Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Trả lời phỏng vấn

Hỏi: Thưa Ðức Cha, Ðức Cha là vị Giám Mục Việt Nam duy nhất được phong chức đúng vào ngày quan trọng của lịch sử đất nước (30/4/1975). Có nhiều cách nhìn về sự trùng hợp này, nhưng đâu là cái nhìn riêng của Ðức Cha?

Thưa: Tôi nhớ lại biến cố trùng hợp ấy. Qua giữa tháng 4 năm 1975, vào một ngày thứ sáu, khoảng 03 giờ trưa, Ðức Cha Micae Nguyễn Khắc Ngữ đến phòng tôi, cho tôi biết Ðức Thánh Cha Phaolô VI bổ nhiệm tôi làm Giám Mục phó Long Xuyên. Tôi bàng hoàng. Thế rồi, sau đó hơn mười ngày, trưa ngày 30/4/1975, lễ thụ phong được cử hành rất đơn sơ tại nhà thờ cũ nhỏ bé của họ đạo Long Xuyên. Khoảng 50 người tham dự. Tôi lo sợ.

Trước chức vụ mới, tôi thấy mình quá mong manh. Lúc đó, cảm nghĩ của tôi là: Xưa, thánh Gioan Baotixita, bổn mạng tôi, đã là chiếc cầu giữa Cựu Ước và Tân Ước. Nay, Chúa sai tôi vào thời mới này, biết đâu Chúa cũng muốn tôi là một chiếc cầu nào đó. Thế thì mình sẽ cố gắng là một chiếc cầu nhỏ. Người ta qua cầu, chứ chẳng ai dừng lại trên cầu.

Hỏi: Thưa Ðức Cha, cái nhìn đó được cụ thể hoá như thế nào?

Thưa: Làm chiếc cầu mà tôi nói đây, chủ yếu là giúp người ta vượt qua những vết thương của quá khứ, để bước sang thời kỳ tập trung vào Chúa Giêsu. Bởi vì, đối với tôi, Ðấng cứu độ không phải là chủ thuyết này, chủ thuyết nọ, nhưng là chính Ðức Kitô. Cần hiểu biết Người, bước theo Người, gắn bó với Người. Tư tưởng đó xâm nhập hồn tôi và được hình ảnh hoá. Sự việc xảy ra thế này: Vài ngày sau thụ phong, một đêm, tôi chiêm bao gặp Chúa Giêsu. Tôi đang đi giữa cánh đồng lúa, thì thấy từ xa một người đi tới. Tôi nhận ra ngay người ấy là Chúa Giêsu. Người dẫn tôi đến phố, vào một bệnh viện lớn. Người dắt tôi qua các phòng bệnh nhân. Tôi thấy bệnh nhân nằm la liệt. Chúa Giêsu tỏ nét mặt đăm chiêu, thương xót, buồn sầu. Tôi xiết chặt tay Người. Và tôi tỉnh lại. Chiêm bao đó đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ rất rõ dung mạo Chúa Giêsu.

Từ đó, các suy nghĩ và hoạt động mục vụ của tôi được diễn tiến qua ba mấu chốt này:

Một là lý trí phải luôn mở rộng ra về bầu trời sự thực bao la sâu thẳm. Sự thực về Chúa Giêsu, sự thực về Hội Thánh của Chúa Giêsu, sự thực về con người và đời người.

Hai là đức tin phải là gặp gỡ sống động với Chúa Giêsu, gắn bó mật thiết với Người, bước đi theo Người.

Ba là mối dây nối kết lý trí và đức tin phải hướng mọi hoạt động về yêu thương và phục vụ đồng bào một cách thiết thực, nhất là những người đau khổ, để họ có được sự sống dồi dào.

Hỏi: Có lẽ không cần nhắc lại ở đây những thành quả tốt đẹp, mà Ðức Cha đã xây dựng được ở giáo phận Long Xuyên. Vậy đâu là những bí quyết cho những thành quả ấy?

Thưa: Một trong những thành quả tôi thích nhất là thành quả về đào tạo nhân sự như hai Tân Giám Mục từ Long Xuyên, rồi chẳng hạn các người trong giáo phận tôi đã đạt được điều, mà Ðức Hồng Y Etchegaray đã cầu chúc, trong bài giảng của Ngài tại nhà thờ Chánh Toà Long Xuyên. Ngài nói:

Hãy tự hào mình là người công giáo,

Hãy tự hào mình là người Việt Nam.

