Đức Cha Gioan Baotixita
Bùi Tuần, gp Long Xuyên

Chuyển sang


:::Trang GPLongXuyên


:::Trang GHHV


  THAO THỨC - Tập 1 - 1999-2000
 LÀM CHỨNG CHO ÐỨC KITÔ ÐẾN TẬN CÙNG TRÁI ÐẤT -1999-
 LỜI ÐẦU TIÊN CỦA ÐẦU THẾ KỶ -2000-

Nội quan

Phúc Âm thánh Gioan kể rằng: “Một hôm ông Gioan (Baotixita) đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông. Thấy Ðức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: Ðây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1,35-36).

Tôi tự hỏi: Do đâu thánh Gioan Baotixita đã nhận ra Ðức Giêsu là Chiên Thiên Chúa? Có thể thưa: Do nội quan của Gioan Baotixita. Ngài có một thứ cảm quan thiêng liêng nhạy bén trong nội tâm Ngài. Cảm quan này hoàn toàn trút bỏ được cái tôi và mọi dục vọng xấu, nhưng đầy thao thức về Nước Trời, nên cảm nhận được một vẻ đẹp lạ lùng nơi Ðức Giêsu, mặc dầu vẻ đẹp đó ẩn dạng dưới một dáng người nghèo nơi Ðức Giêsu. Với ơn Chúa Thánh Thần, nội quan đó đã dễ dàng nhận ra sự cao cả nơi Ðức Giêsu.

Thánh sử Gioan kể tiếp: “Hai môn đệ Gioan nghe ông nói, liền đi theo Ðức Giêsu. Ðức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: Các anh tìm gì thế? Họ đáp: Thưa Thầy, Thầy ở đâu? Người bảo họ: Hãy đến mà xem. Họ đã đến xem chỗ Người ở. Họ đã ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,37-39).

Tôi cũng tự hỏi: Do đâu hai môn đệ thánh Gioan Baotixita đã nhận ra Ðức Giêsu là Ðấng họ mong chờ trên đường tìm tu thân cứu độ? Có thể thưa: Cũng do cái nhìn của nội quan từ bên trong tâm hồn các ông. Thực vậy, khi đến chỗ Chúa Giêsu ở, chắc chắn các ông chỉ thấy một căn nhà nghèo nàn, một nếp sống đơn sơ. Mắt họ chỉ thấy thế. Nhưng nội quan họ đã thực sự rung động, khi khám phá thấy bao giá trị cao quý ẩn tàng dưới những cảnh bề ngoài nghèo hèn. Nội quan các ông đã nhìn sâu vào thực tại, đã nắm bắt đúng sự thực. Không do lý luận, mà là do sự nhạy cảm của một trạng thái tâm hồn tĩnh lặng, đơn sơ, luôn khát khao sự thực. Khi gặp được sự thực cao quý, thì lòng rung động một cách hồn nhiên, biểu hiện một sự gặp gỡ tự do thanh khiết.

Từ hai trường hợp trên đây được kể trong Phúc Âm, tôi đi tìm những hoạt động của nội quan trong cuộc sống. Kết quả của những gì tôi kiếm tìm là rất giới hạn. Nhưng nó vẫn nói lên được vài nhận định.

Với nội quan nghèo nàn hời hợt, người làm nghệ thuật sẽ cằn cỗi trong sáng tạo.

Nếu nội quan căng phồng bởi cái tôi tự mãn, người học Triết sẽ tự đặt ra những hàng rào thành kiến, cản trở nội quan gặp được sự thực.

Nếu nội quan chỉ biết rung động qua những rung động của dư luận, lương tâm sẽ dễ bị qui định bởi vô số sai lầm.

Nếu nội quan chỉ quen sống với những so sánh, tình hình đạo đức sẽ trở thành bãi chiến trường của các xung đột cạnh tranh.

Nếu nội quan chỉ vận hành theo các lý luận của sự khôn ngoan hoàn toàn thế tục, sức sống Kitô giáo sẽ bị kẹt vào những khuôn mẫu hẹp hòi, không thể nào mở ra được về cõi trời mênh mông của Tin Mừng.

Nếu nội quan chỉ tìm an tâm, an nhàn, người hoạt động tôn giáo sẽ không ngại tự bọc mình bằng những lý thuyết rườm rà cũ kỹ, rồi đóng lại tất cả các cửa trí khôn, để khỏi thấy và nghe những chuyển biến của thực tại.

Nội quan cá nhân bị đui mù là một mất mát lớn cho cá nhân và cho xã hội. Nội quan tập thể bị thui chột là một đại hoạ cho lịch sử của cả một Hội Thánh địa phương và của cả một dân tộc.

Khi chúng ta quen nhìn mọi sự mọi người dưới ánh sáng Lời Chúa và với tình yêu của Chúa, chúng ta sẽ dần dần hiểu thế nào là một nội quan, mà người môn đệ Ðức Kitô cần phải có.

Với nội quan này, người môn đệ Chúa sẽ có một cái nhìn mới về Quê Hương, về Ðồng Bào, về thời cuộc, về Hội Thánh. Nhất là với nội quan này, người được Chúa sai đi vào ngày hôm nay, đến địa phương này, sẽ thấy sứ vụ của mình là phải yêu thương và phục vụ mọi người một cách khiêm nhường, tế nhị, như Ðức Giêsu, Ðấng yêu thương và phục vụ chúng ta.

Một nội quan được tôi luyện bởi ánh sáng Lời Chúa và tình yêu của trái tim Chúa sẽ dễ đón nhận kế hoạch cứu độ của Chúa dành cho Hội Thánh và Quê Hương chúng ta. Kế hoạch cứu độ đó vẫn là Tình yêu. Nó đòi chúng ta phải tích cực góp phần mình vào việc thực hiện yêu thương và phục vụ của Chúa Giêsu là Ðấng cứu độ. Nó đòi chúng ta phải dấn thân vào hành trình người đầy tớ Ðức Giavê, mà tiên tri Isaia đã loan báo xưa. Nó đòi chúng ta phải ra đi truyền giáo, như người ra khơi thả lưới, và như người ra ruộng gieo giống trồng cây.

Mong rằng Năm Thánh 2000 sẽ là dịp tốt để mỗi người chúng ta chăm sóc nội quan của mình, nhất là bằng sự gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, để có thể nói được như thánh Phaolô: “Ðối với tôi, sự sống là chính Ðức Kitô” (Pl 1,21). Lúc đó, nội quan chúng ta sẽ rất nhạy bén trước các giá trị Phúc Âm, và sẽ sẵn sàng thực thi thánh ý Chúa một cách hân hoan, dù trong những hoàn cảnh bi đát.

Long Xuyên, ngày 25-02-2000