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người” (Pl 2,7-8).

Thiên Chúa đã sai nhiều tiên tri đến thăm thành Gierusalem, sau cùng Thiên Chúa sai chính Con Một Mình đến. Với các cuộc viếng thăm đó, Chúa muốn dạy Giêrusalem sống yêu thương một cách khiêm nhường quảng đại bao dung. Nhưng chính đó là điều Giêrusalem khước từ.

Họ không đón nhận Chúa đến viếng thăm với mục đích dạy họ bài học như thế. Họ không tiếp nhận sứ điệp hoà bình. Những chọn lựa đó của họ sẽ đưa họ đến thảm hoạ: Thành bị tàn phá. Chúa Giêsu thấy trước. Người buồn bã khóc thương.

Nhìn Chúa khóc thương, tôi cảm thấy gần lại bên Chúa. Tôi cảm thấy Chúa Giêsu mặc khải hình ảnh Thiên Chúa là tình yêu cao cả.

Người là tình yêu khiêm nhường. Biết rõ con cái mình đã chọn lựa sai. Nhưng Chúa khiêm nhường, tôn trọng sự tự do chọn lựa đó, cho dù sự lựa chọn ấy nghịch lại với Chúa. Chúa rất đau khổ, đợi chờ con cái nghĩ lại.

Người là tình yêu thương xót. Người hiệp thông sâu sắc với các diễn biến lịch sử của con cái Người. Thấy thành sẽ bị tàn phá do lỗi lầm họ gây nên, Chúa rất xót thương. Chúa coi những tàn phá kia sẽ là tiếng gọi hữu hiệu để con cái trở về.

Người là tình yêu khôn ngoan. Người báo trước những gì sẽ xảy ra cho con cái trong tương lai. Ðặc biệt là những tai hoạ được Người báo trước bằng cảnh giác và bằng nước mắt.

Hôm nay, tôi cũng cảm thấy Chúa Giêsu đang khóc. Người khóc cho tôi, cho cộng đoàn tôi, cho Hội Thánh của tôi. Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II sám hối về quá khứ. Còn Chúa Giêsu thì khóc cho tương lai.

Những cảm nhận trên đây dẫn đưa tôi bước thêm nữa trên đường trở về với Chúa. Càng bước trên con đường trở về, tôi càng xác tín: Trở về là một ơn Chúa ban.

Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đến muôn đời.

Long Xuyên, ngày 30-3-2000