Phải, chúng tôi tự hào mình là người công giáo, luôn trung thành với Hội Thánh Công giáo. Chúng tôi tự hào mình là người Việt Nam, luôn trung thành với Tổ Quốc Việt Nam.

Bí quyết của các thành quả là tỉnh thức giữ gìn lương tâm tông đồ, luôn sống tuỳ thuộc vào Ðấng đã sai mình.

Hỏi: Kỷ niệm 25 năm Giám Mục của Ðức Cha, Ðức Thánh Cha có một “thông điệp” nào cho cá nhân Ðức Cha?

Thưa: Có. Ðức Thánh Cha đã gởi một bức thư riêng. Ðây là một bất ngờ lớn đối với tôi. Bức thư mở đầu thế này:

Vào chính ngày Chúa nhất thứ II Phục sinh trong năm Ðại toàn xá này, Ðức Cha hân hoan mừng kỷ niệm 25 năm ngày thụ phong Giám Mục của Ðức Cha. Quả thật kỷ niệm đẹp đẽ này nhắc lại muôn vàn công ơn của Thiên Chúa từ nhân, mà trong ngày này Ta cũng muốn ca ngợi và truyền rao. Phần Ðức Cha, Ta chắc chắn rằng, Ðức Cha sẽ mừng trọng thể lễ Ngân Khánh của Ðức Cha cùng với các anh em trong chức vụ Giám Mục và cùng với toàn thể cộng đồng giáo phận Long Xuyên.

Ta muốn gởi đến Ðức Cha lá thư này như hiện diện bằng tinh thần và như dấu chỉ chân thật của tâm tình của Ta trong ngày lễ vui mừng của Ðức Cha. Xin Ðức Cha tin chắc rằng, trong chính ngày đó, ở Rôma trước đền thờ Thánh Phêrô, Ta cùng với các tín hữu sẽ cử hành các nghi thức phụng vụ và liên kết với Ðức Cha trong tình bác ái huynh đệ”.

Sau khi kể lại những chặng đường ơn gọi, mà Ðức Thánh Cha cho rằng “đã không dễ dàng gì”, Ðức Thánh Cha kết luận bức thư bằng những lời nhắn nhủ thân thương: “Xin Ðức Cha hãy canh tân sức mạnh của Ðức Cha và trong cuộc chiến đức tin, Ðức Cha hãy “đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Ðức Giêsu Kitô” (2 Tim 2,3).

Sau cùng, xin hãy nhận lá thư này với tất cả tâm tình của Ta, đồng thời Ta rộng ban phép lành Toà Thánh với bao ơn phúc bởi trời, trước tiên cho Ðức Cha, rồi cho các Giám Mục, các Linh mục, Tu sĩ cùng toàn thể giáo dân liên kết với Ðức Cha trong mối dây tình yêu”.

Tôi hết lòng cảm tạ Ðức Thánh Cha về tấm lòng ưu ái đặc biệt Ngài dành cho tôi và giáo phận tôi.

Tiếp nhận bức này của Ðức Thánh Cha, và nhớ lại những liên kết tích cực đa dạng của tôi với Toà Thánh, tôi nhìn thấy mờ mờ hình dáng một chiếc cầu giữa đây và đó.

Hỏi: Ðức Cha cũng là vị Giám Mục viết nhiều nhất trên tờ Công giáo và Dân tộc. Ðức Cha nghĩ gì, khi chọn diễn đàn này làm nơi chia sẻ những suy tư về đức tin của mình?

Thưa: Khi chia sẻ suy tư và cảm nghiệm của tôi về đức tin trên tờ Công giáo và Dân tộc, tôi thường nghĩ tới lời thánh Phaolô “Những kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi” (2 Cor 4,7). Tờ báo cũng như tôi, chỉ là những chiếc bình sành, nhưng nếu từ đó vang lên được một chút tâm tình tuyên xưng Chúa từ nhân, qua việc loan đi Lời Chúa và những hoạt động yêu thương phục vụ của Hội Thánh đó đây, thì dù vang lên trong sa mạc, như thánh Gioan Baotixita nói, tôi vẫn thấy vui.

Thiết tưởng, đây cũng là chuyện của một chiếc cầu nhỏ. Có thể là một số người đã qua cầu.

Rất may là chẳng ai đứng lại trên cầu. Nhưng tất cả họ cũng như tôi, đều là những người vượt qua thời cuộc, đều được Ðức Mẹ Maria dẫn về phía trước đến với Chúa Giêsu, là Ðấng cứu độ của chúng ta.

Tháng 4-2000